Gần 4 năm có mặt tại Việt Nam, xe ôm công nghệ GrabBike không còn là nghề nghiệp gây tò mò, tranh cãi mà đã dần hình thành nên thói quen di chuyển mới của người Việt, đem đến một bức tranh đầy màu sắc về một lĩnh vực tưởng cũ nhưng rất mới.

Tiếng chuông điện thoại reo lên, đầu bên kia cất tiếng chào:

Xin chào anh! Có phải anh vừa đặt GrabBike đi bến xe Miền Đông phải không ạ?

Đúng rồi anh!

Dạ vậy anh đợi em 2 phút nhé! Em đang ở gần chỗ anh, sẽ chạy qua ngay đây ạ! Em cảm ơn anh!

GrabBike – Hơn cả một nghề nghiệp, đó là câu chuyện cuộc đời - Ảnh 1.

Cách đây hơn 4 năm, tôi cũng như rất nhiều hành khách đi xe ôm ở Việt Nam chắc không tưởng tượng được rằng có một ngày việc đặt 1 cuốc xe ôm lại trở nên đơn giản và nhanh chóng đến như thế. Chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là đã có ngay một bác tài nhiệt tình dừng trước cửa đợi đón bạn.

Grab lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam với dịch vụ GrabTaxi, đến tháng 11/2014 thì nhanh chóng cho ra mắt dịch vụ GrabBike để phục vụ nhu cầu rất cao trong việc di chuyển bằng xe ôm của người Việt. Theo thông tin từ Grab lúc đó cho biết, Việt Nam là thị trường đầu tiên trên thế giới có dịch vụ đặt xe máy công nghệ. Sự xuất hiện của GrabBike đã tạo nên một bước chuyển lớn trong suy nghĩ của rất nhiều người về việc di chuyển bằng xe ôm. Một lựa chọn hoàn toàn mới giúp người dùng dễ dàng đặt xe, cùng với việc tiết kiệm chi phí khi di chuyển đã giúp GrabBike ghi điểm trong mắt người Việt, và đặc biệt là hội những người ngại đi xe ôm như tôi.

GrabBike – Hơn cả một nghề nghiệp, đó là câu chuyện cuộc đời - Ảnh 2.

An toàn là một trong những tiêu chí hàng đầu mà Grab đề ra. Khách hàng hoàn toàn có thể biết được lộ trình mà mình sẽ đi dựa vào định vị GPS trên ứng dụng, cũng như biết được thông tin cơ bản của tài xế. Và quan trọng là khách hàng hoàn toàn có thể chủ động xem trước giá cước của chuyến đi rồi mới quyết định có đặt hay không - điều mà họ không thể làm với dịch vụ xe ôm truyền thống.

Với rất nhiều sự mới mẻ và tiện lợi, những chiếc áo xanh ngày một xuất hiện nhiều hơn trên phố phường, tạo nên một điểm rất riêng biệt và dễ nhận biết. Còn với bản thân tôi và những người bạn trong hội "Ế thâm niên" thì dịch vụ này mang một giá trị rất to lớn, là chỗ dựa tinh thần để chúng tôi có thể ngẩng cao đầu với câu cửa miệng "ế là xu thế", bởi dù không có người yêu bên cạnh thì chúng tôi vẫn có người sẵn sàng đưa đi đón về bất kể là vào thời điểm nào, mọi việc chỉ cần làm là vài nút chạm trên ứng dụng Grab.

Hơn 4 năm có mặt ở Việt Nam, GrabBike giờ đây không còn là một trào lưu khiến người ta hoài nghi hay tò mò mà đã thực sự trở thành một nghề nghiệp mang lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn con người. Thế nhưng đằng sau mỗi chiếc áo xanh là những câu chuyện đời mà không phải lúc nào chúng ta cũng có dịp trải lòng.

GrabBike – Hơn cả một nghề nghiệp, đó là câu chuyện cuộc đời - Ảnh 3.

Cách đây vài tháng tôi có dịp đi trên xe của một bác tài lớn tuổi tên là Phạm Thành Triệu. Có chút bất ngờ vì trước nay tôi vẫn nghĩ công việc này là lựa chọn của đa phần các bạn trẻ, thế nên tôi hơi tò mò:

- Ba má con ở nhà tập xài điện thoại miết mà không quen, bác cũng tầm tuổi ba má con mà chạy xe ôm công nghệ, xài điện thoại thông minh điệu nghệ quá chừng!

Bác Triệu cười:

- Nói ra sợ chú cười chứ hồi đó tui cũng dốt lắm, đâu có biết xài điện thoại thông minh này nọ đâu. Cái rồi tui biểu con tui nó bày, cái gì không biết thì phải học chú à. Không phải chỉ người trẻ mới học, mà người già như tụi tui cũng phải học.

Kể ra mới biết trước đây bác Triệu từng là nhiếp ảnh gia có 30 năm kinh nghiệm, sở hữu hẳn kiot ảnh trên Nguyễn Huệ hẳn hoi. Nhưng thời thế mỗi ngày một thay đổi, công nghệ mỗi ngày một hiện đại nên nghề ảnh của chú cũng dần mất chỗ đứng. "Cách đây 7 năm, lần đó tui đi chụp hình đám cưới, cuối buổi chú rể dặn: chú về gửi file ảnh cho con nha, để con lưu lại mai mốt lấy ra xem. Trước giờ đi chụp toàn giao ảnh, lần đầu tiên tui được người ta yêu cầu giao file, tui nhận ra thời cuộc đã thay đổi rất nhiều, nếu bản thân không thay đổi thì sẽ bị bỏ lại rất xa" - bác Triệu kể lại.

GrabBike – Hơn cả một nghề nghiệp, đó là câu chuyện cuộc đời - Ảnh 4.

Rồi bác chuyển sang chụp máy kỹ thuật số, nhưng nguyên nhân chính khiến nghề ảnh trở nên lao đao chính là sự xuất hiện của những chiếc điện thoại có tính năng chụp hình. Khi mà ai ai cũng có tự chụp cho mình 1 tấm ảnh, thì người thợ ảnh đứng trước bờ vực thất nghiệp. Bác Triệu tâm sự: "Chiếc điện thoại là nguyên nhân khiến cuộc sống tui trở nên khó khăn, nhưng cũng chính nó đã đem đến cho tui một công việc hoàn toàn mới - chạy GrabBike".

Một lần tình cờ đọc được thông tin về GrabBike trên báo, bác Triệu quay qua hỏi cậu con trai: "Cái này là sao con?". Cậu con trai nhìn thông tin tuyển dụng rồi trả lời: "Cái này mới vào thị trường Việt Nam, con có đi thử rồi dịch vụ tốt lắm ba". Kể từ đó bác Triệu chính thức bước vào hành trình học sử dụng điện thoại để trở thành một bác tài GrabBike chính hiệu.

"Mấy bữa đầu xài điện thoại không quen nên việc đón khách trả khách khó lắm chú. Nhưng xài riết rồi quen, sai 1 lần, 2 lần, 3 lần rồi sẽ rút ra kinh nghiệm. Giờ thì tui thành thạo rồi" - bác Triệu hóm hỉnh kể lại những ngày đầu vất vả khi tập làm quen với GrabBike.

GrabBike – Hơn cả một nghề nghiệp, đó là câu chuyện cuộc đời - Ảnh 5.

Tôi lại thắc mắc: "Bác lớn tuổi rồi chạy ngoài đường nhiều như vậy liệu có đảm bảo sức khoẻ không ạ?". Bác cười: "Công việc này đem lại cho tui nhiều thứ lắm! Thời gian thì tự do hơn, lúc nào khoẻ thì tui chạy, mệt thì ở nhà, không ai ép buộc cả. Ngày trước hễ ngày nào không đi chụp là đi nhậu, có tháng nhậu 45 cữ. Còn bây giờ nguyên tắc của Grab là khi chạy xe thì không được có hơi men để đảm bảo an toàn, nên trong lúc lái xe tui không hề đụng một giọt rượu. Nhờ vậy mà bây giờ nhìn tui trẻ hơn trước nhiều lắm đó! Mình sống thoải mái, tự do tự tại, không suy nghĩ nhiều tự khắc mình trẻ".

Chạy xe ôm trước nay vẫn là nghề dành cho cánh đàn ông, hiếm hoi lắm mới có phụ nữ làm công việc này. Nhưng đã không ít lần tôi gặp những nữ tài xế GrabBike, họ - mỗi người đều có lý do riêng để đến với công việc này.

Chị Huỳnh Ngọc Hạnh (28 tuổi) đã trải lòng với tôi về lý do chị chọn công việc này: "Sau khi ly hôn hai vợ chồng tôi chia nhau mỗi người nuôi 1 đứa con. Kinh tế tôi lúc đó rất khó khăn, để có tiền chăm sóc cho con tôi đã tìm đến GrabBike. Mất khá nhiều ngày để tập quen với đường xá Sài Gòn khi mới bắt đầu công việc nhưng dần dần rồi cũng quen đường".

Là một người mẹ đơn thân vừa phải chăm sóc con, vừa phải làm việc để kiếm sống nên áp lực trên vai chị Hạnh đôi khi không thể tả hết. Thế nhưng chưa bao giờ chị than với ai, có chăng chỉ cảm thấy nuối tiếc vì những ngày lễ tết không thể dành thời gian ở bên con trọn vẹn. Nhưng cuộc sống là vậy, đôi khi ta phải hy sinh những điều trong hiện tại để hướng đến một tương lai tươi đẹp hơn.

GrabBike – Hơn cả một nghề nghiệp, đó là câu chuyện cuộc đời - Ảnh 6.

Có một câu chuyện mà chị Hạnh luôn nhớ mãi. Lần đó gần 10 giờ đêm, chị Hạnh chở một vị  khách ra bến xe về quê thăm con. Trời cũng đã khuya, anh khách buột miệng hỏi:

- Sao khuya rồi mà em còn chạy xe?

Chị Hạnh thật thà tâm sự:

- Dạ tại hôm nay em chạy chưa đủ chỉ tiêu, nên ráng thêm vài cuốc nữa.

Anh khách hỏi:

- Vậy em còn bao nhiêu nữa thì đủ?

Chị Hạnh nói:

- Dạ em cũng gần đủ rồi anh.

Cuốc xe đó có giá hơn 30 ngàn đồng, nhưng đến nơi anh khách gởi cho chị Hạnh 200 ngàn đồng. Anh giải thích:

- Anh trả cho em 200 ngàn đồng để em về với con, trời cũng khuya rồi.

Chị Hạnh bối rối:

- Anh đưa em nhiều quá em không dám nhận đâu!

Anh khách cười:

- Anh không cho em, anh cho con của em. Để em về sớm vui với con. Vì anh cũng có con nhỏ ở xa, anh hiểu cảm giác đó mà!

Những chuyến đi không chỉ đem đến cho chị Hạnh nguồn thu nhập ổn định, mà còn tiếp thêm động lực để nỗ lực, bởi ở đó chị tìm thấy được những người tuy xa lạ nhưng đồng cảm với mình.

Có một điều đặc biệt là ở GrabBike các bác tài ít khi nào ganh đua nhau để giành khách. "Các tài xế với nhau ở đây có những nhóm như Cơ Động 247 hay các tổ đội và nhóm với nhau. Ở đây anh em coi nhau như người nhà không cần biết gia cảnh, học vấn hay gì hết. Nên nếu có xảy ra sự cố ở đâu thì có thể báo với hội hoặc nhóm là sẽ có anh em đến hỗ trợ giúp đỡ. Mình cũng an tâm hơn vì nhiều khi chạy ban đêm khá nguy hiểm nên nếu có chuyện gì mình đều có thể gọi cho nhóm" - các anh tài xế chia sẻ.

Bản thân chị Hạnh cũng đứng ra thành lập một nhóm Cơ động 247 dành riêng cho chị em phụ nữ chạy GrabBike để hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn. Chị bảo: "Công việc lúc nào cũng cần để kiếm tiền, nhưng vui nhất là có thể giúp mọi người. Đâu phải lúc nào mình cũng gặp may mắn, biết đâu được sau này mình sẽ cần sự hỗ trợ từ mọi người thì sao".

GrabBike – Hơn cả một nghề nghiệp, đó là câu chuyện cuộc đời - Ảnh 7.

Gia đình anh Sơn Thành Lễ có cả 3 thành viên đều là tài xế của GrabBike. Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề, anh Lễ thật lòng tâm sự: "Ban đầu là thằng em họ giới thiệu cho anh hai tôi đi chạy GrabBike, rồi anh hai rủ ba, rồi cuối cùng tôi cũng tham gia vào công việc này luôn".

Những mối lương duyên của Grab cứ vậy được nối dài. Anh Lễ kể: "Một năm trước tôi có quen 1 đồng nghiệp tên Đông. Hoàn cảnh của anh Đông rất khó khăn, mẹ Đông mượn tiền ngân hàng trồng thanh long, nhưng không may thanh long chết hết nên không có tiền trả nợ. Trong thời gian đó Đông chạy GrabBike để kiếm tiền gởi về quê, không có chỗ ở Đông nay đây mai đó, lúc thì xin ngủ chỗ này, bữa thì xin chỗ khác, nhiều bữa chạy về khuya quá phải ngủ ngoài quán cà phê.

Có lần ba tôi bắt gặp anh Đông nằm ngủ ngoài quán, thấy tội nên ba chủ động kêu về nhà tôi ở. Từ lúc anh ấy về ở ba tôi coi như con trong nhà, giúp đỡ anh Đông qua những ngày tháng khó khăn của cuộc đời".

GrabBike – Hơn cả một nghề nghiệp, đó là câu chuyện cuộc đời - Ảnh 8.

Nguyễn Thị Tường Vi - một nữ tài xế rất cá tính mà tôi gặp trong một dịp tình cờ đi GrabBike, trên chuyến đi hôm đó Vi tâm sự với tôi rất nhiều về câu chuyện của cộng đồng LGBT Việt. Rằng đã khá lâu rồi cộng đồng LGBT Việt không còn dùng nước mắt để mong nhận sự thương hại từ xã hội, Vi và các bạn trong cộng đồng LGBT đã nỗ lực thể hiện bản thân để được nhìn nhận bằng năng lực và con người thật của mình. Mỗi chuyến xe Vi lại có thêm những người bạn mới, giúp họ cởi mở hơn về cộng đồng vốn còn nhiều định kiến.

GrabBike – Hơn cả một nghề nghiệp, đó là câu chuyện cuộc đời - Ảnh 9.

Vi vui vẻ nói: "Điều thú vị là hồi đầu lúc mình mới chạy GrabBike mình với một vài người bạn nghĩ là tham gia chạy cho vui thôi chứ không có ý định dành hết thời gian cho công việc này. Nhưng chạy được một thời gian thấy vui rồi giờ là nghiện luôn. Ngày nào mà không chạy là lại thấy thiếu thiếu. Mỗi ngày ít nhất phải chạy 1 cuốc mới chịu được".

Mỗi vị khách mà các bác tài gặp là một cuộc đời, là một câu chuyện rất riêng. Nguyễn Chí Cường bảo với tôi rằng từ ngày tham gia vào đội ngũ GrabBike, anh cảm thấy cuộc sống của mình phong phú, màu sắc hơn. Ở đây anh được tiếp xúc, trò chuyện với rất nhiều người, từ người già đến người trẻ, từ người giàu đến người nghèo, cả người tri thức lẫn người lao động... tất cả họ đem đến một đời sống vô cùng thú vị cho những người trẻ như Cường.

Lần đó Cường chở một vị khách khiếm thị và tật ở hai chân không đi lại được. Vị khách được người quen đặt xe hộ nên cũng không biết chính xác được địa chỉ. Địa điểm đặt thì mới được nửa đường về nhà, mà quãng đường còn lại khá xa (khoảng 6km), để khách đi bộ thì không đành nên Cường quyết định chở khách về tận nhà.

GrabBike – Hơn cả một nghề nghiệp, đó là câu chuyện cuộc đời - Ảnh 10.

Đến nơi, vị khách hỏi Cường:

- Tôi phải trả thêm bao nhiêu nữa cho đoạn đi thêm?

Nhìn ngôi nhà trọ dột nát của vị khách, Cường nhẹ nhàng nói:

- Anh cứ trả đúng giá lúc đầu đã đặt. Còn đoạn sau là em tự nguyện chở anh đi, nên anh không cần phải trả thêm đâu.

Nghe vậy vị khách bỗng rơi nước mắt. Giữa cái đất thị thành xô bồ đầy rẫy những lừa lọc này cái tình người với nhau nói nghe sao ấm áp đến vậy.

Cường tâm sự: "Sau lần đó mình mới nhận thấy là dù công việc mình dầm mưa dãi nắng vất vả nhưng cũng còn rất nhiều người khác vất vả hơn rất nhiều. Đối với GrabBike, có rất nhiều ưu đãi cho đối tác. Như chương trình thưởng cho các tài xế tăng doanh thu; chương trình chia sẻ yêu thương cho những trường hợp khó khăn - 1 đến 2 người mỗi người 5 triệu; chương trình hỗ trợ đối tác xa nhà - do mình cũng là người ở tỉnh lên Sài Gòn làm việc nên cũng được hỗ trợ - 2triệu... Làm việc ở đây mình cảm thấy rất được sẻ chia".

Có một kỷ niệm khá buồn cười, có lần đang ngủ thì nửa đêm Cường nhận được cú điện thoại từ số lạ. Ở đầu dây bên kia tiếng người phụ nữ rất khẩn cấp:

- Anh ơi em là khách có thai hôm trước anh chở đó, anh nhớ không? Em sắp sinh rồi mà chồng em không có ở nhà, anh có thể chạy qua đưa em đi bệnh viện được không anh?

Chợt nhớ ra vị khách ở gần con hẻm nhà mình, chẳng kịp suy nghĩ gì, Cường mặc nguyên bộ đồ ngủ chạy ra đầu hẻm. May mắn lúc đó có một chiếc taxi đi ngang qua, Cường vội kêu lại rồi đưa chị khách vào viện, vừa làm thủ tục xong thì vợ Cường gọi:

- Trời đất anh đi đâu nãy giờ, con ở nhà tự nhiên bị sốt anh về gấp nha.

Nghe vậy anh chàng lại tức tốc chạy về nhà với con. Đời, đôi khi có những trường hợp éo le đến lạ, nhưng các bác tài thì vẫn luôn hết mình và dễ thương như vậy.

img
img
img
img
img
img
img
img

GrabBike không đơn thuần đem đến cho các bác tài một công việc để nuôi sống bản thân, gia đình mà đó còn là mối lương duyên kết nối những trái tim ấm. Mỗi hành trình đi qua mở ra thêm những niềm vui mới, có thử thách, có tiếng cười, có tình thương yêu và cả những giọt nước mắt. Để rồi màu áo xanh cứ thế rực rỡ như chính câu chuyện cuộc đời của các bác tài GrabBike.

Minh Tuấn
Domitu
Theo Trí Thức Trẻ30/08/18