Luật lệ là những chú chó, có thể giết chết một huấn luyện viên như Mourinho

Dương Quảng, Theo Trí Thức Trẻ 22:07 29/09/2017

Thật may cho Man Utd khi Mourinho không chịu bất kỳ án phạt cấm chỉ đạo nào từ FA sau hành vi phạm luật ở trận đấu với Southampton. Nhưng câu chuyện của Mourinho, qua cách nhìn của nhà báo Martin Samuel, đặt ra nhiều dấu hỏi về bản chất của luật lệ.

Từ khu vực kỹ thuật trên đường pitch tới vạch kẻ dọc chỉ khoảng 6 inch, tức tương đương 15cm. Nhưng số mệnh của một HLV và kết cục của một trận đấu có thể sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào 15cm tun ngủn ấy.

Những phút cuối trận Man Utd thắng Southampton 1-0 ở vòng đấu trước, Mourinho đã mắc một lỗi, là vượt quá phạm vi của khu vực kỹ thuật và.. thò chân vào sân bóng. Ông cho rằng mình không cố tình. Chỉ đơn giản là trong một phút bốc đồng, quá nhập tâm vào diễn biến trận đấu mà "vô tình" vượt quá giới hạn của vạch kẻ dọc.

Luật lệ là những chú chó, có thể giết chết một huấn luyện viên như Mourinho - Ảnh 1.

Thật ra, đó hoàn toàn là vấn đề quan điểm, phụ thuộc vào cách nhìn nhận. Ai biết được Mourinho cố tình hay vô ý? Ngay cả bản thân Mourinho, trong một phút "lên đồng", cũng không nhớ nổi ông ta đã làm gì.

Nhưng nếu đặt bóng đá dưới góc nhìn của luật lệ, người ta sẽ nhìn nó bằng con mắt khắt khe và quy lát hơn nhiều.

Vào thời điểm Mourinho "thò chân" ra ngoài, Southampton đang có bóng. Lemina cầm bóng ở giữa sân, và Bertrand âm thầm băng lên bên cánh trái. Đó chính là vị trí Man Utd đang "thủng". Chỉ cần đường chuyền của Lemina đưa bóng đi đúng địa chỉ, Bertrand sẽ có cơ hội thoát xuống đối mặt với khoảng trống mênh mông.

Luật lệ là những chú chó, có thể giết chết một huấn luyện viên như Mourinho - Ảnh 2.

Nhưng Lemina, bằng cách này hay cách khác, lại đẩy bóng ra… biên. Và thực tế mà nói, đó không phải đường chuyền quá tệ. Vạch kẻ dọc chỉ cần nới thêm 15cm, bóng vẫn sẽ ở trong cuộc chơi.

Vì 15cm kia, Mourinho bị tước quyền chỉ đạo. Nhưng cũng nhờ 15cm kia, Mourinho và Man Utd tránh khỏi một bàn thua trông thấy. Luật lệ sinh ra là vì thế, để tránh những tranh cãi sa đà vào vấn đề luận điểm và góc nhìn. Chỉ có đúng - sai, không có phù hợp - không phù hợp. Bởi luật lệ sẽ quy định tính đúng đắn của cuộc chơi và dập tắt những cuộc nổi loạn từ trứng nước.

Nhưng bóng đá hấp dẫn vì… cả những tranh cãi. Nó sẽ không bao giờ trở thành môn thể thao vua nếu thiếu đi những tranh luận mà nhiều khi, thực sự vô bổ. Bóng đá hấp dẫn bởi nó giống như một bộ phim tình yêu, có nhiều nút thắt và cao trào, nơi đạo diễn cố tình đẩy những vấn đề cần giải quyết minh bạch vào ranh giới mong manh giữa luật lệ - hoàn cảnh.

Ronaldo hay Messi giỏi hơn? Tùy quan điểm. Ở hoàn cảnh này, thời gian này và bối cảnh này, Ronaldo sẽ hay hơn. Lấy ví dụ, Ronaldo một thân một mình bươn chải ở Lisbon, trong khi Messi được cả gia đình hỗ trợ đưa tới Barcelona để đổi đời. Nhưng đấy chỉ là một bối cảnh nhất định. Ở một trường đoạn khác, Ronaldo không sở hữu những phẩm chất thiên tài của Messi.

Luật lệ là những chú chó, có thể giết chết một huấn luyện viên như Mourinho - Ảnh 3.

Vì vậy, những tranh cãi như vậy là bất tận. Giống câu chuyện liệu Mourinho cố tình hay vô ý bước chân ra khỏi vùng an toàn? Mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau. Trọng tài chính không định phạt, nhưng trọng tài thứ tư Mike Jones đề nghị truất quyền Mourinho do ông ta tin chắc, Mourinho đang "làm trò". Trong một tổ trọng tài điều hành đã xuất hiện 2 quan điểm trái ngược.

Cái nhìn nhận của nhà báo Martin Samuel vì vậy cũng chỉ dừng lại ở mức… quan điểm. Nhưng đấy là một quan điểm thú vị, bởi nó chạm tới bản chất bóng đá: Sự tự nhiên. Nhà báo này đã viết: "Luật lệ cứng nhắc. Như những chú chó vậy. Chúng chỉ biết tuân lệnh chủ và làm theo mệnh lệnh khi đã bị thuần hóa. Bóng đá cần những cảm xúc của Mourinho mang lại".