Hiện tượng "HongKong1" chưa thỏa mãn khán giả: Từ bàn nhậu cho đến phòng thu là một khoảng cách rất xa

Musik Team, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 08/10/2018

"Hongkong1" đã trở thành minh chứng rõ nét nhất cho việc cơ hội có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng người được trao cho cơ hội cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để không bị choáng ngợp bởi thành công bất chợt.

2018 là một năm khá ảm đạm với Vpop khi các bài hát ballad gần như đã chiếm sóng toàn bộ, còn giới underground và indie cũng chưa có một ca khúc nào trở thành trào lưu như cách "Túy Âm" hay "Người Lạ Ơi" từng đạt được. Vào giữa tháng 9, một đoạn video nổi lên như một hiện tượng của mạng xã hội, trong đó nhân vật chính là Nguyễn Trọng Tài – một cái tên mới toanh đang ngồi ngẫu hứng hát một ca khúc có cái tên lạ - "Hongkong1" trên… bàn nhậu. Bước ra từ một phút ngẫu hứng, Nguyễn Trọng Tài và "Hongkong1" trở thành hai từ khóa hot nhất trong làng nhạc Việt những ngày vừa rồi.

Hiện tượng Vpop xuất hiện từ… bàn nhậu: một câu chuyện "vô tiền khoáng hậu" mang tên "Hongkong1"

"Hongkong1" trở nên nổi tiếng không phải là điều quá khó hiểu. Ca khúc có ca từ rất giản dị nhưng không thiếu đi chất thơ, ca khúc thuộc dòng nhạc lo-fi (Low fidelity - tạm dịch: Bản nhạc được tạo nên từ những âm thanh chất lượng thấp, ít chau chuốt) hiếm gặp trong giai đoạn tất cả mọi âm thanh hay hình ảnh đều phải đạt yêu cầu chất lượng cao, giai điệu đơn giản dễ ngấm mang hơi hướm thập niên 90 của thế kỉ trước…, tất cả đã tạo thành một món ăn lạ.

Bên cạnh đó, chúng ta không thể không nhắc đến giọng hát cùng phong cách rất "phiêu" của Nguyễn Trọng Tài. Không cần quá nhiều kĩ thuật, Nguyễn Trọng Tài có giọng hát khá nhẹ nhàng, và điều khiến cho cư dân mạng thú vị nhất đó chính là cảm giác ngà ngà say mà chàng trai này mang lại, khiến cho bài hát càng thêm gần gũi và dễ gây đồng cảm hơn.

HongKong1: Âm nhạc từ bàn nhậu đến phòng thu là khoảng cách rất xa - Ảnh 1.

Nguyễn Trọng Tài và vẻ ngoài lãng tử như chính "Hongkong1"

Bên cạnh yếu tố chủ quan, yếu tố khách quan không kém phần quan trọng là phản ứng theo dây chuyền của khán giả. Một ca khúc phải hay như thế nào mới khiến hàng chục ngàn bạn trẻ không tiếc công chờ đợi bản thu hoàn chỉnh như thế, chính công cụ truyền thông vô cùng đắc lực mang tên mạng xã hội đã tạo nên sự tò mò cho cả những người không hề quan tâm đến nhạc Việt nói chung và giới underground nói riêng.

Bản demo lạ đời được lan truyền rộng rãi khiến cho "Hongkong1" được kì vọng rất nhiều. Lần đầu tiên trong lịch sử Vpop, có một ca khúc đã có đến hàng chục bản cover khi thậm chí bản chính thức còn chưa ra mắt. Không ít người còn dự đoán rằng "Hongkong1" sẽ đưa Nguyễn Trọng Tài một bước trở thành ngôi sao trẻ có triển vọng, và một khi bản chính thức được trình làng thì "Hongkong1" sẽ trở thành hit khủng.

Tuy nhiên, từ "bàn nhậu" đến phòng thu là câu chuyện hoàn toàn khác

Ngày 5/10 vừa qua, ca khúc "Hongkong1" dài hơn 6 phút đã được lên sóng trong sự mong ngóng của rất nhiều cư dân mạng. Hàng loạt câu hỏi được khán giả đặt ra như là beat cũ ở đâu, vì sao ca khúc lại thiếu đi độ phiêu như bản demo hay thậm chí trái khoáy hơn, có nhiều người còn cay đắng nói rằng, một số bản cover còn hay hơn bản gốc.

Lợi thế về không gian đặc biệt là bàn nhậu hay trạng thái lâng lâng say gây đồng cảm đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn Nguyễn Trọng Tài cùng hai người bạn và ca khúc "Hongkong1" chinh phục tai nghe của khán giả bằng một ca khúc có sự can thiệp của phòng thu. Đến lúc này, những lỗ hổng về mặt chuyên môn xuất hiện khiến cho "Hongkong1" không thể tận dụng sức nóng của mình để trở thành một bản hit khủng như nhiều người kì vọng.

Bản thu âm của "Hongkong1" gây thất vọng cho không ít người

Có rất nhiều ca sĩ nổi tiếng cũng gặp rắc rối với phòng thu khi mà họ luôn được đánh giá rằng hát live hay hơn bản thu âm, và hình như Nguyễn Trọng Tài cùng những người bạn cũng gặp phải vấn đề tương tự. Giọng hát còn non, kĩ thuật kém cùng với cảm giác… say xỉn mất hẳn đi khi được chuốt lại bằng kĩ thuật phòng thu đã không làm hài lòng đôi tai của khán giả. Có thể dụng ý của ekip là muốn cho ca khúc cùng người hát giữ được sự thô mộc và lối hát "kể chuyện" nhờ tiếng vọng và kéo dài thêm 1 phút đằng sau khá vô nghĩa, nhưng khán giả dù hiểu được dụng ý của ekip thì cũng khó mà chấp nhận được bởi cách xử lý của người hát còn non.

Chưa hết, bản thân "Hongkong1" dường như không mở rộng thêm được điều gì mới mẻ trong giai điệu so với bản demo, bởi chỉ lặp lại một verse trong suốt 6 phút đồng hồ trở nên quá lê thê và không cần thiết. Phần lời mới cũng được nhận định rằng chưa có câu key "bật" lên điểm nhấn cho bài.

"Hongkong1" vẫn trở thành một cơn sốt, bằng chứng là bài hát đã thẳng đường chiếm lấy vị trí đầu của một BXH âm nhạc uy tín và vẫn được chia sẻ râm ran trên khắp các trang mạng xã hội. Nhưng câu chuyện đi kèm với "Hongkong1" và Nguyễn Trọng Tài đã bớt đi những dòng tán tụng về kì tích nữa mà thay vào đó là những vấn đề khác, từ phản ứng của khán giả, tranh cãi chuyên môn cho đến nỗi thất vọng vì một sản phẩm đáng ra đã là cú nổ lớn cho Vpop tháng 10.

Người trẻ làm nhạc trong thời đại phẳng: cơ hội rộng mở, nhưng thách thức cũng vô vàn

"Hongkong1" đã trở thành minh chứng rõ nét nhất cho việc cơ hội có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng người được trao cho cơ hội cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để không bị choáng ngợp bởi thành công bất chợt. Chỉ là một ca khúc được hát ngẫu hứng bên bàn nhậu cũng có thể trở thành một làn sóng lớn, biến những cậu sinh viên đứng ngoài con đường ca hát chuyên nghiệp trở thành cái tên được mong chờ. Lá cờ nổi tiếng đã được khán giả trao tay nhưng dường như Nguyễn Trọng Tài và những người bạn mình chưa đủ sẵn sàng để phất cao nó lên, nguyên nhân cũng chỉ xoay quanh lựa chọn của khán giả.

Đã qua rồi thời đại khán giả nghe nhạc qua những kênh âm nhạc chính thống hay là cần quảng bá cầu kì mới có thể chắc suất nổi tiếng. Trong vài năm trở lại đây, những bài hát của giới indie, underground Việt rầm rộ quay trở lại và gần như chiếm sóng trên tất cả mọi mặt trận của Vpop mà không cần đến bất cứ chiến dịch quảng bá nào. Khán giả, mà đặc biệt là khán giả trẻ hoàn toàn có thể lựa chọn cho mình một ca khúc yêu thích mà không hề quan tâm đến xuất thân hay trình độ của tác giả và người thể hiện. "Túy Âm", "Người Lạ Ơi" cho đến "HongKong1" đều có thành công xuất phát từ công chúng, nhưng điều này không chỉ mang đến cơ hội mà còn tiềm ẩn rất nhiều thách thức.

Túy âm - Masew - Xesi - Nhatnguyen

Thách thức chốt yếu nhất nằm ở chiến lược đường dài của một nghệ sĩ. Giới underground thường có một đặc điểm chung là nổi tiếng rất nhanh và sau đó lại trở nên loay hoay để tìm lối đi cho mình, nhiều trường hợp lại bị chính cái bóng quá lớn của mình làm chùn bước. "Túy Âm" từng làm mưa làm gió giới trẻ vào tháng 8 năm ngoái, nhưng một năm sau đó, cô nàng Xesi đã mất tích trên bản đồ underground. Có thể Xesi lúc này đang bận bịu với những dự định cá nhân nên đã gác lại mọi hoạt động nghệ thuật, còn "Người Lạ Ơi" thì chắc chắn là nguy cơ khiến cho Orange – cô nàng vocal từng được kì vọng rất cao bị gắn mác "one hit wonder".

Để có một ca khúc hit thì may mắn chiếm một phần quan trọng, nhưng may mắn không thể đến với một người quá nhiều lần. Lao động nghệ thuật nghiêm túc cần nhiều hơn một bản hit, rất nhiều cái tên triển vọng của giới underground đã bị "chết yểu" vì thiếu chiến lược đường dài. Điều quan trọng nhất trong chiến lược này nằm ở tài năng được mài giũa cẩn thận rồi sau đó mới đến ekip hay là khả năng tài chính.

HongKong1: Âm nhạc từ bàn nhậu đến phòng thu là khoảng cách rất xa - Ảnh 4.

Các sản phẩm âm nhạc sau này của Orange chưa thể vượt qua cái bóng của "người lạ ơi"

Việc chiếc áo nổi tiếng quá rộng khoác lên vai các bạn trẻ chưa một lần bước chân ra vùng đất chuyên nghiệp là một con dao hai lưỡi. Một sản phẩm "buồn buồn hát chơi" như bản demo của "Hongkong1" bất ngờ nhận được sự ủng hộ bất ngờ từ công chúng sẽ trở thành một thách thức cho nhóm bạn trẻ và ekip. Họ phải vội vàng hoàn thiện sản phẩm trong thời gian quá ngắn để cạnh tranh với hàng loạt bản cover cũng như đáp lại kỳ vọng khán giả đang đặt lên cao quá đầu, khiến bản thu đôi khi chưa phải là sản phẩm hoàn thiện nhất. Khi kì vọng quá cao trở thành nỗi thất vọng và dẫn tới hàng loạt phản ứng tiêu cực từ phía người nghe, những ngôi sao mới nổi còn phải học cách chấp nhận sống với ý kiến trái chiều.

HongKong1: Âm nhạc từ bàn nhậu đến phòng thu là khoảng cách rất xa - Ảnh 5.

Chắc hẳn Nguyễn Trọng Tài và các bạn không khỏi choáng ngợp vì sự chú ý quá lớn đến một cách quá bất ngờ

3 phút từ sau khi đường link cho bản chính thức của "HongKong1" lên sóng, bài hát đã có hơn 2 nghìn lượt chia sẻ - con số quá lớn cho bất kì nghệ sĩ nào. Và cũng trong 3 phút đó, bình luận tỏ ý không hài lòng với bài hát ở ngay dưới dòng chia sẻ của cha đẻ "HongKong1" xuất hiện ồ ạt, cho tới lúc này đã có những bình luận trái chiều lên tới hàng nghìn lượt thích. Phản ứng đó chắc chắn sẽ làm cả ekip phải đau đầu và những chàng sinh viên hát chơi phải suy nghĩ. Chính trong lúc này, thẳng thắn đối mặt với những lời khen chê hay là bỏ cuộc vì "thất bại" đầu tiên này sẽ là điều quyết định xem Nguyễn Trọng Tài, SanJi và DoubleX có thể tiếp tục cuộc dạo chơi nhờ cơ may hi hữu trên đường đua Vpop hay không.