Graffiti: Môn nghệ thuật đường phố cần bảo tồn hay đơn giản chỉ là "lũ trẻ con thích vẽ bậy"?

Đỗ Hồng Đức, Theo Trí Thức Trẻ 00:09 23/01/2018

Nghệ thuật không có lỗi, mà lỗi ở phía người chơi nghệ thuật. Những người trẻ đam mê Graffiti cũng vậy, họ phải tự tìm câu trả lời cho riêng mình.

"Hiphop never die", "Chẳng ai có thể từ bỏ được hiphop cả"... những câu nói đã quá quen thuộc với thế hệ cuối 8x và 9x - thời điểm trào lưu hiphop bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Tuổi thanh xuân của nhiều người trong chúng ta đã gắn liền với hiphop - một thứ văn hóa độc đáo và tự do.

Nếu xem hiphop là một món ăn, thì Graffiti chính là gia vị giúp món ăn ấy trở nên hoàn hảo hơn. Cùng với breakdance, rap và hiphop, cơn bão Graffiti đã nhanh chóng trở thành một công cụ giúp giới trẻ giao tiếp và thể hiện "cái tôi" của bản thân trên đường phố, bằng một loại nghệ thuật thông qua những lọ sơn xịt. Một dạng nghệ thuật của sự nổi loạn.

Graffiti: Môn nghệ thuật đường phố cần bảo tồn hay đơn giản chỉ là lũ trẻ con thích vẽ bậy? - Ảnh 1.

Graffiti - môn nghệ thuật của sự nổi loạn

Văn hóa Graffiti ra đời vào những năm 1970, trước cả khi hiphop xuất hiện. Nó bắt nguồn từ một người đàn ông làm nghề đưa thư tại thành phố New York, khi ông di chuyển khắp các con phố và viết tên mình lên những bức tường. Dần dần, nó trở nên đa dạng hơn, và được giới trẻ sử dụng như một cách để thể hiện quan điểm theo chủ nghĩa hiện đại và tách biệt xã hội.

Graffiti ban đầu có nghĩa là "tranh sơn xịt". Nhưng qua thời gian, nó là tên gọi dành cho một bộ môn nghệ thuật đường phố, nơi các cá nhân nổi loạn tích cực thể hiện bản thân thông qua những hình vẽ nguệch ngoạc nhưng đầy sáng tạo.

Đồ nghề để vẽ Graffiti thì cực kỳ đơn giản. Một bình sơn xịt giá vài chục ngàn, một chiếc khẩu trang cho đỡ... hại sức khỏe, cùng một vài công cụ bổ trợ khác là thước dây, bút chì... thế là đủ. Tuy vậy, không phải ai cũng vẽ được Graffiti. Bạn có thể đam mê nó, nhưng để vẽ được một bức Graffiti đẹp, con mắt nghệ thuật và sự khéo léo phải đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, tâm trạng và ý tưởng đầy ngẫu hứng của tác giả cũng là điều kiện không thể thiếu cho những tác phẩm Graffiti độc đáo nhất.

Tuyệt vời quá phải không? Nhưng hãy nhớ, Graffiti còn được xem là môn nghệ thuật của tội ác (arts crime). Cũng dễ hiểu thôi: nguyên liệu để thể hiện Graffiti là những bức tường, và không phải chủ nhân của bức tường nào cũng thoải mái về điều đó.

Thử tưởng tượng, có kẻ tự nhiên cầm sơn xịt lung tung lên tường nhà bạn, tất nhiên bạn sẽ không vui rồi. Chẳng ai có quyền làm điều đó mà không có sự cho phép của bạn, nên bạn sẽ mặc nhiên gọi đó là vẽ bậy mà không cần nhìn thứ hắn ta xịt lên là gì. Và nếu như bức tường ấy thuộc quyền sở hữu của chính phủ, thì người vẽ ắt sẽ nhận được một phiếu phạt, hoặc nặng hơn thì ngồi tù vài tháng vì tội phá hoại của công.

Môn nghệ thuật bất chấp luật lệ, thể hiện sự liều lĩnh của người chơi, đó là lý do nó được gọi là "nổi loạn".

Tranh cãi ngay từ bản chất: nghệ thuật hay vẽ bậy?

"Graffiti là nghệ thuật, đúng không?" - Với những người đam mê Graffiti thì chẳng có gì phải bàn cãi. Nhưng trên thực tế, đó là một câu hỏi đã gây tranh cãi cho xã hội ngay từ thời điểm trào lưu này ra đời.

Một khi đã vẽ lên tường công cộng, thì dù là Graffiti hay tranh của Picasso, đó cũng sẽ được xem là hình thức phá hoại. Điều này có nghĩa, nếu như được vẽ trên nền vải, trên giấy hoặc trên một bức tường trong không gian khép kín (như bảo tàng chẳng hạn), Graffiti ắt sẽ được xem như một môn nghệ thuật, sánh ngang với các trường phái hội họa khác?

Nhưng nếu như vậy, bản chất của Graffiti cần phải xem lại. Vốn là một thứ nghệ của sự nổi loạn, nội dung của các bức Graffiti hoàn toàn phụ thuộc vào ý tưởng của người vẽ, và nó không hề có sự gò bó. Nhiều ý kiến cho rằng nếu như phải vẽ lên vải, lên tường để trưng trong bảo tàng, tức là bức hình phải chịu sự kiểm soát về nội dung, và lúc ấy Graffiti cũng không còn là chính nó nữa.

Graffiti là nghệ thuật của đường phố, và sự tồn tại của nó phải gắn với những nơi công cộng. Chỉ có điều, vòng luẩn quẩn vẽ bậy - nghệ thuật lại lặp lại và chẳng có hồi kết.

Tóm lại, vấn đề đối với Graffiti thực chất chỉ có một, đó là thiếu nơi để thể hiện. Tại Việt Nam, "sân khấu" của các Graffiti-er  là những công trình bỏ hoang, những tấm tôn quây tại công trường, thậm chí là cánh cửa cuốn của các cửa hàng. Nhưng như đã nêu, không phải ai cũng vui vẻ với điều đó, nhất là khi tác giả lại là những người mới chơi Graffiti còn non kinh nghiệm.

Trên thế giới cũng có nhiều quốc gia đã dần dần chấp nhận Graffiti, tìm cách ủng hộ người trẻ dám theo đuổi ước mơ và quảng bá bộ môn nghệ thuật đường phố này thông qua các lễ hội. Các công ty lớn như Red Bull, adidas, hay 55DSL cũng dành chế độ đãi ngộ khá đặc biệt để tuyển những tài năng Graffiti. Hay tại các thành phố như Stockholm, bạn sẽ tìm thấy các con phố với những bức tường dày đặc tác phẩm Graffiti được vẽ hoàn-toàn-hợp-pháp.

Với Graffiti, ranh giới giữa nổi loạn và nghệ thuật thực mong manh. Nhưng dù sao, nổi loạn, tội lỗi hay không phụ thuộc hoàn toàn vào người chơi nghệ thuật. Graffiti cũng vậy, những người trẻ muốn chứng tỏ cái tôi sẽ tự tìm cho mình một câu trả lời.

"WeChoice Awards" - giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng - đã quay trở lại với thông điệp mới: Bình Tĩnh Sống.

Hơn cả sự lạc quan và tinh thần bền bỉ vượt qua khó khăn của cuộc đời, "Bình tĩnh sống" còn có thể hiểu là một lời khích lệ cũng như nhắc nhở về cách sống và cách đối diện với cuộc đời của mỗi người.

Hãy cùng chúng tôi tôn vinh và bình chọn cho những câu chuyện và những nhân vật mà bạn thấy xứng đáng tại http://wechoice.vn/.

Trân trọng cảm ơn Công ty TNHH Dịch vụ cáp treo Fansipan (FSP) SUNWORLD FANSIPAN LEGEND đã đồng hành cùng giải thưởng WeChoice Awards 2017 và giúp lan tỏa thông điệp Bình tĩnh sống đến cộng đồng.

Graffiti: Môn nghệ thuật đường phố cần bảo tồn hay đơn giản chỉ là lũ trẻ con thích vẽ bậy? - Ảnh 5.