Lý do nhiều người Việt nhịn ăn sáng, thích “đu trend” đường phố

Trần Đình, Theo Tiền Phong 21:05 07/04/2024

Một nghiên cứu mới nhất về thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam chỉ ra cứ 3 người Việt thì có 2 người muốn thưởng thức các món ăn, đồ uống theo trào lưu. Nghiên cứu cũng chỉ ra tỷ lệ bỏ bữa sáng của người Việt đang gia tăng.

Vào cuối tháng 3, iPOS - đơn vị tư vấn nghiên cứu thị trường chuyên biệt ngành dịch vụ ẩm thực và đồ uống (F&B) - phát hành báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2023. Kết quả nghiên cứu dựa trên khảo sát chuyên sâu từ gần 3.000 chủ doanh nghiệp F&B và gần 4.000 thực khách tại Việt Nam với nhiều độ tuổi và ngành nghề khác nhau.

Đáng chú ý, dữ liệu cho thấy 65,3% người tiêu dùng Việt Nam đang bắt kịp xu hướng với việc lựa chọn món ăn/đồ uống ưa thích theo xu hướng (trend). Điều này thể hiện sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các trào lưu ẩm thực trong thời đại ngày nay.

Lý do nhiều người Việt nhịn ăn sáng, thích đu trend đường phố - Ảnh 1.

Cà phê muối là trào lưu đồ uống được yêu thích nhất.

Đáng chú ý, cà phê muối chiếm vị trí số 1 trong các ẩm thực xu hướng mới năm 2023, với 34,8% người lựa chọn. Tiếp nối là trà mãng cầu, với 19,5% người tham gia khảo sát yêu thích.

Gây nhiều tiếc nuối nhất là bánh đồng xu khi chỉ có 9,8% thực khách quan tâm. Để mở bán món ăn này, chủ đầu tư cũng cần bỏ ra số tiền không hề nhỏ để đầu tư thiết bị sản xuất (khoảng 4-6 triệu đồng để có máy làm bánh đồng xu) và nhập nguyên liệu khá đắt tiền như phô mai Mozzarella. Tuy vậy, "trend" này không kéo dài lâu.

Ngoài ra, khẩu vị đồ uống 3 miền đang dần có sự tương đồng. Những tỷ lệ chỉ ra người Việt đang quan tâm nhiều hơn tới sức khỏe bằng việc cắt giảm lượng đường hàng ngày. Nghiên cứu hé lộ 55,4% người chỉ muốn lượng đường vừa phải, 33,3% người muốn rất ít ngọt, và 4,7% không thêm đường vào đồ uống.

Xu hướng này thể hiện rõ rệt ở cả ba miền bao gồm 39,7% người miền Bắc lựa chọn ít hoặc không sử dụng đường trong đồ uống của mình. Tỷ lệ đối người người miền Trung, miền Nam lần lượt là 31,7% và 37,4%.

Ngoài ra, tỷ lệ bỏ bữa sáng của người Việt đang tăng lên gấp đôi so với năm 2022, khi chỉ có 5,4% người được khảo sát cho biết họ "mạnh tay" đối với bữa sáng và 17,5% tự nhận đã nhịn ăn. Điều này có thể được giải thích bởi nhiều người cho rằng "việc bỏ qua bữa sáng và tập trung vào bữa trưa sẽ giúp tiết kiệm một phần nhỏ trong chi tiêu hàng ngày". Nhóm người đã kết hôn thường có xu hướng coi trọng bữa sáng hơn so với nhóm còn lại.

Lý do nhiều người Việt nhịn ăn sáng, thích đu trend đường phố - Ảnh 2.

Ăn bữa trưa nhiều hơn, bỏ bữa sáng là cách thực khách tiết kiệm chi phí.

Đặc biệt, ngành du lịch đang gián tiếp đẩy mạnh doanh thu dịch vụ ẩm thực tại Việt Nam, với tỷ lệ tăng trưởng ấn tượng. Trong năm vừa qua, du lịch Việt Nam vượt xa thời điểm trước đại dịch COVID-19. Du lịch nội địa phục hồi mạnh mẽ, từ 40 triệu lượt người vào năm 2021 lên 101 triệu vào năm 2022 và đạt con số cao nhất là 108,2 triệu lượt trong năm ngoái, vượt xa con số 85 triệu lượt trong năm 2019 (khi chưa xảy ra đại dịch).

Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam ghi nhận 12 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2023, cao gấp 3,4 lần so với năm 2022. Trong 6 tháng cuối năm 2023, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam luôn vượt quá 1 triệu lượt người/ tháng, cho thấy triển vọng tích cực của ngành du lịch trong tương lai gần.

Ông Nguyễn Thái Bình - chuyên gia vận hành ngành dịch vụ ẩm thực, người tham gia viết báo cáo - nhận định: "Tôi đang nhìn thấy rất rõ sự trở lại mạnh mẽ của khách du lịch quốc tế. Năm 2023 chứng kiến 3 nhóm khách du lịch lớn nhất là Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Nhóm khách này đang mạnh tay chi tiêu cho các dịch vụ ẩm thực tại Việt Nam. Khách du lịch là những người khá kỹ tính, họ dành nhiều thời gian để xem thông tin trên các nền tảng ẩm thực lớn quốc tế, như Tripadvisors, Michelin Guide... hay thậm chí là sử dụng cả Google maps để xem đánh giá từ cộng đồng, trước khi quyết định trải nghiệm".