Những ký ức đau thương sau 10 năm vụ chìm phà thảm khốc tại Hàn Quốc

Vân Ánh, Theo VTV 14:10 16/04/2024

Sau 10 năm xảy ra thảm họa chìm phà Sewol ở Hàn Quốc, những ký ức đau thương vẫn còn đó với những người ở lại.

Hôm nay (16/4), Hàn Quốc kỷ niệm 10 năm thảm họa chìm phà Sewol khiến hơn 300 người thiệt mạng, trong đó phần lớn là học sinh một trường trung học. Đây là một trong những bi kịch kinh khủng nhất trong lịch sử Hàn Quốc.

Nhiều người vẫn còn nhớ những hình ảnh đầy đau thương khi chiếc phà với cấu trúc không ổn định, chở quá tải và di chuyển quá nhanh đã bị lật úp, kéo theo hàng trăm người xuống mặt nước. Nhiều em học sinh sống sót trong vụ chìm phà ở tuổi 17, năm nay đã 27 tuổi nhưng họ vẫn bị ám ảnh mỗi ngày 16/4 qua đi. Họ dùng những chiếc vòng tay với hình cá heo và dải ruy băng màu vàng hay những chiếc máy bay vàng để tưởng nhớ những nạn nhân. Sau 10 năm, những ký ức đau thương vẫn còn đó với những người ở lại.

Những ký ức đau thương sau 10 năm vụ chìm phà thảm khốc tại Hàn Quốc - Ảnh 1.

Du khách cúi đầu im lặng trước chiếc phà Sewol được trục vớt tại cảng ở Mokpo, tỉnh Nam Jeolla, ngày 16/4/2024 (Ảnh: AFP)

Hàn Quốc hoàn thành trục vớt chiếc phà Sewol nặng 6.825 tấn vào ngày 11/4/2017, gần 3 năm sau khi nó chìm khi đang trên đường tới đảo Jeju. Vào thời gian đó, chiếc phà vẫn nằm nghiêng ở độ sâu 44m và được đưa lên để tìm kiếm thi thể của 9 hành khách vẫn còn mất tích.

Chiếc phà khi gặp nạn chở 476 hành khách, trong đó có hơn 300 học sinh trường trung học Danwon. Trong tổng số 304 người thiệt mạng, 250 người là thiếu niên đang đi dã ngoại cùng trường, nhiều người trong số này đã tuân theo chỉ dẫn của thủy thủ đoàn ở trong cabin của mình ngay cả khi các thành viên thủy thủ đoàn đang chạy khỏi con tàu đang chìm.

Trong lễ kỷ niệm 10 năm vụ chìm phà Sewol, người dân và các nhóm dân sự Hàn Quốc đã tập trung tại thủ đô để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng. Ông Jung Sung-Wook - một người cha đã chạy ngay đến hiện trường cứu hộ trong nỗ lực tuyệt vọng để tìm con mình vào cái ngày khủng khiếp 10 năm trước - kể lại: "Khi tôi đến, những học sinh còn sống đều ở đó. Có một số người quản lý tại chỗ nhưng ở đó thực sự là địa ngục, ý tôi là sự hỗn loạn. Không ai bình tĩnh, bọn trẻ bị bỏ lại một mình chờ phụ huynh đưa về nhà".

Những ký ức đau thương sau 10 năm vụ chìm phà thảm khốc tại Hàn Quốc - Ảnh 2.

Hoa và dải ruy băng màu vàng được treo ở cổng chính của một cảng ở Mokpo, tỉnh Nam Jeolla, gần nơi chiếc phà Sewol được trục vớt (Ảnh: AFP)

Còn bà Lee Mi-kyung, người cũng có con trai nằm trong số 250 học sinh thiệt mạng, đã tìm được cách vượt qua nỗi đau của mình bằng cách tham gia một vở kịch, trong đó 7 bà mẹ có con thiệt mạng trong thảm kịch miêu tả câu chuyện đau buồn của họ.

Bà Lee Mi-Kyung chia sẻ: "Tôi sẽ không còn trốn trong bóng tối, không còn đau khổ, không khóc lóc trong tuyệt vọng. Tôi sẽ sống một cuộc sống tươi sáng và hạnh phúc hơn bất kỳ ai khác. Lắng nghe tiếng nói từ trái tim tôi truyền tải, tôi muốn mơ mỗi ngày cho chính tôi và sống cuộc sống mới mà con tôi đã mang lại cho tôi theo cách tuyệt vời nhất".

Những ký ức đau thương sau 10 năm vụ chìm phà thảm khốc tại Hàn Quốc - Ảnh 3.

Hình ảnh phà Sewol bị chìm 10 năm trước (Ảnh: Getty Images)

Những ký ức đau thương sau 10 năm vụ chìm phà thảm khốc tại Hàn Quốc - Ảnh 4.

Thân chiếc phà Sewol được trục vớt đặt tại cảng ở Mokpo, tỉnh Nam Jeolla (Ảnh: AFP)

Cảnh tượng phà Sewol chìm được truyền hình trực tiếp khiến cả Hàn Quốc choáng váng. Cấu trúc của phà Sewol đã bị sửa đổi trái phép và tàu còn chở quá tải. Các quy định về an toàn đã bị bỏ qua, tốc độ và tải trọng của phà đã khiến nó bị lật. Thuyền trưởng đang thụ án chung thân, các thành viên khác của thủy thủ đoàn cũng đang phải ngồi tù.