Ghost in The Shell - Kiệt tác về mặt hình ảnh

Hiếu Mỡ, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 02/04/2017

Mặc dù được đầu tư rất kỹ lưỡng về mặt hình ảnh, âm thanh nhưng nội dung "Ghost in The Shell" vẫn còn một số điểm yếu để trở thành một phiên bản chuyển thể hay như mong đợi.

Ghost in The Shell là một trong những tựa anime có sức ảnh hưởng rất lớn không chỉ riêng với nước Nhật mà còn lan rộng ra toàn thế giới. Nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng đã từng được lấy cảm hứng từ bộ phim như The Matrix, Artificial Intelligence: AI (2001)... Thế nên từ khi dự án Ghost in The Shell live-action của Hollywood được bật đèn xanh, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều khác nhau đặc biệt là về lựa chọn Scarlett Johansson trong vai Major (Thiếu Tá). Khác với những dự đoán ban đầu, Ghost in The Shell không là một bản chuyển thể được đầu tư nghiêm túc nhưng còn rất nhiều thiếu sót để có thể trở thành một tác phẩm kinh điển như người tiền nhiệm năm 1995.

Ghost in The Shell - Kiệt tác về mặt hình ảnh - Ảnh 1.

Poster đậm chất Nhật Bản của Ghost in the Shell

Ghost in The Shell lấy bối cảnh tương lai theo chân nhân vật Major, một cyborg (nửa người nửa máy) độc nhất vô nhị trên thế giới khi được kết hợp giữa bộ não người và toàn bộ cơ thể là máy móc. Hanka Robot, nơi tạo ra cô đã gửi Major tham gia tiểu đội 9 và trở thành một thành viên quan trọng trong công cuộc truy lùng tội phạm. 

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, mức độ tinh vi của những tên khủng bố ngày càng gia tăng với việc chúng có khả năng hack vào não bộ con người. Major đã bị tên khủng bố khét tiếng Kuze thâm nhập vào não bộ sau một lần thi hành nhiệm vụ. Kể từ đó, cô liên tục thấy những ảo giác và kéo theo những phát hiện chấn động về quá khứ thật sự của mình.

Những bộ phim live-action của Hollywood thực hiện trước đây đều là những bom xịt to tướng, dẫn đầu là thảm họa thế kỷ Dragon Ball: Evolution. Sau này chúng ta có một bộ phim chuyển thể xuất sắc hơn là Edge of Tomorrow nhưng bộ phim dường như chỉ lấy ý tưởng từ bộ manga All you need is kill và xây dựng lại một câu chuyện mới với sự thay đổi rất lớn ở hai nhân vật chính. Còn với Ghost in The Shell, bộ phim gần như giữ nguyên trọn vẹn toàn bộ tạo hình của các nhân vật lẫn tính cách của họ.

Ghost in The Shell - Kiệt tác về mặt hình ảnh - Ảnh 2.

Tạo hình của nhân vật Batou rất giống với nguyên tác

Scarlett Johansson là lựa chọn rất là hoàn hảo cho Major. Cô có một thân hình bốc lửa, đầy đặn và cơ bắp đủ để cuốn hút người xem trong từng pha hành động. Một đồng nghiệp Batou ít nói, luôn sát cành cùng Major với ngoại hình được chăm chút gần như y hệt trong anime ra. Và đặc biệt là ôm trùm Aramaki của Tiểu đội 9 do đạo diễn/diễn viên gạo cội Nhật Bản Takeshi Kitano thủ vai đã có màn thể hiện rất ấn tượng ở cuối phim.

Rất nhiều tình tiết trong Ghost in The Shell bản gốc năm 1995 được sử dụng lại trong phiên bản mới này như người chở xe rác, màn cận chiến nơi bờ sông... Robot Gheisa thì được lấy từ phần phim Innocene, phản diện Kuze là một nhân vật được xuất hiện trong series S.A.C 2nd GIG nhưng lại mang dáng dấp của The Puppet Master trong phần gốc và Laughing Man trong phiên bản Stand Alone Complex. 

Đan xen vào đó là rất nhiều cảnh quay gợi nhắc đến những phiên bản anime năm xưa, đây là những chi tiết chứng tỏ đoàn làm phim đã có sự tìm hiểu và cố gắng biến Ghost in The Shell trở thành bản chuyển thể thật sự chứ không phải là một bộ phim lấy nền tảng từ anime.

Ghost in The Shell - Kiệt tác về mặt hình ảnh - Ảnh 3.

Cảnh chiến đấu dưới nước rất kinh điển của bản gốc được thể hiện lại rất hoàn hảo trên phim

Tuy nhiên, điểm thiếu sót lớn nhất mà Ghost in The Shell mắc phải là không thể truyền tải được thông điệp quan trọng nhất của loạt phim: mâu thuẫn giữa nhân tính và sự phát triển của công nghệ sinh học. Con người có thật sự là một sinh vật sống nữa không hay chỉ là một cỗ máy vô tri với các dữ liệu được mã hóa và nạp trực tiếp vào trong não bộ. 

Linh hồn lúc này có tồn tại nữa hay không và Major có được xem là con người nữa hay không khi chính cô còn không có được những cảm giác như con người bình thường. Sự mâu thuẫn này được làm rõ lên qua những câu thoại mang tính triết học của Major trong bản gốc nhưng trong phiên bản live-action này thì chúng được lặp đi lặp lại một cách vô chủ đích. 

Ghost in The Shell - Kiệt tác về mặt hình ảnh - Ảnh 4.

Mâu thuẫn giữa nhân tính và công nghệ bên trong Major không được làm rõ trên phim

Cách xây dựng Major với quá khứ, lai lịch rõ ràng là điểm mới so với bản gốc giúp cho khán giả hiểu nhiều hơn về cô nhưng từ đó lại tạo thành tiền đề cho việc xây dựng một cốt truyện về báo thù quá đơn giản và quen thuộc. Major có nhiều chi tiết cho thấy việc khát khao hiểu được cảm giác là con người như thế nào như hành động với các chú chó, tìm một cô gái thật để sờ chạm, lặn sâu dưới nước để tránh xa dòng dữ liệu tuôn vào đầu...

Đây là những tình tiết thú vị nhưng lại đan xen quá nhiều khiến cho mạch truyện chính loãng đi, không có sự đồng nhất trong việc tăng tiến cao trào. Do đó, Ghost in The Shell cứ đều đều đến mức khó chịu. Cả khả năng diễn xuất của Scarlett Johansson cũng không được bộc lộ khi liên tục phải thể hiện một gương mặt robot vô hồn, không một biểu hiện nào thuyết phục người xem cô đang phải giằng co giữa suy nghĩ của con người với hình thể robot.

Ghost in The Shell - Kiệt tác về mặt hình ảnh - Ảnh 5.

Nhiều chi tiết vụn vặt cho thấy sự khát khao biết được cảm giác là con người của Major nhưng lại không có sự liên kết cùng với gương mặt vô hồn của Scarlett Johansson chưa đủ thuyết phục người xem

Bù lại cho phần cốt truyện yếu kém, Ghost in The Shell có màn trình diễn âm thanh và hình ảnh xuất sắc. Đây là thành quả của việc sử dụng những mẫu robot nguyên bản được thực hiện bởi WETA Workshop kết hợp cùng với CGI để có thể tạo nên hiệu ứng hình ảnh chân thật nhất. 

Đơn cử là robot Gheisa đã được WETA Workshop thực hiện thành những mô hình riêng biệt với độ chi tiết cao để có thể sử dụng trong cảnh phim lúc đầu. Thành phố tương lai trong Ghost in The Shell mặc dù có nhiều nét tương đồng với các bộ phim cyberpunk khác như Bladerunner nhưng vẫn có được nét riêng nhờ sự giao thoa giữa văn hóa Châu Á và các công nghệ hiện đại như hình ảnh quảng cáo bằng hologram.

Ghost in The Shell - Kiệt tác về mặt hình ảnh - Ảnh 6.

Một thế giới cyberpunk với phong cách rất riêng trong "Ghost in The Shell"

Âm nhạc trong phim được phối lại từ các bản nhạc kinh điển của Kenji Kawai với âm thanh điện tử của bộ đôi soạn nhạc nổi tiếng Clint Mansell và Lorne Balfe tạo thành nét đặc sắc rất riêng. Vừa có hương vị hiện đại vừa có chút xưa cũ như chính nhân vật Major.

Ghost in The Shell là một phiên bản chuyển thể tử tế, được đầu tư rất công phu nhưng lại thiếu mất đi một đạo diễn và biên kịch giỏi để có thể xây dựng câu chuyện chỉn chu và hấp dẫn hơn. 

Mặc dù vậy, những thay đổi trong bộ phim cũng nhằm mục đích hướng tới nhóm khán giả mới, những người chưa từng biết về Ghost in The Shell có thể tiếp cận với thế giới cyborg trong phim một cách dễ dàng hơn. Hi vọng nếu có thể phát triển những phần tiếp theo, đoàn làm phim Ghost in The Shell sẽ chú trọng vào tinh thần của loạt phim gốc: sự mâu thuẫn giữa linh hồn (ghost) và vỏ bọc (shell), giữa một ý chí con người trong cơ thể của một robot.