Những "em bé" của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường

Trang Đỗ, Theo Tổ Quốc 07:48 08/12/2023

Mỗi mùa Wechoice Awards đi qua, những câu chuyện tử tế, đáng yêu của các thiên thần bé nhỏ vẫn luôn khiến hàng triệu người xúc động nghẹn ngào.

"Cậu bé xếp dép" và câu chuyện cổ tích giữa lòng TP.HCM

Đầu năm 2017, hình ảnh cậu bé 4 tuổi mang chiếc áo xám cũ sờn, đôi dép to quá khổ, đầu đội chiếc mũ lưỡi trai xếp dép gọn gàng cho các bé mầm non khác đi dã ngoại đã làm xôn xao không ít trái tim của cộng đồng mạng với từ khóa "cậu bé xếp dép".

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 1.

Hình ảnh cậu bé xếp dép đã làm lay động trái tim của hàng triệu người

Hoàn cảnh khó khăn khiến cậu bé không được đến trường như các bạn. Mà thay vào đó, Nguyễn Danh Thành Đạt phải theo mẹ đi lượm ve chai kiếm sống khắp nẻo đường, phố nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng trong một khoảnh khắc, hành động vô tư, đáng yêu khi em đứng nhìn các bé mầm non khác được nhà trường đưa đi tham quan và xếp lại những đôi dép không thẳng hàng đã được chụp lại, chia sẻ trên Facebook.

Anh Nghĩa Phạm - người chụp và đăng tải hình ảnh mẹ con bé Đạt lên mạng xã hội, ban đầu không muốn công khai danh tính của mình. Vì đơn giản khi chia sẻ câu chuyện của Đạt, bản thân anh Nghĩa cũng không lường trước việc, mạng xã hội dậy sóng đến như thế.

Cậu bé vô tư xếp dép thật ngay ngắn cho các bạn học sinh mầm non khác đang đi dã ngoại

Rất may, là theo một chiều hướng tích cực, chính hành động ngây thơ đẹp đẽ của bé Đạt đã chạm tới trái tim của cộng đồng và kéo theo loạt hiệu ứng nhân ái khác xoay quanh, giúp đỡ, hỗ trợ cho em có cơ hội được cắp sách đến trường.

6 tuổi, Đạt vào lớp 1. Một ngôi trường ở Bình Dương đã đồng ý nhận em và miễn phí toàn bộ học phí của 12 năm học. Nhờ tình thương của những người xa lạ, cuộc đời Đạt và mẹ bước sang trang mới, tươi sáng hơn, bớt nhọc nhằn hơn.

Nụ cười rạng ngời của Đạt ngày được đi học

"Cậu bé xếp dép" hay "Cậu bé ve chai" ngày nào giờ đây đã thôi không khóc vì tủi thân, em được đi học tử tế. Mẹ em cũng có công việc đàng hoàng, đủ để cho em tiếp tục lớn lên, ngoan ngoãn và đáng yêu như bây giờ.

Nhớ lại câu chuyện khi ấy, anh Nghĩa Phạm chia sẻ: "Mới đầu, tôi thấy bé đứng ngó các bạn đi dã ngoại, rồi bé xếp gọn gàng từng đôi dép của các bạn. Bắt được khoảnh khắc ấy tôi đưa cho vợ mình xem. Cô ấy bật khóc. Chúng tôi tự hỏi, sao một đứa bé mới 5 tuổi lại có hành động dễ thương đến thế. Trong khi con mình, hàng ngày được cô giáo hướng dẫn ở trường, về nhà bố mẹ dạy thêm lần nữa, thì phải đến một thời gian dài mới ý thức được như thế".

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 4.

Anh Nghĩa Phạm - người đã chụp lại được khoảnh khắc quý giá, giúp thay đổi cuộc đời của mẹ con bé Đạt

Chuyển sang phòng trọ mới khang trang hơn, chị Nguyễn Thị Phương Linh (mẹ bé Đạt) vẫn trằn trọc mãi không ngủ. Thậm chí sau 3, 4 tháng, chị không nghĩ điều tuyệt vời này xảy đến với mẹ con chị. Mọi chuyện cứ như một giấc mơ vậy, một giấc mơ mà chị không bao giờ dám mơ.

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 5.
Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 6.

Mẹ con bé Đạt có cuộc sống mới sau khi nhận được sự giúp đỡ của cả cộng đồng

Với tinh thần sống lạc quan, sự sẻ chia và tử tế, câu chuyện về anh Nghĩa Phạm và cậu bé xếp dép Thành Đạt đã được bình chọn là 1 trong 5 đại sứ truyền cảm hứng WeChoice Awards 2018 - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, kể những câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng.

Hải An - Em bé thiên sứ 7 tuổi hiến giác mạc sau khi qua đời

Sáng 22/2/2018, đường dây nóng của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (gọi tắt là Trung tâm Điều phối tạng) bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ chị Nguyễn Trần Thùy Dương (33 tuổi, ở thôn Tân Mỹ, Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thông báo con gái chị là bé cháu Hải An mới 7 tuổi, 3 tháng đang trong tình trạng hôn mê do u cầu não xâm lấn. Gia đình có nguyện vọng hiến tặng nội tạng của cháu cho những bạn nhỏ khác đang bị bệnh chờ ghép tạng, muốn sẽ được nghe tiếng trái tim của con gái mình còn đập trong lồng ngực một bạn trẻ nào đó…

Nhưng rất tiếc, chỉ những người từ 18 tuổi trở lên mới có thể hiến tặng nội tạng khi còn sống hoặc sau khi chết não, mà trong trường hợp này, bé Hải An không phải là chết não nên Trung tâm không thể tiếp nhận nội tạng được. Tuy nhiên, nếu không may bé không qua khỏi, việc hiến tặng giác mạc có thể được tiếp nhận.

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 7.

Hình ảnh Hải An - thiên sứ 7 tuổi vẫn còn sống mãi trong trái tim mọi người

14h52 phút cùng ngày, chị Thùy Dương nghẹn ngào gọi lại, thông báo với Trung tâm điều phối tạng về việc cháu Hải An đã qua đời. Ngay lập tức, Trung tâm đã xử lý thông tin, cùng kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt Trung ương tới nhà riêng của cháu Hải An để tiếp nhận giác mạc theo tâm nguyện của gia đình và của cháu, sau khi đã hoàn tất các thủ tục pháp lý. 17h15 phút, việc lấy giác mạc được hoàn tất và xác định 2 giác mạc trong tình trạng tốt.

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc cho biết, bé Hải An sinh ngày 7/1/2010. Cháu phải nhập viện ngày 15/1/2018 và được các bác sĩ của Bệnh viện K xác định bị u cầu não có xâm lấn. Suốt những ngày con nằm viện, chị Thùy Dương đã xin nghỉ việc để đồng hành cùng con, động viên con điều trị bệnh. Khi biết tình trạng sức khỏe của cháu Hải An, trong những ngày cháu điều trị bệnh chị Thùy Dương đã nhiều lần trò chuyện cùng con gái về việc hiến tặng nội tạng cho người bị bệnh.

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 8.

Hải An luôn vui vẻ, lạc quan chiến đấu với bệnh tật

Bé Hải An đã rất vui vẻ và đồng ý hiến tặng nội tạng sau khi qua đời. Vì thế, sau bao nỗ lực chờ đợi phép màu với bé nhưng không thể, gia đình đã làm theo tâm nguyện của Hải An.

Người mẹ trẻ đã đặt nụ hôn lên trán cô bé vừa dũng cảm chiến đấu với bệnh tật đã từ giã cõi đời với lời âu yếm "Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé" và khi công việc tiếp nhận giác mạc kết thúc, chị ngắm con trong nỗi đau chen cả niềm tự hào: "Mẹ tự hào về con".

Câu chuyện về thiên sứ Hải An cùng nghĩa cử cao đẹp của mẹ em đã lay động trái tim của hàng triệu người dân cả nước. Đặc biệt, khi "bé Hải An và mẹ" được bình chọn là 1 trong 5 đại sứ truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2018 và hành trình của 2 mẹ con được kể lại một cách đầy xúc động trên sân khấu của Gala WeChoice Awards 2018. Ngồi dưới hàng ghế khán giả và được nghe lại toàn bộ câu chuyện về Hải An, bất cứ ai cũng đã không thể kìm lòng mà rơi nước mắt.

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 9.

Tiết mục múa An tại Gala WeChoice Awards 2018 kể lại hành trình ý nghĩa của thiên sứ Hải An

Trên sân khấu của Gala WeChoice Awards 2018, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cũng đã có mặt. Ông Phúc cùng với bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương chính là những người tiếp xúc nhiều nhất, cảm nhận rõ nhất sự lan truyền của ngọn lửa ấm áp Hải An đến với cộng đồng. Hơn 2300 lá đơn hiến tạng và những bộ phận trên cơ thể đã được gửi đi tính đến tháng 4/2018 chính là bằng chứng rõ ràng nhất về ngọn lửa cảm hứng mà Hải An lan tỏa.

Ông Phúc chia sẻ: "Trong khoảnh khắc nỗi đau tột cùng, chị nói con không qua khỏi, muốn nghe ánh mắt nụ cười con đâu đó trên cuộc đời này. Chúng tôi lặng đi. Gần 1 năm trôi qua, bé để lại 2 giác mạc cho 2 con người khác, lớn hơn cả, còn nhiều hơn như thế.

Ai trong đời sinh ra cũng có sứ mệnh. Hải An tuy sống đời ngắn ngủi nhưng trọn vẹn, đem đến sự yêu thương, hạnh phúc, để cuộc đời còn đó nhiều sự kỳ diệu.

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 11.

Ngay sau sự kiện của bé Hải An, cộng đồng xã hội có 1 sự thay đổi lớn. 2018 chúng ta có hơn 190 người hiến tặng giác mạc, trong khi 2017 chỉ có 70 người. Cả nước năm 2013 không ai hiến tặng mô/tạng, 2014 cả nước có 265 người, 2017 cả nước có 5.100 người. Sau bé Hải An, chỉ trong 5 tháng, số lượng đó vượt qua nguyên con số của năm 2017. Kết thúc 2018, xấp xỉ có 20.000 người đăng ký hiến tặng mô/tạng.

Với mỗi tấm thẻ đăng ký hiến mô/tạng, nếu một ngày nào đó chúng tôi qua đời, 1 phần cơ thể sẽ để lại cho cuộc đời...".

"Cậu bé tí hon" và vòng tay yêu thương, chăm sóc của thầy hiệu trưởng nơi rẻo cao

Dù cuộc sống có bộn bề thế nhưng chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh của cậu học sinh tí hon với nụ cười luôn thường trực trên môi Đinh Văn K-rể cùng người thầy hiệu trưởng tận tuỵ, hết mực yêu thương ở ngôi trường Trường Tiểu học bán trú Sơn Ba.

Từ ngày mới sinh ra, em Đinh Văn K-rể (thôn Gò Da, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) đã mắc một hội chứng hiếm gặp là Seckel (người lùn, đầu chim). Căn bệnh lạ chỉ mới ghi nhận được 10 trường hợp trên thế giới khiến cậu bé khi ấy dù đã 9 tuổi nhưng chỉ nặng chưa đầy 4 kg, cao vừa 60 cm.

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 12.

Thầy giáo Đặng Văn Cương và tình thương cũng như cách thầy dạy dỗ, bảo ban "cậu bé tí hon" Đinh Văn K'rể thực sự là một câu chuyện cổ tích giữa đời thường

Có lẽ cậu bé ấy sẽ chẳng được đến lớp, chẳng được vui chơi cùng bạn bè cho đến khi em gặp được thầy Đặng Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học bán trú Sơn Ba. Thầy Cương gặp K-rể trong 1 lần tới thôn Gò Da vận động học trò đến trường. Khi ấy, thầy Cương nói với gia đình cậu bé rằng hãy cứ nuôi đi, đến khi bé đủ tuổi đi học thì đưa đến trường của thầy, nếu bé ở với thầy được một ngày, thầy sẽ nuôi.

Câu chuyện cổ tích của thầy Cương và K-rể đã bắt đầu như thế. Và rồi 4 năm sau đó (vào năm 2016), K-rể đã được bố mẹ đưa đến Trường Tiểu học bán trú Sơn Ba cùng thầy Cương. Tại trường, K-rể được thầy dạy dỗ, chăm sóc, dạy cho em từng con chữ đến kỹ năng sinh hoạt.

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 13.

Ánh mắt ngập tràn hạnh phúc của K-rể khi được đến trường

Vào thời điểm đến trường, K-rể dù đã 9 tuổi nhưng vì căn bệnh của mình nên em phải theo học lớp Một. Với thầy Cương, trong 2 năm K-rể ở đây, sự tiến bộ của em thầy không đong đếm bằng học lực mà bằng sự hòa nhập cùng những kỹ năng sinh hoạt hàng ngày.

Thầy Cương kể thêm, trong 2 năm K-rể ở cùng thầy, cuối tuần nếu em không về nhà cùng gia đình thì thầy đều đưa em về nhà thầy cùng vợ con. Vợ và con của thầy Cương tiếp xúc nhiều với K-rể cũng rất quý mến em, đã từ lâu coi em như một người trong gia đình.

Câu chuyện cổ tích giữa đời thường của thầy giáo Đặng Văn Cương và cậu học trò tí hon Đinh Văn K-rể đã được bình chọn là 1 trong 10 nhân vật truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2018, giúp lan toả tinh thần nhân văn, sự tử tế đến hàng triệu người.

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 14.

Cuộc sống bình yên và hạnh phúc của K-rể cứ thế tiếp diễn, vậy nhưng vào ngày 9/11/2020, cậu học trò tí hon Đinh Văn K'Rể đã qua đời sau 1 cơn đột quỵ bất ngờ, để lại bao sự tiếc thương trong lòng những người luôn dõi theo cậu.

Mặc dù K-rể đã ra đi nhưng câu chuyện xúc động về tình thầy trò; dáng vẻ tí hon, gương mặt nhí nhảnh cùng thái độ sống tích cực, yêu đời của K-rể vẫn khắc sâu trong trái tim mọi người.

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 15.

Thầy Cương và K'rể cùng tham dự đêm Gala WeChoice Awards 2018

Cậu bé dân tộc Vì Quyết Chiến đạp xe 100km xuống Hà Nội thăm em

Cuối tháng 3/2019, câu chuyện về cậu bé dân tộc Vì Quyết Chiến (13 tuổi) đạp xe 100km xuống Hà Nội thăm em đã lấy nước mắt và nhận được sự cảm phục của hàng triệu người. Em trai của Chiến là Lực. Bé Lực nhập viện Nhi Trung ương lúc mới chào đời 2 ngày, sinh non 1 tháng, viêm gan do rối loạn chuyển hoá, viêm phổi, vàng da ứ mật, suy dinh dưỡng cấp, tình hình không mấy khả quan. Để chăm con tại bệnh viện, bố mẹ Chiến là anh Vì Văn Nam và chị Hà Thị Sâm phải để 2 con đầu ở lại cùng ông bà nội.

Từ khi bố mẹ đưa em xuống Hà Nội, Chiến chỉ biết thông tin về bệnh tình của em qua những cuộc điện thoại nhanh vội của mẹ. Chiến chưa đi Hà Nội bao giờ, Chiến chỉ biết em Lực đang được nuôi lồng kính ở đó.

Trưa 25/3, đi học về, Chiến nghe được cuộc hội thoại giữa ông nội và mẹ. Lực ốm nặng, bệnh tình chuyển biến xấu. Chị Sâm dặn gia đình chuẩn bị bộ áo quan hậu sự nhỏ, đi mua một quả trứng luộc, chuẩn bị thắp hương cho Lực. Nằm trên ghế, Chiến ôm mặt khóc nức nở. Chiến chưa bao giờ được nhìn thấy mặt em trai, từ ngày Lực sinh ra đều nằm viện. Suốt từ đó, Chiến cứ hy vọng, quyết tâm xuống gặp em Lực.

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 16.

Vượt những cung đường Tây Bắc ngoằn ngoèo và những khúc cua tay áo hiểm trở, Chiến vượt qua 15 con dốc lớn với quãng đường 103km trước khi ngất xỉu ở Hoà Bình và được anh Lê Công Huy cùng nhóm bạn cho quá giang lên Hà Nội… Chiến gặp được em trai tại bệnh viện

"Em sợ em trai mất nên muốn xuống Hà Nội. Em không biết Hà Nội ở đâu, nhưng nhớ em quá, chưa bao giờ 2 anh em được nhìn mặt nhau". Chiến cất cặp sách vào bàn, xin ông nội 10 nghìn giả vờ xuống trạm ăn quà, nhưng thực chất cậu băng qua đường bản Bướt, lén tìm cách ra quốc lộ 6, hướng thẳng Hà Nội.

Chiến đạp một mạch không nghỉ, không mệt, không đói. 5 tiếng trôi qua, đi qua 15 con đèo lớn nhỏ, Chiến mệt lả ở Hoà Bình. Không biết đường, cậu bé cứ chọn tuyến đường lớn mà đi, đoạn nào không biết thì hỏi. Đôi chân sưng vù, hai chiếc dép rách bươm. Mỗi lần đổ dốc hay qua đoạn đường khúc khuỷu, cậu bé phải lấy chân làm phanh "bất đắc dĩ", mùi dép chảy nhựa "khét lẹt" bốc lên. Đoạn nào khó đi, Chiến xuống xe dắt bộ.

"Em có sợ nguy hiểm chứ, nhưng nghĩ đến em trai thì sợ hãi bay đi đâu hết luôn. Em đi hướng bên phải, bám ven đường, nhìn trước nhìn sau mới đi. Có đoạn em mệt quá bị ngất, một chiếc xe khách đi qua tưởng em bị tai nạn, họ xuống hỏi xin số điện thoại bố mẹ em. Các chú mới gọi cho bố. Nếu không gặp xe đó, em dự định đạp tiếp, chưa nghĩ về sau sẽ như nào..." - Chiến kể.

Câu chuyện về cậu bé Vì Quyết Chiến được một bác sĩ điều trị cho em trai đăng tải trên mạng xã hội đã làm hàng triệu người phải "ngả mũ" trước sức mạnh kỳ diệu từ trái tim người anh. Cảm động câu chuyện em Chiến 13 tuổi đạp xe đạp hơn 100 km thăm em bị bệnh, nhiều tấm lòng hảo tâm đã tìm đến động viên em và gia đình.

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 17.

Hình ảnh cậu bé nhỏ thó nhưng lại có lòng dũng cảm và tình thương vô bờ bến với em trai mình

Với tinh thần dũng cảm và câu chuyện quá đỗi xúc động của mình, Vì Quyết Chiến đã xứng đáng được bình chọn là 1 trong 5 đại sứ truyền cảm hứng của WeChoice Awards 2019.

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 18.
Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 19.

Thường ngày, Chiến chăm chỉ phụ giúp gia đình

Chuyện về Nguyễn Nguyệt Linh và lễ khai giảng không bóng bay mang tên mình

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng quá nhiều túi nylon và rác thải nhựa, vào năm 2019, Nguyễn Nguyệt Linh - học sinh lớp 6 của Trường Marie Curie (Hà Nội) đã mạnh dạn viết email gửi tới hơn 40 trường học ở Hà Nội kêu gọi ngừng thả bóng bay trong lễ khai giảng.

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 20.

Chân dung Nguyệt Linh - cô nữ sinh đã dũng cảm viết thư cho hơn 40 trường ở Hà Nội đề nghị không thả bóng bay trong ngày khai giảng

Bức thư được Nguyệt Linh viết dưới dạng thư điện tử và gửi tới hơn 40 trường học ở Thủ đô đề nghị không thả bóng bay trong ngày lễ khai giảng sắp tới. Bức thư ngắn gọn nhưng khiến nhiều người lớn phải suy nghĩ. Trong thư, Nguyệt Linh trình bày lý do không nên thả bóng bay trong ngày khai giảng với lập luận dựa trên kiến thức mà em tìm hiểu được.

"Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng, nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nylon tức là nhựa, và khi thả bóng bay các chú chim hay động vật khác nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói.

Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú rùa biển và các sinh vật biển sẽ bị nhầm với sứa. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết", Nguyệt Linh viết.

Hưởng ứng bức thư kêu gọi không thả bóng bay của em Nguyễn Nguyệt Linh, trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (Hà Nội) đã cắt bỏ tiết mục thả bóng trong lễ khai giảng ngày 5/9. Thay vào đó, học sinh sẽ ghi những ước mơ lên giấy màu rồi dán trong lớp học, như một cách nhắc nhở các em phấn đấu học tập và lưu giữ kỷ niệm.

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 21.

Cũng rất đồng tình với nữ học trò, thầy Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng trường Marie Curie) cho biết, trong lễ khai giảng năm học sắp tới, trường Marie Curie, Hà Nội cũng sẽ không thả bóng bay lên trời, như mong muốn của Nguyệt Linh. "Thầy hy vọng việc làm có ý nghĩa tốt đẹp của thầy trò chúng ta sẽ được nhiều nơi hưởng ứng" - Thầy Nguyễn Xuân Khang viết trong thư cho cô học trò của mình.

Lễ khai giảng năm học 2019 - 2020 cũng được đặt là "Lễ Khai Giảng Nguyệt Linh" để ghi nhận ý kiến tuyệt vời của cô học trò nhỏ. "Thầy hy vọng việc làm có ý nghĩa tốt đẹp của thầy trò chúng ta sẽ được nhiều nơi hưởng ứng. Thầy hạnh phúc vì con!".

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 22.

Nguyệt Linh đã từng nhiều lần kêu gọi hành động vì môi trường

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Nguyệt Linh kêu gọi hành động vì môi trường. Trước đó, em từng dự thi chương trình mang tên Green Leader với bài viết "Trẻ em nói không với rác thải nhựa". Trong đó, Linh sử dụng những hình ảnh phản ánh thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra. Những con số thống kê như Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia có lượng rác thải nhựa lớn nhất thế giới; mỗi gia đình Việt thải ra môi trường hàng chục triệu túi nilon mỗi ngày, hay Hà Nội chính là nơi "dẫn đầu" cả nước về rác thải… thực sự khiến người xem phải suy nghĩ.

Cổng đề cử của WeChoice Awards 2023 sẽ chính thức mở từ ngày 18/12/2023 tại website: wechoice.vn. Hãy gửi đến chúng tôi những nhân vật, những câu chuyện mang đậm tinh thần dám sống vì đam mê - dám cháy rực rỡ với khát vọng của mình.

WeChoice Awards - Giải thưởng thường niên do Công ty cổ phần VCCorp tổ chức, với mong muốn tôn vinh những con người, câu chuyện truyền cảm hứng nhất, những sự kiện, sản phẩm và công trình có ý nghĩa với cộng đồng.

Mùa thứ 8 với chủ đề "Dám đam mê, Dám rực rỡ", WeChoice Awards 2023 vẫn sẽ là nơi tìm kiếm và lan tỏa những nguồn cảm hứng tích cực thông qua hệ thống giải thưởng đa dạng, đặc biệt là giải thưởng quan trọng nhất: Nhân vật Truyền cảm hứng, bao gồm 10 Nhân vật Truyền cảm hứng và 5 Đại sứ Truyền cảm hứng.

- 10 Nhân vật Truyền cảm hứng do cộng đồng độc giả bình chọn dựa trên các đề cử gửi đến cổng đề cử của WeChoice Awards 2023, thông qua website wechoice.vn.

- 5 Đại sứ Truyền cảm hứng là hạng mục duy nhất hoàn toàn do Hội đồng thẩm định - gồm những nhân vật có uy tín xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau bình chọn.

Những em bé của WeChoice Awards gieo niềm tin vào tình yêu thương, vào cổ tích giữa đời thường - Ảnh 24.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày