MV của Bảo Anh vẫn chưa yên thân với YouTube đâu, kể cả khi đã nhanh chóng sửa sai

NPQM, Theo Trí Thức Trẻ 10:31 18/11/2017

Điều luật bản quyền nghiêm khắc của YouTube còn nhiều góc cạnh ít ai biết đến và bị xem nhẹ, dễ dàng bỏ qua từ trước đến nay.

Ngày 16/11 vừa qua, sự "bốc hơi" của MV "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" của Noo Phước Thịnh - tính đến lúc đó là hơn 30 triệu view - đã khiến cộng đồng mạng nói chung và fan hâm mộ nói riêng phải một phen tiếc nuối. Ngay sau đó, MV "Sống xa anh chẳng dễ dàng" của Bảo Anh cũng phải nhanh chóng bổ sung lời dẫn nguồn và cảm ơn nhà soạn nhạc Ivan Torrent ở bên dưới.

MV của Bảo Anh vẫn chưa yên thân với YouTube đâu, kể cả khi đã nhanh chóng sửa sai - Ảnh 1.

MV của Noo Phước Thịnh bị gỡ khỏi Youtube khiến nhiều khán giả vô cùng hoang mang.

MV của Bảo Anh vẫn chưa yên thân với YouTube đâu, kể cả khi đã nhanh chóng sửa sai - Ảnh 2.

Bảo Anh và ekip đã thêm nguồn trích dẫn 2 ca khúc ngoại quốc được sử dụng trong MV "Sống xa anh chẳng dễ dàng".

Lý do dẫn đến sự "mất mát" của Noo Phước Thịnh và hành động gấp gáp từ ê-kíp của Bảo Anh đã được xác định ngay là vì lý do bản quyền. Cụ thể, MV "Chạm khẽ tim anh một chút thôi" đã sử dụng một đoạn nhạc ngắn cho phân đoạn chiếc xe hơi bốc cháy ở cuối MV, nhưng chưa xin phép đơn vị sở hữu gốc. 

Đồng thời, MV "Sống xa anh chẳng dễ dàng" của Bảo Anh thì có một số đoạn nhạc nền được lấy từ hai bản hoà âm "Icarus" và "Glimmer Of Hope" của Ivan Torrent. Có lẽ Bảo Anh đã kịp nhanh tay nhanh mắt và cẩn trọng hơn sau khi chứng kiến Noo Phước Thịnh lĩnh hậu quả như vậy. 

Không khó hiểu khi YouTube tự động thẳng tay giải quyết như vậy khi mà chúng ta còn chưa kịp nhận ra, vì đó là điều luật bản quyền cơ bản mà bất cứ ai tham gia mạng lưới đăng tải video và nội dung số này phải tuân thủ nghiêm khắc. 

Theo YouTube, các loại hình tác phẩm và nội dung phải tuân theo bản quyền bao gồm:

- Tác phẩm nghe nhìn (chương trình truyền hình, phim và video trực tuyến

- Đoạn ghi âm/sáng tác nhạc

- Tác phẩm viết (bài giảng, bài viết, sách và bản nhạc)

- Tác phẩm hình ảnh (bức tranh, áp phích và quảng cáo)

- Trò chơi điện tử/phần mềm máy tính

- Tác phẩm kịch (kịch và nhạc)

youtube-music-streaming-indie

Tất nhiên, vẫn có trường hợp người khác có thể sử dụng tác phẩm được bảo vệ bản quyền mà vẫn không bị "xử" vi phạm, nhưng cần phải xét trên 4 yếu tố sau:

- Mục đích sử dụng có tính chất thương mại hay phi lợi nhuận

- Tính chất của tác phẩm có bản quyền (nếu là hữu hình thì sẽ dễ xem xét, còn mơ hồ như một ý tưởng thì rất khó phân chia) 

- Mức độ, tỷ lệ "mượn" sử dụng so với toàn bộ tác phẩm gốc có bản quyền

- Tác động đến giá trị của tác phẩm có bản quyền gốc (chẳng hạn như đạo nhái có chủ ý làm giảm uy tín của tác phẩm gốc)

MV của Bảo Anh vẫn chưa yên thân với YouTube đâu, kể cả khi đã nhanh chóng sửa sai - Ảnh 5.

Nhiều khía cạnh về luật bản quyền vẫn chưa được nắm rõ đúng cách.

Thế nhưng, vẫn còn đó những ngoại lệ khi mà chủ sở hữu hoàn toàn có thể chủ động khiếu nại, kể cả khi bạn đã ghi nhận và trích nguồn chủ sở hữu bản quyền như Bảo Anh đã làm. Vì đơn giản, những cụm từ như "tất cả các quyền đều thuộc về tác giả" hay "Tôi không sở hữu..." không có nghĩa là bạn đang sử dụng hợp lý tư liệu đó, hay là bạn đã được chủ sở hữu chính thức cho phép.

Như vậy, kể cả khi đã trích nguồn và ghi rõ tên tuổi nhà soạn nhạc kia, vẫn còn đâu đó xác suất Bảo Anh hoàn toàn có thể bị yêu cầu gỡ bỏ 2 đoạn nhạc ngắn kia khỏi MV của mình nếu như Ivan Torrent bỗng trở nên khó tính và không muốn công sức của mình bị "mượn" như vậy.