Ảnh động dự đoán khả năng "phá hủy Trái đất" khi khí hậu biến đổi

, Theo Mask Online 00:20 23/09/2014

Những bức hình của NASA sẽ giúp người xem hiểu hơn về tác hại của sự biến đổi khí hậu đến nền nhiệt độ và lượng mưa trên Trái đất.

Khoảng 600.000 người dân ở khắp nơi trên thế giới đã xuống đường tuần hành với thông điệp thống nhất kêu gọi thế giới có những hành động cụ thể chống biến đổi khí hậu trước thềm hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu do Tổng thư ký LHQ Banki-Moon chủ trì vào ngày 23/9. 

Đây được xem là sự kiện toàn cầu kêu gọi chống biến đổi khí hậu lớn nhất trong lịch sử khi hàng ngàn băng rôn, khẩu hiệu được đưa ra kêu gọi người dân hãy tẩy chay nhiên liệu hóa thạch và cùng hành động khẩn trương để cứu Trái đất.


Cuộc tuần hành ngày 22/9 tại New York, Mỹ

Theo thống kê, 10 năm đầu của thế kỷ XXI đánh dấu sự gia tăng nhiệt độ lớn với sức nóng kỷ lục của Trái đất. Nhiệt độ trung bình toàn cầu tính trên mặt đất và mặt biển đã tăng khoảng 0,74 độ C trong thế kỷ qua.

Đề cập đến vấn đề này, NASA đã thực hiện một chùm ảnh động cho thấy biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến nhiệt độ và lượng mưa ở các vùng khác nhau trên Trái đất. Cụ thể:

Nhiệt độ trên toàn thế giới sẽ tăng nhưng một số nơi trên thế giới sẽ tăng nhiều hơn những nơi khác

Các vùng ở Bắc bán cầu sẽ có mức nhiệt độ tăng cao nhất


Biểu thị nhiệt độ theo bậc thang từ trắng - vàng nhạt - cam - đỏ thẫm cho thấy nhiệt độ tăng cao theo sắc thái màu. Theo đó, các khu vực màu cam và đỏ là nơi được dự đoán có mức nhiệt độ tăng cao nhất.

Diện tích ở Bắc bán cầu và Nam bán cầu xấp xỉ nhau, nhưng sự phân bố giữa đất liền và biển trên hai bán cầu này lại rất khác nhau. Ở Bắc bán cầu, đất liền nhiều hơn, trong khi Nam bán cầu lại chủ yếu là nước. 

Tháng 7 là mùa hè ở Bắc bán cầu. Đây là nơi có nhiều lục địa nằm hướng về phía Mặt trời. Các lục địa nóng lên khá dễ dàng, vì thế, nhiệt độ ở Bắc bán cầu sẽ tăng nhanh và mạnh nhất.


... đặc biệt là vùng Bắc Cực và khu vực có băng tuyết ở Bắc Mỹ



Nghiên cứu chỉ ra, mức độ ấm lên của Bắc Cực cao gấp 2 lần mức trung bình trên toàn cầu. Diện tích của biển Bắc Cực được bao phủ bởi băng nhưng sau mỗi mùa hè lại đang dần thu hẹp lại, các khối băng lớn khác cũng ngày một mỏng đi. 

Do nước biển hấp thụ nhiều nhiệt hơn băng nên khi diện tích băng nhỏ lại, lượng nhiệt hấp thụ tăng lên, tác động khiến băng tan nhiều hơn.


Băng và tuyết tan chảy sẽ làm giảm sự phản xạ ánh sáng của bề mặt băng, khiến nền nhiệt trên hành tinh ấm hơn



Một nghiên cứu vào năm 2014 chỉ ra, băng tan khiến cho mực nước biển dâng, đồng thời làm giảm phản xạ của bề mặt băng, khiến diện tích đất hấp thụ nhiệt tăng cao, gây ra chu trình băng tự tan chảy. 

Hiện tượng băng tan cũng sẽ gây ra sự gia tăng nhiệt độ lớn, khoảng 3 độ C.


... Nam bán cầu không phải là trường hợp ngoại lệ - cũng sẽ ấm lên theo nền nhiệt Trái đất



Nguyên nhân của hiện tượng này là do lượng khí thải nhà kính như CO2 đang tạo ra một "tấm chăn" bao phủ Trái đất, giữ lại nhiệt độ ở những tầng thấp hơn khiến bề mặt Trái đất và tầng đối lưu ấm dần lên, trong khi làm mát tầng bình lưu ở phía trên. 

Trong 30 năm qua, nhiệt độ tầng đối lưu tại Nam bán cầu tăng 0,5 - 0,7 độ C mỗi thập niên. Đây là dấu hiệu cho thấy hiện tượng Trái đất nóng dần lên đang ảnh hưởng không đều đến những vùng khác nhau của Trái đất và Nam bán cầu là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất. 


Khi Trái đất nóng lên, các đại dương hấp thụ một lượng nhiệt cực lớn



Trong điều kiện Trái đất ngày càng nóng lên, đại dương hấp thụ lượng nhiệt nhiều nhất vì đại dương chiếm 3/4 diện tích bề mặt Trái đất, khối lượng nước lớn và nhiệt có thể truyền xuống sâu.

Không chỉ nhiệt độ thay đổi, lượng mưa toàn cầu cũng sẽ biến đổi không ngừng


Hiện tượng El Nino gây ra mưa nhiều hơn ở ngoài khơi bờ biển Nam Mỹ

Biểu thị mưa theo bậc thang từ cam - trắng - xanh - xanh thẫm cho thấy lượng mưa tăng cao theo sắc thái màu. Theo đó, các khu vực màu xanh thẫm là nơi được dự đoán có lượng mưa tăng cao nhất.

Do dòng nước ấm ở phía Đông Thái Bình Dương chạy dọc theo các nước Chile, Peru... đã đẩy vào không khí một lượng hơi nước rất lớn nên hậu quả là các quốc gia ở Nam Mỹ phải hứng chịu một lượng mưa bất thường, có khi lượng mưa lên đến 15cm mỗi ngày. 


Hiện tượng này sẽ kéo dài và có thể tới "ghé thăm" Thái Bình Dương vào cuối thế kỷ này



Nếu những cơn gió ở Thái Bình Dương "vô tình" đổi hướng vào thời điểm có El Nino thì gió sẽ mang mây vượt qua Nam Mỹ, tiến tới ghé thăm nhiều nước khác ở vùng Thái Bình Dương.

Đông Phi sẽ có lượng mưa lên đến hơn 100% nhưng Địa Trung Hải sẽ thấy ít hơn 40%.



Khi El Nino xuất hiện, kéo theo sự biến đổi khác thường của nhiệt độ và lượng mưa của nhiều vùng. El Nino hạn chế sự phát triển trong các cơn bão nhiệt đới ở Đại Tây Dương nhưng lại làm tăng số cơn bão ở vùng phía Đông và trung tâm Thái Bình Dương. Do đó mà vùng Địa Trung Hải sẽ bớt mưa hơn tới 40%, trong khi đó, các vùng ở Đông Phi lại có lượng mưa tăng lên đáng kể.

(Nguồn: Buzzfeed, National Geographic)