Đừng tưởng càng ngủ nhiều sẽ càng tốt bởi nó có thể gây ra hàng loạt nguy cơ bệnh tật sau

ĐOAN TRANG, Theo Helino 22:33 13/01/2018

Ngủ quá nhiều cũng gây hại không kém so với việc thiếu ngủ nên những ai hay ngủ nướng cần lưu ý ngay.

Tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ

Kết quả nghiên cứu từ Trường Y khoa Chicago cho thấy, những người ngủ nhiều hơn 8 tiếng mỗi đêm có nguy cơ đau thắt ngực (đau ngực) cao gấp đôi và có nguy cơ mắc bệnh mạch vành hơn 10%. Thậm chí, nếu bạn ngủ quá nhiều còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch lên đến 38%. Ngoài ra, một nghiên cứu từ Anh cũng cho kết quả là những người ngủ quá nhiều mỗi ngày còn tăng 46% nguy cơ bị đột quỵ.

Đừng tưởng càng ngủ nhiều sẽ càng tốt bởi nó có thể gây ra hàng loạt nguy cơ bệnh tật sau - Ảnh 1.

Tăng nguy cơ béo phì

Trong một nghiên cứu từ Canada, những người ngủ nhiều quá mức cho phép có khả năng tăng cân bất ngờ và có 21% nguy cơ mắc chứng béo phì. Theo tiến sĩ Elizabeth McDevitt, chuyên gia dinh dưỡng Mỹ cho biết, ngủ quá nhiều cũng là một dạng rối loạn giấc ngủ và nó là một trong những nguyên nhân gây tăng cân ở nhiều người. Ngoài ra, còn một lý do đơn giản khiến bạn tăng cân khi ngủ nhiều là thời gian hoạt động thể chất của bạn bị rút ngắn lại, lượng calo ít bị đốt cháy hơn nên chắc chắn nguy cơ tăng cân cũng cao hơn.

Đừng tưởng càng ngủ nhiều sẽ càng tốt bởi nó có thể gây ra hàng loạt nguy cơ bệnh tật sau - Ảnh 2.

Nhức đầu

Thiếu ngủ hoặc ngủ quá nhiều đều có thể dẫn đến các cơn đau đầu khó chịu. Khi bạn ngủ quá nhiều thì chất dẫn truyền thần kinh trong não bị biến động và gây ra nhức đầu. Ngoài ra, khi bạn ngủ dậy quá muộn và bỏ qua bữa ăn sáng khiến lượng đường trong máu xuống thấp, cơ thể bị mất nước nên cũng dẫn đến nhức đầu. Do đó, cho dù là cuối tuần thì bạn cũng nhớ đừng nên "nướng" quá lâu, vì càng "nướng" lâu thì cơn đau đầu dễ xuất hiện và cả ngày nghỉ của bạn sẽ không còn tốt đẹp như ý nữa.

Đừng tưởng càng ngủ nhiều sẽ càng tốt bởi nó có thể gây ra hàng loạt nguy cơ bệnh tật sau - Ảnh 3.

Có khả năng mắc bệnh tiểu đường

Béo phì luôn có mối liên hệ chặt chẽ với tiểu đường loại 2. Do đó, nếu ngủ nhiều gây béo phì thì nó cũng có khả năng làm tăng nguy cơ tiểu đường của cơ thể. Các nhà nghiên cứu Canada đã phát hiện ra rằng, những người ngủ nhiều tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường so với người ngủ đủ giấc. Ngoài ra, các nghiên cứu khác còn cho thấy ngủ quá nhiều (hoặc quá ít) đều ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, bất kể cân nặng hoặc mức độ hoạt động của bạn như thế nào.

Tăng khả năng trầm cảm

Các nghiên cứu cho thấy rằng, một giấc ngủ quá dài có liên quan đáng kể tới sự căng thẳng tinh thần, đồng thời kích hoạt gen liên quan đến các triệu chứng trầm cảm. Ngoài ra, tiến sĩ McDevitt còn cho biết rằng, khi bạn ngủ quá nhiều thì các hoạt động thể chất giảm lại, trong khi đó các hoạt động này lại có tác dụng giảm nguy cơ trầm cảm. Từ đó, ngủ càng nhiều thì nguy cơ trầm cảm càng tăng cao hơn.

Não bộ hoạt động kém hiệu quả

Một nghiên cứu của Harvard cho thấy, phụ nữ ngủ nhiều hơn 9 giờ mỗi ngày có nhận thức giảm sút và lão hóa đi 2 năm tuổi. Tiến sĩ McDevitt cũng khẳng định rằng, ngủ quá nhiều có thể làm giảm khả năng nhận thức của não bộ. Do đó, sau một đêm ngủ vùi quá nhiều giờ cho phép thì hầu như ai cũng thấy đầu óc lơ mơ, khó tập trung và làm việc kém hiệu quả hẳn đi.

Đừng tưởng càng ngủ nhiều sẽ càng tốt bởi nó có thể gây ra hàng loạt nguy cơ bệnh tật sau - Ảnh 4.

Vậy ngủ tối đa bao nhiêu giờ mỗi ngày thì không gây hại sức khỏe?

Theo các nghiên cứu thì giấc ngủ tốt nhất cho người trưởng thành là trong khoảng 7 - 8 giờ mỗi đêm. Nếu bạn có thói quen ngủ trưa thì chỉ nên ngủ trong khoảng dưới 60 phút sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Và tổng thời gian ngủ tốt nhất là không nên quá 9 giờ mỗi ngày, bởi nếu ngủ quá 9 giờ thì có khả năng cơ thể sẽ gặp các ảnh hưởng tiêu cực kể trên.

Nguồn: RD