Ngay giữa Hà Nội, có một ngôi làng từ hàng nghìn năm nay không bao giờ được gọi bố

Thu Hường; Thiết kế: Ánh Gư-rin, Theo Trí Thức Trẻ 07:05 31/05/2017

Ở làng Triều Khúc (Hà Nội) - nơi khởi sinh điệu múa "con đĩ đánh bồng" nổi tiếng, hơn 1.000 năm qua, bao thế hệ ở đây chưa từng nghe tiếng gọi bố. Ít ai biết, từ này là tên húy của Phùng Hưng - vị anh hùng dân tộc và cũng là thành hoàng có công đánh giặc, khai sinh ra ngôi làng này.

Ở xứ Bắc, người ta quen gọi cha là bố còn ở miền Nam, phương ngữ người dân vốn quen dùng là tiếng gọi ba. Thế nhưng mới đây, chúng tôi phát hiện ra rằng ở ngay Hà Nội cũng có một ngôi làng mà lâu nay, người dân không hề gọi bố mà quen dùng tiếng ba như người miền Nam vậy.

      Clip nghe người dân chia sẻ lý do vì sao làng Triều Khúc không gọi cha bằng bố. Thực hiện: Kingpro.

Theo lời người dân kể lại, từ khi lập làng trải qua hơn 1.000 năm, ở mảnh đất Triều Khúc (Tân Triều, Hà Nội) người ta chưa từng nghe bất kỳ ai gọi một tiếng bố.

Ngay giữa Hà Nội, có một ngôi làng từ hàng nghìn năm nay không bao giờ được gọi bố - Ảnh 2.

Chuyện tưởng nhỏ, có thể nếu đi lướt qua ngôi làng này, nghe người dân xưng hô như vậy, chúng ta cũng chỉ thoáng lạ tai một chút rồi vội lướt qua bởi suy cho cùng, ba vẫn là một từ ngữ khá phổ biến, được nhiều người sử dụng. Thế nhưng, nếu ngồi lại đây, ngay tại ngôi làng cổ hơn 1.000 năm tuổi này, chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu đằng sau tiếng ba giản đơn ấy là cả một câu chuyện rất dài.


Ngay giữa Hà Nội, có một ngôi làng từ hàng nghìn năm nay không bao giờ được gọi bố - Ảnh 3.

Làng Triều Khúc hiện đã phát triển rất hiện đại với nhiều ngôi nhà cao tầng nhưng đâu đó, ở những góc nhỏ quanh làng vẫn còn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc hoài cổ. Đó có thể là đình, chùa hay cây đa, bến nước, những nhà thờ họ cổ kính hay một vài mái vòm cổng bằng tre ngà, cây xanh mát rượi. Ở đây, không gian tuy ồn ào, bụi bặm vì phát triển nghề thủ công nhưng trong những ngóc ngách sâu kín, khi đã chui lọt vào các kiến trúc cổ ấy, người ta hoàn toàn có thể "xuyên không", trở lại những tháng năm xưa cũ yên tĩnh và thanh bình đến lạ.

Ngay giữa Hà Nội, có một ngôi làng từ hàng nghìn năm nay không bao giờ được gọi bố - Ảnh 4.

Nhắc về ngôi làng của mình, người dân ở đây đều tỏ ra khá tự hào. Họ nói Triều Khúc là một thanh âm khác trong công cuộc đô thị hóa đang diễn ra trên khắp mảnh đất Thủ đô. Một bên, làng vẫn phát triển theo hướng hiện đại, một bên khác lại lưu giữ trọn vẹn nhiều nét truyền thống, từ kiến trúc cổ cho đến nếp sinh hoạt và đặc biệt là tín ngưỡng do cha ông truyền lại rất được giữ gìn.

Cũng tại đây, hơn 1.000 năm đã trôi đi nhưng mỗi khi đứng trên mảnh đất này, người ta chưa một lần nghe thấy bất kỳ ai gọi cha là bố.

Theo ông Cai làng Nguyễn Huy Oanh, vào khoảng năm 779-780, khi Phùng Hưng đem quân đóng đại bản doanh ở làng Triều Khúc, nơi đây vẫn còn là một vùng đất rừng rậm hoang vu. Vì tin tưởng theo sự lãnh đạo của ngài, dân làng đã di chuyển từ vùng đất khác lên theo, hỗ trợ binh lính đánh giặc. Cuộc kháng chiến của Phùng Hưng giành thắng lợi, quân lính rời đi nhưng người dân vẫn còn ở lại, từ đó lập ra làng Triều Khúc ngày nay.

Ông Cai Oanh tỏ ra khá tự hào khi nói về truyền thống văn hoá của làng Triều Khúc.

Năm 802, sau khi Phùng Hưng qua đời, con trai của ngài lên ngôi và tôn xưng cha mình là Bố Cái Đại Vương đồng thời ban cho dân làng Triều Khúc 300 quan tiền để dựng miếu thờ cha. (Thời xưa tục gọi Cha là Bố, Mẹ là Cái nên tôn hiệu Phùng Hưng là: Bố Cái đại vương). Cũng từ đó, dân làng tôn Phùng Hưng là Thành hoàng - người có công đánh trận và khai sinh ra xóm làng.

Ngay giữa Hà Nội, có một ngôi làng từ hàng nghìn năm nay không bao giờ được gọi bố - Ảnh 7.

Giữ trong tâm một tấm lòng chân thành như thế nên người dân Triều Khúc từ bao đời nay đều kiêng kỵ tuyệt đối, không nhắc, gọi tên húy của ngài. Ông Triệu Đình Hồng (72 tuổi, nghệ nhân dân gian, một người cao tuổi tại Triều Khúc) khẳng định: "Hơn 10.000 nhân khẩu ở đây, chẳng ai dám gọi bố dù chỉ một tiếng".

Theo những người cao tuổi ở đây, khách đến thăm hay lưu trú ở làng Triều Khúc đều phải nhập gia tùy tục. Nếu cố tình gọi dù chỉ một tiếng bố, họ sẽ lập tức bị người dân nhắc nhở và chỉnh sửa. Lâu dần, ai nấy đều quen với việc gọi cha bằng ba hoặc thầy.

Ngay giữa Hà Nội, có một ngôi làng từ hàng nghìn năm nay không bao giờ được gọi bố - Ảnh 9.

Ông cai Oanh kể.

Từ nhỏ, khi bắt đầu học nói, bố mẹ sẽ dạy các con gọi cha bằng ba. Lớn lên, khi con nhận thức được mọi thứ xung quanh, họ sẽ đem câu chuyện về vua Phùng Hưng kể lại, giảng giải cho con hiểu lý do vì sao không gọi bố.

Ở trường cấp 1, cấp 2 trong làng, từ thầy cô đến học sinh đều gọi chung một tiếng ba thay cho từ bố. Cứ như thế, nếp suy nghĩ phải kiêng kỵ tên húy của vị thành hoàng làng đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người, để rồi sau này dù có sống ở nơi đâu, họ vẫn không thể nào quên thói quen từ khi còn nhỏ.

Bạn Ngọc (học sinh THCS Tân Triều) tâm sự: "Từ bé mình đã được ba mẹ dạy gọi như vậy nên không thấy gì lạ. Ngày nhỏ, khi chưa được giải thích kỹ lại ít được đi xa mình còn nghĩ ở khắp Việt Nam, đâu đâu người ta cũng gọi cha bằng ba. Sau này đi học, mình mới biết ít ra ở quanh Hà Nội, chỉ có Triều Khúc gọi như thế. Đem thắc mắc đi hỏi ba thì ba kể chuyện cả buổi về Bố Cái Đại Vương. Mình cũng chỉ còn nhớ đó là tên húy của thành hoàng làng Phùng Hưng cần kiêng kỵ nhưng kể cả không vì lý do gì thì từ bé đã gọi ba rồi nên mình thấy quen thuộc, chẳng thể sửa được".

Trong khi đó, bạn Thạch (sinh viên ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn thuê trọ ở Triều Khúc) chia sẻ: "Ngày đầu đến đây ở thấy người dân xưng hô cha bằng ba cũng hơi lạ tai nhưng ở lâu nên mình cũng quen. Khi được mọi người giải thích vì sao phải kiêng từ bố thì mình càng tôn trọng tập tục của họ hơn. Ở lâu thấy tiếng ba nghe còn dễ mến, lắm lúc về nhà mình cũng quen gọi như thế khiến bố mẹ thấy không quen. Vậy là mình lại đem câu chuyện về văn hóa làng Triều Khúc ra kể thì bố mẹ, ông bà đều rất thích và đánh giá nơi đó là vùng đất trọng lễ nghi".

Ngay giữa Hà Nội, có một ngôi làng từ hàng nghìn năm nay không bao giờ được gọi bố - Ảnh 10.

Không chỉ kiêng tên húy của thành hoàng làng, người dân Triều Khúc còn rất tỉ mẩn trong việc lễ bái, thờ cúng vị thần này. Hàng năm, Triều Khúc tổ chức 2 lễ hội chính vào dịp đầu xuân để mừng ngày Phùng Hưng thắng trận và một dịp khác nhân ngày giỗ của ông vào 13/8 (Âm lịch).

Lễ nghi trong tất cả những ngày hội đều phải tuân thủ theo nghi thức từ nghìn đời truyền lại và một trong những tiết mục không thể thiếu, chính là điệu múa "con đĩ đánh bồng".

Theo nghệ nhân Hồng, một người gắn bó với việc xây dựng, phát triển đội múa "con đĩ đánh bồng" tại thôn Triều Khúc đã nhiều năm thì môn nghệ thuật này cũng được coi là một truyền thống cổ xưa, có lịch sử tồn tại hàng nghìn năm.

Nhà ông Hồng lưu giữ khá nhiều những bức ảnh liên quan đến điệu múa "con đĩ đánh bồng".

Chuyện kể rằng xưa kia, khi Phùng Hưng lập doanh trại đánh giặc, xung quanh chỉ toàn nam nhân. Vì thế, mỗi lần thắng giặc mừng công, không có ai múa hát mua vui, tăng thêm khí thế hào sảng cho quân lính nhập trận mới. "Thế là Ngài ra lệnh cho thuộc hạ nam nhân đóng giả con gái, múa trống bống để mua vui cho binh lính".

Điệu múa "con đĩ đánh bồng" ra đời từ đó và đến bây giờ, nó hầu như chỉ xuất hiện trong những dịp tế lễ thành hoàng làng Phùng Hưng.

Ông Hồng cho biết, trước kia từ "đĩ" không phải là một từ mang ý nghĩa tiêu cực. Nó chỉ dùng để ám chỉ những người con trai giả dạng nữ nhân. Trong khi đó, theo ông Cai Oanh, trước kia vì thấy thuộc hạ nam nhân giả gái, múa may quá lả lơi mà Phùng Hưng gọi họ là con đĩ.

Ngay giữa Hà Nội, có một ngôi làng từ hàng nghìn năm nay không bao giờ được gọi bố - Ảnh 12.

Nghệ nhân Triệu Đình Hồng - người đã dành nhiều năm gắn bó, phát triển điệu múa "con đĩ đánh bồng" ở Triều Khúc.

Hiện nay, từ "đĩ" được hiểu theo nghĩa xấu, nhất là khi dùng nó để nói về phụ nữ. "Tuy nhiên, trong điệu múa "con đĩ đánh bồng" lại không hề có nữ nhân xuất hiện nên dù thời cuộc đã thay đổi, người dân trong làng vẫn quyết định giữ lại tên gọi cũ".

Người dân Triều Khúc tin rằng, việc giữ gìn thói quen gọi ba thay bố, lưu giữ điệu múa cổ truyền cũng là cách để họ giáo dục con trẻ tôn trọng ông cha, giữ vững đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Ngay giữa Hà Nội, có một ngôi làng từ hàng nghìn năm nay không bao giờ được gọi bố - Ảnh 13.

Ông Hồng nói thêm.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày