Người dân các nước châu Á ăn gì vào dịp Tết Nguyên Đán?

MH, Mino, Theo Trí Thức Trẻ 23:32 15/02/2018

Tết Nguyên Đán đang cận kề không chỉ Việt Nam mà còn cả những nước châu Á khác. Và các món ăn ngày Tết không chỉ có nhiệm vụ làm no bụng mà còn ẩn chứa những lời ước may mắn trong dịp năm mới.

Tết Nguyên Đán (hay Tết Âm lịch) là dịp lễ tết quan trọng nhất trong năm của một số quốc gia châu Á theo lịch Mặt trăng. Giống như Việt Nam có bánh chưng bánh tét, các quốc gia khác cũng có những phong tục và món ăn ý nghĩa để đón chào năm mới. Dù mỗi nơi mỗi khác nhưng tất cả nghi lễ, phong tục và món ăn ở các nước đều là lời ước nguyện cầu mong một năm mới tốt lành, hạnh phúc.

Hàn Quốc

Mâm cơm ngày Tết của người dân Hàn Quốc thường có đến 20 món. Bên cạnh kimchi hay canh rong biển quen thuộc, món ăn nhất thiết phải có là canh bánh gạo (Tteokguk). Canh bánh gạo gồm phần bánh gạo (tteok) và nước hầm (guk), ngoài ra còn có bánh gạo, trứng thái chỉ, đậu hũ, thịt bò, hành.

Việc ăn canh bánh gạo được suy đoán là có nguồn gốc từ thời cổ đại. Bánh gạo trắng thể hiện sự thanh khiết và sạch sẽ được coi như là một điều may mắn để bắt đầu một năm mới. Bát canh bánh gạo có ý nghĩa mang lại sự may mắn và sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Trung Quốc

Người Trung Quốc quan niệm những món ăn ngày Tết đều có ý nghĩa tiễn những điều không may của năm trước và rước tài lộc may mắn vào nhà.

Sủi cảo là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Trung Quốc. Sủi cảo nhân rau thịt được nặn theo hình các lượng bạc của Trung Quốc. Truyền thuyết kể rằng, càng ăn nhiều sủi cảo, bạn sẽ càng có nhiều tiền trong năm mới.

Mì Trường Thọ cũng là một món ăn truyền thống và quen thuộc tại đây. Món mì này mang lời chúc về tuổi thọ dài lâu, vì vậy những sợi mì đều rất dài và không được cắt ngắn. Mì thường được ăn cùng nước dùng và rau cải.

Mông Cổ

Người Mông Cổ cũng ăn Tết Âm lịch từ mùng 1 đến mùng 3 đầu năm mới. Trong những ngày đầu năm, người Mông Cổ có tục lệ dùng sữa ngựa để rửa sạch bát đũa trong nhà.

Ngoài ra họ còn uống trà và ăn những món ăn được làm từ sữa ngựa. Đây là hành động được coi là có ý nghĩa tẩy sạch những tội lỗi từ năm trước.

Singapore

Với cộng đồng người Hoa đông đảo, Singapore cũng là quốc gia ăn Tết Nguyên Đán. Những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra lễ hội mùa xuân với các sự kiện nổi bật như lễ hội hoa đăng, lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác.

Người dân các nước châu Á ăn gì vào dịp Tết Nguyên Đán? - Ảnh 5.

Mâm cơm ngày Tết của người dân nơi đây không thể thiếu món gỏi Yusheng. Món gỏi này được chế biến theo phong cách Quảng Đông, bao gồm cá sống (thường là cá hồi), trộn với rau củ thái nhỏ và nhiều loại nước sốt kèm gia vị. Yusheng được coi là một biểu tượng của sự phong phú, thịnh vượng và tràn đầy sức sống.

Nguồn: Shanghaiist, Wiki