FullMetal Alchemist: Xem 1 lần để chê dở, 2 lần để yêu

Mèo 3 chân, Theo Trí Thức Trẻ 17:59 10/12/2017

"FullMetal Alchemist", như mọi phim chuyển thể khác, vướng phải một lời nguyền ngàn thu: bị dìm tơi tả từ những fan yêu nguyên tác sâu sắc nhất. Nhưng, ở bên kia bức tường định kiến là câu chuyện thấm đẫm tình người trong một thế giới rực rỡ sắc màu của thuật giả kim.

Vài ngày trước thời hạn ra mắt chính thức của FullMetal Alchemist (1/12), mạng xã hội rộ lên topic ngập tràn những bình luận ném đá nhắm vào diễn xuất của dàn diễn viên, đặc biệt là nam nhân vật chính do Yamada Ryosuke đảm nhận. Đáng buồn là nó lại đến từ chính những khán giả thuộc "sân nhà" Nhật Bản. Điều này khiến cho những fan của FullMetal Alchemist nói chung, đặc biệt là người cưng chiều Yamada Ryosuke nói riêng, có chút hoang mang không nhỏ, theo kiểu: "Chết rồi, phim dở! "Thằng nhỏ" vẫn mắc hạn idol đóng phim nữa sao?"...

Trailer "FullMetal Alchemist" live-action

Phũ phàng là, nếu bạn chỉ xem phim một lần duy nhất, FullMetal Alchemist live-action thực sự sẽ gây nên cảm giác nó là sản phẩm "chuyển thể" thất bại. Bởi một khi đã là fan của manga xuất chúng dưới ngòi bút nữ họa sĩ Arakawa Hiromu, bạn sẽ luôn mang theo bên mình một ám ảnh mạnh mẽ đến từ nguyên tác. Khi ấy, bạn cũng sẽ giống như người hâm mộ ở xứ sở Phù Tang, trở thành bà mẹ ghẻ trong thế giới fan, ít nhiều đều mang lòng ganh ghét những đứa con rơi không nằm dưới quyền sinh sát của tác giả gốc.

Nhưng, khi có thể gạt bỏ mọi ấn tượng và so sánh ban đầu, để xem lại bộ phim với tâm thế đánh giá tác phẩm điện ảnh độc lập, FullMetal Alchemist lại mở ra một chân trời mới mang đậm tính nghệ thuật thứ 7 cho thế giới giả kim thuật vốn đã đầy cuốn hút. Và còn vươn xa hơn thế nữa, khi tới rạp để xem phim lần thứ 2, bạn có thể cũng sẽ bật khóc. Bởi vì khi ấy, đôi mắt được đánh thức để nhìn thấy ánh sáng, và xúc giác cảm nhận được hơi ấm của tình anh em, tình bạn hữu, tình người rực lên trong từng nhân vật, từng mối quan hệ. Đấy, là một câu chuyện cảm động mang đậm chất Nhật Bản.

FullMetal Alchemist: Xem 1 lần để chê dở, 2 lần để yêu - Ảnh 2.

FullMetal Alchemist, hay tên trong tiếng Nhật là Hagane no Renkinjutsushi, là câu chuyện diễn ra ở miền đất giả tưởng nơi tồn tại những nhà giả kim; họ sử dụng kiến thức về vật chất để biến đổi hình thái của chúng bằng những vòng tròn chuyển hóa tựa như những phép màu. Nhưng bởi vì là khoa học, giả kim thuật cũng phải tuân theo những quy luật mà người họ gọi là "trao đổi đồng giá". Ở đó, cũng tồn tại những điều cấm kỵ đã trở thành chân lý, như việc cấm biến đổi vàng để làm giàu cho bản thân, hay con người là không thể chuyển hóa.

Trong thế giới ấy, bộ phim mở màn với những hình ảnh đẹp lung linh về miền quê thanh bình Resembool, nơi sinh ra và lớn lên của hai anh em Elric Edward và Alphonse, hai thiên tài nhỏ tuổi có thể tự học và thực hành giả kim thuật khi tuổi chưa lên 10.

FullMetal Alchemist: Xem 1 lần để chê dở, 2 lần để yêu - Ảnh 3.

Nhưng những ngày tháng bình lặng của hai anh em họ biến mất khi một ngày kia, người mẹ hiền Trisha ra đi trong cơn bạo bệnh. Khát khao được nhìn thấy nụ cười của mẹ thêm một lần nữa, hai anh em Ed và Al quyết tâm vượt qua giới hạn cấm kỵ để thực hiện phép chuyển hóa con người. Đáng tiếc, cái ngày thực hiện thứ tưởng chừng như là phép màu ấy lại trở thành ác mộng ám ảnh ngàn đêm dài. Alphonse mất đi toàn bộ cơ thể, chỉ còn lại phần linh hồn được anh trai Edward đánh đổi bằng một cánh tay, đưa vào trong bộ giáp sắt lạnh lẽo. Ed trước đó cũng đã mất đi một cẳng chân vì "quy luật trao đổi đồng giá", chỉ là để được đứng trước cánh cổng chân lý mà không thể chạm tay tới giấc mơ bàn tay của mẹ.

Và hành trình của bộ phim tiếp sau đó, cũng như chính nguyên tác manga, là chặng đường phiêu lưu khắp muôn nơi của hai anh em Ed và Al để tìm kiếm hòn đá triết gia, là niềm tin có thể giúp họ lấy lại được phần thân thể đã mất. Để thực hiện điều đó, Ed đã "bán mình" làm chó săn của quân đội, trở thành giả kim thuật sĩ quốc gia với biệt danh Cang (FullMetal), cũng chính là tựa đề của tác phẩm này.

FullMetal Alchemist: Xem 1 lần để chê dở, 2 lần để yêu - Ảnh 4.

Trong giới hạn 135 phút của bộ phim, FullMetal Alchemist chỉ tái hiện lại khoảng 1/3 câu chuyện trong nguyên tác. Bên cạnh đó, kịch bản phim cũng được sửa chữa, thay đổi một số tình tiết quan trọng để mang đến một câu chuyện điện ảnh trọn vẹn song cũng đầy tính gợi mở cho các phấn tiếp theo.

Một điều không thể phủ nhận, thậm chí là với cả những người chê phim dở, là FullMetal Alchemist lên màn ảnh rộng thật sự đẹp choáng ngợp. Đó là đường ray dài đưa con tàu hỏa chạy bằng hơi nước băng qua những mảnh đồi xanh rợp con mắt, trải dài vô tận. Đó là dàn phục trang của đoàn giả kim thuật sĩ quốc gia, cũng như tà áo đỏ phấp phới của Ed cực kỳ ngầu. Đó là Dean Fujioka trong vai Đại tá Roy Mustang đẹp trai không góc chết.

FullMetal Alchemist: Xem 1 lần để chê dở, 2 lần để yêu - Ảnh 5.

Hơn hết cả, điểm sáng chẳng ai có thể ném đá của FullMetal Alchemist chính là phần kỹ xảo CGI vô cùng xuất sắc. Phải biết rằng đối với những người hâm mộ phim ảnh Nhật Bản, kỹ xảo "rởm" đã trở thành một truyền thống dở khóc dở cười mà ai cũng phải chậc lưỡi cho qua. Thế nhưng, FullMetal Alchemist đã thành công tạo một cú lật ngoạn mục, mang đến một phần trình diễn kỹ xảo cực kỳ mãn nhãn. Nhân vật Alphonse là một bộ giáp sắt có linh hồn được thực hiện CGI 100% nhưng khi lên phim vô cùng sống động. Bên cạnh đó, những màn biến đổi vật chất của giả kim thuật cũng cực kỳ bắt mắt.

Yếu tố kỹ thuật của FullMetal Alchemist có thể nói là học tập rất bài bản theo những thành công của Hollywood. Bộ phim không hề bỏ rơi những khán giả chưa từng biết đến nguyên tác để mở đầu bằng phần quá khứ giới thiệu sơ lược về anh em nhà Elric. Rồi ngay lập tức, FullMetal Alchemist hớp lấy hưng phấn của người xem bằng trường đoạn Edward đối đầu Mục sư Cornello ở thời hiện tại. Một phần của đoạn phim xuất sắc này đã xuất hiện trong trailer phim khiến dân tình háo hức trước đó.

Tuy nhiên, nếu chỉ có phần kỹ xảo hấp dẫn thì FullMetal Alchemist sẽ chỉ trở thành một cái vỏ bọc mĩ miều mà bên trong rỗng tuếch. Thật may, phần nội dung của tác phẩm chuyển thể này logic và mang đầy sức nặng cũng như ngập tràn tình tiết cảm động đến rơi nước mắt.

FullMetal Alchemist: Xem 1 lần để chê dở, 2 lần để yêu - Ảnh 6.

Sợi chỉ xuyên suốt bộ phim FullMetal Alchemist là mối liên kết vô cùng đặc biệt giữa hai anh em Edward và Alphonse. Khi bị những tác nhân bên ngoài tác động, giữa bọn họ cũng nảy sinh nghi ngờ và dằn vặt, mà nỗi sợ hãi đã khiến họ không thể giãi bày với nhau bằng ngôn ngữ. Nhưng bất chấp tất cả, họ là người thân duy nhất của nhau và luôn cùng nhau tiến bước. Có gì gần gũi và gắn bó hơn gia đình cơ chứ? Cho đến tận phân cảnh cuối cùng của FullMetal Alchemist, người ta vẫn nhìn thấy tình anh em luồn lách qua từng ánh mắt hay biểu cảm của Ed, để thấy ấm lòng về thứ tình cảm thiêng liêng dường như đã trở thành bản sắc của phim Nhật Bản.

Cũng phải nói rằng, để thể hiện nhân vật Elric Edward là một việc không hề dễ dàng cho chàng ca sĩ thần tượng kiêm diễn viên Yamada Ryosuke. Kể cả không tính đến việc cậu phải diễn xuất với… không khí vì nhân vật Alphonse được tạo bằng CGI, thì việc có thể nắm bắt được trái tim lúc nào cũng mang đầy cảm giác tội lỗi và hối hận của Ed là không hề đơn giản. Nhưng Ryosuke không chỉ là tròn vai, cậu thật sự mang đến cho Edward một diện mạo mới đậm chất điện ảnh.

FullMetal Alchemist: Xem 1 lần để chê dở, 2 lần để yêu - Ảnh 7.

Đó là một Ed biết run rẩy đến toát lạnh mồ hôi vì ác mộng hàng đêm vẫn ám ảnh. Đó là một Ed đánh ánh mắt căm thù đến phẫn hận dành cho Shou Tucker, khi nhận ra hắn đã chuyển hóa cô con gái cùng chú chó Alexander trở thành một quái thú Chimera biết nói tiếng người. Đó cũng là một Ed không thể dằn lòng mà rơi nước mắt khi đối diện với Alphonse có da có thịt. Hơn thế nữa, cả cái ánh mắt có chút tình chớm nở giữa Edward và Winry cũng được thể hiện rất ngọt. Bỏ qua định kiến cậu là một ca sĩ thần tượng, có lẽ người xem sẽ cảm nhận được tốt hơn màn thể hiện xuất sắc của Yamada Ryosuke trong tác phẩm này.

Bên cạnh đó, dàn diễn viên còn lại của FullMetal Alchemist cũng tỏ ra là những nhà hóa thân thần sầu. Nổi bật nhất trong ấy chính là Lust của Matsuyuki Yasuko. Như cái tên của mình, Lust là một phần của nhóm Homunculi được lấy tên theo 7 tội lỗi không thể tha thứ của loài người. Xuất hiện trong FullMetal Alchemist lần này mới chỉ có Lust, Gluttony và Envy. Nhưng người phụ nữ nóng bỏng với hứng thú đặc biệt dành cho Ed này là kẻ "cân team", thậm chí nhiều khi còn hút luôn cả ánh sáng của dàn nhân vật chính diện.

FullMetal Alchemist: Xem 1 lần để chê dở, 2 lần để yêu - Ảnh 8.

Còn phải kể đến anh chàng điển trai Dean Fujioka trong vai đại úy Roy Mustang. Phần kịch bản được chuyển thể lên phim FullMetal Alchemist không tạo nhiều cơ hội để Roy thể hiện tham vọng và chí hướng đáng kính nể của mình nhưng cũng ít nhiều cho người ta thấy Roy sinh ra là để trở thành người lãnh đạo với sự ủng hộ hết lòng của những người bạn, những cấp dưới trung thành tuyệt đối như Maes Hughes hay Risa Hawkeye.

Và cũng như nguyên tác manga, phiên bản phim chuyển thể của FullMetal Alchemist ít nhiều đề cập đến những vấn đề xã hội, quyền lực, chiến tranh, giấc mơ thống trị… Nó khiến cho thế giới giả kim thuật của FullMetal Alchemist trở nên giàu có và nhiều màu sắc, với cả ánh sáng và bóng tối không thua kém gì thế giới phù thủy của Harry Potter vậy.

FullMetal Alchemist phiên bản live-action giảm đi nhiều phần hài hước đến mức kịch hóa của manga, có thể khiến cho fan nguyên tác thất vọng. Nhưng thực ra nó lại hết sức phù hợp với câu chuyện điện ảnh mà đạo diễn Fumihiko Sori muốn gửi gắm.

FullMetal Alchemist vừa có một tuần ra mắt có thể coi là thuận lợi, đứng vị trí no.1 trên bảng xếp hạng doanh thu phòng vé với 291.000 lượt người xem cùng doanh thu 373 triệu Yên cho 3 ngày ra mắt tại Nhật Bản. Cũng có một vài tin đồn rằng bộ phim đang được cân nhắc đưa về Việt Nam mà nếu có thể, tin chắc rằng FullMetal Alchemist đủ sức chinh phục khán giả trong nước. Nếu có cơ hội xem bộ phim này, bạn đừng quên ngồi lại đến phút cuối cùng để thưởng thức phần kết cảm động trên nhạc nền bài hát chủ đề "Kimi no Soba ni Iru yo" của MISIA, và chờ đợi after credit nhé.

Kimi no Soba ni Iru yo - OST "Fullmetal Alchemist"