Gạt bỏ kèn Vuvuzela, CĐV Việt Nam vẫn còn nhiều cách để khiến đối thủ nể phục

PHỤNG HIẾU, Theo Sport5.vn 20:04 21/12/2018

Thay vì thổi những tiếng kèn đinh tai nhức óc khiến những cầu thủ con cưng bị ảnh hưởng dưới sân, hãy cổ vũ một cách có văn hóa bằng những loại hình dưới đây.

Chẳng cần kèn vuvuzela, CĐV Việt Nam cũng có vô số cách cổ vũ khiến đối thủ nể phục

Cứ mỗi lần sân Mỹ Đình được lấp đầy, CĐV Việt Nam lại cùng nhau tạo ra "rừng đèn flash" lung linh, huyền ảo, đẹp rực rỡ, khiến mỗi người đứng ở bên trong sân đều cảm thấy choáng ngợp, tim đập nhanh hơn. "Rừng đèn flash" trở thành món đặc sản cực kỳ dễ "ăn", để lại ấn tượng đẹp trong lòng mọi người. Thay vì thổi chiếc kèn vuvuzela đau đầu, CĐV nên bật đèn flash ở lưng máy nhiều hơn.

Sóng người không phải đặc sản cổ vũ do Việt Nam sáng tác, nhưng nó được thực hiện bởi CĐV Việt Nam nhiều bậc nhất. Mỗi khi sân Mỹ Đình kín chỗ, rất nhiều con sóng được tạo ra, có khi mỗi đợt sóng lên đến 10 lần.

Hát (Chanting)

Ở nhiều giải đấu bóng đá lớn trên thế giới, hát (chanting) là cách phổ biến để cổ vũ tinh thần của đội nhà cũng như khiến đối thủ phân tâm. CĐV có thể lựa chọn một vài lời ca trong bài hát truyền thống của CLB, cũng như tự sáng tác những bài riêng.

Gạt bỏ kèn Vuvuzela, CĐV Việt Nam vẫn còn nhiều cách để khiến đối thủ nể phục - Ảnh 1.

Chanting là cách cổ vũ đặc trưng của rất nhiều hội CĐV trên thế giới.

Hàng tuần, trước mỗi trận đấu, cầu thủ Liverpool luôn được nghe bài "You’ll never walk alone" trên sân nhà. Chưa dừng lại ở đó, các ngôi sao sáng giá nhất đội rất hay được CĐV tặng một bài hát riêng. Đó chính là lý do vì sao Anfield được coi là một trong những "pháo đài" tạo ra tiếng ồn lớn nhất ở Anh.

Tương tự như vậy, hội Ultras Malaysia trong 2 lần sang Việt Nam đều làm náo loạn đường phố Hà Nội bằng bài hát "Ekor Harimau Sejati" đầy sôi động. Nhiều CĐV Việt Nam nghe và chứng kiến cảnh tượng đã thừa nhận họ cảm thấy nể phục sự chuyên nghiệp của nhóm này.

CĐV Malaysia hát cổ động đội tuyển.

Hóa trang thật "ngầu"

Trang điểm, mặc những bộ trang phục cổ vũ đội bóng con cưng là điều không thể thiếu đối với các CĐV bóng đá trên toàn thế giới, tại Việt Nam cũng vậy. Trong giải đấu AFF Cup vừa qua, fan bóng đá Việt Nam đã khiến nhiều nước bạn nể phục vì khả năng sáng tạo tuyệt vời.

Gạt bỏ kèn Vuvuzela, CĐV Việt Nam vẫn còn nhiều cách để khiến đối thủ nể phục - Ảnh 3.
Gạt bỏ kèn Vuvuzela, CĐV Việt Nam vẫn còn nhiều cách để khiến đối thủ nể phục - Ảnh 4.

Xếp hình

Một trong những món "vũ khí" vô cùng lợi hại khác CĐV nước ngoài hay sử dụng để khiến đối thủ e sợ chính là tạo ra những lá cờ khổng lồ, những biểu tượng, linh vật độc đáo của CLB. Tuy nhiên, để tạo ra hình ảnh ấn tượng như fan Borussia Dortmund từng làm, CĐV Việt Nam cần phải chuẩn bị công phu trước mỗi trận đấu.

Gạt bỏ kèn Vuvuzela, CĐV Việt Nam vẫn còn nhiều cách để khiến đối thủ nể phục - Ảnh 5.

Hội CĐV Dortmund luôn tạo nên cảnh tượng hoành tráng như thế này ở mỗi trận đấu tại Champions League.

Trong khu vực Đông Nam Á, CĐV Indonesia và Thái Lan từng khiến báo chí nước ngoài trầm trồ thán phục vì những tấm biểu ngữ toát lên khí thế hùng mạnh của đội bóng. Có lẽ chỉ cần nhìn vào thôi, đội khách sẽ phần nào cảm thấy khiếp sợ.

Gạt bỏ kèn Vuvuzela, CĐV Việt Nam vẫn còn nhiều cách để khiến đối thủ nể phục - Ảnh 6.

CĐV Thái Lan đăng tấm hình khổng lồ trên SVĐ Rajamangala huyền thoại trong trận đấu với Malaysia.

Xuống đường ăn mừng an toàn, văn minh

Kể từ khi Nguyễn Quang Hải và đồng đội giành ngôi vị á quân tại giải U23 châu Á, xuống đường ăn mừng đã trở thành thói quen của người hâm mộ. Đó là một cách hay để ăn mừng thắng lợi, thổi bùng lên tình yêu thể thao và tình đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, CĐV Việt Nam ra đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển vẫn cần phải đặt yếu tố an toàn lên trên hết. Xuống đường ăn mừng nếu giữ được sự văn minh sẽ trở thành nét đẹp văn hóa.

Gạt bỏ kèn Vuvuzela, CĐV Việt Nam vẫn còn nhiều cách để khiến đối thủ nể phục - Ảnh 7.

NHM Việt Nam xuống đường ăn mừng chiến thắng.