Điện ảnh Việt Nam: Chọn hoài niệm sâu sắc hay hiện đại gần gũi cũng sẽ dễ dàng tạo dấu ấn?

Minh Hiếu, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 11/06/2017

Việc gây được tiếng vang thành công ở thị trường điện ảnh Việt Nam hiện tại hóa ra không khó nếu phân tích từ các dự án nổi bật gần đây.

Có vẻ như, người Việt đang không sống trong thời đại của chính mình. Chúng ta lúc thì sải chân về một vùng không gian hoài niệm thuộc quá khứ hay nơi đồng quê cò bay lúa mọc, lúc lại nghiêng người về một xã hội cách tân, theo đuổi lối sống hiện đại ảnh hưởng rất nhiều từ các nền văn hóa bạn bè.

Sự bùng nổ của hai phong cách sống này được nắm bắt rất nhanh và cho tới thời điểm bây giờ, chẳng khó khăn gì để có thể tìm cho mình một quán café đúng chuẩn "Mậu Dịch" hay những tác phẩm thời trang táo bạo muốn hướng người sử dụng đến một chuẩn mực sống mới. Tương tự như vậy, điện ảnh Việt Nam – cái gương phản ánh thị hiếu của thời đại cũng đang hớt hải chạy theo trào lưu: cũ hoặc mới, hãy chọn một trong hai.

Đi tìm hồn Việt từ những thứ rất xưa

Điện ảnh Việt Nam: Chọn hoài niệm sâu sắc hay hiện đại gần gũi cũng sẽ dễ dàng tạo dấu ấn? - Ảnh 1.

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Thành công bất ngờ với đại chúng qua phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng rồi đến Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, khán giả Việt bất ngờ nhận ra rằng họ đã ngán ngẩm đến nhường nào những tác phẩm hài nhảm vô duyên, kệch cỡm được sản xuất như một thứ hàng kém chất lượng, thiếu đầu tư. Những người xem khó tính kể trên hướng sự chú ý của họ đến một chủ đề khác: hồn Việt.

Chẳng phải "hồn Việt" ngày nay ở những bún mắng cháo chửi, mà là cái sự thân thuộc và hoài cổ, sự ấm áp nhẹ nhàng, thân quen đến lạ trong những thói quen và con người Việt Nam thậm chí đã không còn được nhớ đến khi thế hệ chúng ta sinh ra và lớn lên.

Tiếng đài radio phát lên giọng hát rè rè, những trò chơi thuở bé ngoài sân vườn đượm hương hoa bưởi hay từng vòng xe đạp xiêu vẹo trên con đường làng bất chợt quay tròn trong tiềm thức, thả lên tâm hồn của người xem một lớp phủ rất mơ màng về một sự thoải mái, bình yên để rồi khiến chúng ta thèm thuồng thêm nữa.

Điện ảnh Việt Nam: Chọn hoài niệm sâu sắc hay hiện đại gần gũi cũng sẽ dễ dàng tạo dấu ấn? - Ảnh 2.

Cuộc đời của Yến

Có cầu thì tất yếu sẽ có cung, những nhà làm phim Việt Nam luôn đau đáu tìm kiếm đề tài mới không thể để cơ hội này trôi qua một cách lãng phí. Những bộ phim hoài cổ là một cách đơn giản và hiệu quả để hướng những thông điệp sâu, nặng về phía người xem trong khi vẫn đảm bảo cho họ một trải nghiệm điện ảnh đáng nhớ.

Suy tư và khát vọng, bản lĩnh và nỗi sợ, góc sáng và góc tối luôn là điển hình cho những hướng khai thác cũng như là vật trung tâm được miêu tả tại "mạch ngầm" của câu chuyện.

Những cái tên tiếp theo đi theo xu hướng "đồng quê gió nội" có thể kể đến Cuộc đời của Yến (đạo diễn Đinh Tuấn Vũ) khắc họa hình ảnh nông thôn Việt thời kì Cách mạng tháng Tám 1945 được đánh giá khá tốt hay thậm chí là "tới bến" như Tấm Cám, sẵn sàng biến một câu chuyện cổ trở thành bom tấn nước nhà đầy quy mô và tráng lệ.

Điện ảnh Việt Nam: Chọn hoài niệm sâu sắc hay hiện đại gần gũi cũng sẽ dễ dàng tạo dấu ấn? - Ảnh 3.

Lô Tô

Em là bà nội của anh tuy là một tác phẩm chuyển thể nhưng cũng có những sửa đổi trong kịch bản để Việt Nam thời chiến xuất hiện đầy bi tráng, đau thương. Fan Cuồng tuy có yếu tố khoa học giả tưởng nhưng rồi cũng chung hướng đi là… lội ngược về những năm 90 để đắm chìm trong kỉ nguyên nhạc Rock đang thịnh hành.

Tiếp sau đó, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của một loạt những tác phẩm phim ảnh đầy hoài niệm được đánh giá khá lạc quan như Dạ cổ hoài lang và nỗi nhớ quê hương da diết, Lô tô cùng những mảnh đời trôi sông lạc chợ gắn liền kỉ niệm tuổi thơ, Cha cõng con với thiêng liêng của tình phụ tử vùng quê nghèo, Có căn nhà nằm nghe nắng mưa ôm trọn 30 năm một khúc hát ru con trong góc hẻm nhỏ…

Điện ảnh Việt Nam: Chọn hoài niệm sâu sắc hay hiện đại gần gũi cũng sẽ dễ dàng tạo dấu ấn? - Ảnh 4.

Đảo của dân ngụ cư

Gần đây nhất, chúng ta được tiếp xúc với Đảo của dân ngụ cư – một tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn của Đỗ Phước Tiến. Trong một căn nhà mang dáng dấp cổ xưa là những góc đời đủ sáng đủ tối, nhập nhoạng bấu víu vào nhau theo suốt chiều dài của câu chuyện thuộc một thời đại vừa có chút đổi mới, vừa xa cũ từ lâu. Găm vào nhận thức của người xem là sự bập bõm, leo lắt trong ánh nến, trong suy tư nhân vật và trong tiếng hát đớn đau của nữ chính cố gắng chạm lấy một sợi ánh sáng của tự do.

Điện ảnh Việt Nam: Chọn hoài niệm sâu sắc hay hiện đại gần gũi cũng sẽ dễ dàng tạo dấu ấn? - Ảnh 5.

Cô Ba Sài Gòn cùng chiếc poster "gây sốt"

Cô Ba Sài Gòn cũng là một cái tên gây được sự chú ý rất lớn trong thời gian gần đây bởi phong cách Sài Gòn nhuốm màu xưa cũ nhưng vẫn giữ được vẻ quyến rũ, thân quen, đặc biệt khi bộ phim khai thác một trong những hình tượng đặc trưng nhất của Việt Nam: tà áo dài.

Tiếng máy khâu nhịp nhàng, tiếng cắt vải êm tai trên nền nhạc Biển Tình của danh ca Thanh Tuyền cùng thần thái lạnh người của Ngô Thanh Vân, Cô Ba Sài Gòn đã thu về cả một biển người hâm mộ chỉ với 50 giây teaser trailer.

Một gương mặt nữa là Cô gái đến từ hôm qua thì lại đi theo phong cách thanh xuân đầy hoài niệm, với cốt truyện đến từ ông hoàng truyện ngắn Nguyễn Nhật Ánh.

Chạy về thời nay để "công nghiệp hóa, hiện đại hóa"

Đi bên cạnh trào lưu "nhìn về quá khứ", khán giả Việt cũng tiếp nhận một sự đổi mới trong tư duy cũng như phong cách sống: một chuẩn mực sống hiện đại. Không phải hiện đại theo kiểu "ngày nay" sáng ăn phở trưa ngủ điều hòa, mà là hiện đại trong lối suy nghĩ bị ảnh hưởng theo những nền văn hóa đang du nhập vào đất nước: giỏi giang và văn minh.

Một con người chuẩn mực theo miêu tả của dòng phim này (thường là vai chính) sẽ có một sự nghiệp hoặc bảng điểm trong mơ, sinh sống trong môi trường tiến bộ, cởi mở và hiện đại và thường sẽ gặp các vấn đề liên quan tình cảm hơn là mưu sinh.

Điện ảnh Việt Nam: Chọn hoài niệm sâu sắc hay hiện đại gần gũi cũng sẽ dễ dàng tạo dấu ấn? - Ảnh 6.

4 năm, 2 chàng, 1 tình yêu cùng bối cảnh rất Hàn Quốc

Với mục đích tôn chỉ là để giải trí, những bộ phim đi theo xu hướng hiện đại này có nội dung xoay quanh chuyện tình cảm thanh xuân, các mâu thuẫn "dở khóc dở cười" giữa các nhân vật chính. Giữa thời kì sến súa đang nở rộ, "ngôn tình văn minh" bỗng chốc trở thành một miếng bánh béo bở để các nhà làm phim tranh giành đất thể hiện.

Người xem sau khi rời khỏi rạp sẽ có cảm giác thích thú, mong chờ một cuộc sống "như phim". Dạng phim này có thể được chia vào 2 loại: phim thần tượng và phim chuyển thể/mua kịch bản.

Điện ảnh Việt Nam: Chọn hoài niệm sâu sắc hay hiện đại gần gũi cũng sẽ dễ dàng tạo dấu ấn? - Ảnh 7.

Em chưa 18

Em chưa 18 là một bộ phim thần tượng học đường bứt phá, một phần nguyên nhân là nhờ mức độ "tây" trong kịch bản. Tây trong lời thoại nửa Anh nửa Việt, trong lối sống của các cậu ấm cô chiêu và trong cả cái cách tình yêu giữa hai nhân vật chính bứt phá mọi ràng buộc truyền thống của một "mối tình gà bông", trở nên cởi mở hơn rất nhiều với cả vấn đề tình dục. Thế nhưng, cái sự thành công trong kịch bản "nhà làm" của Em chưa 18 cũng là một trường hợp hy hữu.

Những bộ phim thành công và gây được tiếng vang gần đây, từ Em là bà nội của anh, Bạn gái tôi là sếp cho tới Người phán xử hay Sống chung với mẹ chồng đều có xuất xứ từ kịch bản nước ngoài hoặc tiểu thuyết vốn đã tạo được tiếng vang từ trước.

Tạm gác vấn đề liệu kịch bản Việt Nam đang yếu thế hay chưa thể "phất", thì vẫn phải rút ra một nhận định là các bộ phim Việt với kịch bản gốc thành công chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay mặc dù số lượng phim ra mắt mỗi năm thường dao động ở con số vài chục.

Điện ảnh Việt Nam: Chọn hoài niệm sâu sắc hay hiện đại gần gũi cũng sẽ dễ dàng tạo dấu ấn? - Ảnh 8.

Minh Hằng mập mạp trong Sắc Đẹp Ngàn Cân

Những cái tên chuyển thể cập bến rạp chiếu trong thời gian gần đây có thể kể tới Yêu đi đừng sợ, Sắc đẹp ngàn cân, Cô nàng ngổ ngáo… Tất cả đã được đảm bảo về phần nội dung và có trong mình một sự "ngôn tình văn minh" nhất định – rất "sạch", rất tình, lạ mà không nhảm.

Kết

Hai xu hướng làm phim kể trên, tuy không phải là những phương pháp duy nhất để có thể làm phim và đã không còn mới lạ nhưng sức hút thì vẫn không hề suy giảm. Xét theo nhiều phương diện, nó cũng là những hướng đi mới hiệu quả cho những nhà làm phim thừa đam mê nhưng chưa thoát nổi vũng lầy của những chương trình hài kịch cỡm, nhạt nhòa.

Thị hiếu muốn được "nuông chiều" của khán giả Việt thật ra cũng chẳng khó nhằn lắm, chỉ cần "chọc" đúng chỗ là sẽ được yêu thương. Hoặc là thật xưa cũ, hoặc là thật hiện đại, hãy cứ chọn một và sẽ thành công thôi?