3 điều cần chuẩn bị trước khi đi du học

Hiểu Đan, Theo Tổ Quốc 20:17 06/04/2023

Sau một thời gian đủ để có những trải nghiệm nhất định ở hai quốc gia châu Âu, Nhất tin rằng nếu có sự chuẩn bị kĩ lưỡng trong thời gian trước khi bay, du học sinh sẽ có hành trình dễ dàng hơn rất nhiều.

Hoàng Văn Nhất (sinh năm 1997, Nam Định) hiện đang theo học chương trình Eramus Mundus ở Na Uy, ngành Kỹ thuật. Trước đó em cũng đã từng học 1 kỳ ở Phần Lan. Đây là chương trình học bổng thạc sĩ toàn phần được cấp bởi Liên minh châu Âu hàng năm, có độ cạnh tranh cực cao. Khi trúng học bổng, sinh viên sẽ được sang ít nhất 2-3 nước châu Âu để học Thạc sĩ.

Nhận được học bổng là một sự kiện lớn, đối với nhiều người thậm chí còn là một cơ hội lớn để đổi đời. Bản thân Nhất vốn sở hữu "3 không": không xuất phát từ gia đình có điều kiện, không trường chuyên lớp chọn, không có tích lũy về mặt tiền bạc cho việc đi du học. Thế nên, lúc nhận được tin được cấp học bổng, em đã thực sự rất hạnh phúc.

Tuy nhiên, sau một thời gian đủ để có những trải nghiệm nhất định ở hai quốc gia châu Âu, Nhất tin rằng nếu có sự chuẩn bị kĩ lưỡng trong thời gian trước khi bay, du học sinh sẽ có hành trình dễ dàng hơn rất nhiều.

3 điều cần chuẩn bị trước khi đi du học - Ảnh 1.

Hoàng Văn Nhất

3 yếu tố các bạn du học sinh nên chuẩn bị trước khi đi du học

1. Ngôn ngữ

Việc học tập ở một quốc gia nói ngôn ngữ khác tiếng Việt không chỉ dừng lại ở giao tiếp trong các cuộc hội thoại thông thường, quan trọng hơn còn là tiếp thu kiến thức và khả năng hòa nhập với mọi người. Nhất nhận định, các chứng chỉ tiếng Anh hiện tại (IELTS, TOEFL) chỉ mang tính đáng giá năng lực, việc sử dụng tiếng Anh thực tế sẽ có những khác biệt nhất định. Nhiều người có điểm cao vẫn giao tiếp chật vật như thường.

Nhất có IELTS 7.0 trước vài tháng khi có tin nhận học bổng, nhưng trong thời gian chờ bay, em tham gia cực kỳ nhiều câu lạc bộ tiếng Anh. Các CLB không chỉ giúp em có thêm rất nhiều mối quan hệ mới, mà là môi trường cực kì tốt để rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Nhờ vậy nên việc hòa nhập, kết bạn, tiếp thu kiến thức cũng dễ dàng hơn rất nhiều.

2. Kiến thức

Thời gian từ lúc biết kết quả trúng tuyển đến khi Nhất đi học là 5 tháng. Thế nhưng em không hề mảy may nghiên cứu xem chương trình sẽ học gì, một phần vì tư tưởng thỏa mãn sau quá trình apply vất vả, một phần cũng có việc toàn thời gian và bán thời gian phải làm.

Kết quả là em bị khớp trước những bài giảng đầu do lượng kiến thức truyền tải lớn, nhiều từ chuyên ngành không biết (đặc biệt là có những từ đồng nghĩa với những từ đã học nhưng lại khác chuyên môn). Giai đoạn đầu khiến em khá căng thẳng (và đa số bạn cùng lớp cũng vậy), nên em phải ngồi ôn lại bài tương đối mất thời gian để bù lại phần kiến thức đáng lẽ nên được củng cố trước kì học.

"Lời khuyên của mình trong giai đoạn chờ đi học là nên tìm hiểu khung chương trình, học những môn gì, lượng kiến thức như nào, giới hạn ở các chủ đề gì. Từ đó, mọi người sẽ có hình dung về những gì mình sẽ đạt được để có sự chuẩn bị trước khi đi học. Tất nhiên, không nhất thiết phải đọc các bài báo nghiên cứu hay sách giáo trình vì có thể lúc học sẽ khác.

Ngoài ra, mình khuyến khích nên kết nối từ sớm với các sinh viên khóa trước, vừa hỏi được các thông tin về chương trình học, vừa có thể xin trước tài liệu để thu hẹp phạm vi kiến thức cần chuẩn bị", Nhất nói.

3. Văn hóa

Nhất có 7 năm sống tự lập từ hồi bắt đầu vào đại học, nhưng việc chuyển qua sống tại một đất nước hoàn toàn mới vẫn khiến em đôi lúc bị sốc văn hóa. Ví dụ, kì đầu tiên em sống ở Phần Lan, dân số cả nước chỉ 5,5 triệu người (chỉ bằng 2/3 dân số Hà Nội), người Phần Lan cực kì hướng nội và ít nói nên thời gian đầu Nhất cũng hơi ngợp trước sự khác biệt quá lớn như vậy.

Theo Nhất, thời gian chờ bay, mọi người nên tìm hiểu về văn hóa của đất nước, thành phố mình sẽ học tập. Ví dụ, con người ở đó tính cách như thế nào, phong cách mọi người làm việc, thành phố có gần địa điểm nào đi chơi được hay không,... Thêm nữa, học tiếng bản địa cũng rất có lợi trong quá trình sinh hoạt và cũng cần thiết nếu về lâu dài bạn muốn định cư/ làm việc tại đó nữa.

4 việc cần làm sau khi biết trúng học bổng

1. Xin thẻ visa, cư trú

Thường các học bổng sẽ thông báo kết quả kỳ mùa thu vào tháng 3 đến tháng 6, và thời gian nhập học vào tháng 8-9 hàng năm. Trung bình các bạn có khoảng 3-4 tháng để chuẩn bị các giấy tờ trước khi bay. Đây là một trong những việc quan trọng nhất vì nếu visa hoặc thẻ cư trú bị cấp muộn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc học, làm quen với môi trường mới, hoặc thậm chí kết quả học bổng của bạn sẽ bị hủy do không đủ điều kiện tham gia các học phần.

"Chương trình của mình có 1 bạn Nigeria đến muộn gần 2 tháng vì thủ tục làm thẻ cư trú, trong 2 tháng ấy bạn ấy không được nhận học bổng (~2000 euro), phải học online lệch múi giờ và khi đến Phần Lan còn phải làm một project nhóm siêu to khổng lồ một mình. Nói chung việc làm thủ tục nên được thực hiện càng sớm càng tốt ngay sau khi có kết quả học bổng", Nhất chia sẻ.

3 điều cần chuẩn bị trước khi đi du học - Ảnh 2.

Ảnh Nhất chụp tại trường Aalto, Phần Lan.

Nếu bạn có học bổng thì chỉ cần bên chương trình gửi giấy tờ chứng minh thì bạn hoàn toàn có thể tự làm. Kinh nghiệm cụ thể thì tùy từng nước nên tốt nhất là bạn nên tham gia các nhóm du học sinh để chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và tiền bạc.

Một lý do khiến việc làm giấy tờ rất mất thời gian là do không phải nước nào cũng có Đại sứ quán ở Việt Nam nên nhiều trường hợp các bạn sẽ phải sang một nước thứ 3 để làm visa, tiền và thời gian sẽ còn tốn gấp bội. Nói chung, quan trọng nhất sau khi biết học bổng là chuẩn bị giấy tờ để đường đường chính chính đi học một cách hợp pháp.

2. Sắp xếp công việc

Khá nhiều bạn/anh/chị chọn đi làm rồi mới nộp hồ sơ đi học thế nên khi biết có kết quả học tập, một việc quan trọng không kém đó là sắp xếp công việc hiện tại. Một số vấn đề có thể kể đến như hợp đồng, bảo hiểm, KPI,... sẽ khiến thời gian chuẩn bị "bay" không được vui vẻ lắm.

"Lời khuyên của mình khi biết tin nhận học bổng là nên thông báo cho bên công ty khoảng 3 tháng trước khi chính thức nghỉ việc. Việc thông báo sớm (kèm lời cảm ơn) vừa thể hiện sự chuyên nghiệp, vừa để công ty sắp xếp nhân sự, vừa để bạn có thời gian để bàn giao những dự án còn dở với người tiếp theo. Ngoài ra, nếu muốn nghỉ sớm hẳn thì nên xem chính sách bảo hiểm thất nghiệp để vẫn có tiền trong lúc chờ bay".

3. Mua vé máy bay

Hồi chưa có thẻ cư trú, Nhất sợ nên không dám đặt vé sớm vì lỡ giấy tờ có muộn thì thủ tục đổi vé sẽ lằng nhằng. Nhưng càng về sau vé càng tăng vì vào đợt cao điểm du lịch, cuối cùng em đặt vé gấp đôi thời gian đầu (tháng 5) trong khi máy bay bị "delayed" (hoãn) ở Thổ mất 12 tiếng.

Lời khuyên là các bạn nên tìm vé máy bay sớm, trước khoảng 3-4 tháng, không nên bay quá sớm chỉ vì thấy vé rẻ vì tiền nhà, sinh hoạt cao chẳng bù được tiền máy bay. Nên đặt vé có thể đổi ngày (mất phí nhỏ nhưng xứng đáng), đừng tham rẻ đặt vé phải quá cảnh vì rất phiền và rủi ro, các hãng đều có chính sách cho sinh viên (thường là giảm 10% giá vé + thêm hành lý) nên đăng kí để được ưu đãi.

4. Tiền

Bạn sẽ phải chuẩn bị tiền sinh hoạt hàng tháng cho đến lúc bay (trường hợp nghỉ việc sớm), mua vé máy bay, mua đồ dùng (điện thoại, laptop...), hành lý, và tiền sinh hoạt cho 1 tháng đầu tiên khi chưa có học bổng... nói chung rất nhiều thứ cần đến tiền. Việc chuẩn bị về tài chính từ sớm, đặc biệt với những người không có điều kiện, thực sự cần thiết để bạn không phải bị động và để trải nghiệm sẽ không bị bớt vui đi chút nào.