"Ngày mai Mai cưới": Bình dân nhưng duyên dáng và ý nghĩa

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 20:46 29/09/2017

Phim điện ảnh "Ngày mai Mai cưới" dường như không được nhiều khán giả đại chúng quan tâm vì trông giống như phim hài nhảm. Nhưng xem rồi mới thấy phim cũng duyên dáng và dễ thương, hài hước nhưng không nhảm.

Ngày mai Mai cưới là phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Nguyễn Tấn Phước, là bộ phim trên màn ảnh rộng đầu tiên của nhà sản xuất kiêm diễn viên Minh Beta, là vai chính điện ảnh đầu tiên của Diệu Nhi, là màn chào sân "mainstream" đầu tiên của nhóm FAPTv. 

Với khá nhiều cái "đầu tiên", bộ phim không tạo được sự kỳ vọng cũng như hào hứng cho khán giả trước khi ra rạp. Không ít ý kiến cho rằng đây lại là một phim hài nhảm. Thế nhưng cách bộ phim triển khai câu chuyện và xây dựng những tình huống hài hước lại dễ chịu và duyên dáng, tạo được sự thoải mái khi bước ra khỏi rạp.

Ngày mai Mai cưới: Bình dân nhưng duyên dáng và ý nghĩa - Ảnh 1.

Câu chuyện bắt đầu bằng lời tự sự của Mai (Diệu Nhi), một cô gái có sắc vóc và được học hành tới nơi tới chốn hiếm hoi ở một làng chài ven biển Gò Công. Cô có 3 thằng bạn thân nối khố từ nhà sanh (nhóm FAPTv đóng). Mỗi người đều có một ước mơ khi lớn lên, Mai muốn làm nữ cảnh sát, đứa muốn làm ca sĩ, đứa muốn làm đại gia, đứa thì muốn trở thành nhà khoa học đại dương. Thế nhưng, cuộc sống không bao giờ dễ dàng như vậy. Theo lời của Mai thì cả nhóm họ chính là những gánh nặng của gia đình, làm tăng tỉ lệ thất nghiệp của giới trẻ. Bản thân Mai còn phải chịu sự càm ràm ngày qua ngày của bố mẹ vì "con gái lớn rồi mà không lấy chồng".

Dù có nhan sắc, có học thức nhưng Mai lại cư xử thô lỗ như con trai. Cô bày ra mọi cách để những gã đàn ông đến xem mắt do ba mẹ giới thiệu phải một đi không trở lại. Quá bất lực trước con gái, bố mẹ Mai (Trung Dân và Cát Phượng) phải cầu cứu đến thầy pháp. Trong buổi làm phép ngoài bãi biển, Mai đã đụng độ Phong (Minh Beta), một chàng trai thành thị đang có chuyến đi thực tế ở vùng biển. Cả hai nhanh chóng trúng tiếng sét ái tình. Ngỡ đâu đã có một đám cưới trọn vẹn diễn ra, không ngờ "oan gia ngõ hẹp", bố mẹ Mai không chấp nhận Phong vì ân oán từ đời trước.

Ngày mai Mai cưới: Bình dân nhưng duyên dáng và ý nghĩa - Ảnh 2.

Mai tìm mọi cách để không phải lấy chồng, nhưng rốt cuộc cũng xiêu lòng trước trai đẹp

Ngày mai Mai cưới: Bình dân nhưng duyên dáng và ý nghĩa - Ảnh 3.

Ba thằng bạn thân lúc nào cũng ở bên cạnh, nhưng đến khi phải chọn một trong ba để cưới thì thực sự khó khăn

Với phần mở đầu câu chuyện gần gũi, nhiều vấn đề bức thiết của tuổi trẻ, gia đình được gợi ra tạo sự thú vị. Đó là những thứ mà giới trẻ phải đối mặt hằng ngày: tìm việc làm, làm hài lòng bố mẹ hay quyết tâm đeo đuổi đam mê, và đặc biệt là sự thúc giục lấy chồng - vấn nạn muôn thuở của các bạn gái. Bối cảnh phim diễn ra hoàn toàn ở Gò Công, nơi chỉ có cào nghêu, biển, núi và những người dân miền duyên hải chất phác, khiến cho không khí bộ phim cũng trở nên hào sảng và phóng khoáng.

Tình cảm của nhóm bạn 4 người cũng được thể hiện rất tốt qua diễn xuất của Diệu Nhi và FAPTv, dễ tạo được sự hoài niệm về tình bạn tuổi thơ của nhiều người. Chỉ muốn cả đời ở bên nhau làm những trò điên rồ, chẳng muốn đứa nào lấy chồng lấy vợ, có lỡ làm chuyện gì không đúng thì cũng vài ba câu hờn mát rồi tha thứ. Chính những tình huống đó, cảm xúc đó tạo được sự đồng cảm với người xem, bởi ai mà chẳng có một hay một vài người bạn ở cùng nhau từ bé nhưng lớn lên vì cuộc sống hay mưu sinh mà xa nhau.

Ngày mai Mai cưới: Bình dân nhưng duyên dáng và ý nghĩa - Ảnh 4.

Thật sự thứ mà Ngày mai Mai cưới làm được tốt nhất chính là truyền cái cảm giác thân thương của bạn bè, gia đình cho những người ngồi trước màn hình mà không cần dùng những thủ thuật nào hoa mỹ. Chính diễn xuất tự nhiên của dàn diễn viên từ chính đến phụ khiến người ta vui, buồn theo nhân vật. Nghệ sĩ Trung Dân và Cát Phượng cũng là một điểm sáng thú vị khi vào vai bố mẹ Mai. Hai người tận dụng được khả năng diễn hài của bản thân nhưng không bị kịch hay quá sân khấu, những câu thoại bình dân với nhiều từ ngữ đặc thù của Nam Bộ tạo cho bộ phim một không khí vừa nhiều năng lượng, vừa giới thiệu được những điểm thú vị về văn hóa, bối cảnh.

Ngày mai Mai cưới: Bình dân nhưng duyên dáng và ý nghĩa - Ảnh 5.

Tất nhiên, bộ phim vẫn có những điểm trừ không nhỏ. Một trong số đó chính là nam chính Minh Beta. Nhân vật Phong được miêu tả là một công tử con nhà giàu, có trái tim nhân hậu, yêu trẻ em nhưng lại được thể hiện khá nhàm chán. Với vai diễn điện ảnh đầu tiên, dường như Minh Beta chưa tìm được một lối diễn phù hợp để nhân vật của mình trở nên ấn tượng, khiến cho anh hoàn toàn lép vế trước nữ chính Diệu Nhi.

Ngày mai Mai cưới: Bình dân nhưng duyên dáng và ý nghĩa - Ảnh 6.

Ngày mai Mai cưới: Bình dân nhưng duyên dáng và ý nghĩa - Ảnh 7.

Ngoài ra, vì bối cảnh và chuyện phim chỉ diễn ra ở một vùng duyên hải yên bình, thế nên mọi mâu thuẫn hay các vấn đề cũng tự khắc bị tiết chế. Đây là một điểm hợp lý, nhưng nó sẽ khiến cho những nút thắt không được chặt, mâu thuẫn không được đẩy cao, dẫn đến việc giải quyết vấn đề cũng bị nhạt. Dù duyên cách mấy thì sau khi xem xong, khán giả cũng chỉ có cảm giác mình vừa xem một vở hài kịch được phát sóng trên tivi chứ không hẳn là một phim điện ảnh.

Thêm một chi tiết rất đáng tiếc nữa, cũng là vấn đề mà phim Việt hay mắc phải: sự hời hợt trong tiểu tiết. Các bộ phim Việt đa phần đều như vậy, khơi được vấn đề nhưng đa phần chỉ ở bề mặt chứ không đi sâu để người xem thực sự tin vào điều đó. Ví dụ như ở phim này, 4 người bạn đều bảo rằng mình có ước mơ nhưng vì cuộc sống mà không thể hoàn thành, trở thành một sự canh cánh. Thế nhưng, kịch bản lại không cho nhân vật thể hiện những điều đó.

Ngày mai Mai cưới: Bình dân nhưng duyên dáng và ý nghĩa - Ảnh 8.

Mai muốn làm cảnh sát nhưng chỉ thể hiện một lần duy nhất bằng việc cô ngồi xem một nữ cảnh sát đang điều phối giao thông trên tivi và tưởng tượng mình là cảnh sát. Cậu bạn cà lăm muốn làm ca sĩ đáng lí phải hát hò liên tục trong phim mới đúng. Hay như người muốn làm đại gia thì phải có tính cách phóng khoáng, thể hiện đẳng cấp và thích quản lý, lên kế hoạch. Còn người làm khoa học thì phải có những sở thích hơi đặc biệt và chuyên sâu về thứ mình muốn nghiên cứu mới phải. Nếu những điều này được thể hiện rõ hơn thì bộ phim sẽ có những chi tiết đáng nhớ hơn.

Tóm lại, Ngày mai Mai cưới không phải một phim hài nhảm hay hời hợt. Ý tứ và thông điệp của bộ phim là những thứ không thể phủ nhận. Các diễn viên cũng thể hiện tròn trịa vai diễn của mình, Diệu Nhi hoàn toàn chứng tỏ được khả năng của một nữ chính với nhiều cảm xúc, nét diễn rất riêng. Giá mà phim được đầu tư một kịch bản quyết liệt hơn, khá bỏ cái khung an toàn của kịch truyền hình thì sẽ hay hơn rất nhiều. Thiết nghĩ, nếu thời điểm công chiếu phim không phải cuối tháng 9 mà là dịp Tết, và có thêm ca khúc Bao giờ lấy chồng làm nhạc chính thì có thể sẽ tạo được hiệu ứng rất tốt.