Những người mẹ này chính là bằng chứng sống cho tình thương con vô bờ trong phim Việt!

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 14/05/2017

Nhân Ngày của mẹ, hãy cùng nhìn lại những người mẹ nặng gánh lo toan trong phim Việt gần đây.

Mẹ là một tiếng gọi thiêng liêng, không chỉ đơn giản để miêu tả một mối liên hệ mà còn chất chứa trong đó sự yêu thương của kẻ làm con. Và những người mẹ, những câu chuyện xúc động về tình mẫu tử đã được khai thác nhiều trên phim ảnh suốt bao năm. Phim Việt Nam cũng không ngoại lệ khi mà có những người mẹ dù chỉ đóng vai rất nhỏ nhưng lại chiếm hết tình cảm yêu thương của khán giả.

Không chỉ là mẹ đẻ, mà cả mẹ chồng, mẹ kế cũng là những người mẹ. Những việc họ làm dù đôi khi hơi quá quắt nhưng chung quy cũng chỉ vì xuất phát từ tình thương của họ dành cho con mình. Nhân Ngày của mẹ, hãy nhìn lại những người mẹ khiến khán giả không thể nào quên trong thời gian qua.

Bà Phương: Bà mẹ chồng chua ngoa nhưng vẫn lo cho con dâu từng tí

Những người mẹ này chính là bằng chứng sống cho tình thương con vô bờ trong phim Việt! - Ảnh 1.

Hơi tréo ngoe khi đứng đầu danh sách "những người mẹ nhân Ngày của mẹ" lại là một bà mẹ chồng, lại còn là bà mẹ chồng gây ra bao nhiêu sóng gió trên màn ảnh suốt cả tháng qua. Nhưng chẳng có gì sai nếu những điều bà Phương làm đều có xuất phát điểm từ sự yêu thương.

Bạn vẫn chưa tin đúng không? Hãy nhớ lại xem từ ngày Vân về làm dâu nhà chồng đến nay đã phải đụng tay quán xuyến việc nhà ngày nào chưa? Chỉ có duy nhất một buổi sáng cô nấu món bún sườn chua cho cả nhà vì đêm qua bố mẹ chồng cãi nhau, sáng ra bà giận không màng bếp núc. Còn đâu những ngày còn lại, khi hai vợ chồng Vân hay ông Phương về đến nhà là đã nghe mùi cơm nóng thơm phưng phức, chén đũa bày sẵn gọn ghẽ trên bàn, còn người mẹ thì tất bật loay hoay cho bữa cơm chiều của gia đình bốn người.

Trích đoạn tập 10

Thậm chí, thấy Vân bị tai nạn xe cộ không tiện dùng tay, bà Phương còn đi bộ cả cây số để mua con gà ác về tiềm tẩm bổ cho con dâu. Hay khi chồng và con trai đều đi công tác, ở nhà chỉ còn hai mẹ con, bà Phương vẫn nhất định chờ Vân về cùng dùng bữa. Nhưng đến giờ vẫn không thấy con dâu về, bà cứ trông đứng trông ngồi. Ăn cơm một mình xong vẫn không dám lên phòng ngủ mà nằm đợi ở sofa. Vừa nghe tiếng con dâu về ngoài cửa là lật đật ra mở. Vừa thấy con dâu về đến là hỏi ngay có muốn ăn chưa để mẹ đi hâm đồ ăn lại.

Những người mẹ này chính là bằng chứng sống cho tình thương con vô bờ trong phim Việt! - Ảnh 3.

Những chuyện đó dù đôi lúc vẫn còn mang chút đỉnh sự cạnh khoé, hoặc được nói ra bằng những lời có xương nhưng nó xuất phát từ sự quan tâm rất bản năng của người làm mẹ, dù chỉ là mẹ chồng. Hay như chuyện cứ mỗi ngày bà Phương lại lên phòng con dâu dọn đồ dơ mang giặt cũng vậy. Chuyện này có thể làm cho những người tân tiến như Vân cảm thấy bị xúc phạm quyền riêng tư, nhưng âu cũng chỉ vì mẹ chồng muốn nhà cửa gọn gàng ngăn nắp mà thôi. Mà đã là mẹ con, thì bớt riêng tư một chút vẫn thoải mái hơn mà.

Hay cả khi bà Phương bắt Vân phải trả lại chiếc túi Vân tặng bà cho cửa hàng vì quá đắt cũng vậy, không phải vì cố tình làm con dâu muối mặt mà chỉ bởi vì đối với bà, chiếc túi ấy... thật sự đắt! Bản tính bà Phương lại tiết kiệm, mọi chuyện đều tiết kiệm, với cả con trai, cả chồng chứ đâu riêng gì con dâu.

Biết rằng sống chung với mẹ chồng rất khó nhưng Vân ơi, mẹ chồng thì cũng là người đã sinh ra người đàn ông mình thương, cố gắng hiểu bà một chút thì sẽ thấy thương thôi mà. Hôm nay Ngày của mẹ, phim lại không phát sóng nên hãy tranh thủ làm lành với mẹ chồng đi nhé.

Bà Bằng: Người mẹ gia giáo và thương con hết mực

Những người mẹ này chính là bằng chứng sống cho tình thương con vô bờ trong phim Việt! - Ảnh 4.

Nói Vân là người sướng nhất trong Sống chung với mẹ chồng thì cũng chẳng có gì sai. Vì cô có đến tận hai người mẹ quan tâm mình từng tí, từ hồi con gái đến khi làm dâu Vân chả bao giờ phải mệt mỏi vì chuyện cơm nước nhà cửa. Nếu mẹ chồng lo cho đến tận chén cơm, giặt đến từng chiếc áo... ngực thì mẹ đẻ của Vân ở quê, bà Bằng, cũng chưa từng để cô chịu khổ.

Qua cách nói chuyện đã biết bà Bằng là người rất ôn tồn, nho nhã và hiền lành. Từ lúc gặp thông gia đến những lần Vân gọi về nhà, bà Bằng chưa từng kể khổ chuyện trong gia đình, hay xuôi con về quê thăm bố mẹ. Ngược lại, bà Bằng lúc nào cũng dặn con mình phải hiếu thuận với mẹ chồng, không được cãi lại, không được so đo.

Những chuyện đó không phải vì bà Bằng gả con đi xong là đứt gánh, mà còn bởi bà phải mang trọng trách dạy con cho gia đình chồng mình. Nếu lỡ mà con làm điều mang tiếng thì không chỉ bên sui gia mà cả gia đình chồng sẽ nhìn mình như thế nào. Làm mẹ khó lắm chứ, thương là một chuyện mà dạy con còn là chuyện lớn hơn. Thế nên nhiều khi nhớ Vân lắm, muốn gặp Vân đến mấy thì cũng đành nén vào lòng chứ nào dám than thở. Để rồi khi mỗi lần Vân về thăm nhà lại nấu nướng bao nhiêu là món, chỉ để bù đắp lại cho con gái những ngày sống xa vòng tay mẹ, làm con nhà người ta.

Những người mẹ này chính là bằng chứng sống cho tình thương con vô bờ trong phim Việt! - Ảnh 6.

Ở nhà bao năm Vân chẳng rửa giúp mẹ được một cái chén, nhưng bà Bằng cũng có bao giờ nề hà. Vậy mà Vân vừa lấy chồng bà đã luôn miệng dặn phải trọn đạo làm dâu. Tất cả cũng vì thương con, không muốn con lười biếng mà bị nhà chồng khó dễ. Gả con đi nào có sung sướng gì, thà nó ở với mình thì còn chăm cho được miếng ăn, nó sai chỗ nào thì dạy chỗ đó.

Nhưng đã theo chồng rồi thì muốn dạy cũng chẳng dạy được, rồi cứ phải nơm nớp lo sợ con làm người ta không vui. Bao nhiêu gánh nặng trên vai mẹ chẳng quản nhọc nhằn, nhưng thương con làm dâu nhà người thì mãi mãi mẹ vẫn khó lòng buông xuôi. Những nỗi niềm này, nếu không phải là mẹ, thì có ai hiểu thấu?

Bà Điều: Nỗi uất nghẹn nuốt vào trong và gánh nặng về đứa cháu đích tôn

Những người mẹ này chính là bằng chứng sống cho tình thương con vô bờ trong phim Việt! - Ảnh 7.

Trong Sống chung với mẹ chồng, vẫn còn một bà mẹ nữa khiến người xem cứ nặng lòng. Chính là bà Điều, mẹ chồng của Trang. Xung đột giữa bà với con dâu không ầm ĩ như bà Phương và Vân mà ngược lại, nó âm ỉ và dày đặc những uất ức khó giải bày của cả hai.

Bà Điều là người ở quê, Tùng lại là con trai trưởng trong nhà nên tất nhiên gánh nặng mà dòng họ đè lên vai bà chính là một đứa cháu trai. Ngay khi biết tin Trang có bầu, khỏi nói bà Điều vừa mừng vừa lo như thế nào. Cháu nào thì chẳng là cháu, nhưng chỉ những người từng làm dâu ở quê mới hiểu cái gánh nặng mang tên "cháu đích tôn" nó nặng nề dữ lắm.

Mọi việc bà Điều làm với Trang đều cốt chỉ mong cô thật khoẻ mạnh rồi sinh ra một đứa con mạnh khoẻ. Bà không quản ngại bỏ quên lên Hà Nội, thay con dâu con trai quán xuyến việc nhà, lo cho con dâu ăn một ngày 4, 5 cữ cũng chỉ vì muốn Trang thật thoải mái. Nhưng đổi lại, thứ bà nhận lại luôn là khoảng cách chẳng thể xoá nhòa giữa mình và con dâu.

Những người mẹ này chính là bằng chứng sống cho tình thương con vô bờ trong phim Việt! - Ảnh 8.

Chỉ vì định kiến có sẵn trong đầu, vì những lời bình phẩm về dáng vóc ngày đầu ra mắt gia đình chồng mà Trang mãi mãi chẳng muốn chung sống với mẹ chồng. Biết được con dâu chẳng cần có mình hiện hữu trong nhà, rằng chính mình là nguyên nhân khiến hai vợ chồng cãi nhau, thử hỏi ai mà không chua xót!?

"Thà là thuê người ở, còn được mắng chửi. Đằng này, nhịn như nhịn cơm sống sao mà chịu cho nổi!?", vô tình nghe được Trang nói đó, bà Điều không khỏi đau lòng. Hoá ra mọi thứ mình làm vì con dâu lại trở thành sự phiền hà. Nhưng bà cũng nào có mách lại với ai, chỉ lẳng lặng dọn đồ về quê, trả lại cho con dâu sự yên bình mà cô nàng luôn mong muốn.

Có thể nói mối liên hệ giữa Trang và bà Điều rất khó để diễn tả, vì hai người luôn tránh những sự tiếp xúc với nhau. Nhưng sự quan tâm, trách nhiệm cũng như những uất nghẹn mà bà Điều đang mang thì ai cũng có thể nhìn thấy. Ngay cả khi biết được sau này bà sẽ gây ra cho Trang một việc kinh khủng nhưng khán giả vẫn luôn cảm thấy thương xót trước người mẹ bình dị, nhiều nỗi niềm.

Mẹ Cám: Bà mẹ với những nỗi đau chưa kể

Những người mẹ này chính là bằng chứng sống cho tình thương con vô bờ trong phim Việt! - Ảnh 10.

Chỉ là một phiên bản phim parody, nhưng Tấm Cám - Chuyện Huỳnh Lập kể lại đưa ra được một góc nhìn thú vị về câu chuyện đời của nhân vật được người ta gọi là "mẹ Cám".

Phải, đến cả cái tên của riêng mình, mẹ Cám cũng không có. Người ta gọi bà là mẹ Cám, là dì ghẻ của Tấm, làm mọi điều tàn ác để con gái mình được làm hoàng hậu. Tức là từ bản thân câu chuyện gốc, mẹ Cám đã là một người mẹ thương con. Bà thương đứa con mất cha nên chiều chuộng hết mực để rồi bị người đời quy chụp là mang tiếng ác.

Đối với nhiều người, mẹ ghẻ tức là mẹ ác. Nhận thức này ăn sâu vào tâm trí nhân loại suốt nhiều thế hệ, chỉ để lôi ra sự ác cảm của những người mẹ phải nuôi con chồng. Nhưng có bao giờ chúng ta thử nghĩ rằng chính những định kiến đó đã khiến cho mọi bà mẹ ghẻ trên đời phải đóng vai ác hay chưa? Chính là trường hợp của mẹ Cám của Huỳnh Lập đã kể.

Những người mẹ này chính là bằng chứng sống cho tình thương con vô bờ trong phim Việt! - Ảnh 11.

Từng là một cô gái ngây thơ như bất cứ người con gái nào, nhưng rồi bao biến cố xảy ra mà phải một mình cưu mang hai đứa con gái, trong đó có con riêng của chồng. Với một hoàn cảnh "nhạy cảm" như vậy, khó lòng mà miệng lưỡi thế gian để yên được. Thế là bao nhiêu sự gièm pha, chỉ trích xôn xao ngoài cửa nhà. Để rồi chính trong những lời lẽ gai góc đó, mẹ Cám lạc lối và thực sự trở thành một người mẹ ác.

Sự chiến thắng của người đời trong việc "ác hoá" một bà mẹ kế đã khiến chúng ta hả hê vì kiểu suy nghĩ áp đặt, nhưng nào biết được trong bóng tối của sự cô độc, người mẹ đó luôn tự vấn về bản thân. Nhân vật cô thôn nữ đi lạc và người đàn bà luôn miệng chửi bới mẹ Cám chính là những hình ảnh rất dụ rất tuyệt vời cho sự rối ren trong tâm trí của nhân vật này.

Với những người mẹ kế, thứ thử thách họ trải qua chính là sự ác cảm và áp đặt của người đời, đôi khi là của chính họ. Nhưng sau tất cả, họ vẫn là một người mẹ. Có ác thì cũng vì tình thương cho con mình. Có độc cũng vì tương lai của con mà thôi.

Bà Tư: Một đời chờ con trong nỗi đau canh cánh

Những người mẹ này chính là bằng chứng sống cho tình thương con vô bờ trong phim Việt! - Ảnh 12.

Có căn nhà nằm nghe nắng mưa là một phim đánh thẳng vào tình mẫu tử, về tình thương con vô điều kiện mà đôi lúc sẽ dẫn đến những bi kịch. Câu chuyện của bà Tư và Nam đã để lại những đau buồn dằng dặc pha lẫn khối tình cảm nồng ấm của tình mẹ thương con, khiến người xem bước ra khỏi rạp chiếu vẫn thấy lòng dạ như thắt lại.

Vụ án mạng ngày hôm đó cứ như thể cả bầu trời đổ sập xuống trước mặt mẹ, khi mà đứa con ngoan ngoãn của mẹ lại bị vu là kẻ sát nhân. Nhìn con rung sợ nép bên giường, sự hoảng loạn hiện rõ trên đôi mắt, mẹ làm sao không đau? Nam nói mình không giết Vũ nhưng cũng chẳng nhớ chuyện gì đã xảy ra, chỉ còn biết ôm mẹ và khóc. Bà Tư lúc đó chính là chỗ dựa duy nhất của Nam, là nơi để cậu có thể an tâm trốn vào và hoảng sợ khi cả thế giới ngoài kia đang muốn định tội mình. Là một người mẹ, có lẽ bà Tư chẳng thể làm khác hơn.

Bà Tư biểu con trốn đi để rồi cả cuộc đời sau chẳng cách nào gặp lại con mình. Sống trong nỗi giày vò vì mình đã bắt con nói dối, đau khổ đến quay quắt, bà Tư như một bóng ma già xọp trong ánh đèn màu đỏ hắt ra từ bàn thờ. Từ một bà mẹ hạnh phúc có đứa con ngoan, là vợ của tổ trưởng tổ dân phố, bà Tư trở thành một nỗi đau được đong đếm bằng thời gian cùng lòng thương con vô bờ.

Những người mẹ này chính là bằng chứng sống cho tình thương con vô bờ trong phim Việt! - Ảnh 13.

Khi Nam trở về nhưng với một nhân dạng khác, gọi bà Tư một tiếng "mẹ", sà vào lòng bà rồi khóc, chúng ta cảm nhận được tình mẫu tử giữa họ rất rõ ràng, hiển hiện như một thứ vật chất hữu hình.

"Mẹ dạy con không được nói dối, vậy mà mẹ lại biểu con trốn đi, mẹ xin lỗi con"

"Mẹ ơi, con không giận mẹ đâu"

Con à, dù con có tha thứ cho mẹ hay không thì cả cuộc đời mẹ vẫn chỉ biết thương con. Nghe được hai tiếng "mẹ ơi" là lòng mẹ đã nguôi ngoai lắm rồi. Chẳng cần ai phải nói ra, người ta vẫn hiểu bà Tư thương con đến thế nào.

Nói hoa mỹ một chút thì mẹ chính là một nhân vật tuyệt vời trong quyển sách được viết bằng chuyện đời của chúng ta. Mẹ đẻ, mẹ chồng hay mẹ kế đều vẫn là những người mà chúng ta gọi bằng tiếng "mẹ". Thế nên, chỉ trong ngày hôm nay cũng được, dẹp bớt những hiềm khích hay những điều khó chịu sang một bên, dắt mẹ đi xem một bộ phim, có khi lại mở ra một chương mới trong đời không chừng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày