Học được gì từ kinh nghiệm "tranh sủng" của các mĩ nhân trong Diên Hi Công Lược?

Hằng Nga, Theo Trí Thức Trẻ 19:38 18/08/2018

Đừng tưởng các mĩ nhân trong Diên Hi Công Lược chỉ biết làm đẹp, chải chuốt để tranh sủng. Họ cũng để lại cho chúng ta nhiều bài học lắm đấy. Dưới đây là những bài học xương máu được rút ra từ bộ phim đình đám này.

Điểm tựa vững chắc nhất của mình là… chính mình

Ở thời đại mà tam tòng tứ đức được đề cao, vẫn có những nữ nhi mạnh mẽ, chủ động, giỏi giang như Ngụy Anh Lạc. Cô chẳng cần ai che chở, bảo vệ, chẳng hề dựa dẫm, lệ thuộc vào đấng nam nhi nào. Một mình vào cung, Anh Lạc đã từng bước khẳng định bản thân, chứng tỏ được vị trí của mình.

Đầu tiên là thần thái tự tin, lạnh lùng, khác hẳn vẻ rụt rè của các cung nữ khác. Bị ai đó chơi xấu, mách lẻo, Anh Lạc chẳng ngại ngần "bật" lại bằng lời lẽ rất đanh thép, lập luận chặt chẽ, không ai bắt bẻ được. Dám vẩy nước vào chăn của Anh Lạc, cô sẽ đáp trả bằng cả xô nước. Những kẻ chơi xấu cô đều phải nhận một kết cục bi thảm.

Anh Lạc chẳng hiền lành, không dễ bị bắt nạt. Cô sống rất sòng phẳng, ân đền, oán trả. Một con ngựa bất kham như Ngụy Anh Lạc sẽ chẳng bao giờ cúi đầu run sợ trước kẻ khác.

Học được gì từ kinh nghiệm tranh sủng của các mĩ nhân trong Diên Hi Công Lược? - Ảnh 1.

Hậu cung này ai bản lĩnh được như nàng?

Sống không vì mình thì trời tru đất diệt

Đó là nguyên tắc sống còn giữa cuộc đời nghiệt ngã, thị phi. Đừng tưởng ở hiền sẽ gặp lành. Diên Hi Công Lược đã cho bạn thấy, dù bạn không làm gì thì người khác vẫn luôn tìm cách hại bạn. Như Hoàng hậu Phú Sát chẳng hạn, nhân hậu, độ lượng, chẳng phương hại đến ai nhưng vẫn bị đám phi tần ghen ăn tức ở tìm cách hãm hại.

Hoàng hậu hy sinh vì Hoàng thượng nhiều như vậy, nhưng người nào có biết đến điều đó. Cuối cùng, đắng cay Hoàng hậu cũng tự mình ôm lấy. Thế nên, hãy cứ sống nhân từ, bao dung với người khác nhưng cũng nên vì bản thân một chút. Đừng quá thật thà, cả tin mà bị kẻ khác dìm chết lúc nào không biết.

Học được gì từ kinh nghiệm tranh sủng của các mĩ nhân trong Diên Hi Công Lược? - Ảnh 2.

Hoàng hậu, người hãy sống vì bản thân mình một chút đi được không? Tiếc là không, nên đã tự tử rồi!

Để yên cho người khác hiền, nếu không chính mình sẽ lãnh trọn hậu quả

Người ta đã bảo "Con giun xéo lắm cũng quằn", sợ nhất là khi lòng người thay đổi. Nhàn phi lúc đầu rõ hiền lành, đoan chính. Cha và em trai bị bắt giam, nàng vẫn một mực không chịu đi cầu xin Hoàng thượng. Cuối cùng, nhà tan cửa nát, mẹ và em trai chết thảm, Nhàn phi đã quay ngoắt 180 độ từ hiền thành ác. Từng bước một, nàng trả thù những kẻ đã gieo tai họa cho gia đình nàng.

Từ việc giết Gia tần, Nhàn phi đã chính thức hóa ác, bắt đầu tham chiến chốn hậu cung. Gia tần cũng thật dại miệng, thân cô thế cô, bị giáng thứ bậc mà vẫn dám thách thức Nhàn phi. Sau Gia tần thì đến lượt Cao quý phi "lên thớt", và còn rất nhiều người khác nữa sẽ ra đi trên con đường lên ngôi Kế hậu của Nhàn. Thế nên, bài học xương máu là đừng chọc vào máu điên của người khác, một con kiến nhỏ nhoi cũng có thể giết chết một con voi.

Học được gì từ kinh nghiệm tranh sủng của các mĩ nhân trong Diên Hi Công Lược? - Ảnh 3.

Để yên cho chị được hiền! Tiếc là muộn rồi mấy đứa!

Sợ nhất những kẻ miệng nam mô bụng bồ dao găm

Cuối cùng thì ta cũng đã biết Thuần phi muốn gì khi ở trong cái cung này rồi. Mâm nào cũng thấy nàng góp mặt, đứng ra bênh vực cho những phi tần khác. Không chỉ thích làm chính nghĩa, Thuần phi còn thích nguỵ tạo chính nghĩa như sự vụ Ngũ a ca. Chẳng khác gì Bá Kiến, ngấm ngầm đẩy kẻ khác xuống sông rồi lại vớt lên để nó đền ơn. Đã thế lại còn là kẻ dùng đạo lý để sống nhưng thực chất là đạo lý sai lệch. Vì biết mình không cưới được Phó Hằng nên khi anh chàng yêu nô tì Anh Lạc, Thuần phi đã phát điên và trở nên hung ác. Nhưng khi mất bình tĩnh, bạn sẽ có sơ sót. Thế nên, thấy ai hay nói chuyện đạo đức thì tốt nhất cứ... kệ và tránh xa họ ra, dễ bị liên luỵ lắm.

Học được gì từ kinh nghiệm tranh sủng của các mĩ nhân trong Diên Hi Công Lược? - Ảnh 4.

Muốn sắm vai ác thì phải đủ bản lĩnh

Rõ ràng không phải ai cũng ác được. Muốn ác tới nơi tới chốn phải có đủ bản lĩnh, chứ ác nửa vời coi chừng gậy ông đập lưng ông. Như Cao quý phi năm lần bảy lượt rắp tâm hại người, cuối cùng lại tự vả miệng mình. Qua chừng ấy tập phim ta nghiệm ra rằng, làm gì có ai ác với người khác mà lại không bị gặp quả báo. Nhân quả có khi đến còn nhanh hơn mình tưởng. Nếu không phải bị người trả thù thì cũng bị trời trừng phạt, như Dụ Thái phi, suốt ngày ăn chay niệm Phật nhưng lại ngấm ngầm giết người không ghê tay, cuối cùng bị sét đánh chết một cách không thể... nhảm hơn!

Học được gì từ kinh nghiệm tranh sủng của các mĩ nhân trong Diên Hi Công Lược? - Ảnh 5.

Gia Tần vẫn còn non và xanh lắm!

Làm đầy tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại

Cao quý phi có lẽ là thấm thía điều này hơn cả. Quản lý một đám cấp dưới ăn hại, ưa bày trò quậy phá rồi cuối cùng quý phi lại là người lãnh đủ. Còn Ngụy Anh Lạc, dù mang thân phận cung nữ nhưng được Hoàng hậu hết mực quan tâm, bảo vệ, nàng còn được đích thân Hoàng hậu dạy học, chỉ cho những điều hay lẽ phải. Cuối cùng Anh Lạc đã từng bước vươn lên làm chủ chốn hậu cung. Có một đệ tử thân tín như Ngụy Anh Lạc, Hoàng hậu cũng được mát mày mát mặt khi bao nhiêu lần, Anh Lạc đứng ra gỡ rối cho Hoàng hậu.

Học được gì từ kinh nghiệm tranh sủng của các mĩ nhân trong Diên Hi Công Lược? - Ảnh 6.

Khổ thân Cao Quý phi, có tiếng (ác) mà không có miếng.

Gieo nhân nào sẽ gặp quả ấy

Không phải lúc nào ở hiền cũng gặp lành nhưng một điều chắc chắn là gieo nhân nào sẽ gặp quả ấy. Những kẻ độc ác cuối cùng sẽ chịu quả báo. Nhân từ như Hoàng hậu nên được Hoàng thượng tôn trọng, bề tôi trung thành. Xả thân vì chính nghĩa như Ngụy Anh Lạc mới có ngày được đứng trên cả vạn người. Còn những kẻ độc ác, chỉ biết ngấm ngầm mưu hại người khác rồi sẽ phải chịu một kết cục bi thảm.