Mọi người vẫn bảo "con hơn cha là nhà có phúc" nhưng điều này có thực sự đúng?

Vân Ngọc, Theo Helino 18:38 16/05/2018

Con hơn cha là tốt nhưng điều này vô tình lại khiến cho người con phải chịu 1 áp lực đáng kể, bạn nghĩ thế không?

Mỗi gia đình đều mong con cái của mình có thể làm được những điều giỏi hơn, tốt hơn thời cha ông của chúng. "Con hơn cha là nhà có phúc" - nhưng sự thật là vô tình, mong muốn này lại tạo ra áp lực cho những đứa con khi chúng luôn bị đem ra so sánh với bố mẹ.

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford đã điều tra xem khả năng học tập và sự thành công của con cái so với bố mẹ có ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần như thế nào. Nghiên cứu thu thập dữ liệu của 50.000 người đến từ 27 quốc gia khác nhau thuộc châu Âu.

Mọi người vẫn bảo con hơn cha là nhà có phúc nhưng điều này có thực sự đúng? - Ảnh 1.

Kết quả cho thấy rằng những người con, đặc biệt là con trai nếu không giỏi bằng bố mẹ của mình sẽ có nguy cơ bị stress cao hơn 75%.

Các nhà nghiên cứu tin rằng đàn ông thường đo lường thành công và giá trị của họ dựa trên thành tích của bản thân. Nếu không làm tốt như bố mẹ đồng nghĩa với việc họ không làm tốt nhất có thể. Điều này bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của họ.

Nhà nghiên cứu Alexi Gugushvili cho biết: "Đối với nam giới, việc so sánh khả năng học tập và sự thành công của mình với bố mẹ có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với sức khỏe tâm lý của họ. Trong khi đó, ở nữ giới, dường như điều này không xảy ra".

Giáo sư Peter Kinderman giải thích: "Cơ chế tâm lý phức tạp của chúng ta hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Mọi người sẽ cảm thấy thất vọng về bản thân nếu không đạt được mục tiêu mà tâm trí luôn hướng tới. Điều này có thể gây ra sự buồn bã, căng thẳng và dẫn đến những phản ứng tiêu cực, thậm chí là suy giảm về thể lực".

Mọi người vẫn bảo con hơn cha là nhà có phúc nhưng điều này có thực sự đúng? - Ảnh 2.

Một trong số các nhà nghiên cứu đưa ra lời khuyên rằng: "Hãy nhìn những thứ xung quanh một cách đơn giản. Bỏ qua tất cả những định kiến hay những điều người khác nghĩ. Làm được điều này, bạn sẽ tạo ra sự khác biệt".

Tuy nhiên, đây chỉ là một lời khuyên mang tính chung chung chứ không phải là một phương pháp cụ thể để giúp những cậu con trai thoát khỏi vấn đề tâm lý khi bị đánh giá là không giỏi bằng bố mẹ của họ. 

Tiến sĩ Robery Waldinger cho biết đây là kết quả ban đầu và họ sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu cách thức hoạt động của cơ chế tâm lý và đưa ra phương pháp giải quyết cụ thể. Tiếp theo đây, các nhà khoa học sẽ tiếp tục theo dõi cuộc sống của 724 người (đều là nam giới) để xem cuộc sống của họ phát triển như thế nào. 

Những người này sẽ cung cấp những thông tin về cuộc sống của mình và tham gia khảo sát hai năm một lần. Còn những thông tin về sức khỏe sẽ được kiểm tra 5 năm/lần.

Nguồn: Rebel Circus