Điện ảnh Việt một thập kỷ nhìn lại: Khai sinh hàng loạt khái niệm mới, người người nô nức lao vào cuộc đua trăm tỉ

NT, Theo Helino 20:27 15/01/2020

Điện ảnh Việt một thập kỷ qua có khiến những người yêu nghệ thuật chân chính thực sự thỏa mãn với những gì đã làm được?

Nếu là một người đủ yêu và theo dõi điện ảnh Việt suốt 10 năm qua thì hẳn trong những ngày cuối cùng của thập kỷ bạn sẽ nhận ra suốt thời gian qua điện ảnh nước nhà đã có những bước tiến rõ nét. Dù có thành công, có thất bại thì qua 10 năm điện ảnh Việt cũng đã đi đến một cột mốc mới mà những thập trước trước có lẽ chưa ai dám nghĩ tới. Và chúng ta, những người có lúc tưởng đã rời đi vì chất lượng phim quá tệ hay những trò lố bên lề bộ phim thì đến với bài viết này nghĩa là chúng ta vẫn còn một mối quan tâm nhất định đến nền điện ảnh nước nhà. Vậy thì trước một cột mốc quan trọng, hãy cùng nhìn lại xem 10 năm qua, điện ảnh Việt đã mang gì đến cho khán giả và những người hâm mộ.

Số lượng liên tục tăng trưởng, chất lượng có cải thiện nhưng chưa có tác phẩm tầm cỡ

Qua 10 năm nhìn lại, người Việt có quyền tự hào về số lượng những bộ phim Việt Nam ra rạp đã tăng lên đáng kể qua từng năm. Không mùa nào, không ngày lễ nào, khán giả lại thiếu phim Việt để xem. Chưa bàn đến chất lượng chỉ cần biết qua mười năm, chúng ta có một kho phim Việt để ngồi nói với nhau vào mỗi dịp tụ tập. Các tác phẩm rất đa thể loại, đa phong cách và bước đầu có những trải nghiệm, dấn thân vào những sân chơi lớn hơn như phim siêu anh hùng, phim tội phạm. Đó là trường hợp Siêu Nhân X (2015), Siêu Trộm (2016), Lôi Báo (2017), Người Bất Tử (2018) tuy rằng được kỳ vọng rất lớn bởi yếu tố khác biệt nhưng vẫn chưa thể chạm đến thành công như mong đợi.

Mười năm qua, điện ảnh Việt đã có những thử nghiệm mới mẻ nhưng vẫn chưa thành công như mong đợi

Mười năm đó chứng kiến một cú vươn mình ngoạn mục của điện ảnh Việt. Từ những ngày tập tành làm những bộ phim hành động đầu tiên với Bẫy Rồng, Long Ruồi, Thiên Mệnh Anh Hùng,... mười năm sau, chúng ta có Hai Phượng, một tác phẩm với kỹ xảo và hiệu ứng đã đạt đến chuẩn Hollywood. Từ khi Hai Phượng ra mắt và tạo được tiếng vang, người ta thường lấy hai cột mốc Bẫy Rồng (2009) với Hai Phượng (2019) để so sánh một thời kỳ phát triển của điện ảnh Việt. Qua mười năm, điện ảnh Việt đã có bộ phim hành động khiến người Việt mãn nhãn và so sánh được với những tác phẩm quốc tế. Nhìn Hai Phượng và Ngô Thanh Vân - người đặt gạch trong những sản phẩm hành động tầm cỡ của điện ảnh Việt sẽ thấy một bước tiến rõ rệt. Đó là mười năm khẳng định thương hiệu "đả nữ số một màn ảnh" không thể thay thế của Ngô Thanh Vân.

Từ Bẫy Rồng đến Hai Phượng là một bước tiến dài của điện ảnh Việt

Nhưng Hai Phượng liệu có phải là đỉnh cao của phim Việt chưa? Có lẽ là vẫn chưa. Mười năm qua đi từ Bẫy Rồng đến Hai Phượng là một sự tiến bộ đáng ghi nhận của nền điện ảnh. Nhưng có một điều phải thừa nhận rằng đó vẫn chưa phải là tác phẩm tầm cỡ và điện ảnh Việt vẫn chưa tiến đến một tầm cao mới như chúng ta từng mong đợi. Nhìn vào chất lượng những phim ra rạp mười năm qua, kể cả loạt phim được đánh giá cao thì vẫn chưa có tác phẩm nào chạm đến giá trị cao nhất của điện ảnh.

Chúng ta vẫn chưa thể có một Parasite (Ký Sinh Trùng) như của điện ảnh Hàn Quốc - tác phẩm mang những giá trị xã hội và đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật làm phim. Tất nhiên là không thể kỳ vọng một nền điện ảnh còn non trẻ như Việt Nam giành Cành Cọ Vàng nhưng chúng ta rõ ràng chưa một tác phẩm mang tính đại diện và mang bản sắc Việt như Parasite đã làm cho Hàn Quốc?

Điện ảnh Việt một thập kỷ nhìn lại: Khai sinh hàng loạt khái niệm mới, người người nô nức lao vào cuộc đua trăm tỉ - Ảnh 3.

Số lượng phim liên tục tăng lên nhưng 10 năm qua, chúng ta chưa có một tác phẩm tầm cỡ

Điện ảnh đi qua một thời kỳ chiều khán giả, chứng kiến sự lên ngôi rồi tàn lụi dần của thể loại hài nhảm, giật gân

Mười năm qua là một hành trình loay hoay đi tìm công thức đáp ứng thị hiếu khán giả của các nhà làm phim Việt. Đó là thời kỳ chứng kiến sự lên ngôi mạnh mẽ để rồi thoái trào của dòng phim giải trí, phim hài, giật gân. Một điều rất dễ nhận thấy là khi yếu tố hài được xem trọng trong các bộ phim thì cũng là lúc các danh hài coi điện ảnh là sân chơi của mình. Thời kỳ này những người thống trị phòng vé là những người giỏi mang đến tiếng cười của khán giả. Đó là thời kỳ phủ sóng của Hoài Linh, rồi Trường Giang, Trấn Thành từ mảng hài lấn sân sang, là ngày Thái Hòa trở thành "ông vua phòng vé" với thương hiệu chị Hội của loạt phim ăn khách Để Mai Tính. Thời kỳ đó những bộ phim điện ảnh giải trí nhẹ nhàng và có phần hời hợt chính là xu thế. Chỉ cần mang đến tiếng cười và có đôi chút mới lạ, động chạm đến vấn đề giới tính như Để Mai Tính hoặc bắt theo xu hướng lấy chồng muộn của thời đại như Gái Già Lắm Chiêu sau này thì đều dễ thành công. Thực tế là đến tận thời điểm này khi Gái Già Lắm Chiêu sắp ra mắt phần 3 và Cua Lại Vợ Bầu, Siêu Sao Siêu Ngố - những bộ phim nặng tính giải trí còn nằm trong top tác phẩm có doanh thu cao nhất Việt Nam thì công thức này vẫn còn đúng. Dĩ nhiên xu hướng đã không còn quá thịnh hành như khoảng 3, 4 năm về trước khi khán giả chưa đặt ra yêu cầu quá cao với phim Việt như bây giờ.

Điện ảnh Việt một thập kỷ nhìn lại: Khai sinh hàng loạt khái niệm mới, người người nô nức lao vào cuộc đua trăm tỉ - Ảnh 4.

Thái Hòa từng là tên tuổi bảo chứng phòng vé với loạt phim thương hiệu Để Mai Tính

Mười năm qua có một thời kỳ, phim remake gần như chiếm sóng trên màn ảnh rộng. Những bộ phim này phản ánh tình trạng một giai đoạn, kịch bản là lỗ hổng chẳng cách nào lấp đầy của điện ảnh Việt. Và giải pháp của các đạo diễn đó là làm lại loạt phim đã ăn khách ở những nền điện ảnh tiên tiến. Bắt đầu từ Em Là Bà Nội Của Anh (2015) - tác phẩm đến hiện tại vẫn nằm trong top phim ăn khách nhất Việt Nam, trào lưu remake bắt đầu nở rộ. Có thời gian, phim remake chiếm một tỷ lệ lớn trong số những phim ra rạp. Đó là giai đoạn năm 2017 -2018 với hàng loạt tác phẩm làm lại từ kịch bản nước ngoài như Bạn Gái Tôi Là Sếp (2017), Sắc Đẹp Ngàn Cân (2017), Tháng Năm Rực Rỡ (2018), Ông Ngoại Tuổi 30 (2018) hay gần đây nhất Anh Trai Yêu Quái (2019). Điểm chung của những bộ phim này là kịch bản gốc đã tốt và có độ ăn khách nhất định nhưng sau Tháng Năm Rực Rỡ thì trào lưu phim remake cũng không còn được ưa chuộng. Phần nhiều là vì đa số những bộ phim remake hoặc quá nhạt nhòa hoặc quá bám sát bản gốc mà không có dấu ấn riêng.

Điện ảnh Việt một thập kỷ nhìn lại: Khai sinh hàng loạt khái niệm mới, người người nô nức lao vào cuộc đua trăm tỉ - Ảnh 5.

Đến thời điểm hiện tại, Em Là Bà Nội Của Anh vẫn là phim remake thành công nhất về mặt doanh thu

Bên cạnh chuyện mượn kịch bản nước ngoài thì mười năm qua, điện ảnh Việt đã và đang trải qua thời kỳ các bộ phim chuyển thể từ kịch bản văn học, sân khấu. Đó là trường hợp của những Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh (2015), Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể (2016), Cô Gái Đến Từ Hôm Qua (2017), Trạng Quỳnh (2019), Mắt Biếc (2019) hay tới đây là Cậu Vàng, Trạng Tí (2020). Xu hướng này đang là hướng đi chung của làng giải trí Việt bởi và được khán giả đón nhận khá tích cực. Ngoài điện ảnh thì âm nhạc cũng đang vay mượn yếu tố văn học hoặc làm mới những hình ảnh văn học để thu hút nhiều đối tượng khán giả hơn.

Điện ảnh Việt một thập kỷ nhìn lại: Khai sinh hàng loạt khái niệm mới, người người nô nức lao vào cuộc đua trăm tỉ - Ảnh 6.

Xu hướng chuyển thể từ văn học đã và đang rất thành công trên màn ảnh rộng

Khi đi qua thời thịnh hành của phim đặt nặng tính giải trí, điện ảnh Việt khoảng ba năm trở lại đây có xu hướng tìm về những giá trị xưa cũ, hoài cổ của nền văn hóa. Trường hợp gần như mang tính mở đường nhất có thể kể đến như Cô Ba Sài Gòn (2017) và kéo theo sau đó là Song Lang (2018). Những bộ phim có xu hướng hoài cổ, tìm về giá trị xa xưa tuy không ăn khách nhưng mang lại những nét riêng và là món ăn tinh thần mới lạ, đặc sắc cho khán giả. Nếu tiếp tục khai thác tốt như theo hướng đi của Song Lang, xu hướng này nhất định sẽ trở nên có giá trị hơn trong thời gian tới chứ không chỉ dừng lại ở một tác phẩm nghệ thuật, kén người xem và không mang tính đại chúng.

Điện ảnh Việt một thập kỷ nhìn lại: Khai sinh hàng loạt khái niệm mới, người người nô nức lao vào cuộc đua trăm tỉ - Ảnh 7.

Những năm gần đây, điện ảnh Việt có xu hướng tìm về những giá trị hoài cổ

Nếu nói về một thập kỷ vừa qua mà không nhắc đến sự xuất hiện và lên ngôi của những đạo diễn Việt kiều thì có lẽ quá thiếu sót. Mười năm sau Chuyện Tình Xa Xứ, Victor Vũ có thêm rất nhiều những tác phẩm ăn khách và có dấu ấn riêng như Cô Dâu Đại Chiến 1&2, Scandal 1&2, Quả Tim Máu, Người Bất Tử,... Mới đây, anh lại tiếp tục cho ra mắt thêm một tác phẩm đang oanh tạc phòng vé và tạo thành một trào lưu trên mạng xã hội là Mắt Biếc. Cùng với anh, Kathy Uyên từ một diễn viên tay ngang đã có thể làm ra tác phẩm của riêng mình là bộ phim gây sốt phòng vé Việt hiện nay - Chị Chị Em Em. Bên cạnh đó, những tên tuổi như Charlie Nguyễn, Dustin Nguyễn, Hàm Trần,... vẫn liên tục cho ra mắt những tác phẩm có dấu ấn riêng về phong cách làm phim và tư duy đề tài. Sự xuất hiện của họ trong mười năm qua mang đến cho điện ảnh Việt một luồng gió mới, một phong cách mới mẻ hơn. Và những cố gắng của họ trong mười năm qua phần nào đó cũng đã giúp nền điện ảnh Việt tiếp cận những giá trị mới.

Điện ảnh Việt một thập kỷ nhìn lại: Khai sinh hàng loạt khái niệm mới, người người nô nức lao vào cuộc đua trăm tỉ - Ảnh 8.

Những đạo diễn, diễn viên Việt Kiều mang đến một hơi thở mới cho điện ảnh trong 10 năm qua

Một loạt khái niệm mới ra đời, mang đậm dấu ấn thời đại

Nếu nói đến sự đổi thay mang tính thời đại nhất với điện ảnh Việt trong mười năm qua thì phải kể đến những khái niệm và danh xưng mà trước đó chưa hề tồn tại. Đầu tiên đó là sự xuất hiện của những gương mặt bảo chứng hay còn gọi là "ông hoàng, bà hoàng phòng vé" mà phim nào có sự xuất hiện của họ thì đa phần đều sẽ ăn khách. Thực chất trong thời kì phim mì ăn liền, màn ảnh Việt đã có rất nhiều ngôi sao điện ảnh nhưng phải đến thập kỷ này mới có một khái niệm cụ thể được dùng để gọi họ. Thời kỳ đầu danh xưng này có lẽ dành cho Hoài Linh và Thái Hòa sau đó thì Trường Giang, Trấn Thành, Kiều Minh Tuấn. Ở thời kỳ này, điều khiến họ trở thành những ngôi sao bảo chứng phòng vé đôi khi không nằm ở chất lượng bộ phim hay tài năng diễn xuất mà có thể lại đến từ những câu chuyện đời tư bên ngoài điện ảnh.

Điện ảnh Việt một thập kỷ nhìn lại: Khai sinh hàng loạt khái niệm mới, người người nô nức lao vào cuộc đua trăm tỉ - Ảnh 9.

Kiều Minh Tuấn là một trong những ông hoàng phòng vé sau Em Chưa 18

Có khái niệm ngôi sao phòng vé thì cũng có câu lạc bộ trăm tỷ dành riêng cho những phim điện ảnh ăn khách thu về doanh thu từ 100 tỷ trở lên. Hiện tại, trong câu lạc bộ đó vẫn chỉ mới có năm cái tên với ngôi vị đầu thuộc về Hai Phượng và các vị trí tiếp theo lần lượt dành cho Cua Lại Vợ Bầu, Em Chưa 18, Siêu Sao Siêu Ngố và Em Là Bà Nội Của Anh. Sau thành công của Cua Lại Vợ Bầu năm 2019 thì có thể nhận thấy rằng phim Tết vẫn là một thị trường phim màu mỡ và vùng đất này vẫn đang bị chiếm đóng bởi các danh hài mà cụ thể ra là Trường Giang và Trấn Thành. Nếu Trường Giang thành công với Siêu Sao Siêu Ngố năm trước thì Trấn Thành thắng lớn với Cua Lại Vợ Bầu năm sau. Và sắp tới, Trường Giang sẽ tiếp tục ra mắt một phim vào dịp Tết với tham vọng rất rõ ràng là khẳng định vị thế ngôi sao trăm tỷ, phá bỏ thế cân bằng với đối thủ. Cùng chờ đợi xem liệu có một cuộc chiến trăm tỷ nào sẽ được lập ra nữa hay không?

Điện ảnh Việt một thập kỷ nhìn lại: Khai sinh hàng loạt khái niệm mới, người người nô nức lao vào cuộc đua trăm tỉ - Ảnh 10.

Cua Lại Vợ Bầu mở ra một cuộc đua phim Tết và doanh thu trăm tỷ cho điện ảnh Việt

Kể từ khi khái niệm này ra đời, trăm tỷ chính là sân chơi mới của điện ảnh Việt. Truyền thông và dư luận bắt đầu đem doanh thu trăm tỷ ra làm chuẩn mực để đo chất lượng của một phim điện ảnh. Dù có phần phiến diện nhưng đây cũng là cuộc chơi đáng để thử sức cho những phim điện ảnh và nhà làm phim giàu tham vọng. Dù sao thì phim làm ra cũng là để công chúng thưởng thức và là công cụ kiếm tiền của nhà đầu tư chứ không phải là sản phẩm cứ mãi gắn mác nghệ thuật, khó xem rồi cầu cứu khán giả.

Điện ảnh Việt một thập kỷ nhìn lại: Khai sinh hàng loạt khái niệm mới, người người nô nức lao vào cuộc đua trăm tỉ - Ảnh 11.

Siêu Sao Siêu Ngố cũng là bộ phim trăm tỷ gắn với tên tuổi của Trường Giang

Mười năm qua, điện ảnh Việt đã sản sinh ra rất nhiều thế hệ diễn viên tài năng, những ngọc nữ màn ảnh mà đến nay, người vẫn kiên trì bám trụ, kẻ đã rời bỏ cuộc chơi. Nếu Tăng Thanh Hà đã từ bỏ ánh hào quang thì những Ngô Thanh Vân, Kathy Uyên, Minh Hằng, Lan Ngọc,... vẫn đi cùng điện ảnh trên đỉnh cao sự nghiệp của mình. Thậm chí Ngô Thanh Vân, Kathy Uyên, Minh Hằng, Lương Mạnh Hải còn chuyển hướng để thử sức với vai trò đạo diễn, nhà sản xuất và tự mình trở thành một thế lực mới trong điện ảnh. Những năm gần đây, ngoài những gương mặt thương hiệu đã quá quen thuộc, điện ảnh Việt còn phát hiện thêm những nhân tố mới đầy cá tính và sở hữu nhiều tố chất điện ảnh. Loạt diễn viên trẻ như Liên Bỉnh Phát, Kaity Nguyễn, Thanh Tú, Hoàng Yến Chibi, Phương Anh Đào, Trần Nghĩa,... là những phát hiện thú vị sẽ đổi thay nền điện ảnh trong thời gian tới. Họ có thể sẽ là những ngôi sao phòng vé hay lại có một khái niệm mới sinh ra để dành riêng cho họ, ai biết được?

Điện ảnh Việt một thập kỷ nhìn lại: Khai sinh hàng loạt khái niệm mới, người người nô nức lao vào cuộc đua trăm tỉ - Ảnh 12.

Những năm gần đây, điện ảnh có những phát hiện mới vô cùng thú vị

Thời kỳ truyền thông chiếm đến một nửa thành công của bộ phim

Truyền thông là một chủ đề vô cùng đáng nói gắn liền với một thập niên qua của điện ảnh Việt. Đây là thời kỳ truyền thông, mạng xã hội nhất là Facebook trở nên phổ biến rộng rãi. Nhu cầu thông tin và quyền lực của khán giả vì thế cũng tăng lên đáng kể. Với Facebook và truyền thông cởi mở như hiện nay, một bộ phim dù tận năm sau mới ra rạp thì thông tin chi tiết đã vào đến từng thôn bản. Nhưng cũng chính trong thời đại thông tin ồ ạt và nhiễu loạn, chẳng biết đâu là thật đâu là giả, những chiến dịch truyền thông, quảng bá cho bộ phim trở thành con dao hai lưỡi. Người ta dựng lên thông tin đời tư của diễn viên ngay trước thềm phát sóng để thu hút sự chú ý của khán giả. Và tùy theo độ nổi tiếng của diễn viên cũng như độ náo loạn của thông tin mà bộ phim vì thế cũng "ăn theo" về mặt danh tiếng. Phương pháp này thành công hay không? Có đấy, như trường hợp của Siêu Sao Siêu Ngố, rõ ràng câu chuyện tình yêu của Nhã Phương - Trường Giang cùng sự xuất hiện của kẻ thứ ba tin đồn Sam trở thành miếng mồi ngon cho truyền thông. Sau đó thì sao, là doanh thu trăm tỷ một cách đầy bất ngờ cho Siêu Sao Siêu Ngố và có ai dám nói rằng điều này không đến từ sức hút cá nhân với truyền thông của các diễn viên không?

Điện ảnh Việt một thập kỷ nhìn lại: Khai sinh hàng loạt khái niệm mới, người người nô nức lao vào cuộc đua trăm tỉ - Ảnh 13.

Sử dụng đời tư nghệ sĩ để truyền thông, quảng bá cho bộ phim là xu thế những năm gần đây

Có trường hợp thành công là thế nhưng cũng có những trường hợp hóa thảm họa và trở thành vết nhơ cho những nghệ sĩ chấp nhận lao vào cuộc chơi này. Trường hợp tiêu biểu nhất không ai khác chính là câu chuyện của bộ ba nhân vật Cát Phượng, Kiều Minh Tuấn và An Nguy. Thời điểm phim Chú Ơi Đừng Lấy Mẹ Con sắp ra mắt, Kiều Minh Tuấn bất ngờ công bố thông tin mình và An Nguy "phim giả tình thật". Câu chuyện này khiến dư luận phẫn nộ một thời gian dài vì trước đó Kiều Minh Tuấn từng xây dựng nên câu chuyện ngôn tình giữa đời thật với đàn chị Cát Phượng. Thời điểm này cặp đôi sắp cho ra rạp hai bộ phim là Chú Ơi, Đừng Lấy Mẹ Con và Mẹ Tuệ nên có lẽ đang muốn tạo ra một câu chuyện hấp dẫn để thu hút truyền thông. Chẳng cần biết chuyện này thật giả ra sao nhưng thái độ coi thường khán giả bằng cách đem chuyện tình cảm cá nhân ra trêu đùa quá mức này khiến dân tình nổi giận, quyết tẩy chay bộ phim của Kiều Minh Tuấn và An Nguy. Vì hiệu ứng không tốt nên ekip bộ phim Mẹ Tuệ đã rời thời gian công chiếu, thậm chí đổi cả tên phim thành Hạnh Phúc Của Mẹ thì vẫn bị khán giả thờ ơ. Câu chuyện đùa chẳng có gì vui này trở thành một vết nhơ khiến Kiều Minh Tuấn dù là diễn viên thực lực nhưng vẫn là cái gai trong mắt khán giả.

Điện ảnh Việt một thập kỷ nhìn lại: Khai sinh hàng loạt khái niệm mới, người người nô nức lao vào cuộc đua trăm tỉ - Ảnh 14.

Chiêu trò quảng bá sai lầm khiến cả bộ phim lẫn danh tiếng nghệ sĩ bị ảnh hưởng nặng nề

Chính trong thời đại mà mức độ phủ sóng của thông tin quyết định rất lớn đến thành bại của bộ phim thì vô số những câu chuyện khác cũng được tạo ra. Đó là trào lưu Cô Ba Sài Gòn phủ sóng mạng xã hội một thời gian dài trước khi bộ phim ra mắt, đó là trào lưu Mắt Biếc đang lan rộng khắp trong thời gian này. Chỉ trong vòng một năm qua, cũng có những cú ngã trong điện ảnh chỉ vì câu chuyện truyền thông như trường hợp của Tháng Năm Để Dành hay Trời Sáng Rồi Ta Ngủ Đi Thôi. Khán giả hoàn toàn không biết nhiều về bộ phim cho đến khi thông tin về chuyện cầu cứu của đạo diễn nổi lên. Đây chắc chắn sẽ là bài học lâu dài cho điện ảnh Việt trong thời đại thông tin này.

Tạm Kết

Nói gì thì nói, mười năm qua cũng là một giai đoạn phát triển khá rực rỡ của điện ảnh Việt về cả số lượng và chất lượng. Chắc chắn là còn đó những vấn đề cần được giải quyết, những câu chuyện cần thời gian dài hơn nữa để được thấu hiểu nhưng trên hành trình mười năm đó, điện ảnh Việt vẫn liên tục tiến về phía trước với những thế hệ người làm phim càng lúc càng giàu tham vọng. Cuộc chơi với điện ảnh dường như chỉ mới bắt đầu và thời gian tới mới là lúc thực sự đáng kỳ vọng cho những bước tiến xa hơn của điện ảnh Việt. Là một người yêu phim ảnh, bạn sẽ tiếp tục đồng hành thêm 10 năm hay xa hơn nữa cùng điện ảnh Việt chứ?

Điện ảnh Việt một thập kỷ nhìn lại: Khai sinh hàng loạt khái niệm mới, người người nô nức lao vào cuộc đua trăm tỉ - Ảnh 15.