Dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia Hải Thanh, công trường không chỉ có sắt thép bê tông

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 19:30 09/01/2024

Phía sau biển “Không phận sự miễn vào” và rào quây kín các công trình xây dựng, là những hình ảnh chưa bao giờ được công bố, những câu chuyện chưa khi nào được kể về người thợ xây.​

Nhiếp ảnh số phận con người qua góc nhìn của Hải Thanh nổi tiếng bình dị, mộc mạc nhưng giàu tính biểu tượng. Bộ ảnh chuyện nghề công nhân xây dựng mới được công bố cũng vậy, vẫn là phong cách lặng lẽ bắt lấy khoảnh khắc đắt giá, song nhiếp ảnh gia đã thu về nhiều chiêm nghiệm mới mẻ khi tác nghiệp.

Dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia Hải Thanh, công trường không chỉ có sắt thép bê tông - Ảnh 1.

"Bước qua biển ‘Không phận sự miễn vào’, theo thang kéo đưa lên tầng cao nhất nơi các công nhân thi công, tôi choáng ngợp bởi cả chùm hình ảnh sôi động và âm thanh ồn ã, rất phê. Nếu đứng phía dưới, sẽ không tài nào hình dung được cảnh hàng trăm con người đang lao động như một tổ ong lớn", anh Hải chia sẻ về ấn tượng đại cảnh công trường - nơi tương lai sẽ trở thành tòa căn hộ cho hàng ngàn người an cư.

Thâu đêm đầu tiên ngồi co ro ôm máy trên tầng 29 đợi tới giờ chụp ảnh đổ nền, anh Hải Thanh bất ngờ trước nét đẹp từ những lao động hăng say và rộn rã nơi công trường. Anh và đội ngũ hoà mình vào tiếng nói cười rộn rã của tất thảy công nhân ở đây - khác xa với lát cắt u ám, khô cứng nhiều người vẫn hình dung về công trình xây dựng.

Dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia Hải Thanh, công trường không chỉ có sắt thép bê tông - Ảnh 2.
Dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia Hải Thanh, công trường không chỉ có sắt thép bê tông - Ảnh 3.

Sau góc chụp tầm cao, nhiếp ảnh gia sinh năm 1972 vác máy lân la tới các khu vực thi công riêng biệt, dành thời gian làm quen hỏi chuyện trước khi chụp ảnh công nhân. Đặc thù của công việc xây dựng vốn nặng nhọc, song khác với hình dung sẽ nghe kể khổ đủ thứ chuyện khi tiếp xúc, anh đầy ngạc nhiên trước thái độ sống tích cực của họ.

"Rất ít người gặp tôi để than này than kia chuyện lao động vất vả hay gia cảnh khó khăn, mà phần nhiều chỉ tìm cách cười bông đùa, trêu chọc anh chụp ảnh. Có cặp vợ chồng quê Bắc Giang kể phải xa con cái để đi làm thợ nề khắp cả nước. Rõ là câu chuyện buồn, nhưng anh chồng vừa kể vừa cười hiền, chị vợ hay nhìn xuống nền nhà và không nói gì", anh Hải Thanh chia sẻ.

Dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia Hải Thanh, công trường không chỉ có sắt thép bê tông - Ảnh 4.

Xã hội vẫn luôn có góc nhìn định kiến lên các công việc nhỏ bé bình dị, có cái khổ tự gán vào ánh mắt khi nhìn về người thợ xây, có ánh nhìn thương cảm khiến người đối diện chạnh lòng. Nhưng đâu ngờ rằng, họ đang sống đầy lạc quan và hạnh phúc, tự hào khi làm công việc tử tế và góp bàn tay lao động vào công cuộc kiến thiết đất nước.

Nhiếp ảnh gia Hải Thanh nhớ mãi cảnh các chị công nhân kiên nhẫn ngồi buộc mối nối hoa sắt để đổ bê tông nền. Công việc đó theo lẽ thường được coi là đơn giản và nhàm chán, nhưng 10 phút quan sát cách họ cặm cụi, cẩn thận dưới cái nắng gay gắt, anh tự thấy nể phục. Bởi lẽ, làm một công việc tỉ mẩn, lặp đi lặp lại vô số lần không hề dễ dàng, nếu không đủ tận tâm và trách nhiệm.

Dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia Hải Thanh, công trường không chỉ có sắt thép bê tông - Ảnh 5.

Những công đoạn cheo leo trên khung trời hùng vĩ lại thử thách giới hạn và sức chịu đựng của con người trước thiên nhiên. Đó là khi nhiếp ảnh gia theo chân anh Nguyễn Văn Ninh (33 tuổi, quê Hà Tĩnh) và chị Lò Thị Hương (32 tuổi, Sơn La) di chuyển trên mâm hẹp 50cm, ở độ cao cheo leo 65,5m, dưới cái nắng 42oC… để cuộn lưới bao giàn giáo công trình Sky Forest (Ecopark Hưng Yên).

Cao hơn nữa là khi nhiếp ảnh gia bắt gặp anh Lê Công Hùng (42 tuổi, Hà Nội) treo mình lơ lửng trên không trung, tỉ mẩn lau kính ở độ cao hơn 200m, chịu đựng mức nhiệt lên tới 44oC tỏa ra từ bề mặt nhôm kính 8 tiếng mỗi ngày… tại Swan Lake (Ecopark Hưng Yên). Bức ảnh nghệ thuật cất giấu thực tế nghề khắc nghiệt, song tuyệt nhiên, mọi nhân vật đều không một lời thở than.

Dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia Hải Thanh, công trường không chỉ có sắt thép bê tông - Ảnh 6.

Nhỏ bé nhưng tự hào, cheo leo nhưng vững chắc

Cộng đồng yêu nhiếp ảnh đời sống khá bất ngờ khi lần đầu thấy Hải Thanh chia sẻ dài đến vậy về đời sống dung dị của mỗi nhân vật trong ảnh. Dưới bài đăng, độc giả Vũ Quỳnh Nga bình luận rằng: "Vì chất liệu thật, mộc và đậm mùi cuộc sống, không kiểu diễn, không bố trí và không sắp xếp, tự nhiên, nên nhìn bộ ảnh thấy đẹp thực sự". Với góc nhìn về nghề thợ xây, nhà báo Đinh Đức Hoàng cũng cho hay: "Nhờ dự án này mà lần đầu tiên được thăm công trường xây dựng khu chung cư; trước nay chỉ biết ở chứ không biết nó được tạo dựng thế nào".

Dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia Hải Thanh, công trường không chỉ có sắt thép bê tông - Ảnh 7.

"Bức hình đẹp nhưng bản chất là một công việc rất vất vả, họ phải hy sinh rất nhiều mỗi ngày", ông Bolat Duisenov cũng bày tỏ sau khi xem ảnh. Chủ tịch HĐQT Coteccons tin rằng, bộ ảnh tư liệu có sức mạnh lưu giữ đặc biệt về những người công nhân nhỏ bé "tạo ra bao công trình kỳ vĩ nổi tiếng trăm năm". Vì vậy, bộ ảnh đã được đặt tên "Người Thợ Xây - Bạn thấy gì?" và trình chiếu để lan toả, tỏ lòng biết ơn đến những người dễ tổn thương nhất chuỗi xây dựng.

Mang tầm nhìn về chuỗi xây dựng hạnh phúc và bền vững, Coteccons còn triển khai dự án "Xây Tết 2024" với các hoạt động khác như: chăm sóc, cắt tóc, chụp hình, trao quà… cho 17.000 công nhân tại 36 công trường Coteccons - Unicons khắp cả nước. Đặc biệt, công nhân sẽ được khám sức khỏe tổng quát, đo sinh hiệu, chụp X-Quang và tham vấn cùng bác sĩ.

Anh Lê Thanh Hùng (58 tuổi, Hà Nội) và Thạch Hoàng Nhân (36 tuổi, Bạc Liêu) - thợ chà nhám xuất hiện trong bộ ảnh của Hải Thanh, cùng hơn 1.000 công nhân vừa được khám sức khỏe ngay tại công trường Vinhomes Grand Park (TP.HCM). Ngó tấm hình dễ thương, nâng niu hộp quà Tết, cả hai đã thêm rưng rưng khi lần đầu tiên được chăm sóc sức khỏe trong suốt chục năm theo nghề chà nhám - nghề làm bạn với bụi xây dựng.

Dưới góc nhìn của nhiếp ảnh gia Hải Thanh, công trường không chỉ có sắt thép bê tông - Ảnh 8.

"Xây Tết 2024" mới triển khai song đã nhận được nhiều ủng hộ và lan tỏa từ cộng đồng Ở Đâu Cũng Chụp, Việc tử tế… "Đi trên đường bắt gặp biển quảng cáo này, mình cũng thấy lây lan lòng biết ơn những người thợ xây đã tạo nên căn hộ đang ở. Cảm ơn Coteccons vì một chương trình ý nghĩa hướng đến nhóm đối tượng đặc biệt", bạn Huỳnh Liên chia sẻ. Trên RGB, cộng đồng sáng tạo còn đặc biệt đánh giá cao chất liệu "người thật, việc thật" trong bộ ảnh tôn vinh đóng góp đời thường của người công nhân xây dựng, cũng như cách làm truyền thông khác biệt của Coteccons, góp phần truyền cảm hứng đến toàn chuỗi xây dựng.