Người phụ nữ bật dậy giữa đêm vì tài khoản bị trừ hơn 8,8 tỷ đồng rồi lập tức báo cảnh sát: 12 đối tượng bị bắt, ngân hàng phải bồi thường cho nạn nhân

Ánh Lê, Theo Nhịp sống thị trường 18:21 16/04/2024

Người phụ nữ Trung Quốc tá hỏa khi phát hiện tiền trong tài khoản bỗng “bốc hơi” mà không rõ lý do.

Mất  hơn 8 tỷ trong 1 đêm

Đêm khuya ngày 26/8/2016, một người phụ nữ họ Đáo ở Nam Kinh, Trung Quốc đang ngủ thì giật mình tỉnh giấc vì nhận được tin nhắn thông báo trừ tiền của ngân hàng. Theo đó, trong khoảng thời gian 0h19 đến 0h22 rạng sáng ngày 26/8/2016, cô Đáo nhận được 4 tin nhắn từ ngân hàng, thông báo tài khoản ngân hàng của cô đã bị chuyển đi 4 lần. Số tiền bị chuyển đi lần lượt là 990.000 NDT, 999.900 NDT, 499.990 NDT và 54.000 NDT. Tổng cộng là 2.543.890 NDT (hơn 8,8 tỷ đồng).

Để xác định tính xác thực của những tin nhắn này, cô Đáo đã nhanh chóng kiểm tra số dư tài khoản của mình và phát hiện số tiền hơn 2 triệu NDT đã bốc hơi. Trong thẻ chỉ còn lại hơn 800 NDT (hơn 2,7 triệu đồng).

Quá hoang mang trước sự việc trên, người phụ nữ này liền trực tiếp đến đồn cảnh sát Trung Quốc để trình báo rõ ràng sự việc. Trên đường, cô Đáo còn cẩn thận rút 100 NDT (khoảng 350.000 đồng) ở cây ATM gần nhất để chứng minh rằng cô vẫn giữ thẻ ngân hàng vào thời điểm xảy ra vụ việc.

"Chiếc thẻ này luôn nằm trong tay tôi, khi sự việc xảy ra tôi đang ngủ ở nhà. Không hiểu sao tiền lại được chuyển đi như thế", cô Đáo khai với cảnh sát.

Để giúp nạn nhân lấy lại số tiền đã mất, cảnh sát Nam Kinh đã ngay lập tức liên hệ với ngân hàng liên quan để đóng băng tài khoản của cô Đáo và khẩn trương truy tìm tung tích số tiền. Tuy nhiên, do xảy ra sự cố vào rạng sáng nên ngân hàng chưa làm việc. Rõ ràng, “kẻ cắp” xảo quyệt đã cố tình chọn thời điểm rút tiền vào lúc nửa đêm để dễ hành sự và gây khó khăn cho cảnh sát.

Người phụ nữ bật dậy giữa đêm vì tài khoản bị trừ hơn 8,8 tỷ đồng rồi lập tức báo cảnh sát: 12 đối tượng bị bắt, ngân hàng phải bồi thường cho nạn nhân - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Theo suy luận của cảnh sát, nếu cô Đáo vẫn giữ thẻ ngân hàng của mình thì rất có thể, kẻ xấu đã sao chép được thẻ ngân hàng của cô. Trong trường hợp này, nếu kẻ xấu muốn sao chép thẻ ngân hàng thì trước tiên phải lấy trộm thông tin thẻ ngân hàng của người phụ nữ này. Cách thuận tiện nhất để làm điều đó là lợi dụng việc thanh toán bằng thẻ tín dụng của nạn nhân tại máy POS.

Theo hướng này, cảnh sát đã kiểm tra và phát hiện ra rằng cô Đáo từng quẹt thẻ tín dụng tại một nhà hàng ở Tân Nhai Khẩu vài ngày trước đó. Khi tìm đến, cảnh sát cũng nhận được tin 2 nhân viên thu ngân của nhà hàng này đã nghỉ việc ngay sau ngày “quẹt thẻ” cho cô Đáo. Vì vậy, họ đã triển khai kế hoạch theo dõi 2 người này và phát hiện họ đã đến Quảng Châu - trùng với địa điểm số tiền bị ăn cắp được rút đi.

Không bỏ cuộc, cảnh sát nhanh chóng đến Quảng Châu trong đêm. Với sự hỗ trợ của cơ quan công an địa phương, họ phát hiện ra rằng đây là một băng nhóm tội phạm có tới 12 người. Thủ lĩnh của băng nhóm này là một người đàn ông họ Hứa. Quá trình băng nhóm này thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cũng được điều tra làm rõ.

Chân tướng sự việc

Theo đó, đêm ngày 26/8/2016, gã Hứa thuê 2 phòng trong một khách sạn, bố trí mỗi phòng 3 người: một người chịu trách nhiệm quẹt thẻ, một người chịu trách nhiệm chuyển tiền, một người chịu trách nhiệm giám sát. Cùng lúc đó ở ngoài khách sạn, một nhóm 8 người khác thực hiện nhiệm vụ rút tiền.

Những đối tượng này chia thành nhiều nhóm nhỏ đến các cây ATM ở Quảng Châu để rút ​và chuyển tiền vào nhiều tài khoản khác nhau. Sau khi xảy ra sự việc, băng nhóm này phân chia tài sản rồi giải tán. Vì vậy, cảnh sát Nam Kinh đã phải chia lực lượng đến Quảng Châu, Thượng Hải và nhiều nơi khác để bắt giữ từng nghi phạm liên quan đến vụ việc.

Người phụ nữ bật dậy giữa đêm vì tài khoản bị trừ hơn 8,8 tỷ đồng rồi lập tức báo cảnh sát: 12 đối tượng bị bắt, ngân hàng phải bồi thường cho nạn nhân - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Internet

Sau khi bị tóm, kẻ cầm đầu họ Hứa cũng đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Theo lời khai, người này cũng thú nhận đã chỉ đạo 2 nữ nhân viên thu ngân mua máy POS và đánh cắp thông tin thẻ ngân hàng khi khách hàng quẹt thẻ. Sau đó, chúng sao chép và nhân bản thẻ ngân hàng của những người này rồi chiếm đoạt tài sản. Đây không phải là phi vụ đầu tiên mà nhóm đối tượng này thực hiện.

Băng nhóm này sau đó đã bị kết án theo quy định của pháp luật. Kẻ cầm đầu họ Hứa phải hoàn trả toàn bộ số tiền bị đánh cắp cho nạn nhân. Thế nhưng câu chuyện này chưa kết thúc ở đó.

Đến tháng 1/2017, cô Đáo tiếp tục đệ đơn kiện phía ngân hàng liên quan vì cho rằng họ đã không thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tài sản cho mình. Đồng thời, người phụ nữ này cũng yêu cầu ngân hàng bồi thường cho mình 2,54 triệu NDT (hơn 8,8 tỷ đồng).

Vào tháng 2 năm 2017, Tòa án nhân dân quận Tần Hoài, Nam Kinh đã đưa ra phán quyết sơ thẩm: ngân hàng phải bồi thường cho cô Đáo số tiền thiệt hại là 2,54 NDT và trả lãi tương ứng. Phí thụ lý vụ án sẽ giảm một nửa và do ngân hàng chịu.

Qua vụ việc này, tòa án cũng cho rằng ngân hàng này cần kịp thời khắc phục các lỗ hổng kỹ thuật để ứng phó với hiện tượng làm giả, sao chép thẻ ngân hàng, đồng thời thực hiện nâng cấp và chuyển đổi công nghệ để bảo vệ sự an toàn cho tiền của người gửi tiền.

Ngoài ra, dù chủ thẻ không có lỗi trong các trường hợp trên nhưng vẫn cần cảnh giác hơn, tăng cường đề phòng, thận trọng lưu giữ mật khẩu giao dịch và thông tin cá nhân khi thực hiện tiêu dùng thẻ, thanh toán trực tuyến, rút ​​tiền tự động…

Điều quan trọng nhất là khi phát hiện tiền bị rút bất thường, nên báo cáo vụ việc với chính quyền địa phương càng sớm càng tốt, đồng thời liên hệ kịp thời với ngân hàng để báo mất thẻ, tránh thiệt hại thêm. Những nạn nhân trong hai vụ án trên là ví dụ điển hình nhất.

Theo Tân Hoa Xã