Hiệu trưởng nhà người ta? Không, tôi tin ở Việt Nam cũng luôn có những hiệu trưởng như thế!

Hoàng Anh Tú, Theo Thời Đại 08:02 18/03/2017

Hôm nay, bạn có share tin hiệu trưởng trường trung học Alexis de Tocqueville, thị trấn Grasse, tỉnh Alpes-Maritimes, đông nam nước Pháp lao mình ra chặn học sinh xả súng tại trường thì hãy chỉ cần đặt thêm một biểu tượng trái tim là đủ.

Tin về thầy hiệu trưởng trường trung học Alexis de Tocqueville, thị trấn Grasse, tỉnh Alpes-Maritimes, đông nam nước Pháp lao mình ra chặn học sinh xả súng tại trường hôm nay là tin được share nhiều nhất trên mạng xã hội. Đáng buồn thay, người ta đều nói rằng đó là… "hiệu trưởng nhà người ta".

Không! Riêng tôi không nghĩ thế! Tôi tin ở Việt Nam cũng luôn có những hiệu trưởng như thế. Nếu có những tình huống khó khăn xảy ra với học sinh mình, chắc chắn sẽ luôn có những thầy cô giáo xả thân như thế.

Hiệu trưởng nhà người ta? Không, tôi tin ở Việt Nam cũng luôn có những hiệu trưởng như thế! - Ảnh 1.

Vụ xả súng diễn ra vào khoảng buổi trưa hôm 16/3 (giờ địa phương) làm 4 người bị thương.

Vụ hiệu trưởng trường Nam Trung Yên gian dối chỉ là một cá nhân bà Tạ Thị Bích Ngọc chứ không phải là chức danh hiệu trưởng. Cũng như những vụ bảo mẫu bạo hành trẻ em ở TP HCM là chị em bà Phan Thị Mộng Thu chứ không phải là các bảo mẫu. Hay những giáo viên bao biện rằng lương nhà giáo không đủ sống mà ép phụ huynh bắt con đi học thêm thì cũng chỉ là những kẻ kinh doanh cơ hội bằng quyền lực họ có.

Giống như những kẻ cơ hội và thậm chí giống như những kẻ lừa đảo, cò mồi khác, nghề giáo hay kể cả công an, nhà báo, bác sỹ cũng vậy, không có nghề nào sinh ra tiêu cực mà chỉ có những tiêu cực núp bóng nghề. Chúng ta hãy thôi nhìn vũng nước bẩn để quy kết bầu trời cũng đen tối đi.

Giờ là năm 2017 rồi, thời đại của thông tin minh bạch - công khai. Không có gì giấu nổi dưới ánh mặt trời. Mỗi facebook-er trong số hơn 30 triệu người dùng facebook tại Việt Nam đều có thể trở thành một nguồn tin.

Hiệu trưởng nhà người ta? Không, tôi tin ở Việt Nam cũng luôn có những hiệu trưởng như thế! - Ảnh 2.

Năm 2015, câu chuyện về thầy hiệu trưởng của trường THCS và THPT Ngô Văn Nhạc, Cái Bè, Tiền Giang, thầy Phan Ngọc Thanh đã khiến nhiều người xúc động. Người thầy ấy đã tự tay nấu những bát mỳ tôm miễn phí trong nhiều ngày cho học sinh; rồi quan tâm, lo lắng đến hoàn cảnh gia đình và giúp đỡ từng em một. Nguồn: VTV3

Hãy nghe bằng 2 tai - hãy nhìn bằng 2 mắt và đừng tự biến mình thành kẻ 2 lời khi gió chiều nào xoay theo chiều ấy. Đừng quy kết nghề giáo là toàn những bảo mẫu đánh trẻ, những cô giáo đánh học trò, những hiệu trưởng gian dối, những ngôi trường che giấu tội lỗi…

Thật buồn khi mọi người share nhau tin hiệu trưởng người Pháp dũng cảm kèm dòng cảm thán "chứ ai như hiệu trưởng người Việt toàn gian dối". Chừng nào chúng ta còn ngưỡng mộ người khác kèm theo vùi dập người mình thì chừng đó "cuộc hôn nhân" này sẽ chẳng thể đi đến đâu. Như cái cách nhiều mẹ khen chồng người mà bĩu môi chồng mình, khen con người mà ngao ngán con mình.

Tôi vẫn thích chúng ta nói với nhau nhiều hơn về giải pháp thay vì chỉ chăm chăm nói về lý do. Những than phiền của bạn về hệ thống giáo dục không giúp nền giáo dục thay đổi. Giống như cái tay Chí Phèo của cụ Nam Cao không khiến cho làng Vũ Đại tốt hơn.

Hiệu trưởng nhà người ta? Không, tôi tin ở Việt Nam cũng luôn có những hiệu trưởng như thế! - Ảnh 3.

Các thầy, cô giáo được khen thưởng vì đã cứu các cháu tại trường Mầm non xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên thoát chết trong đợt lũ quét ngày 13/12/2016. Các thầy cô phải dầm mình trong nước lũ để các cháu bám víu vào cửa sổ an toàn, rồi dùng điện thoại kêu cứu. Nguồn: VOV

Những tố cáo các cá nhân có thể giúp làm sạch nghề giáo nhưng những chửi bới cả nghề giáo chỉ khiến cho những nhà giáo yêu nghề mất dần tâm huyết, nhạt dần lòng yêu nghề mà sợ, mà muốn rời khỏi nghề vì không được chia sẻ, không được hỗ trợ, không được nuôi dưỡng. Mà tôi vẫn nói, nghề nào cũng vậy, cần lắm sự hỗ trợ, truyền nhiệt và phản hồi tích cực từ môi trường xung quanh. Nhà giáo không phải là những siêu nhân đơn độc cứ lao vào đám lửa không cần sự trợ giúp.

Tôi vẫn mong không chỉ ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) mới đọc được những lời biết ơn được chia sẻ trên mạng xã hội. Dù vẫn biết, lòng biết ơn là thứ người ta mất rất nhiều năm mới bật thốt lên thành lời được. Dù vẫn biết, đâu đó, chúng ta trong suốt 12 năm đèn sách của đời mình, bên cạnh những giáo viên ta yêu hẳn vẫn còn những giáo viên ta không ưa chút nào.

Chỉ là hãy nhớ tới những điều tốt đẹp và bao dung hơn với những điều chưa tốt. Chỉ là đừng trông đợi tin hot là những vụ bảo mẫu đánh trẻ hay hiệu trưởng gian dối, bao che… mà hãy nhìn ngay chính những giáo viên đã dốc trọn trái tim họ cho nghề, cho con bạn và cho chính bạn suốt những năm tháng bạn đi học. Chỉ là đừng làm biến dạng câu: "Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy".

Hiệu trưởng nhà người ta? Không, tôi tin ở Việt Nam cũng luôn có những hiệu trưởng như thế! - Ảnh 4.

Sáng 1/11/2016, thầy Thái Bình Giảng (Trường tiểu học Trần Quốc Toản, xã Cam Tuyền, Cam Lộ) đã lao ra dòng nước lũ cứu em Nguyễn Hữu Quỳnh bất ngờ bị cuốn trôi giữa dòng nước chảy xiết. Nguồn: báo Giao thông

Hôm nay, bạn có share tin hiệu trưởng trường trung học Alexis de Tocqueville thị trấn Grasse, tỉnh Alpes-Maritimes, đông nam nước Pháp lao mình ra chặn học sinh xả súng tại trường thì hãy chỉ cần đặt thêm một biểu tượng trái tim là đủ.

Và nếu hơn, thì xin hãy là thêm một niềm tin nữa cho các nhà giáo đang mỗi ngày dày công gieo trồng những đứa trẻ. Bởi hầu hết nhiều nhà giáo, thứ tài sản lớn nhất sau bao năm tháng đi dạy có khi chỉ đơn giản là hội trường, họp lớp được học trò cũ đón tới dự, được chứng kiến lũ trẻ trưởng thành, được thấy còn đầy đủ và nguyên vẹn những gương mặt ấy thay vì đứa còn, đứa mất, đứa tù tội lao lý, đứa vô ơn bạc nghĩa!

Tôi tin, với nhiều nhà giáo, tài sản đó mới là thứ mà họ mong đợi mai này…