KFO - Chìa khoá du học New Zealand: Cơ hội lập nghiệp trong tầm tay

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 22/07/2021

Ở lại, tìm việc làm ổn định, rồi lập thân lập nghiệp tại New Zealand, đất nước đáng sống bậc nhất hành tinh là cách mà nhiều du học sinh Việt đang làm. Tỷ lệ bạn trẻ Việt lựa chọn du học tại đây tăng cao, và tỷ lệ ở lại sau du học cũng cao không kém…

Đó là những thông tin từ buổi hội thảo trực tuyến "Chìa khóa du học New Zealand 2021" số thứ 3, do chính các cựu du học sinh New Zealand chia sẻ.

Cơ hội cho người biết nắm lấy… cơ hội

Thị trường việc làm tại New Zealand phát triển rất mạnh trong những năm gần đây do sự tăng trưởng kinh tế vững chắc khoảng 3% mỗi năm, trong khi tỷ lệ dân số trẻ rất thấp trong khoảng trên dưới 5 triệu công dân có quốc tịch New Zealand. Vì vậy, không lạ khi đây đang trở thành điểm đến triển vọng cho nhiều lao động nước ngoài.

Tiến sĩ Linh Hồ, Giảng viên Tài chính Đại học Lincoln cho biết: "Tôi đã cân nhắc rất nhiều lựa chọn và thấy rằng New Zealand là nơi có nền giáo dục rất đáng để theo đuổi. Vì thế tôi bắt đầu "săn" học bổng tiến sĩ của Chính phủ New Zealand để theo học tại đây".

Sau khi hoàn thành khóa học Tiến sĩ, chị Linh Hồ được trường mời ở lại giảng dạy. Chị nhận xét, môi trường giáo dục tại New Zealand đòi hỏi rất cao chuyên môn của giảng viên và luôn lấy trải nghiệm của người học làm trọng tâm.

Từ chính những quan sát và trải nghiệm của mình, TS Linh Hồ cho biết: "Tỷ lệ sinh viên ở lại New Zealand làm việc, đặc biệt là sinh viên Việt Nam đang tăng lên rất nhanh, cơ hội việc làm được phân bổ đều, chỉ cần nắm vững kiến thức, bồi đắp kỹ năng sẽ tìm được cơ hội cho mình".

KFO - Chìa khoá du học New Zealand: Cơ hội lập nghiệp trong tầm tay - Ảnh 1.

Chị Vinh Nguyễn, cựu du học sinh Đại học Victoria Wellington cho rằng thị trường lao động tại New Zealand trong những năm sắp tới sẽ khát nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin. "Các bạn trẻ nên lấy đó làm cơ hội, ngoài kiến thức về dữ liệu, kỹ thuật số, các bạn nên rèn luyện các kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng giao tiếp" - chị Vinh Nguyễn khuyên.

Đừng đợi một cánh cửa tự mở

Nhiều du học sinh Việt tại New Zealand đã tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Nhưng cũng không ít người gặp khó khăn. Nhưng chính sự kiên trì và kinh nghiệm từ chính những lần xin việc thất bại sẽ giúp bạn thành công.

Đặt mục tiêu ở lại New Zealand sau khi tốt nghiệp, Vinh Nguyễn đã gửi hồ sơ đến gần 200 công ty lớn nhỏ, và 200 lá đơn đó đều bị trả về. "Tiếng Anh có câu khi một cánh cửa đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra, nhưng tôi tự nhắc mình rằng: Khi một cánh cửa đóng lại, thì tự xây một cái cửa rồi mở nó ra chứ đừng đợi nó mở", Vinh Nguyễn chia sẻ.

Mỗi lá đơn bị từ chối giá trị hơn nhiều lần một bài học. 200 lá đơn, sẽ nhiều hơn 200 bài học. Tự thấy điểm yếu của bản thân, Vinh Nguyễn bắt đầu tham gia các khóa học ngắn hạn về phân tích, quản trị dữ liệu, đồng thời tiếp tục nộp CV, trả lời hàng trăm cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Cuối cùng, vào năm 2016, chị Vinh nhận lời mời làm chuyên viên phân tích dữ liệu cho Bộ Điện lực. Thành công đó, theo Vinh Nguyễn, đến từ chính kinh nghiệm, kiến thức và cả kỹ năng từ chính những công việc không chính thức, công việc bán thời gian. 18 tháng sau, chị nộp hồ sơ vào vị trí chuyên viên phát triển kho dữ liệu tại Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm New Zealand. Đã có đủ sự tự tin và khả năng giao tiếp, Vinh Nguyễn dễ dàng thuyết phục được nhà tuyển dụng và được tài trợ toàn bộ học phí để học thêm về lập trình trong ba tháng.

KFO - Chìa khoá du học New Zealand: Cơ hội lập nghiệp trong tầm tay - Ảnh 2.

Chị Vinh Nguyễn, chuyên viên quản lý dữ liệu kho của Bộ Thương mại, Sáng tạo và Việc làm thuộc Chính phủ New Zealand

Tương tự chị Vinh Nguyễn, anh Tân Nguyễn, nhân viên tại Tập đoàn Mondelez International, New Zealand cũng chia sẻ về những ngày đầu đầy gian nan tìm việc của mình.

Trước khi được làm việc tại một tập đoàn đa quốc gia, anh Tân đã trải qua rất nhiều vị trí khác nhau tại các siêu thị nhỏ lẻ. Kỷ niệm mà anh nhớ nhất trong khoảng thời gian làm việc của mình tại các siêu thị là lần phụ giúp một đồng nghiệp lớn tuổi cho đến tận khuya mặc dù đã hết ca làm của mình. "Mình giúp họ không vì mục đích gì nhưng đây lại là cơ duyên để mình có cơ hội học hỏi và phát triển thêm, bởi vì sau đó tôi đã có mối quan hệ rất tốt với bác ấy và nhận được rất nhiều kinh nghiệm làm việc lẫn cơ hội cho vị trí tốt hơn".

Khách mời của buổi hội thảo đều cho rằng, mỗi bạn trẻ cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho hành trình du học của mình, bắt đầu từ việc nắm vững kiến thức đến phát triển kỹ năng mềm để có cơ hội việc làm tốt hơn tại nước sở tại. Cơ hội sẽ không bao giờ đến nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ để nắm bắt lấy nó.

Chuỗi hội thảo trực tuyến "Chìa khoá du học New Zealand 2021" sẽ được tiếp nối với chủ đề "5 lý do chọn New Zealand qua lăng kính Du học sinh Việt" vào lúc 20h00 ngày 30/07/2021 với sự tham gia của các cựu du học sinh New Zealand.

Buổi hội thảo cung cấp những thông tin giá trị về đất nước New Zealand, các lý do lựa chọn New Zealand thông qua các trải nghiệm thực tế từ các du học sinh Việt.

Đăng ký tham gia tại: https://isb.edu.vn/chia-khoa-du-hoc-new-zealand-2021-chu-de-5/.

KFO - Chìa khoá du học New Zealand: Cơ hội lập nghiệp trong tầm tay - Ảnh 3.