Chuyện của những đôi chân khổng lồ: Cuộc sống như địa ngục của hàng triệu người mắc bệnh chân voi

Nostalgia Spiderum, Theo Thời Đại 00:00 17/10/2017

Gần một nửa dân số của Congo đang có nguy cơ mắc phải bệnh chân voi. Căn bệnh này có thể khiến các bộ phận cơ thể sưng to một cách bất thường, khiến cho bệnh nhân không chỉ đau đớn mà còn vô cùng xấu hổ.

Nỗi bất hạnh của bệnh nhân chân voi

Trước đây, Bafimbo Baudoin luôn tự tin về ngoại hình của mình, ông thường mặc những bộ vest đẹp, đeo kính râm, đội mũ sặc sỡ và đi lại trong làng. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi kể từ 3 năm trước khi ông bắt đầu phải vật lộn với bệnh chân voi. Căn bệnh biểu hiện ra khi vùng háng của Bafimbo Baudoin bị phình to và ông luôn phải cố gắng để che giấu nó.

"Đôi khi, tôi không thể đi lại một cách bình thường bởi các khối thịt này ngày một sưng to hơn và làm tôi thật đau đớn", người đàn ông 62 tuổi ngậm ngùi bên ngoài phòng khám. Tình trạng của Baudoin được cho là do giun ký sinh gây ra, loài này truyền bệnh cho con người thông qua các vết muỗi đốt. Những ký sinh trùng thường trú ẩn ở các mạch bạch huyết trong cơ thể, và sinh sôi nảy nở thêm qua nhiều năm. Điều này làm cho hệ thống bạch huyết bị tắc nghẽn, dẫn đến việc các bộ phận của cơ thể bị sưng tấy.

Chuyện của những đôi chân khổng lồ: Cuộc sống như địa ngục của hàng triệu người mắc bệnh chân voi - Ảnh 1.

Ông Bafimbo Baudoin, người mắc bệnh chân voi, vẫn ăn mặc đẹp để cố gắng tạo ấn tượng.

Hơn 1 tỷ người tại 54 quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở những vùng nhiệt đới là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh chân voi này. Theo số liệu gần nhất của Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 120 triệu người đã bị nhiễm bệnh trong năm 2000.

Phù nề vùng tinh hoàn như trường hợp của Baudoin được cho là một triệu chứng phổ biến của bệnh. Không chỉ có Baudoin, 25 triệu người trên thế giới cũng có biểu hiện tương tự, tuy nhiên, mọi người lại ít quan tâm đến triệu chứng này. Nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, bệnh chân voi có thể khiến người bệnh không thể lao động, hoặc tệ hơn là gây tử vong. Vô hình trung, nó sẽ cách ly họ khỏi gia đình và bạn bè. Đối với nam giới, họ có thể sẽ buộc phải cắt bỏ tinh hoàn.

Chuyện của những đôi chân khổng lồ: Cuộc sống như địa ngục của hàng triệu người mắc bệnh chân voi - Ảnh 2.

Những người phụ nữ tại Haiti bị phù chân, một biểu hiện của bệnh chân voi.

Những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh

Trong hai thập kỷ qua, nhiều biện pháp tiên tiến đã được áp dụng nhằm theo dõi và kiểm soát bệnh chân voi ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, ở các vùng nhiệt đới Châu Phi, đặc biệt là Cộng hòa Dân chủ Congo, việc theo dõi bệnh dường như vẫn chưa đủ. Gần 40 triệu người Congo có nguy cơ mắc bệnh chân voi, trong đó, chỉ có 30% trong số đó được điều trị bằng thuốc phòng chống bệnh vào năm 2015. Tiến sĩ Belén Pedrique, chuyên gia y học nhiệt đới cho biết: "Tôi không nghĩ rằng, chúng ta thực sự biết được tính nguy hiểm của vấn đề".

Ngay cả khi người dân ở Congo có sẵn các loại thuốc điều trị và nỗ lực trong việc phòng bệnh, các biện pháp này vẫn chỉ đang tập trung vào việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh, chứ không phải chữa bệnh. Những bệnh nhân của căn bệnh quái ác này cần những phương pháp điều trị có thể tiêu diệt loài giun ký sinh trùng đang trú ẩn trong cơ thể họ và để làm giảm việc sưng tấy các bộ phận trên cơ thể. Hiện tại, y học thế giới vẫn chưa có cách nào làm đảo ngược quá trình biến dạng của chân và cánh tay bệnh nhân.

Chuyện của những đôi chân khổng lồ: Cuộc sống như địa ngục của hàng triệu người mắc bệnh chân voi - Ảnh 3.

Những dân cư của Uma đang đứng ở phía ngoài một phòng khám nhỏ trong làng.

Baudoin đã dùng thuốc tẩy giun, tuy nhiên, loại thuốc này không thể diệt được ký sinh trùng trong hệ thống bạch huyết của mình, mà chỉ giúp phòng ngừa sự hình thành việc sản sinh của ký sinh trùng mới trong máu. Điều này đơn giản chỉ ngăn chặn quá trình truyền bệnh do muỗi. Ví dụ như Baudoin, ông chỉ có 2 sự lựa chọn: Bỏ tiền ra phẫu thuật hoặc không phẫu thuật. Vùng bị phù có thể được phẫu thuật để cắt bỏ. Nhưng thật không may, Baudoin không có 100 USD (khoảng 2,2 triệu đồng) để điều trị.  

Những người mắc bệnh chân voi thường là những người có cuộc sống khó khăn và luôn phải sống trong nỗi tủi nhục. Một số người không thể ra khỏi nhà bởi các bộ phận bị sưng tấy nặng nề. Một số bệnh nhân khác thậm chí còn cố tình trốn tránh nỗi xấu hổ bằng cách tự huyễn hoặc mình rằng, đây là một vận may. Tiến sĩ Pedrique nói: "Vấn đề chính của căn bệnh này là sự kỳ thị của xã hội và sự đau đớn cũng như hạn chế đối với những người mắc bệnh".

Chuyện của những đôi chân khổng lồ: Cuộc sống như địa ngục của hàng triệu người mắc bệnh chân voi - Ảnh 4.

Hai bệnh nhân ở Uma bị mắc bệnh chân voi đang chờ đợi đội tình nguyện để được cứu trợ.

Năm 2000, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động Chương trình Toàn cầu về Xoá bỏ Bệnh giun ký sinh bạch huyết, với sự giúp đỡ của các cơ quan y tế công cộng, các công ty dược phẩm và các nhà tài trợ từ thiện. Những nhóm nước có nguy cơ mắc cao được cấp thuốc tẩy giun miễn phí, hoặc mua với giá tiền rẻ nhất, mỗi năm một lần và trong nhiều năm. Tại Congo, các loại thuốc được phát miễn phí cho người dân. Các tình nguyện viên cộng đồng sẽ trực tiếp đi vào các khu vực hẻo lánh để giúp đỡ. Một phần khác của chiến lược là ngăn ngừa muỗi truyền nhiễm cắn người, bằng cách phun thuốc muỗi đều đặn.

Mặc dù các phương pháp phòng ngừa và điều trị hiện nay vẫn cần nhiều năm để cho thấy kết quả rõ rệt, tuy nhiên, kế hoạch đã có những thành công nhất định. Điển hình là quốc đảo Tonga ở Thái Bình Dương, đây là quốc gia đầu tiên cho thấy tín hiệu lạc quan trong việc loại trừ bệnh chân voi.

Chuyện của những đôi chân khổng lồ: Cuộc sống như địa ngục của hàng triệu người mắc bệnh chân voi - Ảnh 5.

Một bác sĩ đang khám bệnh cho Baudoin để kiểm tra xem ông có đồng thời mắc bệnh sâu mắt hay không.

Tuy nhiên, ở Congo và 9 quốc gia Trung và Tây Phi khác, người dân còn phải đối mặt với một căn bệnh nhiễm khuẩn khác, đó là Loiasis, bệnh sâu mắt châu Phi. Một trong những loại thuốc quan trọng dùng để chữa bệnh chân voi có thể gây ra một số trường hợp tổn thương não, hôn mê hoặc tử vong ở những người đang nhiễm bệnh sâu mắt. Pedrique cho biết: "Cơ chế bệnh dịch ở Châu Phi rất phức tạp, vì bạn phải kiểm tra tất cả các căn bệnh nhiễm trùng cùng lúc".

Như vậy, có vẻ như Congo và các quốc gia khác sẽ phải chờ đợi cho tới năm 2020, để diệt được căn bệnh này. Trong những năm sau, các loại thuốc mới, hay sự kết hợp các loại thuốc hiện có theo nhiều cách tiên tiến khác, có thể sẽ hiệu quả hơn trong việc chống lại bệnh người voi. Hiện nay, các chuyên gia đang kêu gọi bổ sung nguồn tài trợ quốc tế để tăng số lượng phân phối thuốc đại chúng ở Congo và các nước khác, từ mỗi năm một lần lên hai lần một năm.

Chuyện của những đôi chân khổng lồ: Cuộc sống như địa ngục của hàng triệu người mắc bệnh chân voi - Ảnh 6.

Những dân cư Uma đang trên đường đi khám bác sĩ.

Tuy nhiên, cuối cùng thì những hỗ trợ này có thể sẽ không chấm dứt được nỗi đau của Bafimbo Baudoin. Phẫu thuật miễn phí cho khối phình tại vùng háng của ông là hy vọng duy nhất để cứu rỗi người đàn ông này. "Ước muốn của tôi là có đủ tiền để được bác sĩ chữa trị" ông nói. "Tôi cảm thấy rất đau đớn và xấu hổ".