Làn sóng idol Kpop rời công ty: Vì đâu nên nỗi?

Minh Hồng, Theo Phụ Nữ Số 07:40 06/03/2024

Trong thời gian qua, công chúng đã được chứng kiến hiện tượng chưa từng có. Đó là hàng loạt idol danh tiếng như BLACKPINK, G-Dragon, các thành viên EXO - SHINee lần lượt rời khỏi công ty quản lý lâu năm.

Trong quá khứ, rời công ty được xem như là bản "án tử" đối với sự nghiệp của idol Kpop. Những idol ra đi "cơm không lành, canh không ngọt" như Jessica (SNSD), Junsu - Jaejoong - Yoochun (DBSK) đều bị "phong sát", cấm sóng tại thị trường Hàn Quốc. Ngay cả khi idol đó ra đi êm đẹp thì nhiều khả năng sự nghiệp cùng không còn được khởi sắc như lúc có công ty hậu thuẫn.

Tuy nhiên giờ đây tình hình đã đảo chiều. Trong năm vừa qua, Kpop chứng kiến làn sóng idol "rời công ty mà không rời nhóm". Tiêu biểu có thể kể đến như BLACKPINK - BIGBANG rời YG; 4 thành viên SNSD, 3 thành viên Super Junior, 4 thành viên EXO, Taemin - Onew (SHINee) rời SM... Việc hàng loạt idol rời khỏi công ty quản lý đã trở thành "làn sóng" mới tại làng nhạc xứ Hàn. Vậy vì đâu nên nông nỗi này?

Làn sóng idol Kpop rời công ty: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

"Hợp đồng nô lệ" và sự đối xử bất công của công ty khiến idol phải "dứt áo ra đi"

Thông tin idol rời khỏi công ty quản lý đều ít nhiều gây hẫng hụt trong cộng đồng fan bởi trong suốt thời gian dài, người hâm mộ đã quen với hình ảnh idol gắn liền với công ty đó. Nhắc đến BLACKPINK và BIGBANG, công chúng sẽ nhớ tới YG Entertainment, còn EXO - SNSD - Super Junior - SHINee là những đại diện xuất sắc của SM Entertainment.

Phong cách âm nhạc, thời trang của idol còn là sản phẩm mang đậm dấu ấn được công ty định hình. Công ty quản lý chịu trách nhiệm sản xuất âm nhạc, sắp xếp các hoạt động quảng bá cho idol. Đây cũng là nơi idol dành cả thanh xuân gắn bó, từ lúc còn là thực tập sinh non nớt cho đến khi đã thành danh và có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình.

Hình ảnh, phong cách của BLACKPINK - BIGBANG đều gắn bó mật thiết với YG Entertainment

SNSD, EXO, Super Junior và SHINee đều là "gà chiến" của SM Entertainment

Nhưng mối quan hệ 2 chiều này không phải lúc nào cũng ngọt ngào. Phía sau ánh hào quang sân khấu là nhiều góc khuất mà chỉ người trong cuộc mới rõ. Những lý do khiến idol kiên quyết "dứt áo ra đi" có thể đến từ hợp đồng nô lệ, cách thức công ty đối xử với idol.

Vào ngày 1/6/2023, công chúng chấn động trước thông tin Baekhyun, Xiumin và Chen (EXO) đâm đơn kiện yêu cầu chấm dứt "hợp đồng" nô lệ với SM Entertainment. Theo đó, 3 thành viên EXO đã gửi tổng cộng 7 yêu cầu tài liệu nêu chi tiết thu nhập và các khoản thanh toán của họ từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay. Baekhyun, Xiumin và Chen tin rằng có những bất cập trong vấn đề thu nhập, nên họ đã chọn yêu cầu cung cấp hồ sơ rõ ràng, minh bạch về cách tính thu nhập và các khoản thanh toán. Đây là quyền lợi cơ bản của nghệ sĩ, nhưng SM Entertainment đã từ chối với lý do không thể tiết lộ thông tin cho họ.

Bên cạnh đó, họ tuyên bố rằng SM Entertainment đã buộc các nghệ sĩ ký hợp đồng độc quyền dài hạn 12-13 năm, sau đó liên tục yêu cầu họ gia hạn sớm để kéo thời hạn hợp đồng lên 17-18 năm. Nếu tính cả khoảng thời gian thực tập thì họ phải gắn bó với SM trong hơn 20 năm, điều này khiến các nghệ sĩ cảm thấy bị công ty ép phải ký hợp đồng nô lệ.

Sau quãng thời gian giằng co, đấu tố nhau, cuối cùng SM Entertainment và 3 thành viên EXO đã làm hòa. Họ tiếp tục ở bên nhau cho đến tháng 1/2024, Baekhyun thông báo thành lập công ty riêng và tuyển mộ Chen, Xiumin. Dù vậy, họ vẫn giữ tư cách thành viên EXO và sẽ hoạt động nhóm dưới sự quản lý của công ty cũ SM Entertainment.

Làn sóng idol Kpop rời công ty: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 5.

Bộ 3 EXO-CBX rời khỏi SM Entertainment vì muốn thoát khỏi bản hợp đồng nô lệ

Cách đối xử bất công cũng là điều khiến nhiều idol kỳ cựu nản lòng sau nhiều năm gắn bó với công ty. Khi mới ra mắt, tân binh nào cũng được công ty o bế và hỗ trợ hết lòng. Sau khi idol đã thành danh, công ty dần "buông tay", thậm chí bỏ rơi idol cũ để đầu tư vào lứa tân binh. G-Dragon chính là trường hợp rời khỏi công ty quản lý cũ vì lý do này.

Vào tháng 10/2023, "ông hoàng Kpop" bất ngờ bị cảnh sát điều tra với cáo buộc dùng ma túy. Thông tin này chiếm lĩnh mọi trang tin trên khắp Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung, khiến người hâm mộ khắp nơi chấn động. G-Dragon ra sức phủ nhận, còn YG lúc đó chỉ ráo hoảnh: "Thật khó để trả lời chính thức vì anh ấy hiện không phải là nghệ sĩ trực thuộc công ty chúng tôi". Theo đó, G-Dragon đã không còn liên hệ với công ty quản lý cũ.

Điều này chính là "giọt nước tràn ly" khiến nam idol sinh năm 1988 rời công ty cũ. Ở thời điểm đó, YG Entertainment đã soạn sẵn bản hợp đồng mới và G-Dragon cũng sẵn sàng tiếp tục gắn bó với công ty. Nhưng khi anh vừa gặp khó khăn, YG đã liền "cạn tàu ráo máng", phủi tay như thể không quen biết. Điều này khiến G-Dragon tổn thương sâu sắc và anh đã quyết định rời khỏi mái nhà quen thuộc sau gần 2 thập kỳ gắn bó. Nam idol chọn bến đỗ mới là Galaxy Corporation sau khi được minh oan sử dụng ma túy, do CEO của công ty này đã ra sức giúp đỡ G-Dragon trong quãng thời gian anh bị YG bỏ rơi.

Làn sóng idol Kpop rời công ty: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 6.

G-Dragon bị YG bỏ rơi trong lúc khó khăn và đó là lý do khiến anh rời khỏi công ty này sau gần 2 thập kỷ gắn bó

Rời công ty là cách để idol phát triển sự nghiệp cá nhân

Muốn phát triển sự nghiệp cá nhân cũng là lý do khiến các idol chọn cách rời khỏi công ty quản lý. Sau khi đã thành danh, nhiều idol "đủ lông đủ cánh" muốn bay đi để mở rộng thêm lĩnh vực hoạt động. Công ty quen thuộc lúc này đã trở thành tấm áo nhỏ bé so với tham vọng và dự định tương lai của idol. BLACKPINK, SNSD và Super Junior chính là những trường hợp như vậy.

Sau 7 năm hoạt động, BLACKPINK đã trở thành nhóm nhạc nữ số 1 Kpop và toàn cầu. 4 thành viên không chỉ có sự nghiệp âm nhạc đáng ngưỡng mộ, mà còn là biểu tượng thời trang, phong cách được cả thế giới săn đón. Danh tiếng của Jisoo, Jennie, Rosé và Lisa từ lâu đã vượt ra xa khỏi khuôn khổ Hàn Quốc. Họ đã chứng minh không cần có công ty quản lý cũ, họ vẫn có thể tạo dựng được sự nghiệp cá nhân đáng ngưỡng mộ.

Cụ thể, Jennie, Jisoo và Lisa đã thành lập công ty riêng, còn Rosé cũng rục rịch trở thành "tổng tài". Dù chuyện hoạt động nhóm dưới trướng YG còn là dấu hỏi, nhưng không thể phủ nhận các thành viên đang hoạt động cá nhân rất tốt, có nhiều lịch trình hơn hẳn so với khi còn là nghệ sĩ độc quyền của công ty này.

Làn sóng idol Kpop rời công ty: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 7.

BLACKPINK sau khi "đủ lông đủ cánh" đã tách khỏi YG để thành lập công ty riêng, tự quản lý sự nghiệp cá nhân

Các thành viên SNSD - Super Junior cũng tương tự. Với SNSD, 3 thành viên rời công ty từ năm 2017 là Seohyun, Tiffany, Sooyoung đã mở rộng hoạt động của mình sang những lĩnh vực ngoài quyền quản lý của SM. Seohyun, Sooyoung ký hợp đồng với công ty quản lý diễn viên và dần trở thành gương mặt quen thuộc trên màn ảnh. Còn Tiffany ra mắt album solo tại Mỹ và thử sức đóng nhạc kịch, những điều này cô không được trao cơ hội khi còn đầu quân cho SM.

Làn sóng idol Kpop rời công ty: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 8.

Tiffany, Sooyoung và Seohyun thử sức ở lĩnh vực mới sau khi rời khỏi SM

Donghae - Eunhyuk thành lập công ty riêng để tiếp tục hoạt động nhóm nhỏ Super Junior D&E, còn Kyuhyun đầu quân cho công ty quản lý Atenna của MC quốc dân Yoo Jae Suk. Dù vậy, 3 thành viên vẫn tiếp tục hoạt động nhóm với Super Junior dưới trướng SM. Onew - Taemin (SHINee) cũng là những trường hợp mới nhất rời SM Entertainment nhưng vẫn hoạt động chung với nhóm. Ở SM "đất chật người đông", càng lúc càng có thêm nhiều idol mới, nguồn lực có hạn nên việc các nghệ sĩ kỳ cựu tách ra riêng được nhiều người hâm mộ ủng hộ nhiệt tình.

Làn sóng idol Kpop rời công ty: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 9.

3 thành viên Super Junior,...

Làn sóng idol Kpop rời công ty: Vì đâu nên nỗi? - Ảnh 10.

... Onew - Taemin (SHINee) đều rời SM nhưng không rời nhóm