"Mẹ chồng" nếu muốn được gọi là phim cung đấu phải học hỏi thêm nhiều!

Xiao Fang - Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 17:02 07/12/2017

"Mẹ chồng" có thể là bộ phim hay về bi kịch số phận người đàn bà, nhưng chưa đủ để gọi là một bộ phim cung đấu hấp dẫn.

Phim điện ảnh Mẹ Chồng hứa hẹn sẽ mang đến cho người xem trận đấu gay cấn giữa mẹ chồng và nàng dâu từ khi chưa ra mắt. Song, thay vì được thưởng thức những màn đấu trí, âm mưu thủ đoạn tàn ác như loài rắn độc, Mẹ Chồng chỉ cho khán giả thấy được phận đàn bà như cánh hoa tàn đong đưa trước gió, những gì họ làm chỉ là mặc cho số phận đẩy đưa, cái gọi là thủ đoạn cũng chỉ là thuận nước đưa thuyền và ôm cây đợi thỏ.

Mẹ chồng nếu muốn được gọi là phim cung đấu phải học hỏi thêm nhiều! - Ảnh 1.

Nếu tiếp cận câu chuyện từ góc độ số phận đàn bà bị trói buộc bởi tư tưởng Nho giáo thì phim đã thành công khi khắc họa một cách xuất sắc quá trình Ba Trân biến đổi từ nàng dâu ngoan hiền, cam chịu thành mẹ chồng quyền uy, tàn nhẫn. Hình ảnh hoa sen được dùng xuyên suốt bộ phim cũng khiến khán giả cảm thấy như có một ẩn ý khác, bởi hoa sen đại diện cho sự thanh tao, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn, trớ trêu thay không một người đàn bà nào có thể giữ mình hoàn toàn sạch sẽ khi dấn thân vào vũng bùn mang tên Huỳnh gia này.

Nhưng nếu gọi đây là một bộ phim cung đấu, Mẹ Chồng chỉ có thể ví như đoàn xe đang leo lên rồi dừng lại ở lưng chừng dốc.

Mẹ chồng nếu muốn được gọi là phim cung đấu phải học hỏi thêm nhiều! - Ảnh 2.

Ví dụ như nhân vật cô Ba Trân. Mang danh là rắn độc, nhưng những việc tàn ác mà mợ cả từng làm sau khi lên nắm quyền chỉ là thi thoảng vào bón thuốc, nhân tiện trả lại những câu chì chiết ngày xưa cho mẹ chồng mình, diễu võ dương oai cho bà thấy đứa con dâu từng bị bà xem thường giờ đang thay bà phụng sự cho gia tộc như thế nào. Nếu nói Ba Trân đang đấu đá với mẹ chồng mình, chi bằng nói mợ đang vùng vẫy trong số phận, với nỗi tủi thẹn trong quá khứ, mợ không hề xảo quyệt như loài rắn, mợ chỉ là một người đàn bà khao khát tìm được chỗ đứng của mình tại nhà chồng thì đúng hơn.

Mẹ chồng nếu muốn được gọi là phim cung đấu phải học hỏi thêm nhiều! - Ảnh 3.

Hay như Tuyết Mai (Midu) được kỳ vọng sẽ là người mang lại làn gió mới cho gia đình nề nếp nặng tư tưởng phong kiến này bởi từ cách ăn mặc cho đến tính cách của cô đều mang hơi thở hiện đại, tân tiến. Nhưng không, rồi cô cũng khoác lên mình bộ áo bà ba truyền thống và cố sắm vai một nàng dâu mới hơi ương ngạnh, thích cáo bệnh để không cần ăn cơm cùng mẹ chồng, tỏ thái độ tức giận khi bị đuổi về phòng, đặt nghi vấn "có phải nhà họ Huỳnh chỉ cần cháu, không cần con dâu?". Lúc Tuyết Mai cố ý trả lại chiếc khăn tay cho mẹ chồng rõ ràng là hành động có chút tâm cơ, như muốn nói "con biết bí mật của má rồi đấy!".

Nhưng, sau đó cô cũng chẳng hành động gì mà an phận có con với chồng, kể cả khi người tình cũ của mình cũng đang ở trong nhà. Kể cả việc cô xông vào chỗ mẹ chồng đang ân ái với nhân tình cũng chỉ là do Ba Trân nằm mơ thấy chứ Tuyết Mai cũng không dám làm. Dường như cô chỉ là một quân cờ, một chất xúc tác được cho vào để đẩy câu chuyện lên cao trào, nhưng nửa chừng cũng bị sự nhát tay kéo xuống đất chỏng chơ.

Mẹ chồng nếu muốn được gọi là phim cung đấu phải học hỏi thêm nhiều! - Ảnh 4.

Còn Tư Thì (Lan Khuê) được xem là nhân tố bất ngờ của bộ phim thì sao? Nàng dâu lớn ngoan ngoãn nhu thuận là thế nhưng phút cuối cùng bỗng dưng bật lên trở thành người chiến thắng chung cuộc, tất nhiên là ý đồ của kịch bản. Nhưng vấn đề là chả ai biết cô ủ mưu chiếm quyền mẹ chồng từ lúc nào, không ai biết cô vào nhà họ Huỳnh với mục đích gì, cũng không ai biết cô làm nên kế hoạch kích động các tá điền làm phản từ bao giờ và thực thi kế hoạch ra sao, chỉ biết cô luôn lấp ló như "bóng ma nhà họ Huỳnh", như cách mà cư dân mạng gọi cô: Mợ Tư rình, lặng lẽ đợi chờ như đã biết trước Tuyết Mai sẽ đẩy bi kịch cuộc đời của Ba Trân lên đến đỉnh điểm, khi ấy cô sẽ xuất hiện chiếm lấy vị trí tối thượng của dòng tộc như một vị thần. Có khi cô chính là bà phù thuỷ luyện ngải luôn không biết chừng, nên mới rành rẽ mọi thứ như thế!

Mẹ chồng nếu muốn được gọi là phim cung đấu phải học hỏi thêm nhiều! - Ảnh 5.

Hãy nhìn cách Lan Khuê đứng ngay trung tâm với dáng vẻ ngạo nghễ, từ đầu biên kịch đã cố ý báo động cô là trùm cuối rồi!

Đấy là còn chưa nói đến các nhân vật khác như bà Hội đồng hay mợ Bảy Loan. Trong phim cung đấu bình thường, nhân vật hiền nhất cũng phải mang một bí mật, một lí do nào đó cho sự chịu đựng của mình, hoặc chí ít là một câu chuyện riêng đủ để khiến cô đứng ngoài vòng tranh đấu. Trong khi mợ Bảy Loan (Ngọc Quyên) thì được mẹ chồng thương, có con trai nối dõi đúng nghĩa nhưng lại chấp nhận sống như một cái bóng mờ nhạt hơn cả mấy người hầu trong phim. Phàm là bị thả vào cơn lũ, chắc chắn người ta phải sinh tồn. Những tưởng Bảy Loan vì biết được bí mật động trời của Ba Trân nhưng vì muốn mẹ con yên ổn nên mới im lặng suốt bao năm. Hoá ra không những không biết mà còn cam phận đến khó hiểu, giống như một nguỵ quân tử giữa cuộc chiến sinh tồn. Nhân vật này chứng tỏ sự nhát tay cũng như chưa hiểu rõ hoàn toàn bản chất của đàn bà, khiến cho phim bị thừa một cách đáng tiếc.

Mẹ chồng nếu muốn được gọi là phim cung đấu phải học hỏi thêm nhiều! - Ảnh 6.

Bà Hai Lịnh cũng vậy, mở đầu ác độc là thế nhưng từ khi bị liệt là bà chấp nhận thành phế nhân không hơn không kém. Lý ra nhân vật này thừa sức phát triển thêm, tiếp tục là mối nguy hiểm thực sự với Ba Trân thì mới là hấp dẫn. Chứ đằng này từ sau đoạn đầu, bà Hai Lịnh chỉ giống như cái "sàn diễn" để Ba Trân thể hiện quyền lực cho khán giả coi (chứ có ai nhìn thấy nữa đâu), còn cái hộp gia bảo cũng bí ẩn mơ hồ chứ người ta chẳng biết nó nguy hiểm chỗ nào. Trong Hoả vũ hoàng sa, cũng là một phim cung đấu kiểu gia đình, nhân vật bị liệt do Trần Tú Châu đóng rõ ràng không cam chịu, bà luôn âm thầm báo tin cho Minh Phụng (Lê Tư) về những tội ác mà người anh đã làm với mình kể cả khi đã ngồi trên xe lăn và không bao giờ mở miệng.

Nhìn chung, Mẹ Chồng vẫn đủ hấp dẫn để dẫn dắt người xem dõi theo diễn biến của câu chuyện, để tò mò về số phận của từng nhân vật, để cảm thương cho số phận người đàn bà "sinh ra trong một gia đình nhưng lại phải phụng sự cho một gia đình khác". Song, xét tổng thể thì bộ phim giống như nồi cơm nấu bằng gạo ngon nhưng bị sống.

Mẹ chồng nếu muốn được gọi là phim cung đấu phải học hỏi thêm nhiều! - Ảnh 7.

Giá như biên kịch để bà Hai Lịnh tiếp tục là một nhân vật "sống", để khán giả được chứng kiến Ba Trân làm thế nào để lật đổ bà mẹ chồng cay nghiệt thay vì bắt bà ngồi yên đó trừng mắt nhìn cô con dâu lên mặt với ánh mắt phẫn uất mà đầy bất lực. Giá như Tuyết Mai biết cách vận dụng lợi thế là tính cách nổi loạn, tư duy cấp tiến của mình, mạnh dạn phá vỡ gông xiềng phong kiến đang trói chặt những người đàn bà của nhà họ Huỳnh thay vì cởi bỏ váy áo tân thời rồi khoác lên mình chiếc áo bà ba truyền thống, thuận theo số phận sa chân vào vũng lầy không lối thoát. Giá như nhân vật Tư Thì được khai thác triệt để, chủ động tạo ra cơ hội thay vì chỉ rình mò khắp nơi và chực chờ thời cơ rồi may mắn trở thành người chiến thắng cuối cùng mà không tốn chút thủ đoạn nào.

Nếu có những cái giá như ấy, Mẹ Chồng sẽ trở thành một bộ phim cung đấu trọn vẹn hơn.