Hạn chế sử dụng thứ này để ngày Trái đất trở nên thực sự có ý nghĩa

Thiên Dung, Theo Trí Thức Trẻ 22:55 21/04/2017

Việc bảo vệ môi trường rất quan trọng, và ai cũng biết sử dụng nhiều giấy là điều không hề tốt. Thế nhưng, tác hại thực sự của thói quen này thì không nhiều người nắm được.

Khăn giấy quả thực đã trở thành một thứ quá thiết yếu trong đời sống của chúng ta. Nó gắn với mọi hoạt động của con người, từ làm giấy toilet, giấy lau tay, lau mồ hôi, thậm chí có nhiều người dùng nó thay cho giẻ lau vì tính tiện lợi dùng một lần rồi vứt của nó.

Biết rằng sử dụng nhiều giấy chắc chắn là không tốt. Thế nhưng, chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu được rằng thói quen dùng quá nhiều giấy vệ sinh có thể gây ra những hậu quả kinh khủng như thế nào.

Hạn chế sử dụng thứ này để ngày Trái đất trở nên thực sự có ý nghĩa - Ảnh 1.

Sai quá sai

Tác hại không hề nhỏ đối với môi trường

Khăn giấy có thể là 2 - 3 lớp bồng bềnh mùi thơm các kiểu, nhưng suy cho cùng nó vẫn là giấy, mà giấy thì được làm từ cây, nghĩa là phải chặt cây để làm ra nó. Và sự thật, ngành công nghiệp giấy đã tạo ra những con số biết nói, đủ để khiến bất kỳ ai cũng phải rùng mình:

- Công nghiệp giấy là ngành đứng thứ 3 gây ra sự nóng lên của Trái đất

- Để sản xuất ra mỗi cuộn giấy cần khoảng 140 lít nước (37 gallon), 1,3 kilowatt điện và 0,4 kg gỗ. Riêng ở nước Mỹ, theo thống kê của Justin Thomas - biên tập viên của website metaefficient.com - họ đã tiêu thụ 473.587.500.000 gallon nước, 17,3 terawatt điện và 253.000 tấn chất tẩy trắng chlorine để sản xuất ra 36,5 tỉ cuộn giấy toilet mỗi năm.

- Mỗi ngày thế giới mất 27.000 cây chỉ để sản xuất ra giấy toilet.

- Chúng ta thải ra khoảng 254 triệu tấn rác thải từ khăn giấy mỗi năm trên toàn thế giới.

Hạn chế sử dụng thứ này để ngày Trái đất trở nên thực sự có ý nghĩa - Ảnh 2.

Thật vậy sao?

Chúng ta nên làm gì để góp phần bảo vệ môi trường?

Nếu bảo bạn không được dùng khăn giấy nữa thì quả thật rất khó, nó đã gắn liền với cuộc sống của chúng ta như một thứ gì đó quá thiết yếu. Tuy vậy, vẫn có những cách bạn có thể làm để góp phần bảo vệ môi trường.

Đầu tiên là hãy tiết kiệm lượng khăn giấy sử dụng: Đừng lãng phí quá mức, nhất là bỏ ngay thói quen dùng một lượng lớn giấy chỉ để lau cho sạch một vết nước nhỏ.

Theo thống kê từ trang Recyclenation.com, nếu mỗi hộ gia đình Mỹ cắt giảm 1 cuộn giấy loại 70 vòng, 544.000 cái cây sẽ được cứu mỗi năm. Nếu mỗi gia đình sử dụng ít hơn bình thường 3 cuộn giấy thôi, lượng rác thải giảm được sẽ lên tới 120.000 tấn, tiết kiệm 4,1 triệu đô (khoảng 93 tỉ VNĐ) chi phí xử lí chất thải.

Hạn chế sử dụng thứ này để ngày Trái đất trở nên thực sự có ý nghĩa - Ảnh 3.

Hãy nghĩ xem: biết bao trẻ em, người nghèo đang không có nổi một mẩu bánh mì để sống qua ngày. Nếu như thay vì để xử lý lượng rác gây ra do lãng phí, tại sao không chuyển số tiền đó sang cho họ? Đó mới thực sự là một việc làm có ý nghĩa.

Dùng khăn để lau cũng là một giải pháp không tồi. Hãy trở về truyền thống của ông bà cha mẹ ta khi trong bếp lúc nào cũng có vài cái giẻ lau, dùng xong lại giặt phơi khô để dùng tiếp.

Việc sản xuất và sử dụng khăn vải thay cho khăn giấy giúp tiết kiệm năng lượng và thải ra ít khí nhà kính. Những loại khăn như thế có "hạn dùng" rất lâu, giúp bạn tiết kiệm được khối tiền.

Hạn chế sử dụng thứ này để ngày Trái đất trở nên thực sự có ý nghĩa - Ảnh 4.

Ngoài ra còn một vấn đề tương đối... tế nhị, đó là sử dụng giấy sau khi đi vệ sinh.

Thay vì dùng giấy, bạn có thể thay bằng vòi xịt toilet. Khi tắm, bạn rửa mọi chỗ dơ trên người bằng nước, thế thì vì lí do gì mà lại chừa cái chỗ "ấy ấy" ra?

Dùng nước sạch sẽ hơn dùng giấy nhiều và nguy cơ lan truyền các bệnh qua đường ăn uống do rửa tay không sạch lại được giảm thiểu nữa. Mỗi lần dùng vòi xịt, ta tiêu thụ có 0,47 lít nước mà thôi, và hoàn toàn không có một cái cây nào bị chặt hay chất thải rắn nào thải ra môi trường vì chuyện đó cả.

Vật dụng này khá phổ biến, gần như có trong toilet mọi nhà ở Việt Nam, do đó nếu được, hãy tập thói quen dùng nó thay thế cho giấy vệ sinh để góp phần bảo vệ môi trường bạn nhé.

Hạn chế sử dụng thứ này để ngày Trái đất trở nên thực sự có ý nghĩa - Ảnh 5.

Ngày Trái Đất (Earth Day) 22/4 hàng năm là ngày vận động mọi người nâng cao nhận thức và hành động nhằm bảo vệ giá trị của môi trường tự nhiên.

Ngày Trái Đất được đề xuất lần đầu ở Mỹ năm 1970 và vào năm 2009 đã được Liên Hợp Quốc công nhận.

Nguồn: Theguardian, Recyclenation, Mic, Scientificamerican