Rực rỡ “Đường hoa thanh niên Bình Định” ngày khai mạc

Saga, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 06/02/2016

Sau một thời gian chuẩn bị, tối ngày 5/2 (tức 27 tháng Chạp) đã diễn ra lễ khai mạc công trình "Đường hoa thanh niên Bình Định" với sự hội tụ của hơn 60 loài hoa đặc trưng khắp ba miền - một công trình hoàn toàn mới trên khu vực duyên hải Nam Trung bộ của nước ta.

Đường hoa tết Bính Thân với chủ đề "Sức khoẻ - Chủ quyền biển Đông – Sản vật quê hương" được tổ chức trên đường Vũ Bảo, đoạn từ ngã tư Vũ Bảo – Nguyễn Tất Thành đến ngã tư Vũ Bảo – Diên Hồng, Tp. Quy Nhơn.

Đây cũng là công trình đường hoa đầu tiên trên cả nước được hình thành bởi sự sáng tạo tim óc và công sức ngày đêm của đội ngũ Đoàn viên Thanh niên với sự tập trung thi công gấp rút cao độ nhằm tạo nên một điểm đến lý thú và ý nghĩa cho nhân dân nhân dịp Tết Nguyên đán.

Toàn bộ đường hoa xuân được xây dựng dựa trên 47 mô hình, tiểu cảnh với hơn 60 loài hoa đặc sắc như: Hoa mai Bình Định, đào, anh thảo, sen, cúc mâm xôi, dạ yên thảo, dừa cạn, lan hồ điệp, cẩm tú cầu, vạn thọ, trạng nguyên, bầu, lúa xanh... Tất cả cùng đua sắc toả hương để người dân cùng chiêm ngưỡng và lưu lại những khoảnh khắc đẹp nhất của họ khi đến tham quan đường hoa.

Khi nhắc tới Bình Định, ngoài các món đặc sản: Bánh ít lá gai, rượu Bàu Đá hay tré… chắc khó có ai đã một lần đến đây mà chưa nghe tới Làng mai An Nhơn (thị xã An Nhơn, Bình Định). Nông dân ở làng mai An Nhơn – nơi được mệnh danh là làng mai lớn nhất miền Trung với gần 2.000 hộ trồng mai góp công vào đường hoa với những cây mai vàng lớn, tạo dáng muôn kiểu đón Tết Bính Thân.

Tại đây, các chậu mai đã được cắt tỉa, tạo dáng, thế đẹp rộn ràng khoe sắc. Màu vàng của hoa mai từ lâu được xem là màu hi vọng, tượng trưng cho sự giàu sang phú quý, hợp với niềm hân hoan chờ đón Tết đang rạo rực trong lòng mỗi người dân.

Nếu như người dân ở đây chăm chút cho những cành mai khoe sắc đón năm mới, thì miền Bắc, hoa đào chính là biểu tượng của ngày Tết Nguyên đán. Đơn vị tổ chức nắm bắt được thị hiếu của người dân tại đây sẽ háo hức với muôn hoa xuân nên ngoài loài hoa mai mang đặc trưng của vùng quê Bình Định, hoa đào là loài hoa được ưu tiên chở những gốc to đặc trưng từ miền Bắc vào để mang không khí Tết xum vầy, đông vui hơn mà Bình Định chưa hề có. Khi tới đây, người tham quan sẽ dễ dàng thấy những gốc đào chi chít nụ, điểm xuyết những cánh hoa đã nở mà nhìn qua, người ta biết tuổi họ của cây không hề thấp.

Bên cạnh đó, loài sen – quốc hoa cũng vươn dậy trên đường hoa mang biểu tượng sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam. Và khi nghĩ về hoa sen, người viết bài này nghĩ đến dân tộc mình - một dân tộc luôn biết hướng thiện, hướng tới những giá trị tinh thần cao quý, làm nên cốt cách văn hóa chính mình. Rồi người ta mừng tuổi, chúc thọ cho các bậc cao niên cũng thường lấy hình ảnh hoa vạn thọ để cầu mong trăm điều tốt đẹp. Hai chữ vạn thọ đủ nói lên được bao điều về giá trị tinh thần, tâm linh và truyền thống đạo đức, lòng biết ơn của thế hệ cha ông…. Loài hoa nào cũng có ý nghĩa riêng và ghi ấn tạo nên muôn sắc màu ý nghĩa của đường hoa ngày Tết.

Đường hoa xuân chính thức phục vụ người dân đến tham quan, vui chơi trong 8 ngày Tết, từ 19h ngày 5/2 đến khuya 12/2 (từ tối 27 tháng Chạp đến khuya mùng 5 tháng Giêng).

Rực rỡ “Đường hoa thanh niên Bình Định” ngày khai mạc - Ảnh 2.

Rực rỡ “Đường hoa thanh niên Bình Định” ngày khai mạc - Ảnh 3.

 Bánh chưng, dưa hấu đem Tết cổ truyền về

Rực rỡ “Đường hoa thanh niên Bình Định” ngày khai mạc - Ảnh 4.

Rực rỡ “Đường hoa thanh niên Bình Định” ngày khai mạc - Ảnh 5.

 Con người đất võ ngút trời hào khí

Rực rỡ “Đường hoa thanh niên Bình Định” ngày khai mạc - Ảnh 6.

Rực rỡ “Đường hoa thanh niên Bình Định” ngày khai mạc - Ảnh 7.

 Người và đường hoa Bình Định hoà cùng không khí đón xuân trên cả nước

Rực rỡ “Đường hoa thanh niên Bình Định” ngày khai mạc - Ảnh 8.

Rực rỡ “Đường hoa thanh niên Bình Định” ngày khai mạc - Ảnh 9.

 Đường hoa lung linh và rực rỡ ngay cả khi lên đèn