Họa sĩ khuyết tật Lê Minh Châu và hành trình vượt qua ranh giới giữa "tối" và "sáng": Đôi lúc tôi đã nghĩ tới cái chết, tổng cộng là 7 lần

Minh Nhân - Ảnh: Mai Lân, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 27/07/2018

Điều quan trọng, Lê Minh Châu tin vào bản thân mình, dù mọi người sẽ cười ồ lên khi nhìn thấy một đứa khuyết tật như cậu, bằng cái cách mỉa mai và khinh miệt nhất. Nhưng Châu nghĩ, "Bạn cứ cười, nhưng rồi một ngày nào đó bạn sẽ thấy tôi trên màn ảnh. Khi đó, tôi sẽ rất thành công và quá đỗi hạnh phúc".

Nhiều người vẫn hay so sánh cuộc sống vốn là một cán cân, và trong những lúc khó khăn nhất, hai bên đầu cân sẽ lệch khỏi điểm cân bằng của nó. Đáp lại trở ngại, chúng ta phải tìm được một ý nghĩa đủ lớn để kéo cuộc sống trở về với điểm ban đầu. Nếu không, chúng ta sẽ sống trong vô định, không định hướng, không ước mơ và bởi thế, không cả những nụ cười.

Cuộc đời của Lê Minh Châu xuất phát điểm từ một cán cân lệch. Tất nhiên bản thân Châu không được phép quyết định mình được sinh ra với hình hài như thế nào, trong một gia đình hoàn cảnh ra làm sao. Nhưng cậu được quyền nghĩ về tương lai, về một Lê Minh Châu mai này sẽ là ai và sẽ làm được điều gì cho cuộc đời. Chuyện của Châu là cả một hành trình dài, đến tận bây giờ thấm thoát cũng độ 10 năm. Mỗi khi nhắc đến cậu, người ta nhớ tới một chàng trai khuyết tật mang di chứng chất độc màu da cam thì ít, mà khâm phục tài năng của một họa sĩ thì nhiều.

Ngày 21/7 vừa qua, Chương trình đặc biệt Hành trình truyền cảm hứng WeChoice Awards 2018 (phiên bản WeTalk số tháng 7) dành để bàn về những câu chuyện giữa ranh giới "có thể" và "không thể". Chúng tôi đã gặp lại Lê Minh Châu cùng những nét vẽ mộc mạc của cậu. Vẫn phong thái đĩnh đạc, vẫn nụ cười thường trực, Châu kể lại hành trình cậu đạp đổ những cái "không thể" để đến với ước mơ "có thể".

"Nhiều người có suy nghĩ, rằng người khuyết tật cần sự giúp đỡ của nhiều người xung quanh, nhưng tôi nghĩ mình có thể tự làm được tất cả!" - Lê Minh Châu.

Họa sĩ khuyết tật Lê Minh Châu và hành trình vượt qua ranh giới giữa tối và sáng: Đôi lúc tôi đã nghĩ tới cái chết, tổng cộng là 7 lần - Ảnh 1.

Hành trình truyền cảm hứng WeChoice Awards 2018 (phiên bản WeTalk số tháng 7) dành lời tri ân cho những con người giàu nghị lực trong cuộc sống.

Cậu bé đáng thương mang di chứng chất độc màu da cam tại làng trẻ Hòa Bình

"Tôi tên là Lê Minh Châu, tôi 27 tuổi và là một hoạ sĩ, nghệ sĩ tự do. Khi tôi sinh ra cơ thể không được trọn vẹn như những người bình thường khác. 6 tháng tuổi, tôi được gia đình đưa vào làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ)".

Cuộc đời của Châu xuất phát từ làng trẻ Hòa Bình, nơi những ông bố bà mẹ bất lực trước số phận của con mình đành bỏ các em từ khi mới sinh ra. Ngay từ khi chào đời, Châu đã là một đứa trẻ bị khuyết tật ở cánh tay và chân. Cậu đi lại bằng đầu gối - một cách di chuyển mà theo cậu, là bất đắc dĩ lắm nhưng đành phải chấp nhận. Châu lớn lên cùng những anh em bè bạn đồng cảnh ngộ với mình, thiếu tình thương cha mẹ và sự quan tâm, dạy dỗ.

Chuyện cậu bé bị nhiễm chất độc da cam rời bỏ làng trẻ mồ côi năm 17 tuổi để tự vẽ nên ước mơ của mình. Clip: wechoice.vn

Thời điểm này, người đời nhìn vào Lê Minh Châu như một số phận đầy đáng thương và cần được chở che. Cậu cũng từng nghĩ cuộc đời mình sẽ gắn chặt với làng Hòa Bình mãi mãi, nếu như không có tia sáng chợt lóe lên năm cậu 9 tuổi. Khi mà, Châu bắt đầu làm quen với những nét vẽ.

Ngày đó, một cô giáo đã đến vẽ trang trí cho những bức tường ở Bệnh viện. Cậu nhóc Lê Minh Châu tay chân teo tóp, di chuyển khó khăn đến bên cô giáo, nhìn cô phác thảo từng đường nét trên giấy, rồi vẽ lên tường, sơn màu.

"Thấy những nét vẽ bay bổng, tôi cảm giác gần như là mình cũng muốn trở thành 1 phần nào đó như cô. Và, tôi bắt đầu nuôi ước mơ làm hoạ sĩ. Mỗi ngày cô vẽ hết bức từng này đến bức tường khác. Sau khi hoàn thiện gần xong những bức tường đó, cô bắt đầu hỏi tôi cùng những đứa trẻ khác: Các em có thích vẽ không?".

Thì ra vẽ tranh là như thế, là những nét mực uyển chuyển và bay bổng. Tất nhiên Lê Minh Châu đã chẳng thể cưỡng lại được sức hút đầy "ma lực" của những cây bút màu.

"Từ đó tôi bắt đầu những đường vẽ của chính bản thân mình".

Họa sĩ khuyết tật Lê Minh Châu và hành trình vượt qua ranh giới giữa tối và sáng: Đôi lúc tôi đã nghĩ tới cái chết, tổng cộng là 7 lần - Ảnh 3.

Lê Minh Châu - họa sĩ vẽ tranh bằng miệng cùng câu chuyện truyền cảm hứng của mình.

Với Châu khi còn là cậu bé năm lên 9, cảm giác thật vui sướng và hạnh phúc khi được cầm trên tay những màu sắc, và cứ dần dần niềm đam mê trỗi dậy lúc nào không hay. Tuy nhiên điều này thật khó khăn vì tay của Châu bị dị tật, một bức tranh ngót nghét mất từ 5 đến 6 tiếng đồng hồ. Rồi những cây bút chì bắt đầu gãy...

"Tôi chuyển sang vẽ tranh bằng… miệng. Ban đầu tôi không biết điều khiển miệng mình như thế nào, rồi sự cố mỗi lúc một nhiều hơn. Tôi biết rằng đó là một hoá chất độc hại, nhưng tôi muốn tạo sự khác biệt, sự độc đáo".

Năm học đầu tiên, Châu và các bạn được học vẽ cơ bản, nhận biết màu sắc. Rồi cô giáo phải đi Mỹ để kết hôn, nên lớp học cũng vì thế tan rã. Châu kể rằng anh vẫn nhớ như in lời cô giáo trước khi đi: "Nếu con thực sự muốn học, con phải tự mày mò".

Họa sĩ khuyết tật Lê Minh Châu và hành trình vượt qua ranh giới giữa tối và sáng: Đôi lúc tôi đã nghĩ tới cái chết, tổng cộng là 7 lần - Ảnh 4.

Châu đã theo đuổi đam mê về những nét vẽ hơn 15 năm nay.

"Châu, beyond the lines" - Vượt qua những giới hạn

Thời điểm cô giáo đi Mỹ, một nhóm tình nguyện viên được giới thiệu đến làng Hòa Bình. Châu không biết họ là sinh viên đến từ trường học bên Mỹ, cậu càng không biết rằng người đầu tiên tiếp xúc với mình là nhóm trưởng của những người bạn đó. Tên chị ấy là Courtney Marsh và chị là một đạo diễn.

"Chị ấy muốn mời tôi vào vai chính của một bộ phim tài liệu và tôi khá bất ngờ. Tôi không biết phải làm như thế nào để đứng trước máy quay một cách bình dị nhất. Chị cũng động viên rằng hãy làm thật tự nhiên".

Châu tự trấn an mình, cậu là nhân vật chính của máy quay, không phải của bộ phim. Khoảng 1 tuần sau, chị Courtney về nước. Đấy cũng là thời điểm Lê Minh Châu 17 tuổi và cậu chính thức bước ra khỏi làng Hòa Bình, tự bước đi trên con đường của riêng mình. Châu hứa với chị Courtney, cậu sẽ trở thành họa sĩ và nhà thiết kế thời trang trong tương lai.

"Tôi đã rời làng Hòa Bình như lời hứa của tôi với chị Courtney về tương lai của mình. Và lời hứa bắt đầu được thực hiện, tôi tự tin hướng về phía trước, nơi có ánh sáng ngập tràn".

3 tháng sau - một khoảng thời gian rất ngắn, Lê Minh Châu nhận được một email. Đó là bức thư của chị Courtney từ tận bên Mỹ. Trong thư, chị viết: "Tôi muốn từ bỏ bộ phim này! Vì những người bạn của tôi bảo đây là một bộ phim kết thúc không có hậu, không có ý nghĩa với cả nhóm".

Họa sĩ khuyết tật Lê Minh Châu và hành trình vượt qua ranh giới giữa tối và sáng: Đôi lúc tôi đã nghĩ tới cái chết, tổng cộng là 7 lần - Ảnh 5.

Mỗi lần đưa miệng ngậm bút màu, Châu lại dành hết sự đam mê và lý trí trong đó.

"Em sẽ theo đuổi ước mơ của mình và biến nó thành hiện thực để chứng minh cho mọi người thấy là em làm được. Hãy quên những người bạn đó đi, chị đừng suy nghĩ là vứt bộ phim vào thùng rác. Công trình của chị đã kéo dài 2 tháng trời, đó không phải là một khoảng thời gian ngắn dù bộ phim làm ra cũng chỉ có vài giây vài phút.

Nhưng em chắc chắn chị làm được nhiều hơn thế nữa và em sẽ cho chị một kết thúc có hậu và đẹp nhất, mà có thể những bộ phim, hãng phim khác chưa từng làm" - Châu đã nói với chị Courtney như thế. Quả thực là thời điểm đó, Lê Minh Châu không là ai và chưa có gì cả. Nhưng sự kiên định của chàng thanh niên 17 tuổi đã chứng minh sức mạnh và sự nhiệt thành, chị Courtney đồng ý quay lại Việt Nam và cả 2 cùng bắt tay vào cuộc hành trình của mình.

Bộ phim kéo dài trong vòng 8 năm và được gọt giũa trong vòng 34 phút với tên gọi: "Chau, beyond the lines". (tạm dịch: Châu, vượt qua những giới hạn). Bản thân Châu không đặt nặng vấn đề là bộ phim này sẽ đi tới những giải thưởng nào. Và thường thì những điều chúng ta không ngờ tới, lại bất ngờ một cách rất đặc biệt. Tháng 2/2016, cái tên Lê Minh Châu đã được vang lên tại nhà hát Dobly, Mỹ, khi bộ phim về cậu lọt vào con đường của Oscar Top 5 phim tài liệu xuất sắc nhất lần thứ 88. Châu cũng không nghĩ bộ phim về cậu lại thành công vang dội. Đơn giản chỉ như một điều hạnh phúc lớn lao cho công sức lớn lao của chị Courtney.

Và từ đó, người ta vẫn nhớ đến Lê Minh Châu với từ khóa "Oscar"!

Xuyên suốt bộ phim "Chau, beyond the lines", người ta không chỉ thấy một cậu bé Lê Minh Châu khuyết tật đang học ngoại ngữ, chơi đá bóng, mà còn thấy một khát vọng mãnh liệt của một chàng họa sĩ trẻ. Với vốn liếng là tài vẽ tranh bằng miệng siêu việt của mình, 17 tuổi, Lê Minh Châu quyết định rời làng Hòa Bình, tự mở phòng tranh, dạy học, và kiếm sống bằng nghề họa sĩ, cái nghề mà khi rời khỏi làng, nhiều người đã nói với Châu rằng anh hãy thôi nuôi mộng hão huyền đi.

Họa sĩ khuyết tật Lê Minh Châu và hành trình vượt qua ranh giới giữa tối và sáng: Đôi lúc tôi đã nghĩ tới cái chết, tổng cộng là 7 lần - Ảnh 6.

Hành trình của Lê Minh Châu đáng được tôn trọng vì những phi thường cậu đã vượt qua.

Từng nghĩ đến cái chết 7 lần

Ngoài bộ phim "Chau, beyond the lines" vươn ra thế giới, Lê Minh Châu cũng là người Việt Nam đầu tiên nhiễm chất độc da cam tham gia kỳ họp thứ 9 về "Công ước về quyền của người khuyết tật" tại Liên Hiệp Quốc diễn ra tại New York (Mỹ) vào tháng 6/2016.

Trước toàn thể khách mời tham dự hội nghị đến từ khắp nơi trên thế giới, Châu đã có bài phát biểu ngắn, chia sẻ về những nỗ lực của bản thân để có được bước tiến như ngày hôm nay. Châu khép lại ngày làm việc thứ 2 tại New York bằng buổi triển lãm và bán đấu giá những bức tranh được cậu vẽ bằng miệng.

Châu có những lứa học trò theo cậu học vẽ tranh, nhưng cậu không nghĩ mình là một ngôi sao thực sự đối với các em. Cậu chỉ là một người bình thường, chính xác hơn là một người truyền cảm hứng.

Châu còn nhớ, để mở được phòng tranh, cậu đã phải gây dựng tất cả từ khoản tiền đi vay. Ngày đó, cậu là một "kẻ ăn mày" đúng nghĩa, trong người không một xu dính túi.

"Tôi suy nghĩ, tại sao họ có phòng tranh mà mình lại không? Tôi đã nói với một người bạn, "Bây giờ em không có tiền, anh có thể cho em vay 1 triệu rưỡi được không? Em sẽ trả lại cho anh đúng một tuần sau đó"". Và, phòng tranh được sinh ra từ lời hứa năm nào.

Khi phòng tranh được dựng lên rất là trống, hầu như không có khách. Rồi nhiều người bắt đầu tò mò, họ cảm thấy những bức vẽ bằng miệng thật kì lạ và lạ hơn nữa là màu sắc của chúng. Dần dần phòng tranh đi lên từ những bức tranh ít ỏi và nhiều tác phẩm hơn.

"Với những người bình thường họ có khả năng trong mọi việc, còn tôi phải cố gắng tất cả. Họ cố gắng 1, 2 lần thì tôi phải gấp 10 lần để hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật. Sau khi bước lên đỉnh cao từ một khu rừng sâu thẳm để tiến tới những ngọn núi, tôi muốn nhìn lại chặng đường. Tôi đã vượt qua chúng, thay vì đặt mình mãi trên cao, tôi biết có những cái tôi cần phải học trong tương lai. Cơ bản tôi không phải là một con người hoàn hảo".

Họa sĩ khuyết tật Lê Minh Châu và hành trình vượt qua ranh giới giữa tối và sáng: Đôi lúc tôi đã nghĩ tới cái chết, tổng cộng là 7 lần - Ảnh 7.

Nụ cười rạng rỡ của Châu.

Sau hành trình dài, khi chợt ngoảnh lại nhìn cả chặng đường bản thân chúng ta sẽ nhận ra mình đã can đảm vượt qua được ranh giới giữa "tối" và "sáng" như thế nào. "Đôi lúc tôi đã nghĩ tới cái chết, tổng cộng là 7 lần. Nhưng những tia sáng nhỏ đã giúp tôi vượt qua bóng tối của mình lúc đó, để vững tâm tiếp tục bước đi. Cuộc sống vốn có nhiều khó khăn, tôi đã từng muốn nhảy cầu để kết thúc tất cả.

Ngày ấy, Sài Gòn mưa xối xả, tôi chỉ còn lại bộ đồ đang mang trên người, mọi thứ còn lại mất hết. Nhưng tôi đã nghĩ tại sao mình lại chọn cái chết, trong khi mình phải sống và học cách thay đổi".

Điều quan trọng, Lê Minh Châu tin rằng vào bản thân mình, dù mọi người sẽ cười ồ lên khi nhìn thấy một đứa khuyết tật như cậu, bằng cái cách mỉa mai và khinh miệt nhất. Nhưng Châu nghĩ, "Bạn cứ cười, nhưng rồi một ngày nào đó bạn sẽ thấy tôi trên màn ảnh. Khi đó, tôi sẽ rất thành công và quá đỗi hạnh phúc. Tôi sẽ luôn là người truyền cảm hứng cho những số phận cùng cảnh ngộ".

20 năm từ một cậu bé bị nhiễm chất độc màu da cam trong làng Hòa Bình đến một người họa sĩ tài năng, Lê Minh Châu đã tự vượt qua cái bóng của chính mình để vẽ cho đời niềm lạc quan và tình yêu cuộc sống.

"Luôn luôn là Lê Minh Châu, beyond the lines, tôi sẵn sàng vượt qua những giới hạn".

Chương trình truyền hình Hành trình truyền cảm hứng - WeChoice Awards xin gửi lời cảm ơn tới đơn vị đồng hành chính Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đã cùng chúng tôi lan tỏa những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng.

Chương trình đặc biệt "Hành trình truyền cảm hứng" phiên bản WeTalk do Công ty cổ phần truyền thông VCCorp hợp tác sản xuất cùng Trung tâm Tin tức VTV24 (Đài Truyền hình Việt Nam), và đơn vị đồng hành triển khai Công ty cổ phần truyền thông PSC sẽ được phát sóng vào lúc tối thứ Bảy của tuần thứ ba trong tháng trên kênh VTV1.

WeTalk là không gian gặp gỡ của những con người, những câu chuyện truyền cảm hứng nhất trong mọi lĩnh vực trong suốt 1 tháng. Xem thêm thông tin về giải thưởng WeChoice Awards tại: http://wechoice.vn/.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày