Khi ''vé đi tuổi thơ'' được bán ở rạp chiếu phim: những giá trị văn hóa đại chúng hoài cổ đang chiếm lĩnh nền điện ảnh thế giới?

Nam Thanh, Theo Trí Thức Trẻ 00:57 24/04/2018

Với sự ra mắt ồ ạt của các phim chuyển thể từ các thương hiệu cũ, các phim lấy bối cảnh xưa, điện ảnh đương đại đang chứng kiến một "làn sóng hoài cổ" trỗi dậy đánh thức ký ức của người xem về một màu phim cũ kỹ đã từng làm nên thứ gọi là văn hóa đại chúng.

Trận chiến ở bên ngoài pháo đài Anorak đã tiến vào giai đoạn khốc liệt, khi Pazirval, Art3mis, Sho và Aech đang vất vả đối phó với quái vật Mechagodzilla do tập đoàn IOI xấu xa triệu hồi ra. Kỳ lạ thay, người bạn thứ năm của nhóm phá đảo OASIS, Daito, vẫn ngồi bình chân như vại, hai tay chắp lại thành một tư thế thiền bình lặng và tuyệt đẹp, như một dòng suối nhỏ chảy bất tận không gợn sóng. Thời điểm người đồng đội Aech và robot Iron Giant gục ngã trước móng vuốt của Mechagodzilla, Sho không thể kiềm chế được, bèn lắc mạnh hai vai Daito, gọi lớn người bạn đang mải mê thiền định của mình để tìm kiếm chút giúp đỡ cuối cùng.

Vào đúng lúc nước sôi lửa bỏng ấy, Daito bừng tỉnh, đôi mắt mở to sáng rực; cậu đã quyết định tung ra con át chủ bài; sử dụng vật phẩm "Găng tay khổng lồ hóa'' thu được ở Planet Doom. Daito hô lớn câu nói mà trong suốt hai phút tiếp theo đã đem lại những xúc cảm ngây ngất, dạt dào mà chẳng có khán giả nào của bộ phim Ready Player One (Ready Player One: Đấu Trường Ảo) có thể quên được, ít nhất là trong vòng hàng chục năm nữa:

Khi vé đi tuổi thơ được bán ở rạp chiếu phim: những giá trị văn hóa đại chúng hoài cổ đang chiếm lĩnh nền điện ảnh thế giới? - Ảnh 2.

Ready Player One - siêu phẩm điện ảnh mới nhất của đạo diễn huyền thoại Steven Spielberg - ra mắt vào ngày 28/3/2018 đã lập tức được coi là một trong những bộ phim khoa học viễn tưởng hay nhất trong rất nhiều năm trở lại đây, đồng thời chiếm hạng 10 doanh thu phòng vé năm 2018 dù cho mới ra mắt được hơn hai tuần. Lấy ý tưởng kịch bản dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Ernest Cline (ra đời năm 2011), Ready Player One kể về hành trình của một chàng mọt sách ngây thơ tên Wade Watts - Parzival - cùng với những người bạn thân chống lại thế lực xấu xa, hắc ám của Nollan Sorento và tập đoàn IOI.

Bối cảnh của phim đặt trong thế giới ảo OASIS, một nơi mà con người tự biến mình thành các nhân vật game - nói thẳng ra đã không còn là quá mới lạ, khi mà khán giả đã quen với Sword Art Online và cả chục phần phụ bản của nó; thế nhưng Ready Player One lại ghi điểm mạnh mẽ nhờ kết hợp và lồng ghép khéo léo nền văn hóa đại chúng của nước Mỹ và một phần thế giới trong suốt những năm 80 - 90 vào suốt thời lượng 2 tiếng 19 phút của bộ phim.

Tác giả của Ready Player One, Ernest Cline, sinh vào ngày 29 tháng 3 năm 1972, điều đó đồng nghĩa với việc ông lớn lên trong thời đại hoàng kim của những Street Fighter, những Pacman, những phần phim Back to the Future và Akira.

Vì vậy khi Ernest quyết định đưa tất cả vào cuốn tiểu thuyết của mình, nó đã gây nên một cơn sốt văn hóa đại chúng khi người đọc tuổi đôi mươi cho tới trung niên (lực lượng có tiền mua sách) được say sưa sống lại thời quá khứ oanh liệt, những năm tháng tuổi thơ trùm chăn chơi điện tử băng hay soi đèn pin đọc truyện. Và khi được ra rạp, những nhân vật đó, những tình tiết đó thậm chí còn được sống lại bằng cái lốt tiên tiến, ảo diệu của công nghệ CGI, khiến cho Ready Player One không còn chỉ là một bộ phim; nó đã trở thành trò chơi của chính những người mua vé ra rạp để đua tranh với Parzival và Art3mis trong quá trình truy tìm những "easter eggs" được lồng ghép khéo léo ở từng phân cảnh một.

Khi vé đi tuổi thơ được bán ở rạp chiếu phim: những giá trị văn hóa đại chúng hoài cổ đang chiếm lĩnh nền điện ảnh thế giới? - Ảnh 4.

Vào thời điểm Daito hô vang lời hiệu triệu Gundam, luồng ánh sáng chói lòa bùng lên nuốt trọn màn hình, kéo hàng trăm đôi mắt trong rạp chiếu phim tiến vào một vùng hào quang rực rỡ. Từ bầu trời đêm đen kịt của Planet Doom, Daito xuất hiện trong hình thái RX-78 lộng lẫy, lao vào tấn công Mechagodzilla trong sự phấn khích tột cùng đến từ những cô bé, cậu bé và cả những người đáng tuổi cha, anh, cậu, mợ của chúng, những người đã lầm tưởng rằng giấc mộng điên rồ về Gundam đại chiến quái vật đã chết ngấm trong lòng từ lâu.

Trận chiến khốc liệt chỉ kéo dài 2 phút, tuy chưa đã thèm nhưng đã hiện thực hóa những vọng tưởng điên rồ nhất của bao thế hệ từng đắm chìm mê say trong nền văn hóa đại chúng mộng mơ tuyệt đẹp của những năm 80-90; điều mà Steven Spielberg làm được không còn chỉ là một bộ phim, Ready Player One đã trở thành biểu tượng của thứ được gọi là "Sự thành công của văn hóa đại chúng", vốn đã lặng lẽ làm nên chuyện trong vài năm gần đây, khi mà nhiều người xem hoàn toàn chưa kịp nhận ra.

Khi vé đi tuổi thơ được bán ở rạp chiếu phim: những giá trị văn hóa đại chúng hoài cổ đang chiếm lĩnh nền điện ảnh thế giới? - Ảnh 5.

Văn hóa đại chúng là gì? Định nghĩa đơn giản nhất, chính là thứ văn hóa được sinh ra để dành cho… đại chúng. Thứ văn hóa đại chúng của những năm 80-90 gắn liền với sự lớn lên của những đứa trẻ lần đầu được biết tới video game, được đắm mình trong nhạc của Bee Gees, Sting, David Bowie hay Michael Jackson, được thưởng thức những cuốn truyện kinh dị đầu tiên của Stephen King. Thời đại 80-90 được coi là mốc hoàng kim của nền văn hóa đại chúng Mỹ, khi mà công nghệ phát triển phim ảnh bắt kịp với sự tiến bộ thần tốc của thế giới, khiến cho giấc mơ về một tương lai văn minh rực rỡ được nhen nhóm trong lòng bất cứ đứa trẻ nào từng được sống trong thời kỳ đó.

Khi vé đi tuổi thơ được bán ở rạp chiếu phim: những giá trị văn hóa đại chúng hoài cổ đang chiếm lĩnh nền điện ảnh thế giới? - Ảnh 6.

Trong những năm trở lại đây, xu hướng "vũ trụ hóa'' của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới đang trở thành một kim chỉ nam đảm bảo lợi nhuận và tính hấp dẫn truyền thông. Người xem giật mình nhận ra mình đã chìm nghỉm trong thế giới của Marvel Cinematic Universe, của Detective Comic, của những quái vật bí ẩn mà James Wan tạo ra rồi dần dần trở nên quen với việc thưởng thức những tác phẩm điện ảnh dài hơi được nhồi nhét nhiều tư tưởng, triết lý và cốt truyện kéo dài đôi khi tới 3-5 phần phim. Giữa thời điểm ấy, khi mà sơ Valak và búp bê Anabelle bị người xem phim chê tơi bời do tính kinh dị kiểu "làm cho cố'' đã thiếu đi sự mới mẻ, bỗng nhiên, một quái vật xưa cũ hiện về và trở thành biểu trưng mới của sự sợ hãi - gã hề Pennywise trong bộ phim IT (Chú Hề Ma Quái), ra mắt vào năm 2017.

Khi vé đi tuổi thơ được bán ở rạp chiếu phim: những giá trị văn hóa đại chúng hoài cổ đang chiếm lĩnh nền điện ảnh thế giới? - Ảnh 7.

Nguyên tác của IT được Stephen King chắp bút vào năm 1986 lập tức được chào đón nồng nhiệt bằng một màu sắc hoài cổ đặc trưng của những năm 80. Những cô bé, cậu bé năm nào sợ chết khiếp gã hề mặt trắng Pennywise khi trùm chăn đọc truyện hay xem trên chương trình truyền hình cùng tên năm 1990 giờ đây đều đã ở lứa tuổi trung niên, cái độ tuổi có tiền ra rạp xem phim nhưng vẫn đủ "trẻ thơ'' để thăm lại người bạn đáng sợ năm nào. Vậy là IT thành công rực rỡ cả về mặt doanh thu lẫn được lòng báo giới và người ra rạp. Tuy nhiên, sự thành công của IT, so ra sẽ chỉ như một cái móng tay nhỏ xinh khi đem ra so sánh với siêu phẩm của năm 2015, một tượng đài tuổi thơ của cả thế giới, đặc biệt là người dân Mỹ - "Star Wars: The Force Awakens''.

Vào năm 2005, khi Anakin Skywalker ngã xuống và Darth Vader được vực dậy từ nắm tro tàn của kẻ phản bội Thần Lực trong Revenge of the Sith, người ta đã tưởng rằng mình sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được chứng kiến những Jedi và thanh gươm ánh sáng của họ trên màn ảnh rộng nữa. Và rồi, tròn 10 năm sau, Disney và J. J. Abrams lại công bố về kế hoạch tái khởi động vũ trụ điện ảnh Star Wars, dư luận thế giới bỗng nổ tung trong một nốt nhạc, nhanh như cái cách mà Death Star bị hủy diệt vậy. "Tôi không thể tin được!'' hay ''Xin hãy nói rằng tôi đang không nằm mơ đi'' là những bình luận được lặp đi lặp lại trên nhiều diễn đàn, từ phim ảnh hàn lâm tới Reddit, Twitter.

Khi vé đi tuổi thơ được bán ở rạp chiếu phim: những giá trị văn hóa đại chúng hoài cổ đang chiếm lĩnh nền điện ảnh thế giới? - Ảnh 8.

Và rồi, khi ra rạp, câu chuyện về thế hệ kế tục của Thần Lực và Bóng Tối lại được J. J. Abrams kể một cách mượt mà, trơn tru, nhẹ nhàng kéo về hơn 2 tỷ USD lợi nhuận, xếp hạng 2 trong số những phim có doanh thu cao nhất mọi thời đại. Ngay cả phần tiền truyện kế tiếp Rogue One: A Star War Story hay phần 8 gây nhiều tranh cãi The Last Jedi của dòng phim này cũng thu về doanh thu rực rỡ (doanh thu 3 ngày đầu của phần 8 bằng luôn 1 tháng cày cuốc của các siêu anh hùng Justice League), chứng tỏ rằng bên cạnh xu hướng ''Vũ trụ hóa'' điện ảnh thì việc tái khởi động và xây dựng những tác phẩm mang phong cách văn hóa đại chúng cũng đang thu về những thành công rực rỡ.

Khi vé đi tuổi thơ được bán ở rạp chiếu phim: những giá trị văn hóa đại chúng hoài cổ đang chiếm lĩnh nền điện ảnh thế giới? - Ảnh 9.
Khi vé đi tuổi thơ được bán ở rạp chiếu phim: những giá trị văn hóa đại chúng hoài cổ đang chiếm lĩnh nền điện ảnh thế giới? - Ảnh 10.

Chắc hẳn ai cũng nhớ hồi đi học, chúng ta đã được học qua về vở kịch ''Tôi và chúng ta'' của biên kịch Lưu Quang Vũ, đồng thời được biết về ''Chủ nghĩa lãng mạn'' thông qua tác phẩm thuộc chương trình Ngữ văn 9 này. ''Chủ nghĩa lãng mạn'' thì ra không phải là hoa hồng và nến thơm, mà là một cốt truyện tuyến tính một chiều với những nhân vật tốt, xấu không đổi lập trường, với tinh thần nhân văn và những bài học triết lý được truyền tải rõ ràng qua những bài diễn văn, những dòng dẫn truyện đôi lúc dài dòng. Những thứ này rõ ràng không có đất diễn trong nền điện ảnh đòi hỏi phải cân bằng giữa giá trị tinh thần để lại và tính thị trường nghiệt ngã ở thời điểm hiện tại.

Khi vé đi tuổi thơ được bán ở rạp chiếu phim: những giá trị văn hóa đại chúng hoài cổ đang chiếm lĩnh nền điện ảnh thế giới? - Ảnh 11.

Khi làm phần VII, thứ duy nhất mà J. J. Abrams làm khác với Lucas Films thời Trilogy là thêm vào Star Wars tuyến truyện sâu hơn, xây dựng những nhân vật có đấu tranh nội tâm thâm sâu, khó lường hơn - điều mà những phần Star Wars trước đã manh nha làm tốt khi xây dựng nhân vật Anakin Skywalker. Thế nhưng ngoài chi tiết đó, rõ ràng là Disney và Abrams đã không phải làm quá nhiều khi đưa Star Wars VII ra phòng vé; họ giữ nguyên bản nhạc huyền thoại của John Williams cùng dòng chữ "A long time ago, in a galaxy far, far away''; giữ nguyên cách chuyển cảnh thô sơ của những năm 90, giữ luôn cả những bộ áo giáp Storm Strooper cổ lỗ sĩ mà lẽ ra CGI có thể làm cho gai góc hơn và đỡ sến súa (kiểu 90' Captain America) đi rất nhiều.

Những tuyến hành động của phần VII, phần VIII hay cả ngoại truyện Rogue One đều mang sắc màu ngây thơ thuần nhất đến khó tin giữa thời đại mà bộ phim nào cũng đòi hỏi quá nhiều logic hay easter eggs: từ những cảnh đột nhập phi thuyền, rượt đuổi xuyên ngân hà cho tới các trận chiến bằng gươm ánh sáng, tất cả hấp dẫn người xem bằng một sự đơn sơ nguyên thủy, khoác lên mình tấm áo đẹp đẽ được CGI hiện đại dày công thêu dệt nên (điều mà 6 phần trước của Star Wars chưa làm được).

Sự thành công của tượng đài Star Wars hay chiến thắng không quá bất ngờ của những IT, Ready Player One và trong vài năm gần đây là Mad Max: Fury Road, Terminator, Jurassic World như một lời khẳng định rằng, văn hóa đại chúng vẫn luôn ghi điểm bằng sự đơn giản và ''lãng mạn'', dù cho có thiếu đi tính hàn lâm hay đôi khi là cả... logic.

Sự thiếu sót đó đã được bù đắp bằng những năm tháng tuổi thơ của chính những người sẽ bỏ tiền ra rạp phim để sống lại thời bé dại; sự mong ngóng được thăm hỏi quá khứ lãng mạn của khán giả sẽ xóa nhòa đi những thiếu sót từ bộ phim mà nếu như đặt sang một tác phẩm có franchise mới toanh khác thì chắc chắn là sẽ thất bại thảm hại. Cùng là hậu tận thế đấy, tại sao Book of Eli với diễn xuất gạo cội của Denzel Washington cùng cốt truyện sâu sắc, nhân văn và plot twist hảo hạng lại thất bại thảm hại với tổng doanh thu chỉ khoảng 150 triệu USD; trong khi đó Mad Max với nam chính Tom Hardy vẫn còn mờ nhạt, cốt truyện hai chiều (chiều lái xe đi và chiều... lái xe về) lại thu về gấp 3 lần số đó? Lý do là vì khán giả ở độ tuổi ''có tiền'' đã nhẵn mặt với tận 3 phiên bản ''văn hóa đại chúng 80'' của dòng phim này, đó là Mad Max (1979), Mad Max 2 (1981) và Mad Max: Beyond Thunder (1985).

Khi vé đi tuổi thơ được bán ở rạp chiếu phim: những giá trị văn hóa đại chúng hoài cổ đang chiếm lĩnh nền điện ảnh thế giới? - Ảnh 13.

Văn hóa đại chúng cũng là thứ giúp nhiều bộ phim truyền hình gây dựng được sức hút mãnh liệt, có thể kể đến như GLOW, Stranger Things và American Horror Stories - tất cả đều dựa trên những câu chuyện mang màu sắc văn hóa đại chúng xứ sở cờ hoa vốn đã được truyền bá ra toàn thế giới.

Khi vé đi tuổi thơ được bán ở rạp chiếu phim: những giá trị văn hóa đại chúng hoài cổ đang chiếm lĩnh nền điện ảnh thế giới? - Ảnh 14.

Và bí quyết thành công của Stranger Things là gì? Chính là một cốt truyện diễn ra trong thời kỳ xưa cũ, đặt ở thành phố Hawkin, Indiana Mỹ vào những năm 80 của thế kỷ trước. Đạo diễn của series phim truyền hình đình đám này - Anh em nhà Duffer - đã phát triển cốt truyện bằng cách kết hợp một bộ phim trinh thám với các yếu tố siêu nhiên trên nền tảng nhận thức của các nhân vật nhỏ tuổi, đồng thời thiết lập dòng thời gian thực ở những năm 1980 và trộn vào đó nền văn hóa đại chúng đặc trưng của thời kỳ đó như các tác phẩm điện ảnh của Steven Spielberg, Stphen King, John Carpenter cũng như nhiều bộ phim hoạt hình, trò chơi điện tử và cả anime. Và kết quả là sao? Phải nói rằng, tính tới thời điểm này thì hiếm có series phim truyền hình nào gây dựng được tiếng vang, doanh thu và sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới văn hóa đại chúng Mỹ như Stranger Things (kể từ vương triều xanh ngọc của Breaking Bad).

Khi vé đi tuổi thơ được bán ở rạp chiếu phim: những giá trị văn hóa đại chúng hoài cổ đang chiếm lĩnh nền điện ảnh thế giới? - Ảnh 15.

Chính những giá trị hoài cổ, xưa cũ này đang định hình lại nền công nghiệp điện ảnh ở thời điểm hiện tại - hiện đang bội thực với siêu anh hùng, những tác phẩm triết lý nặng nề và hằng hà sa số những bộ phim thu tiền vé chỉ bằng tấm phông xanh, sau đó nhẹ nhàng len lỏi tới màn ảnh nhỏ và dẫn chiếm lĩnh lấy thị trường phim ảnh thế giới.

Khi vé đi tuổi thơ được bán ở rạp chiếu phim: những giá trị văn hóa đại chúng hoài cổ đang chiếm lĩnh nền điện ảnh thế giới? - Ảnh 16.

Nói vậy không có nghĩa là tất cả các phim mang màu sắc văn hóa đại chúng 80-90 đều hời hợt và giản đơn. Dù không đạt được thành công phòng vé rực rỡ như kỳ vọng, thế nhưng Blade Runner 2049 lại thu về hàng tá đề cử Oscar, và dù tuột mất vài hạng mục quan trọng một cách bất công thì đạo diễn Hampton Fancher và Michael Green vẫn ôm về giải "Hiệu ứng hình ảnh phim xuất sắc nhất.''

Công bằng mà nói, phần đầu ra mắt năm 1982 của Blade Runner cũng đã có phần nhìn xuất sắc ở thời điểm đó. Bộ phim chính là nền móng của nền văn hóa Cyberpunk khi xây dựng nên bối cảnh đô thị tương lai tăm tối với những phi thuyền tư nhân, những biển hiệu lập lòe và nhiều đêm mưa rả rích u buồn tuyệt đẹp. Blade Runner 2049 thừa hưởng những giá trị nhân văn sâu sắc trong cốt truyện của người tiền bối và phát triển nó một cách hoàn hảo, đồng thời thêm vào đó những hiệu ứng hình ảnh và âm thanh tuyệt đẹp mà Blade Runner 1982 không thể nào có được. Tiếng động cơ phi thuyền, thành phố Los Angeles ảm đạm trong sương, hình thể Hologram khổng lồ lập lòe của Joi buông những lời dụ dỗ ngọt ngào mà đau đớn tới K - tất cả chính là lớp da mới ảo diệu tuyệt đẹp, giúp hoàn thiện ''câu chuyện cũ'' bằng những ''công nghệ mới''. Câu nói của Sapper Morton gửi tới K "Vì anh chưa bao giờ được chứng kiến một điều kỳ diệu'' - ''Because you' ve never seen a miracle'' dường như được gửi đến chính quá khứ của chúng ta, những người đã say mê các tác phẩm văn hóa đại chúng ở thời điểm mà điều kỳ diệu mang tên ''kỹ xảo hình ảnh và âm thanh'' còn chưa phát triển.

Khi vé đi tuổi thơ được bán ở rạp chiếu phim: những giá trị văn hóa đại chúng hoài cổ đang chiếm lĩnh nền điện ảnh thế giới? - Ảnh 18.

Ngoài ra trong những năm gần đây, nếu bạn có để ý, dường như các nhà làm phim cũng đang rất thích sử dụng những bản nhạc xưa cũ để ứng dụng vào các phim bom tấn bên cạnh những bản EDM cao trào ấn tượng. Chúng ta bỗng được bé lại khi nghe "Staying Alive'' của Bee Gees vang lên ở phân cảnh vũ trường trong Ready Player One, được phấn khích với những ''Awesome mix'' lạc trôi tận về những năm 70 được sử dụng trong Guardian of the Galaxy 2 (với nào là Southern Nights (1977), Brandy (1972) hay Mr. Blue Sky (1977)). Ngay cả Justice League cũng sử dụng màu phim hoài cổ trong nhiều trường đoạn chiến đấu cộng thêm soundtrack đỉnh Come Together vốn của The Beatles được hát lại tới 2 phiên bản (bản của Godsmack trong trailer và bản của Gary Clark Jr. trong đoạn cuối phim).

Vậy là, những tấm vé đi tuổi thơ của chúng ta giờ đây lại được bán ở rạp chiếu phim, khi mà chỉ cần bỏ ra vài USD hay chục nghìn đồng, cả một bầu trời tuổi thơ hoài cổ xưa cũ cùng kỹ xảo điện ảnh tân tiến sẽ đưa bạn tiến vào một thế giới khác, thế giới của những giá trị văn hóa đại chúng sẽ không bao giờ chết.