Thực trạng học tín chỉ của sinh viên Việt

Nguyễn Thị Thu Trà, Theo Trí Thức Trẻ 03:30 24/03/2013

Thực tế thì, mỗi lần đăng kí học tín chỉ đối với mỗi sinh viên là một “trận chiến” để có thể tranh giành được lớp học mà mình mong muốn.

Hiện nay, phương pháp học tín chỉ không còn xa lạ gì với hệ thống các trường đại học, cao đẳng của nước ta. Đây là một phương pháp được áp dụng rộng rãi trên thế giới, và được xem là một trong những phương pháp đào tạo học chủ động và hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn vào việc dạy và học theo phương pháp này tại các trường học sẽ thấy nổi cộm lên hai vấn đề: thứ nhất là áp dụng còn chưa đúng cách và toàn diện, thứ hai là chưa thoát được cơ chế dạy niên chế truyền thống.

Học theo phương pháp tín chỉ, sinh viên có thể tự do sắp xếp lịch học cho bản thân, lựa chọn môn học mà mình thích. Thực tế thì, mỗi lần đăng kí học tín chỉ đối với sinh viên là một “trận chiến” để có thể tranh giành được lớp học mà mình mong muốn. Việc đăng kí học của sinh viên trở nên khó khăn và để có được lịch học như mong muốn không phải là việc dễ làm.

Thực trạng học tín chỉ của sinh viên Việt 1
Hình ảnh quen thuộc của các bạn sinh viên khi ngồi đợi đăng ký tín chỉ.

Phương pháp học tín chỉ sẽ mang lại tính chủ động học tập cho sinh viên, từ đó mà nâng cao chất lượng học tập. Thời gian học trên lớp của sinh viên sẽ được giảm đi so với phương pháp dạy niên chế trước đây. Nhiệm vụ của thầy cô trên lớp là hướng dẫn, định hướng bài học còn phần công việc còn lại thuộc về sinh viên. Nhưng phần lớn giảng viên trong giờ học lý thuyết vẫn cố truyền tải kiến thức như giờ học niên chế, do thời gian hạn chế mà dẫn đến tình trạng dạy dồn, dạy không hết, còn phần hướng dẫn chủ yếu là “các em nghiên cứu giáo trình và tài liệu tham khảo”. Còn từ phía sinh viên, hơn quá nửa sinh viên có cách học nước rút, tức là gần đến thi mới học, số lượng sinh viên có tính chủ động trong học tập không cao.

Phương pháp học tín chỉ sẽ bổ sung thêm những tiết học “seminar” – giờ học thảo luận. Về nguyên tắc, giờ học này sẽ do sinh viên làm chủ, thầy trò sẽ “ngang” nhau, cùng nhau thảo luận những vấn đề vướng mắc, cùng đưa ra câu hỏi, cùng nhau giải quyết những câu hỏi đó. Bạn NTN (Đại học Luật Hà Nội) cho biết: “Giờ seminar trường mình không khác gì giờ lý thuyết, cô hỏi trò trả lời, cô im thì trò im, rất ít bạn đứng lên bày tỏ quan điểm của mình…”. Đó là thực trạng của rất nhiều tiết học Seminar ở nhiều trường, cô đưa ra câu hỏi, trò trả lời, cô sửa - một cách thụ động, miễn cưỡng biến nó thành giờ thảo luận. 

Thực trạng học tín chỉ của sinh viên Việt 2

Tuy nhiên cách học này đối với sinh viên mà nói vẫn có vài điểm lợi. Bởi từ khi chuyển sang hình thức đào tạo tín chỉ, số sinh viên được tốt nghiệp sớm hơn so với các chương trình 4 năm, 5 năm.

Lợi thế thứ hai là, khi điều kiện kinh tế không cho phép các học sinh được tiếp tục theo học, thì sinh viên có thể hoàn toàn được phép kéo dài chương trình học (trong một khoảng thời gian theo quy định riêng từng trường) mà không bị ảnh hưởng gì khi sinh viên quay lại tiếp tục chương trình học.

Lợi thế thứ ba là ngoài việc chủ động và tiết kiệm thời gian trong học tập, sinh viên còn có thể chuyển đổi chuyên ngành mình đang theo học một cách khá dễ dàng và không phải học lại từ đầu. Nếu biết sắp xếp những tín chỉ giống nhau giữa hai ngành một cách hợp lý, sinh viên có thể hoàn toàn tốt nghiệp được hai chương trình học trong một thời gian giảm đáng kể so với hình thức đào tạo theo niên chế.

Việc thực hiện phương pháp học tín chỉ không chỉ đơn thuần là áp dụng nó vào hệ thống các trường học mà vấn đề căn bản là áp dụng nó như thế nào để đạt được hiệu quả tốt nhất. Hơn hết, các bạn sinh viên phải chủ động tiếp nhận phương pháp này mà tách ra khỏi phương pháp ở các trường phổ thông.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày