Theo chân ca sĩ Châu Gia Kiệt một đêm diễn tỉnh: Nhọc nhằn, lắm gian nan, nhưng không gì bằng cái vỗ tay của khán giả

Nhật Duy - Ảnh: Hoàng Việt, Thiết kế: nhatanhngx; Clip: KingPro, Theo Trí Thức Trẻ 09:32 12/08/2017

"Đi diễn tỉnh là như vậy, phải chấp nhận với nhiều rủi ro, sự cố trong nghề. Có nhiều khán giả có men rượu trong người xong đi xem chương trình, không thích ca sĩ thì la hét, quậy phá. Có khi lại bị bầu sô giật cát-sê", các ca sĩ chia sẻ.

gười ta vẫn thường hình dung sân khấu của ca sĩ sẽ là những ánh đèn lung linh, bên dưới là hàng trăm nghìn tràng pháo tay tung hô của khán giả, đằng sau hậu trường là sự sung túc, hào nhoáng với mức cát-sê cao ngất... Nhưng ít ai biết đằng sau bề nổi đó, những rủi ro các nghệ sĩ phải đối mặt là gì. Chỉ hiếm hoi đến khi một số nghệ sĩ gặp sự cố lên tiếng hoặc những ồn ào được ghi hình lại được lan truyền trên mạng xã hội thì người ta mới giật mình và tò mò về những góc khuất của các sân khấu nhỏ nơi các tỉnh thành xa xôi.

Để có những trải nghiệm từ thực tế và cơ hội lắng nghe tâm tư của những người trong nghề về góc khuất của các sân khấu, chúng tôi đã theo xe của ca sĩ Châu Gia Kiệt về một đêm diễn ca nhạc ngoài trời ở khu vực tỉnh Bình Dương. Hành trình này chỉ là một góc nhìn rất nhỏ, không thể khái quát được hết tất cả những câu chuyện nghệ sĩ đi diễn tỉnh và gian nan, rủi ro mà họ đánh đổi, nhưng ít ra đây là tâm sự từ tận đáy lòng của những người làm nghề đã hơn chục năm.

Theo chân ca sĩ Châu Gia Kiệt một đêm diễn tỉnh: Nhọc nhằn, lắm gian nan, nhưng không gì bằng cái vỗ tay của khán giả - Ảnh 2.

Theo lịch diễn, Châu Gia Kiệt sẽ hát lúc khoảng 21 giờ đêm hôm đó. Thường anh sẽ sắp xếp để đến điểm diễn trước 15 phút để tránh bị trễ giờ do sự cố. Nhưng vì lần này có nhóm phóng viên đi theo ghi nhận, nên anh chuẩn bị từ sớm để đưa chúng tôi đến từ đầu buổi diễn và ngồi đợi đến lượt mình. Chiếc xe 7 chỗ do anh cầm lái chạy từ TP.HCM đến trung tâm tỉnh Bình Dương khoảng 40 phút.

"Việc phải tự chạy đi xe đi diễn như vậy thì anh phải đối mặt với những nguy hiểm thế nào?" - Trên xe, tôi mở đầu câu chuyện với nam ca sĩ.

- Nguy hiểm lắm trời ơi. Thường ca sĩ đi hát tỉnh thì rủi ro gặp nhiều nhất là tai nạn. Bởi vì đi hát tỉnh xa có khi vô tận vùng sâu vùng xa, gặp đêm khuya đường trời mưa trơn trượt thì tai nạn là chuyện không lạ. Cách đây vài năm trước, tôi hay nhận ba, bốn show một đêm. Lúc chạy xe, mấy ông bầu show cứ hối hối hoài mà chạy xe tốc độ cao rất là nguy hiểm, tai nạn, rủi ro đủ thứ. Năm 2005, tôi mới mua chiếc xe được khoảng chừng một tuần lễ. Vào đêm diễn ở Đồng Tháp, đang trên đường chạy qua Kiên Giang thì bầu show cứ hối gấp. Trên đường chạy qua khúc cua cán vào cục đá thì xe lộn ba vòng lăn xuống ruộng luôn. Sau này tôi sợ lắm rồi, càng lớn tuổi không dám nhận show nhiều nữa.

Rồi cũng sợ lạc đường trễ show nữa, tới nơi một giờ khuya thì khán giả về hết trơn. Ca sĩ gặp sự cố không đến được lại khiến khán giả nghĩ bầu show quảng cáo không đúng, lừa gạt khán giả. Có trường hợp họ quậy cả đoàn diễn lên. Bây giờ có bản đồ còn dễ, chứ ngày trước chưa có Google Map nữa là chạy vô huyện vô xã này nọ, tỉnh này qua tỉnh kia bị lạc lung tung mấy tiếng đồng hồ là bình thường luôn. Có lần anh đi diễn ở tuốt trên Gia Lai, nghe nói có một ca sĩ kia bị lạc tới biên giới bên Lào luôn. Chưa kể đi diễn đường khuya gặp những thanh niên phức tạp lắm, có lần tự nhiên đang đi thì bị ném đá trong lề ra, móp cả xe.

Châu Gia Kiệt chia sẻ, biết nguy hiểm nhiều là vậy, nhưng thực ra người ca sĩ không được quyền lựa chọn, chỗ nào khán giả yêu thương mình thì mình sẽ đến đó hát thôi. Người ta muốn mình đến đó giao lưu với họ vậy tại sao mình không tới? Anh cũng không quan điểm về việc phân biệt giữa sân khấu hội chợ với giải trí cao cấp vì quan điểm, mỗi ca sĩ đều có một sân khấu biểu diễn do Tổ nghiệp sắp đặt khác nhau, muốn qua sân khấu kia cũng không được. 

"Ai có một chỗ đứng rồi, giống như là dòng nhạc của tôi vốn sôi động, thị trường thì mình chỉ hợp với sân khấu ngoài trời. Cát-sê của những sân khấu ngoài trời không cao vì khán giả chủ yếu là tầng lớp lao động, đâu có nhiều tiền mua vé như các show hoành tráng", anh nói.

au một hồi loay hoay hỏi đường, cuối cùng xe đến điểm diễn vào khoảng 7 giờ 45. Đập vào mắt chúng tôi là khu hội chợ được dựng giữa một bãi đất trống, xung quanh còn rất nhiều những chồng gạch đá, thanh gỗ, bao xi măng đang thi công dở dang. Sâu khấu hội chợ được dựng tạm bợ phía trong sâu bãi đất, với những khung sườn kim loại và ốp ván gỗ làm sàn. Đường vào khá khó khăn, vì trận mưa lớn đêm hôm trước để lại trên sân cỏ nhiều vũng nước bẩn, bốc mùi. Nếu không soi đèn, ca sĩ có thể bị trượt ngã bởi những hố bùn đất trồi sụt. Bên dưới khán đài, khu vực khán giả chỉ là những chiếc ghế nhựa thấp đặt "dã chiến" để có chỗ ngồi. Có vài nhóm người còn ngồi bệt hẳn xuống bãi đất đầy bùn.

Theo chân ca sĩ Châu Gia Kiệt một đêm diễn tỉnh: Nhọc nhằn, lắm gian nan, nhưng không gì bằng cái vỗ tay của khán giả - Ảnh 6.

Bên ngoài cổng hội chợ đã bắt đầu đông khán giả hiếu kỳ đến xem.

Châu Gia Kiệt nói: "Có nhiều hội chợ triển lãm người ta sẽ làm lớn hơn có màn hình led đẹp lắm. Có những cái sân khấu nhìn tệ hơn sân khấu này nữa vì chi phí đi những tỉnh xa rất tốn kém. Hai xe tải hàng đến dựng sân khấu ở điểm này xong thì lại phải nhổ dàn âm thanh ánh sáng qua điểm khác, rồi lại phải dựng lại hết. Một sân khấu lớn thiệt lớn phải chuẩn bị ít nhất trong vòng 10 ngày, còn đây chuẩn bị trong có 2 đến 3 hôm là lên hát luôn rồi".

Một vị khán giả cho biết: "Hội chợ này làm được vài hôm rồi. Đêm nay là đêm ca nhạc cuối, bù lại cho hôm qua mưa lớn quá nên phải hủy". Người này nói thêm, không lạ gì với những sân khấu ca nhạc như thế này vì chủ yếu bà con đến để nhìn thấy ca sĩ họ thích biểu diễn thôi cũng vui. Giá vé ca nhạc hội chợ cũng chỉ có 15 - 20 nghìn đồng, còn những đêm nhạc riêng thì dao động 20 - 40 nghìn đồng được cho là vừa phải.

Quan sát "cánh gà", không có phần ngăn cách riêng hay bảo vệ để đảm bảo an toàn cho ca sĩ biểu diễn. Một số nghệ sĩ chỉ ngồi tạm trên vài chiếc ghế nhựa sát cầu thang để đợi đến lượt mình lên diễn. Gần đó là vài nhóm khán giả đứng nhốn nháo xin chữ ký và chụp ảnh.

Thành viên trong đoàn nhạc khu hội chợ nói: "Họ ái mộ họ tới chụp ảnh, xin chữ ký bây giờ mình có muốn cản lại cũng không được. Còn chuyện trà trộn ăn cắp đồ thì có khi cũng có, chủ yếu là tự đề phòng".

Tôi hỏi Châu Gia Kiệt, ở một số tỉnh xa, văn hóa đi xem ca nhạc của một bộ phận khán giả không cao, nhiều người có hành động xấu đến nghệ sĩ như ném đá, rượt đánh... thì anh có thấy sợ không.

Theo chân ca sĩ Châu Gia Kiệt một đêm diễn tỉnh: Nhọc nhằn, lắm gian nan, nhưng không gì bằng cái vỗ tay của khán giả - Ảnh 9.

Nam ca sĩ nhớ lại những lần đi diễn ở khu vực miền Trung, có những điểm vừa bước đến thì đã thấy sân khấu bị phá sập hết, âm thanh ánh sáng cũng hỏng, chỉ còn dàn dỡ xập xệ. Hỏi ra thì mới biết có mấy thanh niên say xỉn kéo đến quậy phá, chọi đá lên sân khấu ca sĩ đang hát. Mọi người trong đoàn cũng không ai biết là có lỗi gì với họ. Ai biểu diễn cũng tâm lý nơm nớp lo sợ. Châu Gia Kiệt nhắc lại trường hợp của đồng nghiệp Lưu Chí Vỹ bị đuổi đánh vì trễ show là một ví dụ gần nhất. Bản thân anh cũng cảm thấy sợ lo lắng, bởi show diễn lần đó anh cũng nhận lời. Anh hát vào Chủ nhật, còn Lưu Chí Vỹ hát vào thứ Sáu.

"Thú thật, trong cuộc đời người nghệ sĩ, Kiệt dám cá chắc luôn là chưa bao giờ có ai không đi diễn trễ. Bản thân của Kiệt thì lúc mới nổi tiếng, bao nhiêu bầu show người ta cứ vây mình mời đi hát. Lúc đó còn trẻ, cứ thấy có tiền là nhận luôn, nhưng tới khi xem lại mới thấy có show hát tỉnh này, show khác sang tỉnh kia, di chuyển không kịp thế là bị muộn, tới trễ là phải xin lỗi khán giả ngay.

Nhưng thời đó vì chưa có nhiều điều kiện, người ta khao khát muốn được gặp ca sĩ cho nên có thể là bỏ qua được. Còn bây giờ có quá nhiều phương tiện để xem như trên mạng, tivi, băng đĩa... nên là bắt khán giả ngồi đợi mấy tiếng đồng hồ là họ cảm thấy không được tôn trọng và sẽ có những hành động, lời nói phẫn nộ. Bây giờ Kiệt thấy nhiều nhất là hai, ba show để mình lên hát xong có thể giao lưu với khán giả cho thoải mái, gần gũi. Chứ khán giả mua vé đợi mình mấy tiếng đồng hồ, không lẽ mình hát có hai bài rồi về người ta cũng buồn" - anh nói.

Theo chân ca sĩ Châu Gia Kiệt một đêm diễn tỉnh: Nhọc nhằn, lắm gian nan, nhưng không gì bằng cái vỗ tay của khán giả - Ảnh 10.

Châu Gia Kiệt ngồi trò chuyện cùng những người anh chị đồng nghiệp trong nghề ở khu "cánh gà", cạnh một bãi rác bẩn.

Tôi hỏi, anh có bao giờ gặp trường hợp chèn ép, ca sĩ tới muộn đòi hát trước để chạy show khi đi diễn thế này không. Anh bảo có, nhiều là đằng khác. "Cách đây mười mấy năm trước, ca sĩ nổi tiếng mà tới sau là được ưu tiên hết tất cả, vô giờ nào hát giờ đó. Còn ca sĩ nhỏ cứ ngồi đợi lúc nào trống thì mới được gọi ra hát. Bản thân Kiệt sẽ vui vẻ nhường cho những người phải đi chạy show khác hát trước, nếu sân khấu đó là điểm diễn cuối, không phải chạy nữa. Bởi vì có những người ca sĩ không được nổi tiếng, khi mình đến trễ thì họ hát kéo giúp cho mình. Thì đến khi mình tới mà giành trước của người ta thì kỳ quá".

Đến lượt Châu Gia Kiệt lên biểu diễn, anh tạm cắt ngang buổi nói chuyện để ra sân khấu chào khán giả. Là một trong những ca sĩ hát chính của đêm, nam ca sĩ được khán giả cổ vũ khá nồng nhiệt. Họ liên tục hát theo các ca khúc quen thuộc của anh. Những giọt mồ hôi và nụ cười trên sân khấu mà anh đang hết sức cống hiến vẫn tràn đầy năng lượng như ngày đầu đi hát. Có lẽ như anh nói: "Anh thuộc về những sân khấu ngoài trời". 

rong đêm diễn, ngoài Châu Gia Kiệt là ca sĩ chính còn có Vĩnh Thuyên Kim. Cô đi cùng quản lý - anh Vĩnh Thuyên. Trước khi làm quản lý ca sĩ, anh Vĩnh Thuyên cũng từng tổ chức các show ở nhiều tỉnh thành. Từ kinh nghiệm của mình, anh cũng có một số chia sẻ về những yếu tố rủi ro, đánh đổi trong nghề mà các nghệ sĩ thường gặp phải trong các buổi lưu diễn tỉnh.

Anh có biết về câu chuyện ca sĩ Lưu Chí Vỹ bị khán giả phẫn nộ, đuổi đánh vì đến trễ trong thời gian đó. Theo anh, sự việc lần đó một phần do người bầu show trong clip có những lời lẽ kích động khán giả trước khi Lưu Chí Vỹ đến, nên đã tạo nên tình cảnh hỗn loạn không mong muốn, chứ thực ra để mà đánh đồng văn hóa của khán giả tỉnh như vậy thì không đủ căn cứ. "Thật ra, một số khán giả ở tỉnh quậy phá thường là những đứa nhỏ 13, 14 tuổi chưa biết gì thôi, chứ còn khán giả lớn người ta trân trọng ca sĩ lắm", anh nói.

Quay về việc ca sĩ đến muộn khi đi lưu diễn, anh Vĩnh Thuyên nhận định đó là rủi ro không mong muốn: "Lúc đó ca sĩ như ngồi trên đống lửa chứ không phải ngồi trên xe nữa. Là bầu show điều phối chương trình, anh phải có cái cách để nói thế nào cho người ta thông cảm. Còn ở đây lại kích động khán giả để họ quậy lên, làm lớn chuyện là không đúng".

Không chỉ ca sĩ, bản thân giới bầu show tổ chức các show diễn tỉnh cũng gặp phải nhiều vấn đề, thậm chí là chơi xấu nhau. 

Ví dụ có những trường hợp một đoàn đến trước quảng cáo căng băng rôn lên thì đoàn đến sau lại gỡ băng rôn của người ta xuống. Cạnh tranh bán vé giữa show này với show kia cũng có. Còn về rủi ro dễ thấy nhất ở các bầu show đó là doanh thu bán vé, mà thời tiết thất thường là lo ngại nhất. Chi phí trả cát-sê cho ca sĩ, nhân công trong đoàn cũng là vấn đề lớn. Anh Vĩnh Thuyên còn nhớ có một lần đưa ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim đi hát, cát-sê của cô lấy cho đêm đó là 15 triệu, mà hôm đó cả đoàn nhạc bán vé chỉ được 12 triệu, không đủ trả cho ca sĩ huống hồ là nhân công trong đoàn. Vậy là anh quyết định chỉ giữ 700 nghìn để đổ xăng đi sang tỉnh khác, còn lại chia cho anh em trong đoàn diễn đó.

Tôi hỏi: "Sân khấu biểu diễn không có cánh gà hay bảo vệ đảm bảo an toàn cho khu vực đợi của ca sĩ, theo anh có quá mạo hiểm không nếu có khán giả quá khích hay thành phần gây rối kéo đến?". 

Anh Vĩnh Thuyên nói: "Có một số bầu show người ta có bảo vệ đàng hoàng, còn cũng có nơi bị lỏng lẻo như vậy thì mình cần tự lo cho mình. Chứ bây giờ thực ra khán giả chẳng làm gì khác ngoài muốn chụp hình, muốn xin chữ kí. Do vậy, đôi khi phải chấp nhận rủi ro là về đây có thể bị ảnh hưởng một số sự cố nếu có".

Theo chân ca sĩ Châu Gia Kiệt một đêm diễn tỉnh: Nhọc nhằn, lắm gian nan, nhưng không gì bằng cái vỗ tay của khán giả - Ảnh 14.

Theo chân ca sĩ Châu Gia Kiệt một đêm diễn tỉnh: Nhọc nhằn, lắm gian nan, nhưng không gì bằng cái vỗ tay của khán giả - Ảnh 15.

Hà Khánh Trinh hát mở màn trong lúc đợi khi các ca sĩ chính của chương trình đến biểu diễn.

Đi diễn tỉnh là như vậy, phải chấp nhận với nhiều rủi ro, sự cố trong nghề. Có nhiều khán giả có men rượu trong người xong đi xem chương trình, không thích ca sĩ thì la hét, quậy phá. Ca sĩ nữ biểu diễn có khi còn bị chọc ghẹo hát có những trường hợp động chạm kém văn hóa. Mình chỉ có né thôi, vừa diễn mà cũng vừa sợ. Bầu sô làm khó ca sĩ thì cũng có nhiều lắm như trường hợp anh Lưu Chí Vỹ vừa bị. Nhiều khi mình tới trễ năm mười phút thôi họ cũng kiếm chuyện với mình mà họ đâu có quan tâm đến mình gặp sự cố gì. Nếu ai quá quắt thì không hát cho những người đó thôi. Còn trường hợp những ca sĩ ngôi sao tới hát trước tranh phần mình thì cũng gặp nhiều. Ngôi sao một đêm họ chạy rất nhiều sô còn mình ít sô, chưa có tên thì phải chịu thôi.

- Khổ cực như vậy vì sao chị lại đi theo con đường này? - Tôi hỏi

- Chắc vì yêu nghề hát quá. - Chị cười rồi vội vã chào cả đoàn ra về để kịp di chuyển qua điểm diễn khác.

Đêm diễn kết thúc, chúng tôi nán lại trò chuyện cùng chú Sáu Thạnh, bầu show của đêm diễn, từng có 20 năm kinh nghiệm với nghề tổ chức show ca nhạc ở các tỉnh. 

Chú cho biết, thực ra việc làm show ăn thua là uy tín của bầu show. Nếu bầu giỏi thì sẽ có cách sắp xếp cho ca sĩ biểu diễn hợp lý và xử lý sự cố, kéo thời gian khéo léo. Ví dụ phải liên lạc trước với ca sĩ là đến mấy giờ, đang ở đâu để có cách kéo thời gian chờ ca sĩ đó đến.

Trong nhiều năm làm nghề, đi diễn nhiều tỉnh, chú Sáu Thạnh cũng chưa bao giờ gặp những trường hợp khán giả kém văn minh, bởi uy tín và an ninh các show diễn của mình cũng đã được khẳng định. Chú cho biết, khán giả tỉnh mua vé ở các đêm diễn, ngoài nhìn tên ca sĩ còn phải xem bầu show là ai, để đánh giá uy tín của họ, tránh trường hợp treo đầu dê bán thịt chó. Và đó là uy tín chú đã tạo được sau hai chục năm làm nghề. Chú quan điểm: "Một lần thất tín là người ta sẽ không đến ủng hộ".

Nói về khó khăn của các chương trình ca nhạc bây giờ thì đó là sự bão hòa vì khán giả có nhiều phương tiện để xem quá rồi. Việc trả cát-sê cho ca sĩ đôi khi cũng phụ thuộc vào lượng vé. Có nhiều đêm bán ít vé, ca sĩ họ cũng chủ động bớt lại vì còn làm với nhau lâu dài. Hoặc có khi trời mưa phải hủy show thì đoạn cũng chịu lỗ vì hụt chi phí.

"Cát-sê của ca sĩ ở tỉnh thường sẽ cao hơn các show trong thành phố, vì đi rồi là "chết" một đêm rồi, không có hát chỗ nào được nữa. Cũng tùy theo ca sĩ, ai được khán giả yêu thích nhiều thì phải cao giá hơn khoảng 20 - 30 triệu, hay có người 40 triệu tùy theo", chú nói.

Nhân nói về chi phí, cát-sê đêm diễn, Châu Gia Kiệt có chia sẻ cũng có trường hợp từng gặp bầu show lừa đảo. Ví dụ như hợp đồng 15 triệu đi thì bên đó đưa trước 2 triệu, rồi hứa là lên diễn xong sẽ đưa nốt phần còn lại. Nhưng chưa hát xong bầu show bỏ chạy trốn mất tiêu. Trong đời ca sĩ ai cũng từng có rủi ro như vậy.

Theo chân ca sĩ Châu Gia Kiệt một đêm diễn tỉnh: Nhọc nhằn, lắm gian nan, nhưng không gì bằng cái vỗ tay của khán giả - Ảnh 16.

rên đường về, Châu Gia Kiệt bồi hồi nhớ lại cảnh mười mấy năm về trước -  ngày đầu anh còn là một ca sĩ mới chưa nổi tiếng. Những người hát nhạc trẻ như anh vô trong là cứ phải ngồi đợi để xem có được tới lượt hát không. Có hôm ngồi từ 7 giờ tới 11 giờ đêm không được hát là bình thường, mà có hát thì mới có tiền về ăn hủ tiếu gõ. Lúc nghe bầu sô nói: Thôi bây giờ con về đi, mai có gì con tới sớm rồi chú cho con hát sớm, bước ra về mà nước mắt cứ tuôn trào vì nghĩ "Không hát làm sao có tiền mà ăn cơm?".

"Hồi xưa khác bây giờ lắm. Bây giờ ca sĩ có xe chở tới tận chỗ diễn, tới nơi thì được ở khách sạn. Cách đây mười mấy năm trước, Kiệt nhớ có lần đi hát ở Cần Thơ là cả đoàn đón xe đò xuống, rồi từ Cần Thơ đón xe đi vô trong vùng sâu vùng xa mười mấy cây số, rồi lại phải lên một chuyến đò ghe gì đó mới tới chỗ hát. Đến đó tốt lắm thì ở nhà trọ, nếu không có nhà trọ thì bầu show sẽ xin cho khoảng 4 - 5 người vô nhà dân ngủ ké. Cực khổ nhưng mà vui lắm. Nhớ có lần đi theo một đoàn diễn được bà con tặng quá trời cá, đủ nấu cho cả đoàn ăn, ai cũng vui. 

Nhiều năm làm nghề, mình trải qua hết rồi. Nhiều khi đâu phải đồng tiền là tất cả. Với ca sĩ, việc thay bộ đồ diễn, trang điểm lộng lẫy bước ra sân khấu gặp khán giả để hát một, hai bài, và giao lưu là đủ vui rồi" - Châu Gia Kiệt cười nhớ lại.

Theo chân ca sĩ Châu Gia Kiệt một đêm diễn tỉnh: Nhọc nhằn, lắm gian nan, nhưng không gì bằng cái vỗ tay của khán giả - Ảnh 18.

Châu Gia Kiệt ghé quán cơm bình dân bên vệ đường để dùng bữa tối. Rồi cùng cả đoàn kể tiếp những câu chuyện dang dở, nhớ về những tô mì gõ chắt chiu sau mỗi đêm diễn của ngày đầu vào nghề...