Mưa giảm, nhiều vùng ở Huế vẫn ngập sâu trong nước lũ

NGUYỄN VƯƠNG / VTC News, Theo VTC News 16:26 16/11/2023

Từ đêm qua (15/11) nước lũ tại một số nơi tại TP Huế bắt đầu rút nhưng khá chậm, đến sáng nay trời tạnh thậm chí có nắng nhưng một số vùng vẫn còn ngập sâu.

Video: Lũ lên nhanh trong đêm, TP Huế chìm trong biển nước

Đến sáng 16/11, mực nước trên sông Hương tại Kim Long là 3,41 m, thấp hơn báo động 3 là 0,09 m. Như vậy, mực nước này hạ 0,92 m so với đỉnh lũ cao nhất trên sông Hương trong đợt lũ này (+4,33 m vào lúc 18h ngày 15/11).

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại hồ thủy lợi lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên là hồ Tả Trạch (thượng nguồn sông Hương) hiện mực nước đạt 46,15 m, cao hơn mực nước dâng bình thường đến 1,15 m.

Vì vậy, hồ này đang điều tiết về hạ du với lưu lượng 1.035 m3/s, trong khi lưu lượng về hồ là 849 m3/s. Cũng trên lưu vực sông Hương, thủy điện Bình Điền đang xả với lưu lượng 964 m3/s, tương đương với lượng nước về hồ.

Mưa giảm, nhiều vùng ở Huế vẫn ngập sâu trong nước lũ - Ảnh 2.

Mưa lớn khiến hầu hết TP Huế bị ngập sâu trong nước từ đêm 14/11 đến sáng 16/11 mới bắt đầu rút nhưng còn khá chậm

Nước rút nhưng nhiều nơi vẫn ngập sâu

Ghi nhận của PV VTC News từ đêm qua 15/11 nước lũ tại một số nơi tại TP Huế như ở xã Phú Dương nước đang rút nhưng khá chậm. Từ sáng 15/11 tại TP Huế trời quang, không mưa và đến trưa thì một số nơi hửng nắng. Tuy nhiên, một số ngôi nhà ở vùng trũng thấp nước chưa thoát hết còn ngoài đường mực nước vẫn còn ở mức khá cao. Người dân vẫn phải chèo thuyền để di chuyển.

Mưa giảm, nhiều vùng ở Huế vẫn ngập sâu trong nước lũ - Ảnh 3.

Người dân ở xã Phú Dương đang tất tả dọn nhà và sân sau khi nước rút

Nhiều gia đình sau khi nước rút khỏi nhà và sân thì tất tả dọn lụt, bố trí lại đồ đạc trong nhà. Tương tự, tại hạ nguồn sông Bồ ở các xã vùng trũng ở huyện Quảng Điền, nước lũ cũng đang bắt đầu rút.

Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên - Huế, tính đến 10h ngày 16/11 mưa lũ làm 01 người chết, 01 người mất tích do lật ghe tại TP Huế và sạt lở đất đá vùi lấp, làm 02 người bị thương tại thị xã Hương Trà.

Mưa giảm, nhiều vùng ở Huế vẫn ngập sâu trong nước lũ - Ảnh 4.

Tuy nhiên, một số tuyến đường liên thôn ở Phú Khê (Phú Dương) vẫn còn ngập sâu, người dân phải chèo xuồng để đi lại.

Khoảng 85% tuyến đường của 36 phường, xã đã bị ngập. Các tuyến đường khu vực Bắc sông Hương (Vạn Xuân, Chi Lăng, Bạch Đằng, Mai Thúc Loan...) ngập bình quân 0,8-1,2m; các tuyến đường khu vực Nam sông Hương (Hùng Vương, Trường Chinh, Trần Quang Khải, Bến Nghé, Đống Đa, Tố Hữu, Lê Minh, Huỳnh Tấn Phát, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Hữu Thọ, Đặng Văn Ngữ, Phan Anh,...) ngập bình quân 0,5-1m.

Ngoài ra rất nhiều khu dân cư và các tuyến đường trọng yếu ở các huyện, thị xã của Thừa Thiên - Huế như Phong Điền; Quảng Điền; Phú Lộc thị xã Hương Thuỷ, Hương Trà... cũng ngập sâu trong nước.

Mưa giảm, nhiều vùng ở Huế vẫn ngập sâu trong nước lũ - Ảnh 5.

Một số nhà ở TP Huế khu vực trũng, thấp vẫn còn ngập trong nước

Do tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn gần ga Văn Xá (Hương Trà) và ga Phò Trạch (Phong Điền) bị ngập khoảng 0,3 - 0,5m, làm các chuyến tàu SE2, SE4 và SE6 (cùng chạy hướng Nam - Bắc) phải dừng lại ở Ga Huế. Toàn bộ 494 hành khách đi tàu được bố trí ăn uống trên tàu, tạm thời sinh hoạt tại Ga Huế. Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế có phương án bố trí lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự, tuyên truyền phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên - Huế, hiện nay nước lũ đang rút nhưng theo dự báo từ chiều nay 16/11 đến ngày 18/11, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to lượng mưa phổ biến 30-80mm, có nơi trên 120mm nguy cơ tái ngập tại nhiều khu vực còn rất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm, nên người chưa nên hạ đồ đạc xuống nơi thấp để tránh những tổn thất, thiệt hại.

Mưa giảm, nhiều vùng ở Huế vẫn ngập sâu trong nước lũ - Ảnh 6.

Chợ Nọ (xã Phú Dương) đầy rác và bùn lầy sau khi nước rút khiến người dân phải kéo lên cầu họp chợ

Công tác dự báo chưa sát với thực tế

Chiều 15/11, Đoàn công tác Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai do Phó Chánh Văn phòng Vũ Xuân Thành làm Trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để nắm bắt diễn biến tình hình mưa lũ lớn trên diện rộng đang diễn ra tại địa bàn tỉnh cũng như công tác ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Mưa giảm, nhiều vùng ở Huế vẫn ngập sâu trong nước lũ - Ảnh 7.

Tại rốn lũ Quảng Điền mặc dù trời không mưa và hửng nắng nhưng nước còn ngập khá sâu, người dân chèo thuyền di chuyển trên đường làng (Ảnh: Thái Bình)

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh cho biết, công tác dự báo lượng mưa trong đợt này chưa sát với diễn biến thực tế. Mặc dù địa phương đã dựng 3 kịch bản ứng phó nhưng đến nay tình hình mưa lũ vượt qua mọi kịch bản.

Lượng mưa đổ về các hồ chứa rất lớn. Hiện công tác chỉ đạo và phối hợp với đơn vị quản lý hồ thủy lợi Tả Trạch được thực hiện nhịp nhàng, góp phần điều tiết hợp lý nguồn nước, vừa đảm bảo cắt lũ, vừa đảm bảo an toàn hồ đập.

Tỉnh đang chỉ đạo các địa phương tập trung hỗ trợ người dân ở những khu vực bị ngập sâu theo phương châm “4 tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ), đảm bảo đủ lương thực, sẵn sàng đưa đón người dân bằng ghe thuyền khi có nhu cầu khám chữa bệnh...

Mưa giảm, nhiều vùng ở Huế vẫn ngập sâu trong nước lũ - Ảnh 8.

Tại Phong Điền nhiều vùng thấp, trũng vẫn còn ngập sâu trong nước. Trong hình mà một cụ bà đang phải nhận quà cứu trợ bằng đường mái nhà do phía dưới vẫn còn nước lũ bủa vây (Ảnh: Thái Bình)

Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành đánh giá cao công tác chủ động điều tiết nước các hồ chứa trước đợt mưa lớn này của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đặc biệt là công tác thông tin rộng rãi về diễn biến tình hình mưa lũ, thông báo sớm việc cho học sinh nghỉ học giúp người dân chủ động ứng phó tình trạng ngập úng trên diện rộng. Tuy nhiên, tỉnh cần điều hành linh hoạt, phát huy hơn nữa vai trò cắt lũ của hồ thủy lợi Tả Trạch để giảm lượng nước đổ về vùng hạ du trên sông Hương hiện nay.

Từ 13/11 đến 7h ngày 16/11/2023 Thừa Thiên - Huế xảy ra mưa to, mưa rất to trên diện rộng, kéo dài. Riêng huyện Nam Đông và một số nơi của huyện Phú Lộc có mưa đặc biệt to, với lượng mưa phổ biến 600-900mm, có nơi cao hơn như: Xuân Lộc (Phú Lộc)1.305mm; Thủy điện Bình Điền (Hương Trà) 1.237mm, Thượng Quảng (Nam Đông) 1.093mm; Thủy Điện Rào Trăng (1.150mm); Vườn Quốc gia Bạch Mã 1.128 mm;..

Từ 19h ngày 12/11 đến 7h ngày 14/11/2023 phổ biến 150-300mm, mưa tập trung khu vực vùng núi Phong Điền, Nam Đông, A Lưới với lượng mưa từ 330-480mm; khu vực đồng bằng ven biển lượng mưa từ 60-120mm. Tiếp đó từ 7h ngày 14/11 đến 6h ngày 15/11/2023 mưa tập trung chủ yếu ở Nam Đông, A Lưới với lượng mưa phổ biến 500-800mm, có nơi cao hơn như: Thượng Quảng (Nam Đông) 957mm; Hương Sơn (Nam Đông) 947mm; Khe Tre (Nam Đông) 911mm. Từ 07h ngày 15/11 đến 07h ngày 16/11, lượng mưa phổ biến 80-350mm, một số nơi cao hơn như: Đập Thủy điện Rào Trăng 432mm, Hương Bình 433mm, Bình Điền 496mm.

Dự báo từ chiều 16/11 đến ngày 18/11, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to lượng mưa phổ biến 30-80mm, có nơi trên 120mm.