Bí ẩn lãnh cung trong Tử Cấm Thành

A, Theo Mask Online 10:44 25/12/2012

Cùng các cập nhật: Phát hiện dạng vật chất từ tính mới, xem ảnh “sơ sinh” của vũ trụ.

Bí ẩn lãnh cung trong Tử Cấm Thành


Vào thời Minh, Thanh, chỉ cần làm bậc thiên tử phật lòng, hay vì những lý do khác nhau mà phạm điều cấm kỵ, dù là chính cung hoàng hậu hay phi tần đều có nguy cơ bị thất sủng và giam cầm trong cấm thất chờ chết. Nơi ấy được gọi là “lãnh cung”.

Bí ẩn lãnh cung trong Tử Cấm Thành 1
Lãnh cung cho tới nay vẫn còn là bí ẩn. (Ảnh minh họa)

Vậy, “lãnh cung” trong Tử Cấm Thành thực chất nằm ở đâu? Có học giả cho rằng, lãnh cung thực chất là một nơi không cố định, dùng làm nơi giam cầm các Vương phi, hoàng tử. Lại có quan điểm cho rằng, cung Càn Thanh và cung Trường Xuân chính là chốn bí ẩn này.

Những sử liệu triều Minh, Thanh cho thấy, trên thực tế, không bức hoành phi nào trong Tử Cấm Thành đề hai chữ “lãnh cung”, cũng có nghĩa, tên gọi này không được dùng để đặt cho một cung thất cụ thể. Chỉ một vài nơi được sử dụng như lãnh cung thực sự trong hai triều Minh, Thanh xưa.

Vào cuối triều Minh, Thành Phi Lý thị - một “bóng hồng” của Thiên Khải hoàng đế vì đắc tội với thái giám “quái thai” Ngụy Trung Hiền nên bị đuổi từ cung Trường Xuân sang cung Càn Tây tại phía Tây Ngự Hoa Viên. 

Bà phải chịu kiếp đơn côi, tủi nhục trong suốt bốn năm tại đây. Ngoài Lý thị, còn có ba người nữa như Định Phi, Khác Tần... cũng bị giam cầm tại nơi này. Vì vậy, Càn Tây chính là “lãnh cung” thời bấy giờ.

Theo lời kể của thái giám, vào những năm Quang Tự triều Thanh, trước khi bị Từ Hy thái hậu đẩy xuống giếng sâu, Trân Phi đã bị Lão Phật Gia giam cầm tại Bắc Tam Sở, phía Bắc Cảnh Kỳ Các. 

Nơi này hiện đã bị sụp đổ và chính là khu vực nằm trong Sơn Môn, phía Tây giếng Trân Phi ngày nay. Nếu những lời kể trên của hoạn quan là thực, thì Bắc Tam Sở cũng được xem là “lãnh cung” trong Thanh triều.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Phát hiện dạng vật chất từ tính mới


Các nhà nghiên cứu tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ vừa phát hiện một dạng vật chất mới và cũng là một dạng từ tính mới, có thể thay đổi cách máy tính lưu trữ thông tin.

Phát hiện mang tính đột phá trên đã nâng tổng số trạng thái từ tính mà con người biết đến lên con số 3.

Theo tạp chí Nature, các thử nghiệm của nhóm nghiên cứu MIT đã cho thấy sự tồn tại trạng thái cơ bản thứ 3 của từ tính được gọi là chất lỏng xoáy lượng tử (QSL).

Bí ẩn lãnh cung trong Tử Cấm Thành 2
Các nhà vật lý MIT đã mất 10 tháng mới tạo ra được 1 tinh thể herbertsmithite nguyên chất, dài 7mm và nặng 0,2g để chứng minh sự tồn tại của dạng từ tính mới.

QSL là một tinh thể rắn, nhưng trạng thái từ tính của nó được miêu tả là ở dạng lỏng: Không giống như 2 dạng từ tính khác, các hướng từ tính bên trong mỗi hạt vật chất riêng rẽ biến động liên tục, giống như chuyển động liên tục của các phân tử trong một chất lỏng thực sự.

Mặc dù sẽ mất rất nhiều thời gian để ứng dụng “nghiên cứu cơ bản” trên vào thực tế, nhưng công trình này có thể dẫn tới những cải tiến trong việc lưu trữ thông tin hoặc thông tin liên lạc nhờ vào một hiện tượng lượng tử kỳ lạ được gọi là “liên đới tầm xa” (hiện tượng trong đó 2 hạt ở cách xa nhau có thể ngay lập tức ảnh hưởng tới trạng thái của nhau).

(Nguồn tham khảo: Livescience)

Xem ảnh “sơ sinh” của vũ trụ


Các nhà thiên văn học vừa tung ra hình ảnh “sơ sinh” mới của vũ trụ, khi nó mới được 375.000 năm tuổi.

Bí ẩn lãnh cung trong Tử Cấm Thành 3

Bức ảnh chi tiết về vũ trụ vào thời đầu sau 9 năm tổng hợp.

Dựa trên những thay đổi của bức xạ vi sóng, thể hiện qua màu sắc, các nhà thiên văn học có thể dự đoán được một số diễn biến sau đó của vũ trụ, từ đó đưa ra những giả thuyết có độ chính xác cao về nguồn gốc và bản chất của vũ trụ.

(Nguồn tham khảo: Space)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày