Hóa ra đây là lý do vì sao thuốc tránh thai cho nam giới mãi chẳng xuất hiện

Bill Cipher, Theo Helino 10:49 15/04/2018

Tại sao phải mãi đến năm 2018, thuốc tránh thai cho nam mới bắt đầu đưa vào thử nghiệm. Chẳng lẽ chế tạo chúng lại khó đến thế?

Ngày 23/6/1960, những viên thuốc tránh thai đầu tiên cho phụ nữ bắt đầu được đưa vào thị trường, sau khi đã vượt qua mọi bài test an toàn của giới y học. Chúng đem lại hiệu quả cao đến 90%, trong khi có thể được sử dụng dễ dàng và không gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng.

Hóa ra đây là lý do vì sao thuốc tránh thai cho nam giới mãi chẳng xuất hiện - Ảnh 1.

Nhưng bạn có để ý thấy rằng từ đó đến giờ, trong khi thuốc tránh thai cho nữ ra đời và đã được cải tiến không biết bao nhiêu lần, thì người ta lại chẳng có một loại nào dành cho nam giới cả.

Phải mãi đến những năm gần đây, thuốc cho nam mới bắt đầu được thử nghiệm.

Tại sao vậy?

Câu trả lời cho điều này đơn giản hơn bạn tưởng rất nhiều. Lí do đầu tiên nằm ở tần suất và số lượng mà mỗi giống đực – cái cần để sản sinh ra một giao tử hoàn chỉnh có khả năng thụ thai.

Với một cơ thể bình thường và thể chất tốt, nữ giới trung bình cần 1 tháng để tạo ra 1 trứng vào thời điểm giữa hai chu kì kinh nguyệt. Có những trường hợp rụng nhiều hơn một trứng, nhưng vô cùng hiếm gặp, và không phải ai cũng có khả năng này.

Tóm lại, nữ giới có 1 giao tử cái trong 1 tháng. Và con số này khá "khiêm tốn" khi đặt cạnh số lượng giao tử đực được tạo ra trong khoảng thời gian tương tự.

Hóa ra đây là lý do vì sao thuốc tránh thai cho nam giới mãi chẳng xuất hiện - Ảnh 2.

Quá trình sinh tinh của nam rõ ràng có hiệu suất lớn hơn nhiều lần quá trình rụng trứng của nữ

Theo thống kê thì trung bình mỗi giây, một người đàn ông tạo ra được khoảng 1.000 tinh trùng.

Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 72.000 tinh trùng được tạo ra trong một phút, hơn 100.000.000 con trong một ngày. Cứ với tốc độ này thì trong 1 tháng, nam giới có 3 tỉ giao tử đực.

Giờ hãy tưởng tượng bạn là một nhà khoa học đang nghiên cứu trên lĩnh vực này. Muốn tránh được sự thụ thai, việc cần làm là khiến cho 2 loại giao tử này không gặp được nhau.

Ngoài những cách như "bế quan tỏa cảng" bằng bao cao su hoặc sử dụng vòng đặt diệt tinh trùng… bạn chỉ còn lựa chọn duy nhất là làm cho cơ thể 1 trong 2 người ngừng sinh giao tử. Theo bạn, điều gì dễ dàng hơn: ngăn chặn việc sản sinh của 1 quả trứng hay 1 một đội quân tinh trùng khổng lồ?

Hóa ra đây là lý do vì sao thuốc tránh thai cho nam giới mãi chẳng xuất hiện - Ảnh 3.

Nếu không có trứng thì tinh trùng chạy vào đâu?

Lí do thứ hai chính là điều kiện sinh hóa phù hợp để sinh giao tử khác nhau một trời một vực giữa nam giới và nữ giới. Hầu hết các loại thuốc tránh thai về cơ bản ngăn chặn sự tạo trứng – tạo tinh bằng cách gây ra những biến đổi bất thường trong nồng độ hormone.

Ở nữ, thuốc sẽ tác động đến lượng estrogen và progesterone để "đánh lừa" buồng trứng, khiến cho nó tin rằng chu kì rụng trứng đã diễn ra và kết thúc rồi. Chỉ cần một thay đổi rất nhỏ trong nồng độ hai hormone này cũng đủ để đạt được tác dụng mong muốn.

Trong khi đó với nam giới, một lượng ít testosterone không thể làm được điều tương tự.

Hóa ra đây là lý do vì sao thuốc tránh thai cho nam giới mãi chẳng xuất hiện - Ảnh 4.

Muốn sự sinh tinh ngừng lại thì phải cần đến một cuộc khủng hoảng testosterone. Và sự thay đổi "quá đáng" này gây ra những hậu quả khôn lường, bởi tác động của hormone lên cơ thể là rất lớn.

Tất cả mọi bộ phận đều chịu ảnh hưởng của hệ nội tiết. Phụ nữ đưa vào cơ thể một lượng hormone nhỏ nhưng họ đã phải gánh chịu không ít tổn thất – cả nhãn tiền (đau đầu, buồn nôn…) lẫn lâu dài (các vấn đề tim mạch, tăng nguy cơ ung thư, suy giảm thị giác…).

Vậy thì hậu quả sẽ tệ đến đâu nếu nam giới phải sử dụng nhiều hormone gấp mấy lần phụ nữ?

Vướng phải vô số bất lợi, công trình chế tạo thuốc tránh thai cho nam tới tận nay vẫn còn một chặng đường dài phải đi. Chưa loại nào trong số thuốc từng công bố thật sự được coi là thành công.

Giới nghiên cứu cũng đang dần chuyển sang hướng đi mới có triển vọng hơn không dùng đến hormone, nhưng muốn biết kết quả ra sao – chắc chúng ta còn phải đợi thêm một thời gian dài nữa.

Nguồn: The Cut, Medical News Today, MIT Technology Review