Độn thổ vì xấu hổ: Mặt nhìn quen lắm nhưng hỏi tên gì thì vò đầu mãi không nhớ ra

Vân Ngọc, Theo Helino 11:12 13/03/2018

Hẳn ai trong chúng ta cũng từng gặp trường hợp nhớ mặt nhưng không nhớ tên này và không ít người phải độn thổ vì xấu hổ.

Có lẽ bạn đã từng trong hoàn cảnh này: tại một sự kiện nào đó, bạn nhận ra khuôn mặt của nhiều người nhưng lại không thể nhớ ra tên của họ. Đừng cảm thấy xấu hổ vì nó có nguyên do cả đấy.

Với người mới gặp hay mới quen, bộ não của chúng ta có khả năng lưu trữ dữ liệu thị giác tốt hơn âm thanh, có nghĩa là chúng ta sẽ nhớ mặt nhưng không nhớ tên. 

Nhà thần kinh học E. Clea Warburton thuộc Đại học Bristol chuyên nghiên cứu về nhận thức của con người cho biết: Con người là sinh vật có trí nhớ tốt qua thị giác. Thông tin thị giác có thêm vỏ não xử lý, trong khi các giác quan khác thì không. 

Độn thổ vì xấu hổ: Mặt nhìn quen lắm nhưng hỏi tên gì thì vò đầu mãi không nhớ ra - Ảnh 1.

Các chức năng của con người được lập trình để mã hoá và lấy thông tin thị giác nhiều hơn là thông tin thính giác. Điều này có thể liên quan đến sự tiến hóa của con người từ các nhóm linh trưởng. 

Trước khi có sự tiến hóa về ngôn ngữ và gọi tên, tổ tiên của loài người dựa vào cái nhìn để phân biệt đối xử giữa các mối quan hệ họ hàng, trong bộ tộc hay người ngoài.

Giáo sư tâm lý Richard Russell tại trường Gettysburg College, Pennsylvania (Mỹ) đã nghiên cứu sự nhận biết khuôn mặt chia sẻ. Theo giáo sư, gương mặt "thực sự là tác nhân kích thích mạnh hơn" so với một cái tên. 

Nét mặt có thể cho bạn biết những thông tin về giới tính, tuổi tác, dân tộc, tâm trạng, sự thu hút và rất nhiều chi tiết thú vị khác nữa để có thể lưu trữ trong bộ nhớ hình ảnh và giúp bộ não nhớ lâu hơn. 

Trong khi đó, tên chỉ là tập hợp của một vài chữ cái và thường phổ biến trong xã hội nên khiến bạn dễ quên hoặc khó nhớ khi lục lại.

Một số đặc điểm nhận diện khuôn mặt bắt nguồn từ khu vực nhận diện khuôn mặt trong não (fusiform face area – FFA). Đây là vùng nhỏ bên não phía sau tai đảm nhiệm việc ghi nhớ các khuôn mặt. 

Độn thổ vì xấu hổ: Mặt nhìn quen lắm nhưng hỏi tên gì thì vò đầu mãi không nhớ ra - Ảnh 2.

Nếu bị tổn thương tại vùng này hoặc ở các khu vực não gần đó thì có thể gây ra bệnh mù khả năng nhận diện (prosopagnosia hoặc face blindness).

Warburton cho biết, những người bị mù khả năng nhận diện vẫn nhận ra các vật dụng hàng ngày như cốc chén, điện thoại hoặc ô tô... nhưng không thể nhận diện khuôn mặt kể cả người thân hoặc thậm chí là bản thân họ.

Tuy nhiên, phải nhớ ra tên của một người khi nhìn thấy gương mặt dường như lại là một quá trình phức tạp hơn nhiều vì những loại thông tin khác nhau được lưu trữ tại những nơi khác nhau trong bộ não. 

Độn thổ vì xấu hổ: Mặt nhìn quen lắm nhưng hỏi tên gì thì vò đầu mãi không nhớ ra - Ảnh 3.

Warburton chia sẻ, không có vùng não nào lưu giữ tất cả các loại thông tin khác nhau. Bộ nhớ cho khuôn mặt sẽ được lưu trữ trong một vùng não đặc biệt, tên được lưu giữ trong một vùng não hoàn toàn khác.

Để kết hợp hai mẩu thông tin này, não phải thực hiện việc tích hợp, và đôi khi chúng ta thất bại trong quá trình này.

Một lý do nữa mà chúng ta thường quên tên nhớ mặt đấy là khi gặp ai đó, chúng ta thường chỉ nghe tên họ 1 lần trong giây lát, nhưng khi bắt đầu cuộc trò chuyện, chúng ta sẽ thường xuyên nhìn vào gương mặt của họ. 

Warburton cho hay: "Đây không phải là lỗi của bộ nhớ mà là do sự chú ý. Bạn không nhớ tên vì bạn không chú ý nhiều tới nó mà thôi".

Nguồn: Science Friday