Điện ảnh Việt đang thiếu một bức tường văn hóa đủ kiên cố

Ngân Long - Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 19:00 12/09/2017

Trung Quốc có Tứ đại kì thư được làm đi làm lại trên màn ảnh, Mỹ có loạt phim siêu anh hùng thống trị phòng vé thế giới. Điện ảnh Việt vẫn mãi loay hoay trong việc tạo ra một kịch bản "xem được". Trong khi chúng ta không hề thiếu những mảng miếng văn hóa mang tính cột trụ.

Không phải ngẫu nhiên khi nhắc đến điện ảnh Mỹ, người ta sẽ nghĩ đến siêu anh hùng. Hay khi nhắc đến điện ảnh Trung Quốc, người ta nhớ đến những tác phẩm dựa trên Tứ đại kì thư. Bởi vì đó là kết quả của một quá trình dài hơi: xây dựng nền điện ảnh dựa trên nét đặc trưng văn hóa của nước mình. Và kết quả là những nền điện ảnh Mỹ, Trung có đủ nội lực để nuôi sống người trong ngành, ngăn chặn xâm lăng văn hóa và quảng bá văn hóa ra toàn cầu.

Chuyển thể một vạn lần, vẫn có người xem.

Lấy một ví dụ quen thuộc: Tây du ký của Ngô Thừa Ân, một trong tứ đại kì thư bên cạnh Tam quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng, Thủy hử. Phần lớn người xem đều đồng ý rằng phiên bản Tây du ký năm 1986 chính là phiên bản tuyệt vời nhất khi huyển thể từ tiểu thuyết. Dù rằng thời điểm 1986 kĩ xảo còn thô sơ và chưa thể quay được nhiều phân đoạn hoành tráng như hiện tại, nhưng diễn xuất tuyệt vời của những Lục Tiểu Linh Đồng (Tôn Ngộ Không), hay bộ ba diễn viên đóng vai Đường Tăng là Uông Việt, Từ Thiếu Hoa, Trì Trọng Thụy đã chinh phục khán giả khắp châu Á.

Những chú bé sinh ra trong thập niên 9x của Việt Nam hẳn vẫn còn nhớ những ngày Tết Trung thu đeo mặt nạ Tôn Ngộ Không, cầm bóng đèn cũ múa may cùng bạn bè, hay những buổi tối quây quần bên chiếc tivi cũ cùng bạn bè xem phim.

Điện ảnh Việt đang thiếu một bức tường văn hóa đủ kiên cố - Ảnh 1.

Tây du ký: thời thơ ấu của các bạn trẻ 9x

Thế nhưng những nhà làm phim của Trung Quốc không bị cái bóng của bộ phim này đè nặng, mà ngược lại, họ còn tích cự chuyển thể, hoặc cải biên bộ tiểu thuyết Tây du ký thành những phiên bản khác nhau. sự thành công của một số phiên bản đã chứng tỏ được hai điều: khả năng làm phim của người Trung Quốc và sức nặng của cột trụ mang tên Tây du ký.

Một trong số đó có lẽ là Đại thoại Tây du: Tiên lí kỳ duyên của đạo diễn Lưu Trấn Vĩ do Châu Tinh Tri đóng chính. Bộ phim lấy bối cảnh là việc Chí Tôn Bảo (Châu Tinh Trì), vốn là kiếp sau của Tôn Ngộ Không, phải trở lại hình dạng của Tề Thiên Đại Thánh, bảo hộ Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh. Quá trình chuyển đổi từ một Chí Tôn Bảo vô lại, gian xảo và lẻo mép trở thành một Tề Thiên Đại Thánh, đoạn tuyệt thất tình lục dục, môt lòng hướng Phật đã được diễn tả khéo léo qua tài diễn xuất của Vua hài Châu Tinh Trì. Và đoạn tình duyên với Tử Hà tiên tử (Chu Ân) của Chí Tôn Bảo, đã trở thành một tình tiết kinh điển.

Điện ảnh Việt đang thiếu một bức tường văn hóa đủ kiên cố - Ảnh 2.

Bộ đôi Châu Tinh Trì- Chu Ân trong Tiên lí kỳ duyên

Câu nói: "Nếu có thời hạn cho mối tình này, tôi hi vọng nó kéo dài 1 vạn năm", của Chí Tôn Bảo đã được lặp lại trong một vài tác phẩm khác, hay ca khúc Nhất sinh sở ái (Mối tình trọn đời) của phim đã khắc sâu trong tâm trí những người yêu điện ảnh.

Nhất sinh sở ái - Lư Quán Đình

Qua một ví dụ trên, người xem thấy được sự phối hợp tuyệt vời của phim ảnh và văn hóa nước nhà: Tây du ký là một tác phẩm châm biếm xã hội sâu sắc, nhưng cũng hàm chứa nhiều đạo lí của Đạo giáo lẫn Phật giáo.

Việc mượn những hình tượng trong Tây du ký giúp đạo diễn dễ dàng thu hút sự chú ý của người xem, đồng thời truyền tải thông điệp của mình. Ngược lại, một bộ phim chuyển thể càng thành công, thì càng khiến người ta quan tâm đến tác phẩm gốc, nền văn hóa đã làm nên tác phẩm đó. Đó là lý do tại sao ở Việt Nam có rất nhiều bạn trẻ thuộc làu những điển tích "tam cố thảo lư", "thuyền cỏ mượn tên"… Tất cả là nhờ sự khai phá của bộ phim Tam quốc diễn nghĩa của Trương Kỉ Trung sản xuất năm 1990 đã đem những nhân vật thời Tam Quốc đến gần họ hơn.

Trong thời đại này, việc xuất hiện những tác phẩm chuyển thể đã trở thành một trong các yếu tố để dánh giá sức mạnh, sự phong phú của ngành điện ảnh.

Tương tự với Mỹ, họ tuy không có những bộ sách kinh thư, sử thi đồ sộ như Trung Quốc nhưng họ có tinh thần và giấc mơ Mỹ luôn được nhắc tới. Và họ đã biến những giá trị tinh thần đó thành những hiện tượng, đơn cử như loạt phim siêu anh hùng chuyển thể từ truyện tranh mà giờ đây luôn là những bộ phim công phá phòng vé.

Điện ảnh Việt đang thiếu một bức tường văn hóa đủ kiên cố - Ảnh 4.

Captain America không chỉ là Đội trưởng Mỹ mà còn là một biểu tượng Mỹ

Cũng phải nhắc đến Đài Loan, hiện tại phim Đài Loan gần như lép vế hơn với phim Trung Quốc nhưng nhắc đến phim Đài Loan thì những khán giả trẻ sẽ ghi nhớ một giai đoạn dòng phim thần tượng tấn công ồ ạt màn ảnh nhỏ. Dù đa số được chuyển thể từ truyện tranh Nhật Bản nhưng dấu ấn về phim thần tượng Đài Loan là cực kì rõ nét.

Điện ảnh Việt đang thiếu một bức tường văn hóa đủ kiên cố - Ảnh 5.

Lưu Tinh Hoa Viên đã tạo nên cơn sốt phim thần tượng Đài Loan, dù được chuyển thể từ truyện tranh Nhật Bản

Nói như vậy để thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của sách, truyện trong điện ảnh. Chúng không chỉ là đề tài cho điện ảnh nước nhà mà còn là nguồn cảm hứng cho ngành điện ảnh nước bạn, thậm chí là gây được tiếng vang.

Còn điện ảnh Việt Nam: Không lẽ vườn không nhà trống?

Trong lúc người Trung Quốc mải mê khai thác "bầu sữa" mang tên Tứ đại kì thư, người Mỹ, Nhật hốt bạc từ "dây chuyền khép kín": truyện - phim - game - đồ chơi, thì người Việt Nam vẫn loay hoay trên bãi đất trống, chống đỡ yếu ớt sự xâm lăng văn hóa như vũ bão của nước ngoài.

Bởi vì những tác phẩm đậm chất văn hóa Việt vẫn còn quá ít, nói gì đến những tác phẩm chuyển thể từ văn học cổ đại Việt Nam. Chẳng hạn như truyện thơ Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu đã từng được chuyển thể thành phim truyền hình, tuy nhiên bộ phim cũng chưa gây được tiếng vang. Phiên bản điện ảnh đầu năm nay Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu cũng nhạt nhẽo.

Điện ảnh Việt đang thiếu một bức tường văn hóa đủ kiên cố - Ảnh 6.

Phim truyền hình Lục Vân Tiên với sự tham gia của Quyền Linh, Chi Bảo, Hà Kiều Anh…

Đây quả là một sự đáng tiếc, vì văn học cổ Việt Nam tuy bị tổn thất bởi chiến tranh, nhưng những tác phẩm như Truyện Kiều, Truyền kì mạn lục, Lĩnh Nam chích quái… hoàn toàn là những chất liệu tốt để chuyển thể thành phim.

Cũng không hẳn là không có khi mà Ngô Thanh Vân đã làm người tiên phong đưa cổ tích Việt Nam lên màn ảnh rộng với đầu tư công phu. Nhưng một Tấm Cám: Chuyện chưa kể sẽ vẫn rất khó khăn để khẳng định cho số đông khán giả thấy rằng tư liệu dân gian ở Việt Nam nhiều vô kể.

Điện ảnh Việt đang thiếu một bức tường văn hóa đủ kiên cố - Ảnh 7.

Hay như những kì liên hoan phim Quốc tế, các bộ phim Việt Nam tham dự hầu hết đều là những bộ phim nghệ thuật khai thác nội tâm của con người, hoặc những bộ phim phô diễn được nét đẹp của thiên nhiên Việt Nam. Nhưng nước ta đâu chỉ có cảnh đẹp! Ngàn năm Văn hiến, bề dày lịch sử đồ sộ, nền văn hóa cực kì đa dạng đâu rồi, sao mãi vẫn chưa thể mang lên phim cho thật ra hồn!? Thực sự rất đáng tiếc!

Trong thời đại thế giới phẳng, việc tiếp thu văn hóa nước khác một cách dễ dàng khiến cho nhiệm vụ giữ gìn bản sắc dân tộc ngày một khó khăn. Hi vọng rằng trong thời gian tới, các nhà làm phim có thể chung tay tạo ra những bộ phim mang nét văn hóa Việt thật hay và đáng nhớ. Vì chúng không chỉ là cột trụ cho một nền điện ảnh mà còn là tường thành cho một nền văn hóa được thừa hưởng từ cha ông chúng ta.