Người đàn ông ở TP.HCM mất 15 tỷ đồng sau cuộc điện thoại lạ, lúc “tỉnh” ra thì đã quá muộn

Huỳnh Duy, Theo Phụ nữ Mới 21:25 10/02/2024

Vụ lừa đảo khiến người nghe cũng khó hiểu nhưng lại diễn ra trong đời thật làm cho nạn nhân điêu đứng.

Dù Bộ Công an và Công an TP. HCM bằng nhiều hình thức đã cảnh giác người dân phải luôn cảnh giác với những tin nhắn, cuộc gọi từ người lạ nhưng nhiều người vẫn bị lừa. Phổ biến nhất là những chiêu lừa nhắm vào người già, phụ nữ.

Trung tuần tháng 4/2023, cụ ông Đ.T.L. (71 tuổi) nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là công an, thông báo rằng ông L. sẽ bị bắt vì dính vào đường dây tội phạm, sau đó đối tượng gọi video call cho ông xem lệnh bắt giam.

Người đàn ông ở TP.HCM mất 15 tỷ đồng sau cuộc điện thoại lạ, lúc “tỉnh” ra thì đã quá muộn - Ảnh 1.

Vụ việc xảy ra khiến nạn nhân hao tổn về tinh thần, mất mát về tài sản họ dành dụm cả đời. (Ảnh minh hoạ)

Tiếp đó, ông L. nhận được điện thoại qua video của một người đàn ông tự xưng là "Cục trưởng" thuộc Bộ Công an, cho biết do liên quan đến vụ án kinh tế nên cần xác minh tài khoản ngân hàng, yêu cầu nạn nhân kê khai và chuyển tiền.

Hoảng sợ, ông L. chuyển 6 tỷ đồng vào số tài khoản theo hướng dẫn. "Cục trưởng" giả mạo này tiếp tục gọi điện yêu cầu ông L. đi mua điện thoại, SIM mới đăng ký với ngân hàng và không được kể với người thân trong gia đình.

Đối tượng hướng dẫn ông cài ứng dụng “Cổng thông tin điện tử Bộ Công an” để khai báo họ tên, căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, tên đăng nhập, mật khẩu…

Vài hôm sau, ông L. tiếp tục nhận được điện thoại của người này yêu cầu ra ngân hàng chuyển tiền và nạn nhân đã chuyển hơn 8 tỷ đồng cho kẻ lạ mặt.

Sau đó, ông L. thấy không được hoàn trả tiền nên mới kể lại với gia đình. Ngay lập tức, người thân đưa ông L. ra ngân hàng kiểm tra thì mới biết số tiền 15 tỷ đồng đã được chuyển cho 4 tài khoản khác nhau. Nạn nhân đã trình báo vụ việc cho cơ quan công an.

Cẩn thận tránh bị mất tiền oan

Công an TP. HCM khuyến cáo người dân khi nhận được cuộc gọi lạ xưng là người của cơ quan công an, bưu chính, viện kiểm sát phải hết sức cẩn thận. Khi nghi ngờ cuộc gọi lừa đảo cần chấm dứt trả lời những câu hỏi mà đối tượng gặng hỏi.

Đặc biệt, không cung cấp giấy tờ tùy thân, không kết bạn zalo vì dễ nhấp vào đường link chứa mã độc. Công an TP. HCM khẳng định lực lượng chức năng không làm việc qua điện thoại, nếu cần liên hệ công an sẽ gởi giấy mời có mộc đỏ và chữ ký của thủ trưởng.

Đồng thời, người dân cũng cần cẩn thận khi kết bạn với những người lạ mặt trên mạng. Chiêu lừa phổ biến là gửi thùng quà có giá trị cao rồi yêu cầu nộp tiền thuế, phí hải quan. Khi nạn nhân nộp tiền kẻ gian sẽ ngắt kết nối, chặn kết bạn. Ngoài ra, phải hết sức cẩn thận khi tham gia đầu tư vào sàn ngoại hối, tiền ảo, chứng khoán quốc tế…vì khả năng bị rủi ro rất cao.