Khuôn mặt hình nộm được "hôn" nhiều nhất trong y tế hóa ra là nhân vật có thật, từng khiến nhân viên nhà xác ám ảnh suốt thế kỷ 19

Minh Kiên, Theo Helino 10:36 11/08/2019

Nhân viên nhà xác vì đã quá ám ảnh với khuôn mặt của cô gái vô danh này nên đã cho tạc lại mà đâu biết rằng việc mình làm sẽ góp phần cứu sống hàng triệu sinh mạng về sau này.

Thế giới đã chứng kiến nhiều phát minh vĩ đại ra đời từ những tình huống vô cùng ngẫu nhiên và tình cờ, làm thay đổi cách cả xã hội vận hành. Giống như sự xuất hiện của khuôn mặt búp bê hồi sức tim phổi (CPR) được hôn nhiều nhất lịch sử này vậy. Ai mà biết được đằng sau đó là cả một câu chuyện dài về nguồn gốc bí ẩn của cô gái vô danh mãi không bao giờ có lời giải đáp.

“L’Inconnue de la Seine” là cái tên người ta đặt cho cô gái chết đuối trên sông Seine. Quay lại khoảng thời gian cuối thế kỷ 19, khi người ta tìm thấy xác một cô gái trẻ chết trên sông Seine, họ chẳng tìm thấy vết thương nào trên người cô nên kết luận cô đã tự tử.

Khuôn mặt hình nộm được hôn nhiều nhất trong y tế hóa ra là nhân vật có thật, từng khiến nhân viên nhà xác ám ảnh suốt thế kỷ 19 - Ảnh 1.

Nhìn vào khuôn mặt ấy, ai cũng có thể thấy được vẻ bình an, thanh thản.

Cô gái vô danh trên sông Seine ước chừng khoảng 16 tuổi, chẳng ai biết cô là ai, từ đâu đến. Sau khi vớt lên bờ, người ta đặt thi thể cô tại nhà xác Paris. Đám đông dần nhận ra dù đã chết nhưng cô gái vẫn có một sức cuốn hút kỳ lạ, có nét gì đó thanh thản xuất hiện trên khuôn mặt cô, đủ để khiến mọi người xung quanh chẳng thể rời mắt, vậy nhưng vẫn không có ai nhận ra cô cả.

Có anh chàng nhân viên nhà xác, vì cảm thấy quá ám ảnh với xác chết đó nên đã đặt một chiếc mặt nạ thạch cao với khuôn mẫu là mặt cô gái vô danh. Chính việc làm của anh đã góp phần viết tiếp cái chết bất tử của cô.

Chẳng lâu sau khi xuất hiện, chiếc mặt nạ nhanh trở thành một tác phẩm nổi tiếng, người Paris thi nhau sao chép lại khuôn mặt ấy, họ đặt ở khắp mọi nơi, trong nhà, cửa hàng lưu niệm, phòng tranh. Vẻ quyến rũ của cô gái vô danh dần lan ra khắp châu Âu. Không chỉ xuất hiện trong hội họa, điêu khắc mà còn cả trong văn học phương Tây. Người ta như phát điên với nét mê hoặc ma mị trên khuôn mặt ấy.

Khuôn mặt hình nộm được hôn nhiều nhất trong y tế hóa ra là nhân vật có thật, từng khiến nhân viên nhà xác ám ảnh suốt thế kỷ 19 - Ảnh 2.

Nụ cười của cô gái vô danh được ví giống như nụ cười của Nàng Mona Lisa.

Nhưng đó chưa phải là dấu chấm hết của mọi chuyện, nửa thế kỷ sau, cô gái vô danh một lần nữa lại trở thành một biểu tượng quan trọng, không còn nằm bất động trên tường hay trong các tác phẩm nữa, cô đã thực sự làm được một việc vĩ đại dù chẳng còn trên cõi đời này.

Đó là khi Asmund Laerdal, một nhà sản xuất đồ chơi ở Na Uy, cứu con trai Tore khỏi chết đuối, ông đã kéo thằng bé lên bờ và thực hiện ép nước ra khỏi đường thở. Từ sự kiện tình cờ này, ông nhận thức được ý nghĩa của việc giải cứu những người đuối nước. Sau này, khi có lời đề nghị từ nhóm bác sĩ gây mê muốn Laerdal giúp tạo ra loại búp bê kích thước thật phục vụ chứng minh mức độ hiệu quả của kỹ thuật hồi sức cấp cứu mới gọi là CPR - hồi sức tim phổi, ông đã bắt tay vào làm ngay.

Khuôn mặt hình nộm được hôn nhiều nhất trong y tế hóa ra là nhân vật có thật, từng khiến nhân viên nhà xác ám ảnh suốt thế kỷ 19 - Ảnh 3.

Những khuôn mặt hồi sức CPR chính là bản sao của một cô gái chết đuối trên sông Seine.

Laerdal kết hợp cùng với bác sĩ người Áo nổi tiếng Peter Safar, người đi đầu trong phương pháp CPR, tạo ra một mô hình búp bê kích thước người thật. Ông đã phóng to con búp bê đồ chơi Anne nổi tiếng của mình lên, có thể đàn hồi để thực hành ép lồng ngực và miệng có thể mở ra mô phỏng quá trình hà hơi thổi ngạt.

Dĩ nhiên ông biết nó cần một khuôn mặt và đàn ông thời đó sẽ chẳng chịu hô hấp với một búp bê nam đâu nên Laerdal đã chọn khuôn mặt thanh thản của cô gái vô danh. Peter Safar và Asmund Laerdal đã đặt tên cho búp bê đó là Resusci Anne. Vào thời điểm những năm 1960, Resusci Anne không phải hình nộm CPR duy nhất nhưng được coi là búp bê mô phỏng bệnh nhân thành công nhất.

Nhờ cô gái ấy mà hàng triệu sinh mạng đã được cứu sống.

Từ đó đến nay, khuôn mặt cô gái vô danh đã giúp hàng trăm nghìn người học được những kiến thức cơ bản giúp hồi sinh sự sống của những người đang chơi vơi giữa sống và chết. Đó là lí do tại sao mọi người cho rằng Resusci Anne là khuôn mặt được hôn nhiều nhất lịch sử. Dù cô gái vô danh của sông Seine đã qua đời từ lâu, trước khi CPR ra đời để có thể cứu sống cô ấy nhưng cái chết của cô thực sự chẳng vô nghĩa chút nào.

(Theo boredpanda, Sciencealert)