Hãy trở thành lực sĩ trước khi làm hiệp sĩ cứu người!

Hoàng Xuân, Theo Trí Thức Trẻ 16:09 17/02/2017

Tôi nghĩ chính vì xã hội đã khủng hoảng lòng tin và lòng tốt mà việc của mỗi chúng ta nên là cố gắng gây dựng lại điều đó, trong khả năng của mình, trong lĩnh vực của mình, trong cộng đồng quen thuộc nhất của mình.

Làm phúc phải tội, một lần nữa người ta lại nhắc đến cụm từ này và như thường lệ, ai cũng có hàng đống ví dụ sát sàn sạt xảy ra toàn với những người rất thân thiết (nhằm tăng tính thuyết phục) để minh họa và củng cố. Đề tài này, đối với người Việt Nam, lúc nào cũng hot. Huống gì lần này lại là một miếng mồi rất thơm ngon, mới tỉnh tình tinh, vô cùng điển hình và được báo chí đưa tin rầm rộ. Đấy, sáng mắt ra nhé, từ nay về sau chừa, chớ nổi máu anh hùng rơm có ngày mất mạng đấy, nghe chửa? Cha mẹ, anh chị, vợ chồng, bạn bè... căn dặn nhau như thế.

Thoạt nhìn, lời khuyên ấy nghe có vẻ rất đúng.

Thế nhưng tôi cam đoan một điều, lời khuyên khôn ngoan ấy sẽ chẳng bám lại được lâu đâu trong tâm trí nhiều người.

Là vì, có những quan sát và nghiên cứu khoa học đã chứng minh: chia sẻ và giúp đỡ nhau là một hành xử thuộc về bản năng của động vật, chứ không chỉ riêng có ở loài người. Là bản năng cho nên nó sẽ trỗi dậy bất cứ khi nào hội đủ điều kiện mà thậm chí người ta chỉ nhận ra chính mình đã làm điều đó khi mọi việc đã xong. Công tắc "lý trí khôn ngoan", thực ra là một thứ chủ nghĩa kinh nghiệm, lúc ấy, tự động bật đánh tách về chế độ off. Vì kinh nghiệm cá nhân thì luôn hẹp hòi, đơn điệu và lạc hậu so với bản năng.

Là vì hãy thành thật xem, chúng ta có ai chưa từng được nhận một hành vi giúp đỡ tử tế không? Nếu câu trả lời của bạn là không, tôi xin mời bạn nhanh chân đến Phòng nghiên cứu sinh vật ngoài hành tinh của NASA, họ sẽ mừng rỡ như điên khi gặp bạn. Cho đến nay, mặc dù vô số công sức tìm kiếm, họ chưa xác thực gặp được người nào như vậy cả.

Câu hỏi thứ hai là có ai chưa từng giúp đỡ một người nào khác không? Nếu bạn vẫn trả lời không, xin lập tức cho tôi tên tuổi và địa chỉ. Ban thi đua khen thưởng Quốc gia cần có bạn để biểu dương điển hình những tấm gương khiêm tốn. Tin tôi đi, bạn thậm chí nhất quyết còn được ghi tên vào sách giáo khoa cho thế hệ muôn đời sau đó.

Là vì, chúng ta luôn có thể kể ra vô số những hành vi tử tế tốt lành mà mình từng được nhận, từng cho đi hay chứng kiến. Những hành vi phản phúc như việc nhóm bạn của nạn nhân nhào vào đâm người vừa cứu giúp bạn mình ở Bắc Ninh chỉ là một hành vi khá hy hữu. Nó không phổ biến. Nên đừng lấy nó làm chuẩn để điều chỉnh cách sống của mình.

Hành vi kinh khủng đó, tuy thế vẫn có mặt tốt của nó. Nó báo hiệu rằng xã hội chúng ta đang quá sức khủng hoảng lòng tin và lòng tốt.

Hãy trở thành lực sĩ trước khi làm hiệp sĩ cứu người! - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Anh Thơm bị đâm thấu phổi sau khi giúp đỡ cô gái trẻ gặp nạn.

Vậy chúng ta nên làm gì?

Tôi nghĩ chính vì xã hội đã khủng hoảng lòng tin và lòng tốt mà việc của mỗi chúng ta nên là cố gắng gây dựng lại điều đó, trong khả năng của mình, trong lĩnh vực của mình, trong cộng đồng quen thuộc nhất của mình. Ồ chúng ta không cần phải là hiệp sĩ đâu, dĩ nhiên chúng ta phải tránh những hành vi có thể gây nguy hiểm cho bản thân, ví dụ thấy một đám đánh lộn thì thét lớn một tiếng rồi duyên dáng phi thân vào đá bay con phóng lợn dài thước mốt.... Không cần. Hãy để điều đó cho cảnh sát, họ là những hiệp sĩ được đào tạo chuyên nghiệp.

Ngoài những điều đó, chúng ta hãy cứ làm điều tốt, hãy cứ là người tốt. Bạn nhớ quy luật phản lực trong vật lý chứ? Đại khái khi vật A tác động một lực lên vật B thì vật B cũng tác động trở lại vật A lực ấy, nhưng ngược chiều. Suy ra, nếu bạn gieo hành vi tốt, làm những điều tử tế, thì bạn cũng được nhận lại kết quả của chúng. Quy luật đấy nhé, chớ có nghi ngờ.

Bên cạnh đó, có một điều quan trọng trước khi muốn làm-và làm được những hành vi tốt. Tôi nghĩ, đó là phải trở thành một kẻ mạnh.

Hãy trở thành lực sĩ trước khi làm hiệp sĩ cứu người! - Ảnh 2.

Vết đâm vào lưng khiến anh Sơn bị thấu phổi.

Mạnh về thể chất, mạnh về kiến thức và mạnh về suy nghĩ.

Trong các phim anh hùng của Hollywood, tôi chưa từng thấy nhân vật nam chính nào mà lẻo khoẻo gió thổi bay vèo vèo cả. Người nhện không bao giờ ngồi soi gương xoa kem dưỡng trắng da rồi yểu điệu post status: "Gương kia ngự ở trên tường/trên phây ai đẹp được dường như ta". Anh phải tập luyện suốt ngày, chịu đau đớn, tổn thương và nhờ đó mạnh mẽ lên.

Còn chúng ta? Thật ngượng quá, tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn (Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam lần thứ nhất do Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA) nghiên cứu).

Về chiều cao, thanh niên Việt Nam lùn tì lùn tịt, thậm chí nằm trong top 5 lùn nhất thế giới cơ. Theo Ủy ban Dân số, gia đình và trẻ em, nam giới Việt Nam hiện nay trung bình chỉ đạt 163,7cm (thấp hơn 13,1cm so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới), nữ 153 cm (thấp hơn 10,7cm so với chuẩn). À, tin này cũng có mặt tốt: khi thế giới làm phim Bạch Tuyết và vô số chú lùn, chúng ta nhất định là ứng viên hạng siêu nặng!

Đấy, như thế thì làm hiệp sĩ sao được? Một cú đá dũng mãnh lẽ ra giáng vào hàm thằng ăn cướp khiến nó gục xuống giãy giãy thì lại vừa vặn trúng ngay cái bụng mềm mềm của nó, chỉ có tác dụng massage giúp nó tiêu hóa tốt hơn mà thôi.

Còn về kiến thức? Ối giời ơi, đến thế kỷ này rồi vẫn còn một đống thanh niên tin sái cổ vào ngọn cây thiêng hay hòn đá linh vật, suốt ngày xem bói xem toán. Thậm chí đi du học cũng phải nhăm nhắm chọn giờ đẹp để xuất hành!

Về suy nghĩ? Chẳng phải tự dưng đẻ ra khái niệm "trẻ trâu", chỉ những thanh niên đầu to mà óc như trái nho, những người có bộ não bán được giá cực cao vì mới tinh chưa sử dụng lần nào.

Lối sống ăn bám vào cha mẹ hay người thân, đổ thừa cho xã hội, những suy nghĩ ngây ngô và ích kỷ kiểu "sâu gạo" trong truyện ngôn tình, cố sức chuốt bóng bản thân thành mỹ nữ/mỹ nam để kiếm đại gia, thỏa mong ước cả đời có người nuôi mà không cần nhúc nhích ngón tay... những suy nghĩ kiểu ấy đâu có lạ trong giới teen.

Trong truyện ngắn "Bà lão Idecghin", đại văn hào người Nga Macxim Gorki kể lại câu chuyện hào hùng về trái tim Danko. Khi dẫn đầu đoàn người lê bước trong khu rừng tăm tối để trốn khỏi cái chết, Danko bị mọi người oán trách vì họ chẳng nhìn thấy một tia sáng nào.

Và trước sự tuyệt vọng, bội bạc của bộ tộc, Danko đưa hai tay lên xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra và giơ cao trên đầu.

"Trái tim cháy sáng rực như mặt trời, sáng hơn mặt trời, và cả khu rừng im lặng, sáng lên dưới ngọn đuốc của lòng thương yêu vĩ đại đối với con người. Trước ánh sáng của trái tim Danko, bóng tối tan tác và run lẩy bẩy, nhào xuống cái mõm hôi thối của đầm lầy nơi rừng sâu núi thắm."

Từ ấy, trái tim Danko trở thành biểu tượng của tinh thần hiệp sĩ.

Cho nên, muốn trở thành hiệp sĩ, hãy trở thành lực sĩ trước đã. Phần còn lại, cứ để các cô gái-à nhầm, để xã hội lo, bạn nhé.

Hãy trở thành lực sĩ trước khi làm hiệp sĩ cứu người! - Ảnh 3.

Bảng chiều cao trung bình của một số nước trên thế giới.