Tất cả chúng ta ít nhất một lần trải qua tình cảnh này: Tâm trạng phấn chấn, cảm xúc tốt lành, kế hoạch sáng sủa bỗng dưng bị hủy hoại chỉ vì một bình luận hay dòng trạng thái ai đó nhắc đến ta theo cách tiêu cực. Ngay cả khi rời thế giới ảo, ta vẫn mang theo tâm trạng tồi tệ.

Buổi sáng cuối tuần, nắng nhẹ ngoài cửa sổ, văng vẳng bản nhạc êm dịu, ta nằm trên giường mường tượng cuộc cà phê trong khu vườn xanh tươi đã hẹn tụi bạn thân, đến rạp xem phim, sau đó về nhà ăn một bữa ngon cùng mẹ, tối nay ta sẽ lái xe ra phố với người thương... Thế rồi ta với tay lấy điện thoại, lướt qua tin tức đầu ngày, xem bộ ảnh đêm qua đăng lên được bao nhiêu tương tác. Giữa những dòng bình luận vui vẻ ngợi khen, bỗng đập vào mắt ta một avatar chẳng biết từ đâu bơi vào đây, ném vào mặt ta nhận xét giễu cợt. Ta chồm dậy, tìm lời trả đũa sâu cay. Tức khắc bên kia đáp trả bằng giọng điệu gây hấn. Nộ khí bốc lên, ta lao vào “tranh luận” với kẻ ấy đến cùng. Kết thúc cuộc đấu, ta chiến thắng khi làm cho đối thủ im miệng. Thế nhưng, tâm trạng vui vẻ của ta đã vỡ vụn. Một ngày tươi sáng của ta tan biến đâu rồi.

Tất cả chúng ta ít nhất một lần trải qua tình cảnh trên. Tâm trạng phấn chấn, cảm xúc tốt lành, kế hoạch sáng sủa bỗng dưng bị hủy hoại chỉ vì một bình luận hay dòng trạng thái ai đó nhắc đến ta theo cách tiêu cực. Ngay cả khi rời thế giới ảo, ta vẫn mang theo tâm trạng tồi tệ. Ta trở nên cáu bẳn, sẵn sàng buông lời mỉa mai, chỉ va chạm nhỏ là ta nổi cơn thịnh nộ với đồng nghiệp, bạn bè và người thân.

Vậy là không chỉ riêng ta, mà cả những người chung quanh ta, đã bị cuốn vào quỹ đạo của nguồn năng lượng xấu từ mạng xã hội.  


Giống như một thứ độc tố, nguồn năng lượng xấu từ mạng xã hội đang ăn mòn ta mỗi ngày - Ảnh 1.

Có một lý thuyết được tin tưởng rộng rãi, dù còn gây tranh luận, nhưng bạn và tôi có thể tự kiểm chứng: Mỗi cá nhân đều sở hữu một trường năng lượng riêng. Chắc chắn ta từng gặp một ai đó và quí mến họ gần như ngay lập tức. Ta thấy vui vẻ, an toàn, dễ chịu bên cạnh họ, sẵn sàng kết bạn và trò chuyện như đã thân quen từ lâu. Ngược lại, có những người như thể mang theo đám mây u ám trên đầu, khiến ai tiếp xúc đều thấy nặng nề, bực dọc và cả xui rủi.

Hình ảnh minh họa phổ biến nhất cho trường năng lượng là một lớp hào quang bao quanh mỗi cá nhân. Chúng có hình dáng, màu sắc, cường độ khác nhau, tùy vào bản chất và tâm tính từng người. Những người có nhân cách tốt, lối sống đẹp, giàu yêu thương và khoan dung tỏa ra nguồn năng lượng tích cực. Ngược lại, nguồn năng lượng tiêu cực phát ra từ những ai tính khí nóng nảy, tâm tưởng độc địa hẹp hòi. Giống như một thứ độc tố, nguồn năng lượng xấu phát tác sẽ ăn mòn trạng thái vui vẻ của những người xung quanh.

Giống như một thứ độc tố, nguồn năng lượng xấu từ mạng xã hội đang ăn mòn ta mỗi ngày - Ảnh 2.

Được xem như niềm tin đại chúng hơn là lý thuyết khoa học, nhưng “trường năng lượng” vẫn là cách giải thích hợp lý cho sự vận hành các mối quan hệ. Là năng lượng nên chúng luôn vận động, lan truyền, tác động và biến đổi lẫn nhau. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” chính là cách biểu đạt của ông bà ta về việc nguồn năng lượng mạnh sẽ lấn át và thay đổi nguồn năng lượng yếu, theo cả hai chiều hướng tốt - xấu. Ai cũng muốn được bao quanh bởi năng lượng tích cực, tránh xa năng lượng tiêu cực. Tuy nhiên, điều đó chưa bao giờ dễ dàng.

Trong kỷ nguyên Internet và mạng xã hội, trường năng lượng mở rộng không gian hoạt động cũng như tầm ảnh hưởng. Một thế giới mới vận hành song song với cuộc sống thực. Mối liên hệ của mỗi cá nhân gần như phi giới hạn. Khi online, ta tương tác với hàng trăm, hàng ngàn người khác nhau, thông qua các hình thức đa dạng như chat, bình luận, xem hình ảnh, theo dõi video clip, livestream… Đó cũng là cách ta đang tiếp xúc với nhiều nguồn năng lượng khác nhau. Trong đó, có không ít là nguồn năng lượng xấu.


Giống như một thứ độc tố, nguồn năng lượng xấu từ mạng xã hội đang ăn mòn ta mỗi ngày - Ảnh 3.

Trong đời sống thực tế, chúng ta dễ nhận diện ai mang theo nguồn năng lượng xấu, nhưng trên mạng thì không đơn giản như vậy.

Ở mức độ dễ thấy, bằng trải nghiệm cá nhân, ta có thể định vị “nguồn” phát tán năng lượng tiêu cực từ các tài khoản hay trang mạng khiến ta mệt mỏi, căng thẳng, mất đi nhiệt huyết sống. Đó là đứa bạn thân tối ngày đăng status than vãn những vấn đề riêng tư. Đó là người đồng nghiệp đều đặn gửi cho ta các link cảnh báo nguy hiểm về sức khỏe, môi trường, thực phẩm. Đó là mấy cái nick hay xông vào tấn công ta chỉ vì ý kiến trái chiều. Đó là một trang mạng có khuynh hướng bi quan về xã hội... Biết là tệ, nhưng vì xem đó như một thói quen, một sự xui rủi, hay một phần của đời sống thực tế, nên ta chấp nhận hít thở cùng chúng hằng ngày.

Mục tiêu hàng đầu của những cá nhân sử dụng mạng xã hội như một phương tiện kiếm sống là tìm kiếm sự quan tâm và được nhắc đến, càng nhiều càng tốt. Nếu các ngôi sao giải trí và thể thao có sẵn lực hút tự thân, thì không ít KOL, hot facebooker/ Instargramer sử dụng các thủ thuật lôi kéo sự tò mò chú ý của công chúng mạng. Một bộ ảnh xinh tươi, dòng trạng thái lạc quan, một thông tin nghiêm túc sẽ sớm bị nuốt chửng trong dòng chảy news feed. Thủ thuật neo giữ thông tin, mang lại hiệu ứng tương tác cao, có độ lan tỏa rộng khắp chính là tạo nên nỗi lo âu, đánh thức sự sợ hãi và khuấy động cơn tức giận.

Giống như một thứ độc tố, nguồn năng lượng xấu từ mạng xã hội đang ăn mòn ta mỗi ngày - Ảnh 4.

Tiếp nhận thông tin dạng này, chắc chắn ta không thể ăn ngon ngủ yên. Một khi tò mò và lo âu đã trỗi dậy, ta sẽ tiếp tục tìm kiếm thông tin liên quan, chia sẻ với bạn bè, mong chờ phản hồi và bình luận. Vô hình trung, ta đã rơi vào bẫy. Thứ ta thu về chỉ là chuỗi cảm xúc tồi tệ, ảnh hưởng tâm trạng và công việc của chính mình mà thôi.

Ở mức độ khó nhận diện hơn, năng lượng tiêu cực của mạng xã hội đến từ những thứ tưởng chừng rất tích cực. Một trong các đặc trưng nổi bật của thế giới mạng là tính bề mặt. Những gì ta thấy, đọc, nghe không hề được đưa lên một cách ngẫu nhiên, dù chúng mang đến cho ta cảm giác rất tự nhiên. Nguồn năng lượng tiêu cực không hẳn lúc nào cũng hiển hiện bằng ngôn từ dung tục cộc cằn hay hình ảnh thô thiển bạo lực. Những tín điều dị đoan có thể ngụy trang dưới hình ảnh bắt mắt, ngôn từ có cánh, bằng các phản đề có vẻ thú vị, lối tư duy dị biệt có vẻ khôn ngoan, đi cùng đó là các chỉ dẫn tưởng chừng hữu ích, những lời khen ngợi dễ dàng, các hứa hẹn hấp dẫn. Tựa thứ độc dược ngọt ngào, từng chút một chúng chiếm lĩnh đầu óc ta, khiến ta xa lánh cuộc sống thực. Ta tin cậy chúng, lặp lại chúng, lan tỏa chúng. Không chỉ hấp thụ, ta đã trở thành nguồn phát tác năng lượng xấu lúc nào không hay.

Ta yêu thương nhiều hơn hay hận thù nhiều hơn? Ta tự tin thể hiện khả năng hay lún trong cảm giác đề phòng lo ngại? Ta mở mang tầm mắt, chia sẻ hiểu biết, khơi gợi cảm hứng hay chỉ phàn nàn, chê trách, chửi rủa suốt ngày đêm? Ta thấy cuộc sống này quý giá và đáng sống hay chỉ toàn một màu ảm đạm? Ta chú ý đến các giá trị cốt lõi về nhân cách, tri thức hay bị ám ảnh bởi vẻ ngoài, thèm khát những tiện nghi xa xỉ? Ngồi xuống trả lời các câu hỏi trên, ta sẽ xác định được mình đang tốt lên hay xấu đi. Nếu câu trả lời không nằm ở phần tốt, cần xem xét lại “circle” của ta trên mạng.


Giống như một thứ độc tố, nguồn năng lượng xấu từ mạng xã hội đang ăn mòn ta mỗi ngày - Ảnh 5.

Khác hẳn mục tiêu tốt đẹp ban đầu là kết nối và chia sẻ, mạng xã hội ngày nay đang trở thành bãi xả khổng lồ của nỗi giận dữ, nghi ngờ và bất mãn.

Giống như trên mặt báo, tin xấu luôn thu hút đông độc giả. Mạng xã hội cũng là kênh thông tin, chính xác hơn, kênh thông tin kiểu mới, mỗi người tham gia là một nguồn tin. Như vậy, dòng chảy thông tin mạng không nằm ngoài quy luật. Chưa kể mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay là Facebook còn có những thuật toán ưu tiên cho các thông tin nóng, hút người truy cập.

Thiếu tư duy phản biện, ta dễ dàng bị cuốn vào dòng thác tin tức thật giả lẫn lộn. Dành quá nhiều tâm trí cho sự hơn thua, quá nhiều comment hừng hực nuốt lấy đối thủ ảo, chắc chắn ta không còn đủ sức cho thế giới thật. Khi tâm trí rơi xuống thấp điểm, năng lượng tiêu cực xâm chiếm ta, lây lan cho cả cộng đồng chung quanh. Thật tồi tệ khi bản thân ta trở thành cục phát wifi năng lượng xấu.

Giống như một thứ độc tố, nguồn năng lượng xấu từ mạng xã hội đang ăn mòn ta mỗi ngày - Ảnh 6.

Một vấn đề thiết thân với netizen trẻ tuổi nhưng ít được nhận thức đầy đủ: Mỗi chúng ta đều có thể là nạn nhân đồng thời cũng là thủ phạm của cyberbullying - bắt nạt trên mạng. Chỉ cần nhận một comment hơi quá khích, một nhận định đụng chạm tự ái, hay một xúc xiểm cá nhân, ta dễ dàng lao vào cuộc ẩu đả trên bàn phím. Với cyberbullying, ngôn từ và hình ảnh đều có thể trở thành vũ khí giết người. Từ nạn nhân, ta biến thành kẻ chủ động tấn công. Ở Việt Nam, văn hóa giao tiếp trên Internet gần như chưa có. Thay vì tranh luận, người dùng mạng thường sa đà vào đe dọa, công kích, nhục mạ cá nhân. Ít ai nhận thức đó là hành vi bắt nạt. Thái độ hắc ám từ thế giới ảo lan sang thế giới thật là hệ quả đương nhiên.

Nguy hiểm hơn nữa khi trong tâm trí ta, thế giới ảo đã trở thành “thật”. Thực tế cho thấy, hầu hết những cá nhân hiếu chiến trên mạng ngoài đời thường rụt rè, cô độc, khép kín. Chỉ lúc ẩn danh ngồi trước màn hình, ta mới sống động, thể hiện bản thân mạnh mẽ. Theo dõi các trang tin kích động thường xuyên, tham gia các cuộc tranh cãi và ném đá vô tận trên mạng, dần dần tâm trí ta trở nên méo mó. Bất cứ việc gì cũng được diễn giải theo định kiến có sẵn, ta hung hăng hơn nhưng lại yếu ớt hơn. Trầm cảm, bi quan với cuộc sống là những nguy cơ hiển hiện. Các mối quan hệ thân thiết thưa dần. Ta trở thành “gương xấu”, bạn bè không ai muốn dây vào. Càng cô độc, càng tìm cách kêu gọi sự quan tâm, ta càng tỏa ra luồng năng lượng xám xịt, như một đám khói độc hại ai nấy đều tránh xa. Thủ phạm và nạn nhân giờ đây chỉ là một: Chính ta. Tình cảnh này khác nào vũng lầy ta tự gây nên và khó lòng rút chân ra khỏi.


Giống như một thứ độc tố, nguồn năng lượng xấu từ mạng xã hội đang ăn mòn ta mỗi ngày - Ảnh 7.

“Tôi stress triền miên, tôi có quá nhiều vấn đề” là câu cửa miệng của nhiều người trẻ hôm nay. Thực tế thì cuộc sống không có nhiều vấn đề đến vậy. Chính cách nhìn tiêu cực đã tạo thêm rắc rối và phiền phức. Trong việc “tạo vấn đề” cho cá nhân, mạng xã hội tác động rất lớn. Với tính chất chia sẻ của mạng ảo, ta thường có khuynh hướng vơ các vấn đề của người khác thành vấn đề của mình. Nếu mọi rắc rối của ai đó xa xôi trên mạng đều trở thành vấn đề của ta, sớm muộn ta cũng sẽ chết ngộp. Hãy để mỗi người tự giải quyết vấn đề của họ, ta chỉ hỗ trợ khi họ yêu cầu, trong khả năng của ta, đừng nên ảo tưởng lôi kéo thêm người khác vào cuộc. Mạng xã hội cũng là nơi con kiến có thể biến thành con voi. Ta than thở một câu đã được trăm người hỏi han an ủi. Chuyện bé xé ra to, ta thấy mình sao mà bất hạnh, trong khi lẽ ra “vấn đề” đã trôi qua chỉ trong vài phút mà thôi.

Có một sự thật: Trên mạng, mọi người chỉ quan tâm đến chính họ, không ai thực lòng bận tâm vấn đề của ta. Chỉ một số rất ít người trong gia đình hoặc bạn bè thân thiết mới lo lắng xem ta gặp phải chuyện gì. Nhưng điều lạ lùng là ta thường chờ đợi một động thái của ai đó xa lạ, hơn là tìm đến những người quen thân và thật sự giúp ích trong đời thực. Để tránh hấp thụ, lan truyền hoặc tự trở thành nguồn phát năng lượng tiêu cực, ta phải tìm đến và bao phủ mình bằng những nguồn năng lượng tích cực, trong một phép cân bằng. Tiếc rằng, giải pháp này rất ít khi được tính tới.

Như mọi thứ khác trên đời, Internet và mạng xã hội mang hai mặt tốt xấu. Bản thân các dòng thông tin trên mạng không phải là vấn đề, mà vấn đề nằm ở chỗ người dùng chúng ta lựa chọn loại nào, từ chối loại nào. “Hãy cho tôi biết bạn follow ai trên mạng, tôi có thể nói bạn là người ra sao”. Với tâm lý tò mò ưa thích chuyện khác lạ, giật gân, ta thường có khuynh hướng theo dõi các cá nhân, fanpage, trang mạng “giàu kịch tính” hoặc “đưa thông tin xấu”. Nhưng nếu trang cá nhân của ta chỉ ngập tràn mỉa mai, giễu cợt, công kích và giận dữ, rõ ràng tinh thần ta không hề lành mạnh.

Giống như một thứ độc tố, nguồn năng lượng xấu từ mạng xã hội đang ăn mòn ta mỗi ngày - Ảnh 8.

Tiến sĩ Douglas Gentile, nghiên cứu Truyền thông xã hội tại Đại học Iowa (Hoa Kỳ), nhận định: “Dành nhiều thời gian trên mạng khiến bạn ghen tị, lo lắng khi nhìn vào cuộc sống người khác. Tác động từ những cảm xúc này làm suy yếu hệ thống miễn dịch, gây tổn thương sức khỏe tâm thần, sản sinh cortisol (gây nên stress) mãn tính. Để cân bằng và hạnh phúc hơn, bạn nên kiểm soát thời gian cho mạng xã hội. Hai tiếng một ngày là mức hợp lý, đừng nhiều hơn.”

Cũng như cuộc sống thực, trên mạng vẫn hiện diện rất nhiều chất liệu tốt đẹp, tạo cảm hứng, khơi gợi hy vọng và yêu thương. Tuy nhiên, những chất liệu này chỉ tìm thấy khi ta có ý thức tìm kiếm. Cụm từ “người dùng thông minh” ngày càng trở nên quan trọng, nhấn mạnh ý thức chọn lọc. Là một netizen thông minh, ta sẽ biết lựa chọn, cân bằng các luồng thông tin. Bên cạnh việc tiếp nhận và xử lý thông tin xấu, ta kết bạn với các cá nhân tư duy tích cực, tham gia những cộng đồng có thể chia sẻ góc nhìn lạc quan, khơi gợi khát vọng tươi sáng, phát hiện năng lực tiềm ẩn. Theo dõi những trang văn hóa nghệ thuật chất lượng giúp ta có thêm niềm vui và hiểu biết giá trị, làm giàu cảm xúc chính mình.

Những mông muội thời kỳ đầu tiếp xúc thế giới ảo đang đến hồi kết. Ta không còn là người thủy thủ ngơ ngác để những đợt sóng thông tin cuốn đi trôi dạt khắp nơi. Một khi đã lên thuyền, ta ra khơi với các đích đến chắc chắn. Thế giới mạng vốn vô cùng và nhiều biến động, nhưng cũng như cuộc sống mà ta đang sống, nó rất công bằng. Ta hành xử trong thế giới ấy ra sao, nó sẽ đem đến cho ta những phản hồi đúng hệt như thế.

Để hồi phục nguồn năng lượng tốt, ta không cần tìm đâu xa. Nó luôn có sẵn trong cuộc sống thực, đến từ những người gần gũi thương yêu ta nhất. Tắt máy tính, tạm xa chiếc smartphone, dành trọn một ngày cà phê vui vẻ với hội bạn thân, đến rạp xem phim, về nhà ăn bữa ngon mẹ nấu, và tối đến lái xe ra phố với người thương, ta sẽ thấy mình thực sự đang sống, thật tích cực.

Nam Lâm
Nguyễn Tất Sỹ
nhatanhngx
Theo Trí Thức Trẻ14.9.2018