"Người em" của "Train to Busan": Câu chuyện về người cha siêu anh hùng của đời thường

AT!, Theo Trí Thức Trẻ 14:06 20/05/2018

Nếu điện ảnh Mỹ có biệt đội siêu anh hùng với những nhân vật phi thường thì điện ảnh Hàn cũng sở hữu một người siêu năng lực rất đặc biệt. Đó là một người cha sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để bảo vệ đứa con gái yêu quý của mình trong "Psychokinesis".

Psychokinesis là tác phẩm mới nhất của đạo diễn Yeon Sang Ho, người được biết đến với bom tấn mùa hè 2016 Train to Busan. Các phim của đạo diễn Yeon (bao gồm cả các phim hoạt hình trước Train to Busan) thường có tính viễn tưởng phong phú với sự đầu tư lớn về phần kỹ xảo. Psychokinesis cũng là một bộ phim như vậy, và kinh phí để làm ra tác phẩm này lên tới 13 tỉ won (~274 tỉ VND).

Người em của Train to Busan: Câu chuyện về người cha siêu anh hùng của đời thường - Ảnh 1.

Kịch bản phim là một câu chuyện khác lạ kể về kẻ "dị nhân" tên là Shin Seok Heon (Ryu Seung Ryong), một người đàn ông trung niên tình cờ uống phải một hợp chất lạ từ mảnh thiên thạch rơi xuống Trái đất. Cơ thể của ông dần dần có những biến đổi với những năng lực siêu phi thường như điều khiển đồ vật, có thể bay lượn và sở hữu sức mạnh vô địch.

Tận dụng khả năng đặc biệt đó, ông đã tìm đến cô con gái Roo Mi (Shim Eun Kyung) đang gặp khó khăn để che chở và bù đắp tình cảm. Tại nơi kinh doanh của con gái, Seok Heon đã "tình cờ" xuất hiện như một vị anh hùng cứu thế để cứu giúp những người dân yếu ớt đối đầu với một tổ chức côn đồ hung hãn.

Người em của Train to Busan: Câu chuyện về người cha siêu anh hùng của đời thường - Ảnh 2.

Không gian phim bắt đầu với sự tươi sáng, lan tỏa từ hình ảnh nhộn nhịp của cô chủ nhỏ Roo Mi đến việc học cách thích ứng với sự thay đổi kỳ lạ của Seok Heon. Sự ngô nghê, vụng về và hoang mang xen lẫn thích thú của Seok Heon đã tạo nên tiếng cười và niềm vui thư giãn cho bộ phim.

Tuy nhiên, do kịch bản phim được lấy cảm hứng từ thảm kịch có thật xảy ra tại khu Yongsan, Seoul năm 2009 nên khi diễn biến phim phát triển lên phần cao trào thì khung cảnh của câu chuyện dần trở nên u ám và nặng nề một cách "nghẹt thở". Thế nên, cuộc chiến giữa những tiểu thương kinh doanh với nhóm công nhân của công ty xây dựng Taishen về vấn đề di dời khỏi khu đất quy hoạch đã tạo nên chất tài liệu đậm tính thời sự "khô khan" cho một bộ phim mang tính giải trí.

Người em của Train to Busan: Câu chuyện về người cha siêu anh hùng của đời thường - Ảnh 3.

Kiểu nội dung "nửa nạc nửa mỡ" đan xen giữa đời thực và viễn tưởng, thời sự và giải trí chính là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại phòng vé cho một "bom tấn" được đầu tư kinh phí 13 tỷ won. Cách lồng ghép chất hài hước, hành động vào câu chuyện mang tính chất chính trị, đời thường khiến tình tiết của phim trở nên khó hiểu, khiến khán giả cảm thấy ngột ngạt và căng thẳng trong cuộc chiến thiện ác đầy tính triết lý, giáo dục.

Cốt truyện phim quá đơn giản và dễ đoán, không có nhiều tình tiết cao trào tạo điểm nhấn bất ngờ để phát triển nét đặc trưng riêng cho mỗi nhân vật. Sở hữu những tên tuổi thực lực với các ngôi sao diễn xuất như: Ryu Seung Ryong, Shim Eun Kyung, Jung Yoo Mi, Park Jung Min nhưng khả năng tận dụng và tỏa sáng thực lực của mỗi diễn viên đều bị hạn chế trong một kịch bản rời rạc và thiếu tính logic.

Người em của Train to Busan: Câu chuyện về người cha siêu anh hùng của đời thường - Ảnh 4.

Ryu Seung Ryong không thể làm quá nhiều với diễn xuất của mình khi vào vai một người cha siêu nhân có những khả năng phi thường bộc phát một cách đơn điệu, cảnh diễn hành động thì đơn giản và ít đòi hỏi kỹ thuật. Nhân vật cô con gái của Shim Eun Kyung và nữ phản diện của Jung Yoo Mi là những vai diễn điển hình đại diện cho thiện ác, không có dấu ấn gì quá đặc biệt để phát triển những xung đột gay cấn tạo đột phá cho phim.

Ngoài những mặt hạn chế kể trên thì đây vẫn là một bộ phim đáng xem với phần kỹ xảo được đầu tư kỹ lưỡng, tỉ mỉ trong từng góc quay. Đề tài của phim được khai thác rất khác với mô-típ các phim siêu anh hùng thường thấy khi không quá đề cao chủ nghĩa anh hùng cá nhân, làm nên những điều vĩ mô, lớn lao. Tác phẩm đơn giản chỉ là xây dựng nên một tượng đài siêu nhân gần gũi, thân thuộc qua hình ảnh một người cha nghèo khó, bình dân và biết yêu thương con cái.

Người em của Train to Busan: Câu chuyện về người cha siêu anh hùng của đời thường - Ảnh 5.

Nhân vật Seok Heon như đại diện cho giấc mơ của người dân khốn khó bị dồn vào tình thế khó khăn. Sức mạnh kỳ diệu đó như là mong ước, là công cụ đấu tranh mà con người đặt niềm tin và hy vọng để có dũng khí chiến đấu với sự đàn áp của quyền lực và tiền bạc. Cái kết của phim cũng chính là giấc mơ bình dị mà những người "thấp cổ bé họng" trong xã hội hiện đại khắc nghiệt này khao khát hướng đến.

Phim tạo được sự đồng cảm cho khán giả qua hình ảnh người anh hùng thực dụng, rất đời thường từ xuất thân đến hành động và tình cảm. Tính nhân văn của phim thể hiện ở tình yêu thương của người cha siêu nhân dành cho cô con gái của mình. Seok Heon làm tất cả mọi điều vì con gái, vì Roo Mi là thứ quý giá nhất để ông có đủ dũng khí và sức mạnh làm nên những điều vĩ đại.

Người em của Train to Busan: Câu chuyện về người cha siêu anh hùng của đời thường - Ảnh 6.

Động lực, mục đích của một người cha chỉ đơn giản là vậy. Hạnh phúc không phải là sở hữu được sức mạnh để được giàu sang, quyền lực và đáp ứng tham vọng của bản thân mà là để sẻ chia, quan tâm và chăm sóc cho người thân của mình. Con người làm nên những điều phi thường cũng chỉ để viết nên một kết cục hạnh phúc bên gia đình nhỏ, đầm ấm với những yêu thương chân thành.

Trailer "Psychokinesis"