Italia – cái chết của một tượng đài

Minh Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 16:05 13/11/2017

Đêm nay, nếu Italia thua Thụy Điển trong trận lượt về play-off World Cup 2018, thế giới sẽ lần đầu tiên kể từ năm 1958 chứng kiến Azzurri vắng mặt ở World Cup. Đó sẽ là nhát kiếm cuối cùng kết liễu một nền bóng đá từng là tinh hoa của thế giới.

Vào những năm 90, bóng đá Italia từng nổi tiếng đến mức cả những bà nội trợ Việt Nam chẳng biết một trận đấu có bao nhiêu phút, mà mỗi khi "đội Ý đá bóng" cũng phải chầu chực xem cho bằng được. Những siêu mẫu Địa Trung Hải, tóc dài, mắt xanh, gương mặt nam tính như Nesta, Canavaro, Inzaghi, Totti… từng là thần tượng của biết bao cô gái.

Cánh đàn ông thì mê Italia vì giải VĐQG Italia suốt trong giai đoạn từ 1989 – 1998 năm nào cũng quy tụ được những siêu sao hàng đầu thế giới. Từ Diego Maradona, Michel Platini, Marco Van Basten cho tới Gabriel Batistuta, George Weah… ngồi điểm danh những ngôi sao hàng đầu thế giới từng chơi bóng tại Italia có thể tốn cả ngày.

Trong giai đoạn 1989 – 1998, thống kê đơn giản nhất để chứng minh sự thống trị của Italia tại châu Âu chính là: Suốt 9 năm liên tiếp này, năm nào Serie A cũng đóng góp một đại diện trong trận chung kết Cúp châu Âu.

Italia – cái chết của một tượng đài - Ảnh 1.

Và nói tới cúp châu Âu thì phải mãi tới khi Barcelona và Real Madrid thi nhau vô địch Champions League, Tây Ban Nha mới chính thức vượt Italia về số lượng chức vô địch. Người Ý sở hữu tổng cộng 48 danh hiệu vô địch, trong khi đó người TBN hiện tại đã 52 lần vô địch.

Với những người hoài niệm, bóng đá Ý là một miền ký ức đầy hào sảng, tươi đẹp…

Tuy nhiên, tất cả những gì vừa kể trên đều chỉ còn là dĩ vãng tươi đẹp. Suốt cả thập kỷ qua, bóng đá Italia ngày càng xuống cấp trầm trọng. Nó giống như một cơ thể ốm yếu đang hấp hối và chỉ cần ĐT Italia thua Thụy Điển trong trận play-off World Cup đêm nay, ống thở sẽ được rút ra chính thức kết liễu một nền bóng đá từng quy tụ mọi tinh hoa của thế giới túc cầu.

Italia – cái chết của một tượng đài - Ảnh 2.

Vậy vì đâu mà nền bóng đá từng phát triển tới tột đỉnh thịnh vượng lại ở trong tình trạng "chết lâm sàng" như lúc này?

Nguyên nhân đầu tiên chính là… tiền đâu. Khi Premier League, La Liga và Ligue 1 đã mở toang cánh cửa chào đón các ông chủ nước ngoài thì đa phần Serie A vẫn được cai quản dưới tay chủ nội. Và điều này dẫn tới thực trạng: Trong khi các đội bóng làm ăn giỏi đã biến thành mô hình một tập đoàn kinh tế thì rất nhiều CLB ở Italia vẫn làm ăn theo lối tư duy gia đình cũ kỹ, lạc hậu.

Năm 2016, có 2 quốc gia tranh giành quyền đăng cai EURO: Pháp và Italia. Tuy nhiên, Italia không phải đối thủ của Pháp vì một lý do quá đơn giản: Cơ sở vật chất ở Ý quá tệ. Các sân bóng không được nâng cấp do thiếu tiền, trong khi đó người Pháp có đủ tiền làm điều này.

Italia – cái chết của một tượng đài - Ảnh 3.

Nền bóng đá Ý thể hiện sự thức thời kém tới mức đa phần các trang báo lớn của họ vẫn để duy nhất ngôn ngữ tiếng Ý, trong khi đó những tờ báo lớn ở Anh và TBN đều đã cho ra đời những phiên bản tiếng nước ngoài (quan trọng nhất là tiếng Anh) từ rất lâu.

Tiền ít, cơ sở kém dẫn tới thực trạng những ngôi sao lớn cũng ngoảnh mặt với Serie A. Năm xưa, Serie A đã từng là mảnh đất tung hoành của những ngôi sao hàng đầu cỡ Maradona, Van Basten, Ronaldinho… thì giờ đây, những ngôi sao lớn hiếm như sao sớm, lá thu. Các cầu thủ Nam Mỹ năm xưa kéo sang Serie A như trào lưu, giờ đây cũng bắt đầu đổ sang Tây Ban Nha.

Các trận đấu lớn ở Italia đã kém hấp dẫn tới mức BTC giải đấu thậm chí còn phải "xuất khẩu" trận chung kết Coppa Italia ra nước ngoài thi đấu. Trận đấu này từng được tổ chức ở Sân Tổ Chim (Bắc Kinh) trong nỗ lực cứu lại chút hy vọng ở thị trường châu Á. Nhưng đã quá muộn.

Italia – cái chết của một tượng đài - Ảnh 4.

Premier League đã tấn công thị trường tiềm năng này từ khi người Italia còn không có nhu cầu cho các quốc gia châu Á xem họ đá thế nào. Ngay cả La Liga cũng thường xuyên có những trận đấu lớn thi đấu vào múi giờ châu Á.

"Cái chết" của bóng đá Italia là tổng hòa của nhiều yếu tố, mà xuất phát điểm của nó chính là vụ scandal dàn xếp tỷ số chấn động năm 2006. Một biểu tượng rất mạnh của thế giới túc cầu đang chỉ còn lại đống tro tàn. Nếu Italia mất vé dự World Cup 2018, coi như bóng đá Italia bị rút ống thở. Và kể cả cho dù Italia có lách qua khe cửa play-off tới với World Cup, nó cũng chỉ làm chậm đi sự diệt vong mà thôi.