Kỳ vọng để rồi thất vọng với The Cloverfield Paradox

Kaiser, Theo Trí Thức Trẻ 14:00 11/02/2018

"Gồng gánh" để trở thành phần kết cho loạt phim quái vật "Cloverfield", "The Cloverfield Paradox" để lộ nhiều điểm yếu khiến fan chưa hài lòng.

Vào năm 2008, bộ phim giả tư liệu (found-footage) lấy đề tài quái vật mang tên Cloverfield khi ra mắt đã tạo ra nhiều phản ứng trái chiều, nhưng nhìn chung vẫn là một trong những bộ phim điện ảnh ấn tượng nhất khoảng thời gian này.

Đến năm 2016, phần thứ hai 10 Cloverfield lại chuyển sang dòng phim kinh dị - kịch tính, và nhận được vô số lời tán dương từ cộng đồng điện ảnh nhờ sở hữu một kịch bản độc đáo. Lẽ dĩ nhiên, phần ba của thương hiệu với tựa đề The Cloverfield Paradox được ra mắt trong năm nay cũng được người hâm mộ kỳ vọng rất nhiều.

Kỳ vọng để rồi thất vọng với The Cloverfield Paradox - Ảnh 1.

The Cloverfield Paradox là phần kết cho seriesv “Cloverfield” do J.J.Abrams làm nhà sản xuất. Thay vì là phim chiếu rạp, tác phẩm có thể được tìm thấy trên kênh Netflix

Bước vào năm 2028, Trái đất đứng trước một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Để giải nguy, chính phủ các nước đã quyết định tập hợp các phi hành gia giỏi nhất của mình vào tàu không gian Shepard, nhằm thực hiện một thử nghiệm tại trạm không gian Cloverfield.

Bằng việc khởi động chiếc máy gia tốc hạt trên tàu, Trái đất sẽ được cung cấp một nguồn năng lượng không bao giờ cạn. Song, một số nhà nghiên cứu theo thuyết âm mưu lại cho rằng, hành động liều lĩnh này có thể tạo ra một “dòng nghịch lý” (paradox), mở cánh cổng kêu gọi các thực thể nguy hiểm từ chiều không gian khác tấn công nhân loại.

Tuy nhiên, khi khởi động thiết bị, cú shock duy nhất mà phi hành đoàn tàu Shepard nhận được là Trái đất… đã bị xóa sổ. Lạc lõng ngoài không gian với nguy cơ trở thành những người Địa cầu duy nhất còn sống sót, nhóm phi hành gia phải đồng lòng tìm ra lời giải cho hiện tượng bí ẩn này. Đồng thời, thứ mà họ phải đối mặt còn là những hiểm họa vô hình đang ẩn nấp bên trong thân tàu.

The Cloverfield Paradox sở hữu một cảnh mở đầu đầy hứa hẹn: khung cảnh thay đổi góc sáng tối liên tục, tiếng người la hét được thay thế bằng nhạc nền rùng rợn, góc quay đại cảnh bao trọn con tàu nhỏ bé trong một vũ trụ bao la - tất cả những gì chúng ta thường mong đợi ở một bộ phim có chiều sâu. Là phần cuối của một tựa phim buộc người xem phải “căng não”, The Cloverfield Paradox hẳn không có ý định tạo ra một kịch bản dễ dãi. Đúng với tinh thần của dòng phim khoa học viễn tưởng, nhiều yếu tố phi vật lý cũng đồng thời xuất hiện. Đó là những khái niệm liên quan đến vũ trụ song song, liên quan đến “sự mâu thuẫn của thời gian”.

Công bằng mà nói, những khái niệm khoa học mà phim đưa vào rất ngắn gọn, dễ hiểu, hoàn toàn không mang tính “tỏ ra nguy hiểm”. Trong đó, khái niệm về “đa vũ trụ” được đề cập nhiều nhất, phần nào giúp người xem dần mường tượng ra mối nguy mà các nhân vật chính phải đối mặt. Đó là những biến đổi về không - thời gian tạo ra các tai nạn thảm khốc trên tàu, cũng có thể là sự bất an dần lớn lên trong mỗi thành viên. Nhiều hình ảnh kinh hoàng và những biến đổi không lời giải thích xuất hiện, tạo được không khí rùng rợn khá “ép phê”.

Kỳ vọng để rồi thất vọng với The Cloverfield Paradox - Ảnh 2.

Nỗi sợ hãi trên tàu chủ yếu phát sinh từ sự biến đổi không-thời gian

Ngoài ra, một vài phân cảnh của The Cloverfield Paradox còn mang tính tri ân những tựa phim lấy bối cảnh ngoài không gian khá nổi tiếng như 2001: A Space Odyssey, Star Trek, Aliens,... Đây chính là những chi tiết giúp phim ăn điểm với các fan còn thể loại khoa học viễn tưởng.

Nhưng đúng là kỳ vọng càng cao thì thất vọng cáng nhiều. Mặc cho bao nhiêu điểm cộng, The Cloverfield Paradox dần lộ ra những điểm yếu chí mạng. Trước hết, các tuyến nhân vật không được khai thác đồng đều. Bộ phim tập trung nhiều vào mối quan hệ gia đình bị rạn nứt từ sau một vụ tai nạn của nữ phi hành gia Ava Hamilton (Gugu Mbatha-Raw), đẩy tính cách của cô lên đến cao trào và cũng làm “chìm lỉm” tính cách của nhân vật còn lại. Song, đó chỉ là nhân vật của cô được khai thác mạnh ở mảng cảm xúc, còn ở cương vị một nhân vật chính, người xem vẫn chưa hiểu được cô nàng này tài giỏi và đặc biệt chỗ nào.

Kỳ vọng để rồi thất vọng với The Cloverfield Paradox - Ảnh 3.

Nhân vật chính chưa thể hiện được khí chất của một nữ hùng màn ảnh

Trong khi đó, phim lại lãng phí một tài năng khác, chính là Daniel Brühl. Hầu hết khán giả trẻ sẽ nhớ đến tài tử gốc Đức trong vai Zemo của Captain America: Civil War, tuy nhiên anh đã có những cột mốc lớn về diễn xuất trong những tựa phim trước đó như Inglorious Basterds hay Rush. Song, trong The Cloverfield Paradox, vai diễn tay chuyên viên người Đức Schmidt lại là một bước thụt lùi. Nhân vật đúng “rập khuôn” đúng theo cái cách mà dân Mỹ thường nghĩ về dân Đức: khó lường, lầm lì, và chỉ thành thạo mỗi việc la hét. Đồng thời, mối quan hệ tình cảm giữa anh và nhân vật Tam của Chương Tử Di hoàn toàn mờ nhạt, thừa thãi. Sau 18 năm gắn bó với nghề diễn viên điện ảnh, đáng buồn thay Brühl vẫn cứ giữ mãi vai trò “vai phụ quốc dân”.

Kỳ vọng để rồi thất vọng với The Cloverfield Paradox - Ảnh 4.

Daniel Brühl được tín đồ điện ảnh yêu mến, nhưng đáng tiếc là vai diễn của anh không để lại nhiều ấn tượng

Một điều khá khó chịu đối với các fan của hai phần “Cloverfield” trước, đó là cách mà The Cloverfield Paradox nhồi nhét các chi tiết liên kết vô cùng gượng ép. Cũng như 10 Cloverfield Lane, kịch bản của “Paradox” ban đầu không hề liên quan đến series này. Ban đầu, phim có tựa đề The God Particle và hoàn toàn là một sản phẩm điện ảnh độc lập, nhưng về sau được nhà sản xuất J.J. Abrams “tái chế” lại. Nhưng nếu 10 Cloverfield Lane thành công nhờ việc xây dựng một cốt truyện riêng biệt nhưng vẫn hấp dẫn và mang tính gợi nhắc vừa đủ, thì “Paradox” lại là một câu chuyện dư thừa.

Hình tượng con quái vật của phần phim 2008 xuất hiện một cách rất ngẫu hứng và chỉ được “gợi mở” thông qua các đoạn tường thuật trên bản tin, hoàn toàn không tạo được mối liên kết hợp lý rằng tại sao tàu Shepard lại liên quan đến những sinh vật này. Điều này giống với việc chúng ta cố gắng vẽ một hình tròn bằng cách đồ thật mạnh hình tam giác, và kết quả ta nhận được là một hình tròn miễn cưỡng. Đây là một điều đáng buồn, khi tác phẩm sẽ được nhớ đến như một phần ba “có cũng được, không có cũng chẳng sao”.

Kỳ vọng để rồi thất vọng với The Cloverfield Paradox - Ảnh 5.

Các tình tiết liên kết của phim mang tính chắp vá, thiếu thuyết phục

Ngoài ra, còn có một tình tiết tuy nhỏ nhưng khiến khán giả khá khó chịu. Đó là khi trên tàu gồm những thành viên với quốc tịch khác nhau, việc lựa chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ trung gian khá hợp lý; cho đến khi nhân vật Tam có lời thoại toàn bằng… tiếng Trung Quốc, vậy mà mọi người vẫn hiểu nhau! Người xem cũng không hiểu tại sao cô này lại được đặc quyền “chị Đại” như vậy.

Nhìn chung, phần phim thứ ba của loạt phim “Cloverfield” thể hiện một tham vọng trở thành phần kết mỹ mãn, song lại tạo ra quá nhiều lỗ hổng khiến kết phim càng thêm lưng chừng. Những ai đã gắn bó với hai phần trước sẽ càng thêm hụt hẫng, bởi phim thay vì giải quyết các bí ẩn của phần trước, thì lại tạo ra nhiều hơn những bí ẩn dư thừa khác. Có thể thấy, bộ phim dài mới của đài Netfix hoàn toàn là một tác phẩm đáng quên.