Inuyashiki (Ông Bác Siêu Nhân) sẽ đập tan sự kỳ thị của bạn dành cho thể loại live-action!

Dodieuha, Theo Trí Thức Trẻ 12:57 21/07/2018

Với nhiều fan manga - anime, cụm từ “live-action” thường gợi nhớ đến sự hẫng hụt vì không đáp ứng được kỳ vọng từ nguyên tác. Tuy nhiên, Inuyashiki (Tựa Việt: Ông Bác Siêu Nhân) sẽ buộc bạn phải suy nghĩ lại về định kiến này của mình.

Inuyashiki (tựa Việt: Ông Bác Siêu Nhân) thường được giới thiệu cùng với hai "người anh" trước đó của nó là Gantz I Am a Hero - Đều là những đứa con tinh thần của đạo diễn Shinsuke Sato. Tuy nhiên, sự khác biệt về chất lượng giữa Gantz và I Am a Hero đã chứng minh rằng yếu tố quyết định cái hay của phim chuyển thể từ manga phụ thuộc rất nhiều vào biên kịch. Và thật may mắn khi Inuyashiki được rơi vào tay biên kịch Hiroshi Hashimoto. Với cách xử lý và can thiệp vào nguyên liệu gốc vô cùng mạnh mẽ và thông minh, Hashimoto đã khiến bộ phim có thể đứng vững trên ngôn ngữ điện ảnh của chính mình, chứ không phải một "sinh vật" oặt ẹo có xương sống là những trang truyện manga như nhiều trường hợp của các live-action khác.

Inuyashiki (Ông Bác Siêu Nhân) sẽ đập tan sự kỳ thị của bạn dành cho thể loại live-action! - Ảnh 1.

Tóm tắt câu chuyện, Inuyashiki Ichirou (Noritake Kinashi) là một ông già 58 tuổi bị sếp và vợ con ghét bỏ vì sự vô dụng của mình. Đã thế, một hôm đi khám bệnh, ông còn được chẩn đoán là mắc ung thư giai đoạn cuối và chỉ còn sống được ba tháng nữa. Buồn đời, buổi tối ông dắt chó ra công viên khóc, và vô tình gặp một chàng trai trẻ tên Shishigami Hiro (Sato Takeru). Hai người bị một vật thể gì đó của người ngoài hành tinh rơi trúng và chết ngay.

Người ngoài hành tinh đền bù tội lỗi của họ bằng cách thay thế cơ thể của Inuyashiki và Shishigami bằng máy móc. Hai người trở thành "siêu nhân", nghe được tất cả mọi loại âm thanh cũng như điều khiển được mọi thứ liên quan đến công nghệ; và có thể dễ dàng giết người cũng như cứu người (chỉ cần chưa chết hẳn thì nguy cấp đến đâu cũng cứu được). Cách sống như thế nào là do họ lựa chọn. Shishigami chỉ cứu những người anh yêu thương, và khi những người đó dứt bỏ anh hoặc bị dứt bỏ khỏi anh, anh trở nên "điên dần đều" và trở thành một tên sát nhân hàng loạt. Inuyashiki cứu tất cả những người mà ông nghe thấy tiếng kêu cứu. Ông chưa bao giờ giết ai, nhưng sự "quá đà" của Shishigami đã buộc ông phải lập kế hoạch giết anh ta - Người đầu tiên và có lẽ cũng là duy nhất trong cuộc đời ông.

Inuyashiki (Ông Bác Siêu Nhân) sẽ đập tan sự kỳ thị của bạn dành cho thể loại live-action! - Ảnh 2.

Cặp nhân vật song trùng

Vấn đề của các live-action thất bại là quá ít ngôn ngữ điện ảnh và quá nhiều chi tiết manga. Điều này không rõ là do áp lực từ tác giả nguyên tác, fan nguyên tác, hay sự yếu kém của người biên kịch nhận nhiệm vụ chuyển thể. Tuy nhiên, hãy yên tâm là Ông Bác Siêu Nhân không gặp tình trạng này. Phim làm ra phim, chứ không phải là kiểu "anime người đóng".

Khi chuyển thể Ông Bác Siêu Nhân, biên kịch Hashimoto đã ấn một con dấu điện ảnh to đùng lên câu chuyện gốc bằng cách nhấn mạnh tính song trùng của hai nhân vật chính - "ông bác" Inuyashiki và "trai trẻ" Shishigami. Nếu từng theo dõi anime, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những chi tiết cũ vẫn được giữ nguyên, nhưng được thêm vào một ý nghĩa mang tính song song với ý nghĩa cũ, để kết nối hai nhân vật "thiện" và "ác" này. Từ những nhân vật và chi tiết mang tính chất "qua đường" như: con chim bị bắn rơi, những chiếc ô tô bị đâm móp, người của đài truyền hình... cho đến những nhân vật quan trọng hơn như con chó Hanako, cô con gái Mari… Mọi chi tiết dù nhỏ đến đâu, một khi đã có mặt ở tuyến truyện của người này thì sẽ tìm thấy một cái gì đó song trùng hoặc chính bản thân nó ở tuyến truyện của người kia.

Inuyashiki (Ông Bác Siêu Nhân) sẽ đập tan sự kỳ thị của bạn dành cho thể loại live-action! - Ảnh 3.

Để rõ ràng hơn, người viết sẽ đưa ra một số so sánh với anime: Đơn cử như hình ảnh con chim. Trong anime, nó chỉ đơn giản là bị Shishigami bắn rơi - ẩn ý về sự sa ngã của Shishigami; còn trong phim, sau khi bị bắn rơi, nó lại được Inuyashiki nhặt lên và cứu sống - biểu tượng cho khát vọng hướng thiện của Inuyashiki. Hay nhân vật con chó. Trong anime, con chó chỉ xuất hiện cùng với Inuyashiki; còn trong phim, con chó có xuất hiện cùng với Shishigami hồi nhỏ, qua lời kể của cậu bạn Ando. Con chó là biểu tượng cho "cái cần được bảo vệ". Phim cũng thêm vào chi tiết ông bác ôm con chó bay lên trời để cân đối với cảnh Shishigami ôm người yêu, nhấn mạnh về sự trung thành và ủng hộ vô điều kiện của hai nhân vật này. Đặc biệt nhất, phim đặt cô con gái Mari vào điểm cắt chéo giữa Shishigami và ông bác. Trong anime, ông bác đánh bại Shishigami rồi mới đi cứu con gái, khiến cô này trở nên mờ nhạt trong tuyến của Shishigami.

Đi xa hơn, chúng ta còn có thể cho rằng Inuyashiki chính là "phiên bản già" của Shishigami nếu anh ta đi đúng đường. Bởi, trong một bản tin thời sự về vụ giết người của Shishigami, đài truyền hình đã đưa tin rằng: "Nghi phạm chỉ có ước mơ là lớn lên trở thành một nhân viên văn phòng bình thường". Không phải đó chính là con người của Inuyashiki đó sao? Một điều đặc biệt nữa là, cốt truyện của phim đặc biệt nhấn mạnh đến việc Inuyashiki luôn đến sau và "sửa chữa" lại những gì Shishigami đã gây ra - Tương ứng với thứ tự các quãng thời gian (trẻ rồi mới già) của mỗi con người trong một kiếp nhân sinh.

Inuyashiki (Ông Bác Siêu Nhân) sẽ đập tan sự kỳ thị của bạn dành cho thể loại live-action! - Ảnh 4.

Ánh sáng và bóng tối

Nếu được hỏi điều gì ấn tượng nhất về Ông Bác Siêu Nhân, người viết bài này sẽ không ngần ngại trả lời rằng đó là những khuôn hình buộc khán giả phải chú ý vào cách thể hiện ánh sáng - bóng tối. Đây là một phương tiện mang tính điện ảnh để bộ phim vượt khỏi cái khung của manga/anime và khẳng định sự độc lập về ngôn ngữ cũng như ý nghĩa của mình.

Ví dụ, ngay đầu phim, chúng ta có một cảnh ông bác ngồi uống rượu và ăn sushi một mình khi vợ con của ông bỏ đi ăn hàng. Bóng tối phủ trùm căn phòng và lên người ông, nhưng hướng ngồi của ông lại xoay ra ngoài trời - Nơi ánh sáng tràn ngập. Khi ông bác tập bắn để hạ Shishigami, theo anime (và theo lẽ thường) thì ông phải tập bắn vào ban đêm để người ta không để ý; nhưng bộ phim lại "bắt" ông tập ngay giữa ban ngày ban mặt. Bối cảnh những chiếc ô tô phế liệu đằng sau ông, nếu nghĩ kỹ thì sẽ cảm giác như đây là cảnh tiếp nối cảnh Shishigami đập hết ô tô trong một chiếc gara ở đoạn trước. Cảnh này cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa ánh sáng - bóng tối, vì trong anime, Shishigami điều khiển ô tô đâm vào nhau giữa ngã tư và giữa ban ngày, còn trong phim, đạo diễn/biên kịch lại "dồn" anh xuống gara tối tăm. Không cần lời thoại, những khuôn hình này tự nói lên tâm tư của nhân vật nó chứa chấp. Một người luôn hướng về ánh sáng, còn một người chỉ nhìn thấy bóng tối.

Inuyashiki (Ông Bác Siêu Nhân) sẽ đập tan sự kỳ thị của bạn dành cho thể loại live-action! - Ảnh 5.

Một điều tiếc nuối dành cho Ông Bác Siêu Nhân là, bộ phim này "chết vì poster". Vì trông quá sáng sủa, nó dễ bị lầm tưởng thành phim hành động - hài nhảm. Nhiều ý kiến cho rằng poster nên làm tối đi cho đúng với không khí nghiêm túc mà nó mang lại. Tuy nhiên, theo người viết, poster nên được làm đẹp hơn chứ không phải tối đi. Bởi hướng sáng, hay hướng thiện, là một chủ đề quan trọng của phim. Và tên phim cũng là "Inuyashiki" - tên ông bác, người đại diện cho ánh sáng.

Thiện - ác và triết lý của người Nhật

Nếu đã quen thuộc với những sản phẩm văn hóa của người Nhật, bạn sẽ thấy lộ rõ một vấn đề về giá trị con người: Con người chỉ có giá trị khi đủ khả năng bảo vệ người khác. Đây cũng chính là động cơ bề mặt đẩy Shishigami vào việc làm ác. Anh ta liên tục rơi vào tình trạng bất lực vì không bảo vệ được những người thân yêu của mình, bắt đầu từ việc mất đi con chó ngày bé và dần dần tăng tiến về mức độ nghiêm trọng của sự việc cũng như sự can thiệp của "những kẻ không liên quan" (nhìn nhận từ góc độ của Shishigami). Shishigami muốn tất cả phải chịu đau khổ như mình và những người anh ta quan tâm.

Inuyashiki (Ông Bác Siêu Nhân) sẽ đập tan sự kỳ thị của bạn dành cho thể loại live-action! - Ảnh 6.

Cũng như Shishigami, Inuyashiki không bảo vệ được những người thân yêu của mình, thậm chí còn bị họ sỉ nhục và chối bỏ. Tuy nhiên, sự bất lực ấy lại đẩy ông vào việc thiện - Tìm lại giá trị bản thân thông qua việc bảo vệ tất cả mọi người. Inuyashiki không cần ai biết đến ông, ông thích cảm giác cứu sống người khác và nhìn họ hạnh phúc bên người thân - Điều ông không có, nhưng cũng chẳng đố kỵ. Cùng chịu sự bất công nhưng họ lại đi theo hai con đường khác nhau để lấy lại cảm giác công bằng về số phận bản thân. Lựa chọn của họ dựa trên điều gì? Muốn hiểu, ta buộc phải truy sâu hơn xuống gốc rễ vấn đề.

Gốc rễ vấn đề là việc họ hướng vào ai khi hành động. Shishigami bảo vệ những người liên quan đến anh ta và giết chết những người không liên quan đến anh ta, tức là suy cho cùng, anh ta luôn hướng về mình. Nói cách khác, Shishigami là người luôn nghĩ cho mình. Đó là gốc rễ gây nên cái ác. Ngược lại, Inuyashiki lại luôn nghĩ cho người khác, dù người ta có đối xử với ông thế nào, dù người ta có liên quan tới ông hay không. Đó là gốc rễ tạo nên cái thiện.

Inuyashiki (Ông Bác Siêu Nhân) sẽ đập tan sự kỳ thị của bạn dành cho thể loại live-action! - Ảnh 7.

Đây là một triết lý rất Nhật và gần với quan điểm "vô ngã" của Phật giáo. Tuy nhiên, đừng lo lắng phim sẽ "lên mặt dạy đời" bạn, vì những điều người viết rút ra ở đây chỉ "chạy ngầm" dưới lớp ý nghĩa sâu hơn của phim. Trên bề mặt, phim vẫn thỏa mãn vai trò giải trí của một bộ phim hành động với kỹ xảo được đầu tư tốt và nhịp điệu kịch tính. Phim được xác nhận là có ba phần, bởi vậy, hãy đảm bảo là bạn xem hết cả "after credit" để sẵn sàng cho phần sau nhé!

Trailer Live-action "Inuyashiki"

Inuyashiki (Ông Bác Siêu Nhân) hiện đang được công chiếu trên toàn quốc.