Khó tin với ngôn ngữ chỉ có tổng cộng 123 mục từ vựng, học nhiều nhất 30 tiếng là có thể thuần thục

Đông, Theo Phunuso 20:27 05/08/2023

Bạn có sẵn sàng dành ra 30 tiếng học ngôn ngữ này không?

Việc học ngoại ngữ là không hề dễ dàng với tất cả mọi người. Theo nghiên cứu của Học viện Dịch vụ Ngoại giao Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, có nhiều ngôn ngữ mà người Mỹ có thể học và thành thạo chỉ trong vòng 24 - 30 tuần như: tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha... nhưng cũng có những ngôn ngữ mà người nói tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ phải dành ra ít nhất 88 tuần (tương đương 2200 giờ) để học thuần thục bao gồm: tiếng Ả Rập; tiếng Trung Quốc (tiếng Quảng Đông và tiếng Quan Thoại), tiếng Nhật và tiếng Hàn.

Tuy nhiên, tin vui là vẫn tồn tại một ngôn ngữ mà bạn không cần mất quá nhiều thời gian tính bằng năm bằng tháng, mà chỉ cần tốn chưa tới 2 ngày nghiên cứu là có thể sử dụng thông thạo. Đó chính là Toki Pona - ngôn ngữ ít từ vựng nhất thế giới.

Theo từ điển Quốc tế phiên bản được xuất bản năm 1993 của Merriam-Webster, có khoảng 470.000 mục từ vựng tiếng Anh (con số này chỉ là ước lượng và số lượng từ vựng mới mỗi ngày không ngừng tăng lên), thậm chí chú khỉ đột Koko có thể giao tiếp với hơn 1.000 cử chỉ khác nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu của Mỹ, thì tổng vốn từ vựng của Toki Pona chỉ vỏn vẹn 123 từ. Tuy nhiên, theo người sáng tạo ra ngôn ngữ này là Sonja Lang và nhiều diễn giả khác khẳng định, nó đủ để diễn đạt hầu hết mọi thứ.

Khó tin với ngôn ngữ chỉ có tổng cộng 123 mục từ vựng, học nhiều nhất 30 tiếng là có thể thuần thục - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngôn ngữ Toki Pona là gì?

Toki Pona là một ngôn ngữ được xây dựng thiếu đơn lập, do nhà ngôn ngữ học và dịch giả Canada Sonja Lang sáng tạo như một ngôn ngữ triết học nhằm đơn giản hóa ý nghĩ và giao tiếp. Nó xuất hiện lần đầu trên mạng năm 2001 dưới dạng dự bản, rồi dưới dạng hoàn chỉnh trong cuốn Toki Pona: The Language of Good năm 2014 (Tạm dịch - "Toki Pona: Ngôn ngữ hay").

Một cộng đồng nhỏ người nói ngôn ngữ này đã được hình thành vào đầu thập niên 2000, rồi từ đó ngày một phát triển, nhất là sau khi cuốn sách này chính thức được ra mắt. Hầu hết hoạt động của cộng đồng nói ngôn ngữ Toki Pona diễn ra trực tuyến, trên mạng xã hội hoặc các diễn đàn.

Mục đích chính của Toki Pona là sự tối giản. Nó tập trung vào khái niệm, yếu tố đơn giản mà mọi nền văn hóa đều có. Lang xây dựng Toki Pona làm ngôn ngữ diễn đạt tối đa ý nghĩa với tối thiểu sự phức tạp cũng như để lan tỏa suy nghĩ tích cực.

Cụ thể, tổng vốn từ vựng của Toki Pona chỉ gồm 123 từ tạo thành từ 14 âm gốc là: p, t, k, s, m, n, l, j, w, a, e, i, o, u. Những âm gốc này sẽ được ghép lại với nhau, tạo thành những từ có biểu tượng cơ bản nhất, gần gũi với khái niệm có liên quan.

Khó tin với ngôn ngữ chỉ có tổng cộng 123 mục từ vựng, học nhiều nhất 30 tiếng là có thể thuần thục - Ảnh 2.

Tổng vốn từ vựng của Toki Pona chỉ gồm 123 từ tạo thành từ 14 âm gốc

Trái ngược với hàng trăm hoặc hàng nghìn giờ học cần thiết để đạt đến trình độ lưu loát trong các ngôn ngữ như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hy Lạp..., bạn chỉ cần mất 30 tiếng là có thể thuần thục tiếng Toki Pona. Nhiều người tin rằng sự dễ tiếp thu đó khiến ngôn ngữ này nên trở thành một ngôn ngữ phụ trợ quốc tế.

Toki Pona đã giúp nhiều người đam mê ngôn ngữ được kết nối thông qua cộng đồng trực tuyến ở các quốc gia như Nhật Bản, Bỉ, New Zealand và Argentina.

Sự lợi hại của Toki Pona

Ngoài ưu điểm đơn giản dễ học, sự tiếp cận tối giản của Toki Pona cũng được thiết kế để thay đổi cách tư duy của người nói. Theo tác giả Lang, số lượng ít ỏi từ ngữ kích hoạt tính sáng tạo, đòi hỏi con người phải chú ý cẩn thận đến từng chi tiết xung quanh mình.

Chẳng hạn với câu "Xe hơi là gì?" trong tiếng Anh là "What is a car?".

Tuy nhiên, trong tiếng Toki Pona, chúng ta không thể nói thẳng ra như vậy được. Do đó trong trường hợp này, bạn có thể nói: "Ô tô là không gian được sử dụng để di chuyển" (a car is a space that's used for movement) - dịch sang tiếng Toki Pona là: "Tomo tawa". Tuy nhiên, nếu bạn bị ô tô đâm, bạn có thể nói là một vật cứng đang đâm vào tôi - đó là "kiwen utala" khi được chuyển ngữ sang Toki Pona.

Sự phụ thuộc của ngôn ngữ vào tính chủ quan và ngữ cảnh cũng là một cách luyện tập khả năng nắm bắt quan điểm. Marta Krzeminska, một công dân Ba Lan cho biết: "Bạn phải xem xét cách hiểu thế giới hoặc tình huống của người đối thoại với bạn. Vì lý do đó, tôi nghĩ rằng nó có tiềm năng lớn để gắn kết mọi người lại với nhau".

Khó tin với ngôn ngữ chỉ có tổng cộng 123 mục từ vựng, học nhiều nhất 30 tiếng là có thể thuần thục - Ảnh 3.

Sự tiếp cận tối giản của Toki Pona cũng được thiết kế để thay đổi cách tư duy của người nói

Để tạo ra ngôn ngữ mới, Lang đã đi ngược lại xu hướng của một từ vựng tự nhiên khi được cấu tạo. Cô bắt đầu bằng cách rút gọn và củng cố cái cụ thể thành cái chung. Cô nói: "Tôi nghĩ màu sắc là một ví dụ điển hình. Bạn có hàng triệu sắc thái màu sắc khác nhau".

Toki Pona có một bảng màu ngũ sắc gồm: loje (đỏ), laso (xanh), jelo (vàng), pimeja (đen) và walo (trắng). Giống công việc của một họa sĩ, người nói có thể kết hợp năm từ chỉ màu sắc cơ bản để mô tả bất kỳ màu nào trên quang phổ. Ví dụ, loje walo là màu hồng, còn laso jelo là màu xanh lá cây.

Việc diễn đạt con số ở Toki Pona cũng được tối giản hết mức. Lang ban đầu chỉ cho Toki Pona các từ wan (số một), tu (số hai) và mute (số nhiều).

Tuy nhiên, sau này người sử dụng Toki Pona đã mở rộng từ luka (tay hoặc cánh tay) để chỉ số năm và mute để chỉ số 10. Những từ ngữ chỉ con số này được lặp đi lặp lại theo lối cộng cho đến khi mô tả được số mong muốn. Ví dụ, theo cách diễn đạt của Toki Pona, luka luka luka wan có nghĩa là mười sáu.

Cách diễn đạt số như vậy khiến người dùng Toki Pona khó diễn đạt chính xác những con số quá lớn. Tuy nhiên, nếu ngôn ngữ toán học hướng đến sự chính xác và khá trừu tượng thì Toki Pona làm điều gì đó khác hơn.

Khó tin với ngôn ngữ chỉ có tổng cộng 123 mục từ vựng, học nhiều nhất 30 tiếng là có thể thuần thục - Ảnh 4.

Đối với việc diễn đạt con số ở Toki Pona cũng được tối giản hết mức

Người dùng Toki Pona chỉ cần diễn đạt mọi thứ theo cách đơn giản nhất và phải thực sự hiểu những gì họ nói. Việc diễn đạt những thứ quá lớn hay quá trừu tượng mà ngay cả chính bản thân người nói cũng không hình dung được không phù hợp với triết lý ban đầu của Toki Pona.

Christopher Huff - một người học đã ngôn ngữ chia sẻ Toki Pona đã khiến anh ta trung thực hơn: "Tôi không nhận ra các ngôn ngữ khác phức tạp như thế nào cho đến khi tôi bắt đầu nói tiếng Toki Pona. Có rất nhiều điều khác nhau mà bạn phải nghĩ trước khi thực sự nói ra điều mình muốn, và có rất nhiều điều bạn không được phép nói mặc dù bạn thực sự muốn nói. Lấy ví dụ về phép lịch sự trong cuộc sống đời thường: Nếu không quá bất tiện, bạn vui lòng cân nhắc mang cho tôi một tách cà phê được không?

Ở Toki Pona, bạn chỉ cần nói: 'Cho tôi cà phê'. Hoặc làm điều đó hoặc không làm điều đó. Không có từ nào cho xin vui lòng hoặc cảm ơn bạn".

Về phần mình, bạn có sẵn sàng dành ra 30 tiếng để thuần thục ngôn ngữ này không?

Theo Business Insider, The Atlantic