Lúa nương Việt Nam trĩu hạt trên rẫy châu Phi: Chỉ người giàu dám ăn, trồng 2 năm mới có thành quả

Thiên Yết, Theo Đời Sống Và Pháp Luật 20:03 25/03/2024

Không dễ dàng gì để những người dân vùng cao Angola trồng thành công lúa nương Hà Giang trên đất châu Phi.

Mặc dù được thiên nhiên ưu đãi, với nhiều vùng đất đai màu mỡ, có nhiều sông ngòi và khí hậu thuận lợi, như một số nước châu Phi khác, Angola vẫn lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Lý do được đưa ra là do đất nông nghiệp chưa được đầu tư khai thác hiệu quả, kỹ thuật canh tác chưa tối ưu.

Sau khoảng thời gian "lăn lộn" tại tỉnh Cuanza Norte (Angola), một nhóm người Việt gắn bó, yêu mến người dân bản địa đã mang theo một số hạt giống Việt Nam và hướng dẫn người dân trồng cấy. Trong số hạt giống, đặc biệt nhất có lẽ là hạt lúa nương Hà Giang.

Lúa nương Việt Nam trĩu hạt trên rẫy châu Phi: Chỉ người giàu dám ăn, trồng 2 năm mới có thành quả - Ảnh 1.

Anh Tony Phong (bên phải) và gia đình Atonio, Maria tại Angola

Tony Phong, một người trong nhóm Việt Nam đang giúp đỡ bà con tại một bản xa thuộc tỉnh Cuanza Norte, mà họ gọi thân thương là "xóm suối" chia sẻ: "Gạo là loại lương thực xếp thứ 3 ở Angola về nhu cầu tiêu thụ, sau ngô và lúa mì. Người dân Angola cũng thích ăn cơm, nhưng giá thóc gạo cao, chủ yếu là nhập khẩu.

Biết điều đó nên nhóm mình từ 2 năm trước đã mang hạt giống lúa nương ở Hà Giang sang để hướng dẫn dân xóm suối trồng lúa, với hy vọng có kết quả tốt, họ sẽ tự cung tự cấp được, cải thiện thêm bữa ăn. Về lâu dài, nếu có đủ thóc lúa để bán thì quá tốt".

Mang "hạt ngọc trời" Việt Nam sang châu Phi, nhóm bạn đã hướng dẫn cụ thể người dân thử nghiệm trồng lúa nương, từ việc ủ hạt, canh thời điểm trồng, cách trồng cấy, chăm sóc... hết sức tỉ mỉ. Họ chọn địa điểm trồng lúa nương trên đồi cao, có suối chảy qua, là nơi có thổ nhưỡng tương tự như vùng núi Hà Giang của Việt Nam.

Lúa nương Việt Nam trĩu hạt trên rẫy châu Phi: Chỉ người giàu dám ăn, trồng 2 năm mới có thành quả - Ảnh 2.

Những bông lúa đầu tiên của gia đình Antonio - Maria đã thành hình, sau một thời gian thử nghiệm

Thời điểm đó, người dân xóm suối chỉ được nhìn qua hình ảnh chứ không biết cây lúa ngoài đời thật như thế nào. Họ cũng chưa từng có kinh nghiệm gieo trồng lúa nương.

Tony Phong lý giải, sở dĩ họ chọn mang lúa nương sang tỉnh Cuanza Norte, Angola phổ biến vì ưu điểm của giống lúa nương Việt Nam là khả năng phát triển ổn định trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đất đai kém màu mỡ và có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh.

Ngoài ra, lúa nương còn thích ứng tốt với việc canh tác theo hướng nông nghiệp hữu cơ, giảm thiểu việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Trong khi đó, lúa nước trồng khó hơn từ kỹ thuật trồng cấy đến chăm sóc, có thể không phù hợp với tập quán canh tác tại Angola.

Lúa nương Việt Nam trĩu hạt trên rẫy châu Phi: Chỉ người giàu dám ăn, trồng 2 năm mới có thành quả - Ảnh 3.

Những bông lúa Việt trĩu hạt tại châu Phi - thành quả đầy tự hào

Gia đình Antonio - Maria được coi là điển hình thành công nhất trong xóm suối trong việc trồng lúa nương. Cây lúa phát triển tốt, cao khoảng 1,2m, hạt rất mẩy và đẹp. Dù có cây bị gió xô rạp và chuột tấn công, gia đình này cũng có thu hoạch khả quan. Họ đùa nhau, có lẽ họ là gia đình châu Phi đầu tiên trồng được lúa nương Việt Nam, nhìn thấy được hạt thóc trong hình dạng nguyên bản.

Mùa thu hoạch, Tony Phong đã sang hỗ trợ bạn đập lúa. Anh chàng thật thà chia sẻ, bản thân anh chưa từng đập lúa bằng tay, vì ở nhà đã quen cho vào máy gặt đập. Anh mày mò xem các video bà con vùng cao làm lúa, bắt chước làm dụng cụ kẹp rồi đập vào thân cây xẻ vát để thóc bung ra.

Lúa nương Việt Nam trĩu hạt trên rẫy châu Phi: Chỉ người giàu dám ăn, trồng 2 năm mới có thành quả - Ảnh 4.

Cách đập lúa "made in Vietnam" được giới thiệu với những người bạn Angola

Nhìn người bạn Việt Nam đập lúa, Antonio trầm trồ khen người Việt thông minh, sáng tạo. Antonio nói đùa, hôm nay nhất định phải lấy thóc nấu cơm ăn, rồi lại thắc mắc: "Nhưng sao hạt này không giống hạt gạo, còn vỏ thế này có ăn được không?". Tất cả sau đó cười ran khi Tony Phong bảo còn phải qua công đoạn phơi khô, tách vỏ trấu nữa mới ra hạt gạo được.

Thực ra, số thóc mà gia đình Antonio thu hoạch được năm nay sẽ không dùng để ăn. Họ sẽ phơi khô, cất đi để làm lúa giống cho mùa sau. Giống do nhóm Tony Phong cung cấp là lúa nương Hà Giang thuần chủng, nên những "thế hệ" sau hoàn toàn có thể lưu truyền làm giống, tránh việc bị "đứt lứa" hoặc phụ thuộc vào nguồn cung cấp.

Lúa nương Việt Nam trĩu hạt trên rẫy châu Phi: Chỉ người giàu dám ăn, trồng 2 năm mới có thành quả - Ảnh 5.

Rơm sẽ được dùng lợp mái nhà, lót ổ gà

Không chỉ giống lúa, những cây hoa màu khác được nhóm người Việt tặng người dân xóm suối như lạc đỏ, đậu đen, ngô nếp, đậu xanh, củ đậu Việt Nam đều là giống thuần chủng, dễ dàng làm giống cho những mùa sau.

Họ cũng tận tình hướng dẫn cặn kẽ cách trồng, chăm sóc từng loại cây khác nhau. Kỹ thuật trồng xen canh, luân canh cũng được giới thiệu để phủ xanh những khoảnh đất trống trong xóm suối. Từ một khu đồi hoang, mỗi năm chỉ trồng 1 mùa ngô, dân xóm suối giờ đã có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong trồng trọt.

Lúa nương Việt Nam trĩu hạt trên rẫy châu Phi: Chỉ người giàu dám ăn, trồng 2 năm mới có thành quả - Ảnh 6.

Nhóm Tony Phong hy vọng sẽ có thêm những mùa vàng bội thu ở nhiều gia đình Angola

Nỗ lực "phổ cập" hạt giống Việt Nam, cách canh tác thuần Việt của nhóm Tony Phong với người dân xóm suối, cũng như team châu Phi của Quang Linh Vlog, Đông Paulo, Linh Phillip... với các bản xa xôi ở những nơi khác nhau trên đất Angola có lẽ chưa thể giúp họ no đủ trong thời gian ngắn, nhưng cũng đủ khơi lên niềm hứng khởi, tự tin, thay đổi một phần cách canh tác của người dân trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Đại sứ Dương Chính Chức, đại sứ Việt Nam tại Angola từng tự hào chia sẻ trên báo Nhân dân: "Cộng đồng người Việt Nam tại Angola là cộng đồng lớn nhất ở châu Phi, sinh sống đoàn kết, tương thân tương ái.

Họ là những cầu nối hữu nghị đẹp của hai nước, không chỉ duy trì quan hệ tốt với chính quyền sở tại mà còn có nhiều hoạt động công ích, hoạt động cống hiến xã hội, hỗ trợ phát triển tại các địa phương. Lãnh đạo các cấp của Angola đánh giá cao những đóng góp của họ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Angola nói chung và các địa phương nói riêng".